6. Kết cấu luận văn
2.2.1. Sản phẩm, khách hàng
2.2.1.1. Sản phẩm cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hiện tại, ngân hàng Vietinbank – CN Đông Hải Dương đã và đang cung cấp sản phẩm đa dạng phù hợp với từng nhu cầu của từng đối tượng khách hàng SMEs.
- Cho vay ngắn hạn thông thường: Là sản phẩm cho vay bổ sung vốn lưu động phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đặc điểm: đối tượng cho vay là các khách hàng SMEs thanh toán các chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp theo quy định của pháp luật. Với sản phẩm này, ngân hàng cung cấp cho khách hàng 02 phương thức cho vay là cho vay từng lần và cho vay theo hạn mức với thời hạn tối đa là 12 tháng.
- Cho vay trung dài hạn thông thường: Là sản phẩm tài trợ nhu cầu vốn đầu tư trung, dài hạn cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đặc điểm: đối tượng cho vay là các khách hàng SMEs thanh toán chi phí đầu tư tài sản cố định như mua sắm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, xây dựng nhà xưởng, văn phòng…
- Cho vay đầu tư tài sản cố định gián tiếp: ngân hàng Vietinbank – CN Đông Hải Dương đáp ứng linh hoạt các nhu cầu đầu tư tài sản cố định của doanh nghiệp và tổ chức hành chính sự nghiệp có thu để phục vụ mục đích đầu tư kinh doanh.
Đặc điểm: đối tượng cho vay là các khách hàng SMEs có nhu cầu thanh toán TSCĐ hữu hình có nguyên giá đến mười lăm (15) tỷ đồng, không trực tiếp tạo ra doanh thu (hoặc có tạo ra doanh thu nhưng khó bóc tách, tính toán chính xác được doanh thu đem lại từ việc đầu tư tài sản đó) và được khách hàng đầu tư, mua sắm độc lập với Dự án đầu tư mới/Dự án đầu tư mở rộng.
- Cho vay thấu chi doanh nghiệp: Là sản phẩm cho vay bổ sung vốn lưu động,
đáp ứng nhu cầu đột xuất của doanh nghiệp để bù đắp thiếu hụt vốn kinh doanh tạm thời, theo đó, khách hàng được tiêu vượt số tiền (dư có) trên tài khoản tiền gửi thanh toán mở tại Vietinbank.
Đặc điểm: khách hàng SMEs có tài khoản tiền gửi thanh toán VND tại Vietinbank, đáp ứng tiêu chí về tình hình tài chính và uy tín thanh toán.
Ngoài ra, ngân hàng Vietinbank – CN Đông Hải Dương còn cung cấp các gói sản phẩm, chương trình ưu đãi đối với từng đối tượng khách hàng cụ thể, như sau:
- Cấp tín dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ
- Sản phẩm tài trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ - Sản phẩm tài trợ doanh nghiệp cung ứng
- Sản phẩm tài trợ đại lý và khách hàng SMEs mua xe ô tô - Sản phẩm cấp tín dụng không có TSBĐ đối với SMEs
2.2.1.2. Khách hàng
Các SMEs có quan hệ tín dụng với chi nhánh hoạt động trong rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Trong đó, chiếm đông đảo nhất là các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực ngành nghề dịch vụ (76%), tiếp đến là ngành công nghiệp và xây dựng (22,49%), cuối cùng là nông lâm ngư nghiệp (1,46%).
Hình 2.2: Cơ cấu SMEs có quan hệ tín dụng với chi nhánh theo ngành nghề kinh doanh năm 2020
1% 23%
76%
Dịch vụ
Do đại đa số các SMEs có quan hệ tín dụng với chi nhánh đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp nên tập trung chủ yếu ở các trọng điểm kinh tế, nơi có hoạt động giao thương đông đúc của thành phố như các khu công nghiệp, quanh đường quốc lộ. Các SMEs này đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động của thành phố mỗi năm với mức tăng trung bình trên 9%/năm, góp phần giải quyết việc làm cho 25 – 26% lực lượng lao động toàn TX Kinh Môn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Hải Dương là tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, giảm dần sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp.
