Hình thức góp vốn bằng nhãn hiệu

Một phần của tài liệu Pháp luật về góp vốn bằng nhãn hiệu (Trang 73 - 78)

đưa quyền tài sản đối với nhãn hiệu vào công ty. Dưới góc độ là tài sản, chủ sở hữu nhãn hiệu hoàn toàn có thể dùng quyền sở hữu của mình để tham gia vào giao dịch góp vốn. Trên phương diện đó, việc góp vốn bằng nhãn hiệu giống với việc góp vốn bằng quyền sở hữu tài sản, hay có thể gọi hình thức góp vốn này là hình thức góp vốn bằng quyền sở hữu.

Hình thức góp vốn bằng quyền sở hữu là hình thức góp vốn được sử dụng phổ biến nhất và được pháp luật của các nước trên thế giới công nhận. Tại Việt Nam, hình thức góp vốn bằng quyền sở hữu được ghi nhận trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp, cụ thể là quy định tại Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn. Việc chuyển quyền sở hữu tài sản nói chung, chuyển quyền sở hữu đối với nhãn hiệu nói riêng từ bên góp vốn sang bên nhận góp vốn chính là đặc trưng của hình thức góp vốn này. Sau khi hoàn tất thủ tục góp vốn, giá trị quyền tài sản đối với nhãn hiệu của bên góp vốn sẽ hình thành nên cổ phần hoặc phần vốn góp của bên góp vốn trong công ty nhận góp vốn, tùy vào loại hình công ty. Bên góp vốn sẽ được trao cho các quyền và có những nghĩa vụ với tư cách là đồng chủ sở hữu (thành viên hoặc cổ đông) hoặc chủ sở hữu của công ty nhận vốn góp và các quyền và nghĩa vụ này sẽ tồn tại kéo dài cho đến khi công ty đó chấm dứt hoạt động hoặc khi bên góp vốn rút vốn ra khỏi công ty.

Khi thực hiện góp vốn bằng nhãn hiệu trên phương diện quyền sở hữu tài sản, thì tương tự như hoạt động chuyển nhượng nhãn hiệu, bên góp vốn được ví như người bán, và công ty nhận góp vốn được ví như người mua5, tức là bên góp vốn sẽ đảm bảo với công ty nhận góp vốn dưới hình thức như sự đảm bảo của bên bán đối với bên mua. Bên góp vốn sẽ mất quyền sở hữu quyền tài sản đối với nhãn hiệu và công ty nhận góp vốn sẽ trở thành chủ sở

hữu mới và nhận được toàn bộ các độc quyền mà pháp luật trao cho chủ sở hữu nhãn hiệu đó. Tuy nhiên, hoạt động góp vốn bằng nhãn hiệu dưới hình thức này vẫn có những điểm khác với hoạt động chuyển nhượng nhãn hiệu:

Một là, dù sau khi hoàn tất các thủ tục góp vốn, quyền tài sản đối với nhãn hiệu sẽ thuộc về công ty nhận góp vốn, nhưng xét ở khía cạnh nào đó, bên góp vốn bằng nhãn hiệu vẫn được xem như gián tiếp sở hữu nhãn hiệu mà mình đã góp vào công ty bởi lúc này bên góp vốn đã trở thành chủ sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu của công ty. Họ vẫn có quyền sử dụng và định đoạt đối với nhãn hiệu đó thông qua việc tham gia quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Tuy nhiên các quyền này không còn là trọn vẹn như lúc bên góp vốn còn là chủ sở hữu quyền vì việc quyết định sử dụng, khai thác hay định đoạt nhãn hiệu này còn phải chịu sự chi phối và kiểm soát từ các thành viên/cổ đông khác của công ty. Trong khi đó, đối với hoạt động chuyển nhượng nhãn hiệu, bên chuyển nhượng sẽ nhận lại được một lợi ích nhất định nào đó (có thể bằng tiền hoặc là lợi ích vật chất, tùy theo thỏa thuận của các bên) từ bên nhận chuyển nhượng nhãn hiệu cho việc chuyển nhượng nhãn hiệu đó, nghĩa là quyền sở hữu của bên chuyển nhượng sẽ biến thành lợi ích (bằng tiền hoặc vật chất) và khi hoàn tất việc chuyển nhượng, bên chuyển nhượng sẽ mất đi toàn bộ quyền của chủ sở hữu đối với quyền tài sản đối với nhãn hiệu, không thể tiếp tục khai thác, sử dụng hay định đoạt các đối tượng này.

