Về hoạt động của công ty cho thuê tài chính

Một phần của tài liệu LVTS-2014 - Pháp Luật Về Hoạt Động Tín Dụng Của Công Ty Cho Thuê Tài Chính Ở Việt Nam (Trang 75 - 84)

3.2.2.1. Về hoạt động cho thuê tài chính

Để thúc đẩy hoạt động CTTC phát triển hơn nữa, ngoài việc hoàn thiện pháp luật về thành lập Công ty CTTC thì cần phải sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan đến hoạt động CTTC trong tổng thể các giải pháp khác.

Một là, mở rộng đối tượng thuê tài chính: Sửa đổi quy định về yêu cầu bên thuê phải nộp báo cáo quý, quyết toán tài chính năm và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh cho Công ty CTTC tại Điều 23 và Điều 26 Nghị định 16/2001/NĐ-CP đối với một số đối tượng như trang trại, xã viên hợp tác xã, nghệ nhân các làng nghề,… Đối với trường hợp này, Nhà nước chỉ cần quy định về lập phương án sản xuất kinh doanh, mục đích sử dụng tài sản CTTC cùng với các hồ sơ khác như giấy chứng nhận ủy quyền sử dụng đất, chứng nhận trang trại, sổ hộ khẩu,…

Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn CTTC đối với một khách hàng trong Nghị định số 16/2001/NĐ-CP cho phù hợp với Luật Các TCTD năm 2010 theo hướng cho phép: Tổng dư nợ CTTC đối với một khách hàng không vượt quá 25% vốn tự có của Công ty CTTC.

Ba là, sửa đổi, bổ sung quy định về Công ty CTTC liên doanh và Công ty CTTC 100% vốn nước ngoài. Nhà nước cần cho phép cá nhân nước ngoài tham gia góp vốn trong Công ty CTTC để tạo nên sự đồng bộ, thống nhất với Luật DN, Luật Đầu tư,… tạo điều kiện thuận lợi cho các Công ty CTTC thu hút các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, đa dạng hóa nguồn vốn, thuận lợi cho

việc tiếp cận máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại để thực hiện tốt các giao dịch CTTC, nhất quán với quy định Luật Các TCTD năm 2010 về quy định tỷ lệ góp vốn.

Bốn là, để hạn chế tranh chấp xảy ra do lỗi của nhà cung ứng, Chính phủ, NHNN cần sửa đổi, bổ sung quy định của Nghị định số 16/2001/NĐ-CP và Thông tư số 06/2005/TT-NHNN theo hướng: Quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của nhà cung ứng trong giao dịch CTTC.

Năm là, sửa đổi, bổ sung quy định về việc xử lý tài sản khi hợp đồng bị vi phạm, có tranh chấp xảy ra:

+ Sửa đổi những quy định của Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT- NHNN-BCA-BTP về việc phối hợp của các cơ quan trong việc thu hồi tài sản cho thuê, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các công ty CTTC. Pháp luật đã có quy định nhưng hiện nay vẫn chưa phát huy hiệu quả và việc phối hợp giải quyết giữa các cơ quan không đồng bộ, gây khó khăn trong quá trình thu hồi tài sản của các công ty CTTC. Thông tư này cần sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương trong việc phối hợp giải quyết, thủ tục giải quyết và có chế tài phù hợp để xử lý vi phạm có liên quan, cho phép công ty CTTC thu hồi tài sản không quá 10 ngày kể từ ngày bên thuê nhận được yêu cầu thu hồi tài sản CTTC trên lãnh thổ Việt Nam.

+ Bổ sung vào Nghị định số 16/2001/NĐ-CP các quy định: trách nhiệm của bên cho thuê đối với nhà cung ứng để bảo vệ quyền lợi của các bên, trách nhiệm của các bên đối với bên thứ ba, những thiệt hại cụ thể được bồi thường.

Sáu là, mở rộng quy định về tài sản CTTC: song song với việc hoàn thiện quy định pháp luật dân sự về ranh giới giữa bất động sản với động sản, pháp luật về ngân hàng cần mở rộng quy định về đối tượng CTTC là bất động

sản. Việc bó hẹp loại tài sản cho thuê như hiện nay là bất lợi cho nhiều phía, không phù hợp với thực tế kinh doanh và thông lệ quốc tế.

Bảy là, đăng ký giao dịch CTTC: Bổ sung quy định về hậu quả pháp lý của trường hợp hợp đồng CTTC có đăng ký với trường hợp không đăng ký trong Nghị định số 16/2001/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Cần sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2005/TT-NHNN về quy định cụ thể những khoản chi phí được áp dụng bồi thường vật chất khi vi phạm hợp đồng CTTC; trách nhiệm của bên thuê đối với bên thứ ba; quy định tính thời gian xử lý tài sản cho thuê (tính theo ngày làm việc hay ngày phát sinh vụ việc),…

Tám là, đa dạng hóa các giao dịch CTTC: Pháp luật cần quy định cụ thể về hình thức CTTC khác đã có trên thế giới: cho thuê giáp lưng,..