Nhìn chung, SMEs có quan hệ tín dụng với chi nhánh đều được đánh giá là năng động và thích ứng nhanh với những thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, đặc điểm chung của các doanh nghiệp SMEs trên địa bàn đều hạn chế cả về nguồn vốn và trình độ quản lý điều hành, quy mô sản xuất nhỏ, trình độ quản lý điều hành còn hạn chế, hệ thống báo cáo chưa thực sự minh bạch và đầy đủ, hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, khó tiếp cận vốn ngân hàng, máy móc thiết bị lạc hậu, khó tiếp cận thông tin. Điều này đem lại rủi ro cho Chi nhánh. Chi nhánh khó có thể thu hồi vốn tín dụng nếu doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả. Việc cấp vốn chủ yếu cho các SMEs trong ngành công nghiệp – xây dựng và thương mại - dịch vụ giúp hạn chế rủi ro cho chi nhánh do các doanh nghiệp này có tỷ lệ rủi ro thấp hơn so với các SMEs trong ngành nông – lâm – thủy sản.
2.2.2. Quy trình cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa
Quy trình cho vay khách hàng SMEs là các bước mô tả công việc của ngân hàng từ khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn của một khách hàng cho đến khi quyết định cho vay, giải ngân thu nợ và thanh lý hợp đồng cho vay. Quy trình cho vay khách hàng SMEs tại Vietinbank – CN Đông Hải Dương hiện đang áp dụng chung với quy trình cho vay nói chung, giống với các đối tượng khách hàng doanh nghiệp lớn. Cụ thể như sau:
Tiếp thị khách hàng
Giám sát kiểm soát sau giải ngân
Thu nợ lãi, phí Thẩm định rủi ro Giải ngân Xử lý trường hợp phát sinh nợ quá hạn Phê duyệt cấp TD Các thủ tục thực hiện sau phê duyệt Thanh lý hợp đồng
Hình 2.2. Quy trình cho vay khách hàng SMEs
(Nguồn: Phòng tín dụng Vietinbank – CN Đông Hải Dương)
Bước 1: Tiếp thị khách hàng, lập Báo cáo đề xuất tín dụng và phê duyệt đề xuất tín dụng
- Tiếp thị, nhận hồ sơ: Cán bộ quản lý khách hàng tiếp thị, tiếp nhận nhu cầu của khách hàng, hướng dẫn khách hàng lập Hồ sơ tín dụng gồm: (i) Giấy đề nghị tín dụng; (ii) Hồ sơ pháp lý của khách hàng; (iii) Hồ sơ về tình hình tài chính của khách hàng; (iv) Hồ sơ về dự án, phương án tín dụng; (v) Hồ sơ bảo đảm tiền vay.
- Cán bộ quản lý khách hàng thực hiện đánh giá chung về khách hàng, về tình hình tài chính của khách hàng; lập Báo cáo đề xuất tín dụng;
- Phê duyệt đề xuất tín dụng: căn cứ thẩm quyền được giao, Trưởng Phòng giao dịch/Phó Giám đốc phụ trách Khối quản lý khách hàng phê duyệt đề xuất tín dụng. Trường hợp vượt thẩm quyền của Chi nhánh: trình Hội sở chính (Ban Quản lý rủi ro tín dụng đầu mối) sau khi đã được Giám đốc Chi nhánh phê duyệt đồng ý.
Bước 2: Thẩm định rủi ro
Phòng quản lý rủi ro tiếp nhận Báo cáo đề xuất tín dụng và Hồ sơ tín dụng từ Phòng quản lý khách hàng và Phòng Giao dịch, thẩm định rủi ro và lập Báo cáo thẩm định rủi ro trình cấp có thẩm quyền phê duyệt rủi ro tại Chi nhánh (Phó Giám đốc Quản lý rủi ro, Giám đốc Chi nhánh, Hội đồng tín dụng cơ sở).
Bước 3: Phê duyệt cấp tín dụng
- Trường hợp cấp tín dụng không qua thẩm định rủi ro: Phó Giám đốc Quản lý khách hàng/cấp có thẩm quyền ký phê duyệt đồng ý cấp tín dụng.
Trường hợp khách hàng có nhu cầu tín dụng thuộc thẩm quyền phê duyệt tín dụng của Lãnh đạo Phòng Giao dịch thì Lãnh đạo Phòng Giao dịch ký phê duyệt đồng ý cấp tín dụng trên Báo cáo đề xuất tín dụng.
- Trường hợp cấp tín dụng qua thẩm định rủi ro: đồng thời được Phó Giám đốc Quản lý khách hàng phê duyệt Báo cáo đề xuất tín dụng và Giám đốc/Phó Giám đốc Quản lý rủi ro phê duyệt Báo cáo thẩm định rủi ro.
- Đối với khoản tín dụng thuộc thẩm quyền phê duyệt rủi ro của Hội đồng tín dụng cơ sở: Cán bộ quản lý rủi ro gửi Hồ sơ cho các thành viên Hội đồng tín dụng cơ sở để xem xét, quyết định.