Hai là, đối với hoạt động chuyển nhượng, sau khi đã nhận đủ các lợi

ích theo cam kết trong hợp đồng từ bên nhận chuyển nhượng thì có thể coi như bên chuyển nhượng đã khai thác một cách có hiệu quả nhãn hiệu, thể hiện bằng khoản lợi nhận được. Còn đối với hoạt động góp vốn, việc khai thác có hiệu quả nhãn hiệu hay không còn phụ thuộc vào việc công ty nhận góp vốn khai thác, sử dụng nhãn hiệu như thế nào. Nếu công ty khai thác không hiệu

quả hay hoạt động kinh doanh không tốt, dẫn đến huề vốn hay trầm trọng hơn là thua lỗ, bên góp vốn sẽ không thu được lợi ích nào từ công ty nhận góp vốn mà vẫn mất đi quyền sở hữu tài sản của mình, trong khi đối với hoạt động chuyển nhượng, dù mất đi quyền sở hữu tài sản nhưng bên chuyển nhượng không bị xem là “mất trắng” như hoạt động góp vốn vì đã nắm chắc trong tay khoản lợi từ việc chuyển nhượng nhãn hiệu.

2.5.2. Hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu

Như đã phân tích ở trên, với những lợi ích to lớn đem lại từ việc khai thác, sử dụng nhãn hiệu đã làm cho quyền tài sản đối với nhãn hiệu trở thành một đối tượng giá trị của các giao dịch, trong đó có góp vốn. Chủ sở hữu có thể tiến hành việc góp vốn bằng nhãn hiệu trên phương diện quyền sử dụng tài sản. Với cách tiếp cận này, hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng được hình thành.

Với hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng, thì bên góp vốn được ví như bên cho thuê và doanh nghiệp nhận góp vốn được ví như bên thuê trong quan hệ cho thuê tài sản6, bên góp vốn sẽ chỉ chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu cho công ty nhận góp vốn để công ty sử dụng và khai thác nhãn hiệu thuộc phạm vi quyền sử dụng của bên góp vốn trong một khoảng thời gian nhất định. Quyền định đoạt đối với nhãn hiệu vẫn thuộc sở hữu của bên góp vốn nên bên góp vốn vẫn có thể thực hiện các quyền khác của chủ sở hữu như thế chấp, để lại thừa kế, tặng cho nhãn hiệu. Hết thời hạn góp vốn đã thỏa thuận, bên góp vốn sẽ thu hồi lại quyền sử dụng nhãn hiệu đã góp vốn vào doanh nghiệp. Thời hạn góp vốn cũng không được vượt quá thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu.

Mặc dù, góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu và hoạt động cho thuê, cụ thể là hoạt động chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có điểm tương đồng,

song hai hình thức này cũng có điểm khác biệt. Với hoạt động góp vốn, bên góp vốn được hưởng lợi ích theo sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng góp vốn và tỷ lệ tương ứng theo phần góp vốn mà không cố định bằng một khoản tiền thuê như trong quan hệ cho thuê. Từ đó, quan hệ giữa bên góp vốn và công ty nhận góp vốn cũng gắn bó chặt chẽ hơn so với quan hệ giữa bên thuê và bên cho thuê.

Hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng là một hình thức góp vốn đặc thù chỉ áp dụng cho tài sản vô hình như QSHTT hay quyền sử dụng đất. Bởi lẽ đối với tài sản là các vật hữu hình, quyền sở hữu được xem là vật quyền thống trị đối với vật7

nên khi góp vốn vào công ty bằng các tài sản hữu hình, pháp luật quy định bên góp vốn phải chuyển giao quyền sở hữu của mình cho công ty nhận góp vốn, để công ty có toàn quyền đối với vật đó trong việc loại trừ những người khác chiếm hữu, sử dụng, thu lợi và định đoạt đối với vật. Còn đối với nhãn hiệu, quyền ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu là quyền năng quan trọng nhất của chủ sở hữu. Chỉ cần nắm trong tay quyền này, chủ sở hữu đã có thể độc quyền khai thác giá trị kinh tế của nhãn hiệu. Do đó, đối với nhãn hiệu nới riêng, hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng dường như là phù hợp hơn so với các tài sản hữu hình.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hình thức góp vốn bằng quyền sở hữu đối với nhãn hiệu vẫn được áp dụng do nhu cầu của bên nhận góp vốn muốn nắm trong tay trọn vẹn quyền tài sản đối với nhãn hiệu, đặc biệt là quyền ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu để có thể tự do sử dụng, khai thác loại tài sản này một cách độc quyền, làm nguồn vốn đầu tư thu lợi nhuận. Do đó, tùy từng trường hợp cụ thể và phụ thuộc vào nhu cầu của mình mà các bên quyết định hình thức góp vốn bằng nhãn hiệu sao cho phù hợp.

Một phần của tài liệu Pháp luật về góp vốn bằng nhãn hiệu (Trang 73 - 78)