Chín là, hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng CTTC: Pháp luật cần quy định cụ thể về bản chất pháp lý của hợp đồng CTTC, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan giải quyết tranh chấp.

3.2.2.2. Về hoạt động huy động vốn

Năng lực tài chính của công ty CTTC còn yếu, vốn tự có thấp, chất lượng hoạt động tín dụng chưa ổn định. Vì vậy, các công ty CTTC đang đối mặt với sức ép rất lớn trong cạnh tranh, đặt biệt là trong hoạt động huy động và đầu tư tín dụng. Để mở rộng quy mô kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty CTTC thì nhất thiết phải tăng vốn tự có, đa dạng hóa nguồn huy động vốn. Nghị định số 16/2001/NĐ-CP cho phép các công ty CTTC tận dụng khai thác các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội, thu hút các nguồn vốn trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường CTTC.Tuy nhiên, việc huy động vốn của các CTTC tài chính gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ về mặt pháp luật.

Một là, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 16 Nghị định số 16/2001/NĐ-CP về hoạt động huy động vốn: nhận tiền gửi của tổ chức, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu mà không quy định thời hạn để phù hợp với quy định tại Điều 112 của Luật Các TCTD năm 2010.

Hai là, Nhà nước cần ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn cho phép các NHTM tham gia vào nghiệp vụ CTTC với tư cách đồng tài trợ. Các công ty CTTC có thể vay vốn tại NHTM để thực hiện loại hình cho thuê hợp tác nhưng thực tế thì loại hình cho thuê này vẫn còn rất nhiều hạn chế tại Việt Nam. Pháp luật Việt Nam chưa cho phép các NHTM tham gia hoạt động CTTC (nếu tham gia hoạt động CTTC thì phải thành lập các công ty CTTC trực thuộc) mà hợp đồng CTTC lại không được hủy ngang, không được phát mãi tài sản cho thuê nên các NHTM sẽ gặp nhiều rủi ro khi công ty CTTC phá sản. Vì vậy, Chính phủ, NHNN cần thiết ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn cho phép các NHTM tham gia vào nghiệp vụ CTTC với tư cách đồng tài trợ theo một tỷ lệ tham gia nhất định nhằm phát triển loại hình cho thuê hợp tác tại Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty CTTC, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho các NHTM khi các công ty CTTC phá sản.

Ba là, thực hiện chính sách ưu đãi về vốn cho công ty CTTC như hỗ trợ vốn có lãi suất thấp nhằm làm giảm phí cho thuê và nâng cao năng lực hoạt động của các công ty CTTC. Đối với một ngành công nghiệp còn nhiều non trẻ như CTTC thì vai trò của Nhà nước là rất quan trọng trong việc định hướng, điều tiết để thúc đẩy thị trường CTTC phát triển. Vì vậy nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về nguồn vốn, tạo điều kiện cho các công ty CTTC được tiếp xúc với các tổ chức tài chính quốc tế hoặc tiếp nhận các nguồn vốn tài trợ Chính phủ hoặc phi Chính phủ để tăng nguồn vốn trung và

dài hạn. Nhà nước có thể sử dụng một phần nguồn vốn tài trợ từ nước ngoài như: Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển Châu Á, Ngân hàng thế giới và các khoản viện trợ không hoàn lại (ODA) để hỗ trợ cho các dự án thông qua cấp tín dụng ưu đãi cho các công ty CTTC. Lãi suất các nguồn viện trợ quốc tế thường là lãi suất thấp. Vì vậy, nếu các công ty CTTC tiếp cận được nguồn vốn này thì một mặt có thể mở rộng được quy mô kinh doanh mặt khác giảm được lãi suất đầu vào nên có thể giảm lãi suất cho thuê, thu hút DN khai thác phương thức tài trợ mới mẻ này. Tuy nhiên, để bảo đảm được ưu đãi này thì NHNN phải bảo lãnh cho các công ty CTTC.

Bốn là, về việc tham gia của các công ty CTTC trên thị trường liên ngân hàng: Trong điều kiện hiện nay, việc huy động vốn trung, dài hạn trong nền kinh gặp nhiều khó khăn, công ty CTTC lại không có lợi thế do số lượng lao động hạn chế, quy mô hoạt động hẹp nên khó cạnh tranh được với các NHTM khác trên cùng địa bàn. Các công ty CTTC cũng có nhu cầu cần tiền gửi, vay vốn như các ngân hàng thương mại. Do đó, Nhà nước cần có những quy định cụ thể về việc cho phép các công ty CTTC tham gia vào thị trường liên ngân hàng, tạo thêm năng lực vốn khả dụng cho các công ty CTTC.

