Mặc dù sau khi rà soát và lựa chọn ý tưởng kinh doanh ở mục trên, người khởi sự đã có thể đánh giá và sắp xếp thứ tự các ý tưởng. Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh giúp cho họ xác định được nên thực sự bắt đầu từ đâu. Kế hoạch kinh doanh càng được phân tích kỹ lưỡng từng chi tiết thì càng được hiểu rõ. Điều này giúp cho người khởi sự hạn chế phải đương đầu với những yếu tố bất ngờ, từ đó, sự thoái trào và thiếu sót càng giảm.
Kế hoạch kinh doanh giúp người khởi sự hình dung được cuộc hành trình trước khi thực sự tiến hành khởi sự. Kế hoạch kinh doanh nhận diện các câu hỏi: Ai? Ở đâu? Khi nào? Cái gì? Tại sao? và Như thế nào? (5W+H) đối với các vấn đề của dự án khởi sự. Kế hoạch có thể chỉ ra cần bao nhiêu tiền cho dự án, điểm hòa vốn ở đâu và có nhiều đối thủ cạnh tranh hay không. Việc phát triển kế hoạch kinh doanh thúc đẩy người khởi sự cân nhắc trước khi thực sự bước vào con đường kinh doanh, trở thành doanh nhân, làm việc cho mình và chịu trách nhiệm cả với tương lai của người khác.
Kế hoạch kinh doanh phản ánh khả năng quản lý của người hoặc nhớm người khởi sự. Nếu không kiên nhẫn, bền bỉ, không có các kỹ năng và thông tin cần thiết để chuẩn bị kế hoạch kinh doanh, họ có thể thiếu khả năng để bắt đầu quản lý một doanh nghiệp mới.
Việc hoạch định kế hoạch kinh doanh giúp người khởi sự hiểu rõ những vấn đề quan trọng. Sự thấu hiểu này tạo nền tảng cho những khởi xướng ban đầu, những vấn đề mà tổ chức cần nắm bắt để có thể thay đổi và thành công. Do đó, tiến trình hoạch định có thể thể hiện được mong muốn của người khởi sự trong việc tìm kiếm những cách thức sáng tạo để tăng thu nhập, hình thành các mối liên kết và tạo niềm động viên khích lệ để thu hút người khác vào dự án của mình.
Kế hoạch kinh doanh đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của dự án khởi sự mới vì nó phản ánh các yêu cầu về nguồn lực và những rủi ro của dự án. Nó bác bỏ các giả thuyết bằng cách thực hiện thêm nhiều nghiên cứu và đặt ra những ước lượng ban đầu để kiểm tra và khuyến khích người khởi sự phát triển một dự án chi tiết hơn. Kế hoạch kinh doanh chuyển các dự đoán về sản lượng bán thành dòng ngân quỹ, doanh thu, bảng cân đối kế toán và các chỉ tiêu tài chính. Nó cũng ước lượng về thời gian, đường găng của dự án và những dấu mốc quan trọng.
Vai trò của bản kế hoạch kinh doanh thể hiện ở chỗ, nó vừa là công cụ bán hàng, công cụ để suy nghĩ và công cụ để quản lý.
Công cụ bán hàng: Trong trường hợp này, kế hoạch là một bản đề cương nhằm
thuyết phục các nhà đầu tư, người cho vay tiền hay các đối tác. Nó tạo điều kiện để các công ty mới có thể giới thiệu mình với các nhà đầu tư, nhà cung cấp, các đối tác kinh doanh và các vị trí nhân sự tiềm năng bằng cách cho họ thấy từng phần của doanh nghiệp mới kết hợp với nhau như thế nào để tạo ra một tổ chức có khả năng đáp ứng những mục tiêu và mục đích của nó.
Công cụ để suy nghĩ : Với tư cách là một văn bản kế hoạch nội bộ, kế hoạch
kinh doanh giúp hiểu rõ hơn ý tưởng kinh doanh cũng như giúp ra những quyết định tốt
hơn.
Công cụ để kiểm tra và quản lý: Với tư cách là một văn bản nội bộ, kế hoạch
kinh doanh giúp nhóm khởi sự giám sát kết quả khởi sự kinh doanh và quản lý công ty tốt hơn.