- Trường hợp ý kiến phê duyệt đề xuất tín dụng khác biệt với ý kiến phê duyệt rủi ro thì Phó Giám đốc Quản lý rủi ro phải trao đổi trực tiếp với Phó Giám đốc Quản lý khách hàng để đi đến thống nhất. Trong trường hợp không thống nhất được, Giám đốc Chi nhánh xem xét để đưa ra quyết định cuối cùng.
Bước 4. Các thủ tục thực hiện sau phê duyệt
- Soạn thảo Quyết định cấp tín dụng: Trường hợp cấp tín dụng phải qua thẩm định rủi ro, bộ phận quản lý rủi ro chịu trách nhiệm soạn thảo Quyết định cấp tín dụng. Trường hợp cấp tín dụng không phải qua thẩm định rủi ro, Báo cáo đề xuất tín dụng có ký duyệt đồng ý của cấp có thẩm quyền là Quyết định cấp tín dụng.
- Cán bộ quản lý khách hàng thông báo cho khách hàng, soạn thảo, ký kết Hợp đồng, tăng cường các thủ tục khác (đăng ký giao dịch đảm bảm, công chứng, ...).
Bước 5: Giải ngân
- Bộ phận quản lý khách hàng tiếp nhận hồ sơ giải ngân, kiểm tra mục đích, điều kiện giải ngân, hạn mức tín dụng và lập đề xuất giải ngân (hồ sơ giải ngân). - Trình duyệt giải ngân: Bộ phận quản trị tín dụng kiểm tra tính đầy đủ, hợp lý của hồ sơ giải ngân, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Thực hiện giải ngân và lưu trữ hồ sơ.
Bước 6: Giám sát và kiểm soát sau giải ngân
- Bộ phận quản lý khách hàng theo dõi quá trình giải ngân; thực hiện phân loại nợ; đánh giá lại tài sản bảo đảm; thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro; đôn đốc khách hàng trả nợ; chịu trách nhiệm đề xuất các phương án xử lý và trực tiếp xử lý các khoản nợ xấu.
- Bộ phận quản lý rủi ro: phối hợp với Bộ phận quản lý khách hàng phát hiện kịp thời các dấu hiệu rủi ro, đề xuất các biện pháp xử lý.
- Bộ phận quản trị tín dụng: Định kỳ hàng tháng lập thông báo danh sách các khoản nợ đến hạn, danh sách các khoản vay điều chỉnh lãi suất gửi Bộ phận quản lý khách hàng để đôn đốc khách hàng trả nợ gốc và lãi đúng hạn; Thực hiện tính toán trích lập dự phòng; Quản lý, lưu trữ các hồ sơ tín dụng theo quy định.
Bước 7: Thu nợ lãi, phí
- Bộ phận quản lý khách hàng: thông báo và đôn đốc khách hàng trả nợ. - Bộ phận quản trị tín dụng: Kiểm tra đối chiếu số nợ gốc, lãi, phí, phí trả nợ trước hạn (nếu có) chuyển Bộ phận giao dịch khách hàng thực hiện thu nợ;
Bước 8: Xử lý trường hợp phát sinh nợ quá hạn
- Bộ phận quản lý khách hàng: Thông báo bằng văn bản cho khách hàng; Rà soát phân tích nguyên nhân nợ quá hạn; Đề xuất phương án xử lý.
- Bộ phận quản lý rủi ro: Phối hợp cán bộ quản lý khách hàng rà soát, phân tích nguyên nhân và đề xuất các biện pháp xử lý nợ quá hạn; Giám sát Bộ phận quản lý khách hàng trong quá trình thực hiện các biện pháp xử lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Bộ phận quản trị tín dụng: Thường xuyên thông báo về trạng thái nợ quá hạn của khách hàng cho Bộ phận quản lý khách hàng.
- Bộ phận giao dịch khách hàng: thực hiện các bút toán thu nợ quá hạn theo chỉ thị của bộ phận quản lý khách hàng.
Bước 9: Thanh lý hợp đồng
- Khi khách hàng đã trả hết nợ gốc, lãi, phí, Bộ phận quản lý khách hàng phối hợp với Bộ phận quản trị tín dụng, giao dịch khách hàng thực hiện đối chiếu kiểm tra lại số tiền thu nợ gốc, lãi, phí… để tất toán hồ sơ tín dụng, giải chấp các hợp đồng bảo đảm, thanh lý các Hợp đồng (nếu có).
- Bộ phận quản trị tín dụng lưu hồ sơ tín dụng đã tất toán theo quy định.