nghĩa vụ nộp thuế nhập khẩu
Để thực hiện giải pháp này, cần chú ý một số vấn đề sau đây:
Một là, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra,
giám sát hải quan. Thanh tra kiểm tra là một biện pháp hữu hiệu trong việc chống buôn lậu gian lận thương mại bởi thanh tra kiểm tra là một khâu không thể thiếu của quá trình quản lý. Khâu này có quan hệ trực tiếp với các khâu như lập kế hoạch thu thuế của chính phủ, tổ chức thực hiện, lãnh đạo việc thu thuế… Đặc biệt trong giai đoạn áp dụng việc tự tính thuế tự kê khai tự nộp thì công tác thanh tra kiểm tra lại càng được tăng cường.
Cần xây dựng mô hình kiểm tra thông quan trên cơ sở các chuẩn mực cần thiết và theo quy trình chặt chẽ. Đặc biệt cần tập trung kiểm tra vào những mặt hàng nhạy cảm, có thuế suất cao, hàng hóa áp mã chưa thống nhất giữa các Chi cục, mặt hàng dễ gian lận giá, kiểm tra định mức tiêu hao nguyên liệu thực tế... Để thực hiện nghiệp vụ này theo đúng thông lệ quốc tế, trước hết phải có cách nhìn nhận thật đúng về công tác kiểm tra sau thông quan như là hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của cơ quan hải quan và phải áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro trong việc lựa chọn đối tượng kiểm tra để thích ứng với điều kiện hạn chế về nguồn lực và phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Để thực hiện được như vậy đòi hỏi hệ thống thông tin phải thật kịp thời, chính xác về đối tượng xuất nhập khẩu như lịch sử hình thành và phát triển, quy mô, lĩnh vực hoạt động quá trình hoạt động, các thông tin về hàng hóa... nhằm xác định được mức độ rủi ro về gian lận thương mại và loại trừ những doanh nghiệp, hàng hóa ít hoặc không có dấu hiệu vi phạm pháp luật ra khỏi diện nghi vấn và kiểm tra. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt
chẽ, có biện pháp chấn chỉnh củng cố kiện toàn đối với đội ngũ công chức làm công tác kiểm hoá, có biện pháp phòng ngừa và xử lý nghiêm minh những sai phạm. Phải tạo ra được nhiều hình thức hoạt động kiểm tra khác nhau như tự kiểm tra, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới, kiểm tra của thủ trưởng cơ quan quản lý, kiểm tra của Thanh tra Nhà nước... để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế xuất nhập khẩu.
Hai là, xử lý kịp thời, nghiêm minh, triệt để các hành vi vi phạm trong
lĩnh vực hải quan. Coi việc xử lý kịp thời, nghiêm minh, triệt để, đúng quy định của pháp luật là phương châm, tôn chỉ thực hiện để tạo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm. Thực tế cho thấy, thời gian qua do quy định về chế tài xử phạt ở nước ta chưa nghiêm khắc; đồng thời còn nhiều trường hợp cán bộ xử lý vi phạm không tuân thủ pháp luật, không xử phạt hoặc xử phạt không đúng với hành vi vi phạm; công tác xử lý vi phạm còn nhiều chậm trễ... Do đó, công tác xử lý vi phạm cần được chấn chỉnh, việc xử lý phải nghiêm minh, nhanh chóng, dứt điểm; đặc biệt là các đơn vị, cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn, tiêu cực, yếu kém để ngăn ngừa và tạo hiệu quả răn đe đối với các đối tượng có ý định vi phạm pháp luật thuế nhập khẩu.
Ba là, tăng cường và đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác chống gian lận thuế nhập khẩu. Chúng ta cần tổ chức tốt sự phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý các lĩnh vực ngân hàng, quản lý thị trường, thuế nội địa, với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân nhằm thu thập thông tin liên quan đến vi phạm và xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự; các loại tội phạm liên quan đến lĩnh vực thuế nhập khẩu. Đặc biệt hiện nay chúng ta cần chú trọng việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin chung về các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức hoạt động nhập khẩu theo hướng xây dựng chính phủ điện tử. Đây là phương tiện kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tăng cường, phát huy sự phối hợp trong việc trao đổi thông tin, kiểm tra, giám sát hoạt động nhập khẩu và chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Đồng thời, nhà nước ta cần tăng cường giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm đấu tranh chống gian lận của các quốc gia phát triển có hệ thống quản lý hàng hóa nhập khẩu, thuế nhập khẩu tiến bộ thông qua các cuộc họp thường niên của Tổ chức Hải quan thế giới. Tăng cường hợp tác quốc tế với Hải quan các nước trong mặt trận đấu tranh chống gian lận thương mại. Ký kết các Hiệp định hợp tác Hải quan với các nước trong việc hỗ trợ cung cấp thông tin về hàng hóa, trị giá, tên doanh nghiệp nhập khẩu... tạo cơ sở dữ liệu cho việc quản lý và kiểm tra xác định thông tin về hàng hóa, doanh nghiệp tham gia nhập khẩu.
Bốn là, hoàn thiện cơ sở dữ liệu.
Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đối tượng nộp thuế: xây dựng và hoàn thiện Trung tâm thu thập và xử lý thông tin về đối tượng nộp thuế, bổ sung vào bộ tiêu chí quản lý rủi ro. Tăng cường hơn nữa công tác theo dõi, cập nhật thông tin và phân loại doanh nghiệp phục vụ giám sát quản lý. Xây dựng các tiêu chí phân loại, đánh giá độ tin cậy của các nguồn thông tin theo mức độ rủi ro trước khi cung cấp cho Cục Hải quan địa phương sử dụng để có biện pháp nghiệp vụ kịp thời và phù hợp với từng trường hợp.
Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giá: Do vai trò hết sức quan trọng của cơ sở dữ liệu giá trong xác định trị giá tính thuế, trong việc tham khảo và xây dựng căn cứ để tổ chức tham vấn và xác định giá trị tính thuế cho lô hàng nhập khẩu... do vậy, cần hoàn thiện cơ sơ dữ liệu về giá trị tính thuế theo các biện pháp sau:
- Bổ sung thêm kịp thời các nguồn thông tin làm cơ sở xây dựng về trị giá tính thuế ngoài nguồn thông tin do doanh nghiệp khai báo khi kiểm tra, tham vấn và xác định trị giá cho hàng hóa nhập khẩu.
- Tập hợp dữ liệu về giá của các mặt hàng có khả năng gian lận cao, xác định các doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận đưa vào diện kiểm tra, trên
cơ sở đó, phân công, chỉ đạo cụ thể cho từng địa phương thực hiện kiểm tra giá phù hợp.
- Các Chi cục hải quan cần tăng cường thu thập, khai thác thông tin về xuất nhập khẩu nhằm xác định giá trị hải quan chống gian lận thương
mại qua giá.
- Với những trường hợp phức tạp và vượt quá thẩm quyền thì cơ quan Hải quan đề nghị các cơ quan có thẩm quyền đối với vụ việc giải quyết như cơ quan thuế nội địa, cơ quan công an, cơ quan thẩm định giá phối hợp giúp đỡ xác định căn cứ kết luận giá.
- Danh mục dữ liệu quản lý rủi ro về giá được sử dụng như một công cụ để phân tích, đánh giá độ tin cậy của trị giá khai báo, phân loại các lô hàng nghi ngờ để thực hiện công tác tham vấn và các bước tiếp theo trong quy trình kiểm tra, xác định trị giá. Một điều cần chú ý là không được sử dụng các mức giá trong danh mục dữ liệu giá để áp đặt trị giá tính thuế và xây dựng cơ chế pháp lý cho việc thu thập, cập nhật, phân tích, đánh giá thông tin từ nguồn khác vào hệ thống.
Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm xây dựng cơ sở dữ liệu về giá như Mỹ. Hệ thống cơ sở dữ liệu về giá của Mỹ có thể coi như là “Bách khoa toàn thư về trị giá Hải quan”, tài liệu luôn được cập nhật thường xuyên và tổng hợp đầy đủ các vấn đề về xác định trị giá, là tài liệu quan trọng của Hải quan và cả các doanh nghiệp khi nhập khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ trong quá trình xác định trị giá Hải quan.
Năm là, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn của một số cán bộ,
công chức ngành hải quan. Để làm được điều này cần chú trọng ngay từ khâu tuyển dụng bằng việc quản lý chặt chẽ, khách quan việc thi tuyển, tuyển dụng, lựa chọn những người có đạo đức, trình độ tốt và bố trí vào những bộ phận phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của mỗi cá nhân.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn phát triển hiện nay thì yêu cầu đặt ra là cần phải coi việc đào tạo lực lượng cán bộ, công chức hải quan là một quá trình liên tục, thường xuyên có kế hoạch đào tạo, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đặc biệt là khả năng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Với đội ngũ công chức non trẻ, chúng ta cần chủ động, kịp thời xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng sát với thực tiễn yêu cầu; với mục tiêu đào tạo phải có tầm nhìn và có sự chủ động, để các công chức mới có thể tiếp cận nhanh chóng nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đề ra trong thời gian sớm nhất… Với đội ngũ công chức trình độ dày dạn kinh nghiệm thì cũng nên thường xuyên tổ chức hội thảo, thảo luận theo các chuyên đề sát thực tế, gắn với các kỹ năng, tình huống trong thực tế ở các địa phương khác nhau để cùng trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ, kỹ năng giải quyết các tình huống phát sinh trong thực tế và tổ chức các lớp đào tạo về quy trình nghiệp vụ mới; các văn bản hướng dẫn liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế mới ban hành.
Đồng thời, cần đặc biệt quan tâm tới công tác đánh giá sau đào tạo vì mặc dù hiện nay ngành Hải quan hàng năm đều đề cập đến công tác đánh giá sau đào tạo nhưng chưa cụ thể hóa những vấn đề cần đánh giá trong từng lĩnh vực, cũng như chưa thực sự chú trọng, chủ động trong công tác này.
Sáu là, hiện đại hóa cơ sở vật chất, khoa học công nghệ. Để góp phần
phòng chống các thủ đoạn gian lận thương mại ngày càng tinh vi cũng như xác định, kiểm soát nhiều loại hàng hóa có cấu tạo phức tạp thì nhà nước ta cần nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát hải quan bằng việc tăng cường đầu tư, nâng cấp trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động hải quan. Nước ta cần nâng cấp một hệ thống vi tính nối mạng toàn ngành có khả năng cung cấp và xử lý thông tin về thuế nhập khẩu một cách kịp thời, chính xác, đầy đủ, có khả năng đối chiếu, trao đổi và chia sẻ thông tin với hải quan
các nước trên thế giới…; hệ thống máy soi contener, hệ thống camera theo dõi và kiểm tra việc nhập khẩu ở các cửa khẩu.