Năm là, sửa đổi, bổ sung quy định về việc góp vốn, mua cổ phần của cổ đông, thành viên trong công ty CTTC, điều chỉnh quy định về hạn mức cấp tín dụng, tỉ lệ cho vay trong Thông tư số 13/2010/TT-NHNN, Thông tư số 19/2010/NHNN của NHNN cần được sửa đổi cho phù hợp với loại hình công ty CTTC. NHNN và các Bộ ngành liên quan cần kịp thời có cơ chế chính sách cho phép công ty CTTC trong việc quy định tỉ lệ dự trữ bắt buộc phù hợp và sự hỗ trợ của các ngân hàng mẹ, công ty mẹ,… để tạo nguồn vốn trung và dài hạn lớn, ổn định cho đầu tư của các công ty CTTC. Cần tăng tỉ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động đối với các công ty CTTC trên 85% nếu công ty CTTC vẫn đảm bảo tỷ lệ về khả năng chi trả và tỷ lệ bảm đảm an toàn.

3.2.3.3. Các kiến nghị khác

- Cần ban hành văn bản pháp luật để điều chỉnh thị trường mua bán máy móc, thiết bị cũ từ các nguồn sẵn có để các công ty CTTC có thể bán lại tài sản cũ; ban hành quy định về tiêu chuẩn giám định máy móc, thiết bị CTTC đã qua sử dụng và có cơ chế giám sát hữu hiệu hoạt động này nhằm tránh tình trạng “biến” Việt Nam trở thành “bãi rác” của thế giới. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các quy định về cơ chế chính sách khuyến khích các DN, hợp tác xã, … đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ, kiên quyết xử lý những DN sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Việc hình thành thị trường mua bán máy móc thiết bị cũ trong giao dịch liên quan CTTC góp phần đổi mới công nghệ, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng thuê. Tài sản CTTC không nhất thiết là tài sản hoàn toàn mới, nhu cầu của khách hàng thuê có thể là những tài sản đã qua sử dụng nhưng phù hợp với năng lực sản xuất và quy mô kinh doanh của họ nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm giá thành sản xuất hoặc phù hợp với thu nhập của khách hàng thuê nếu tài sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, thị trường mua bán máy móc thiết bị cũ còn giúp các công ty CTTC xử lý các tài sản cho thuê được thu hồi do hết hạn hợp đồng hoặc hợp đồng được chấm dứt trước thời hạn để thu hồi vốn. Cùng với việc hình thành và phát triển thị trường khoa học – công nghệ trong nước, Nhà nước thiết lập một thị trường mua, bán máy móc thiết bị cũ ở trong nước hay tiếp cận với thị trường này ở nước ngoài nhằm tăng độ an toàn trong hoạt động kinh doanh của các công ty CTTC. Tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty CTTC mạnh dạn, linh hoạt áp dụng nhiều phương thức cho thuê, phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

- Sửa đổi, bổ sung một số quy định trong chính sách thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động CTTC phát triển, nhất là vấn đề thuế thu nhập

doanh nghiệp. Trong điều kiên cần thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, khuyến khích ngành công nghiệp CTTC phát triển, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN đối với các công ty CTTC. Thực hiện ưu đãi về thuế cho các công ty CTTC sẽ có tác dụng lớn trên nhiều mặt: giúp các công ty CTTC tăng khả năng tự tích tụ vốn từ lợi nhuận ròng bổ sung vào nguồn vốn chủ sở hữu; lãi suất cho thuê sẽ giảm, bên thuê sẽ có lợi hơn khi tiếp cận phương thức tài trợ vốn này, đa dạng hoác các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế mà không phải độc tôn một kênh tín dụng ngân hàng; tạo điều kiện thuận lợi thu hút nguồn vốn, công nghệ cao của nước ngoài qua hoạt động của các công ty CTTC liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài thành lập tại Việt Nam mà không làm gánh nặng nợ quốc gia.

- Trong quy hoạch phát triển thị trường vốn VIệt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến lần thứ hai theo Quyết định số 128/2007/QĐ-TTg ngày 02/08/2007, thị trường CTTC vẫn chưa có “chỗ đứng”, vị trí và vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì CTTC cũng là một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong sự phát triển thị trường vốn và là nguồn tài trợ hữu ích, quan trọng cho phát triển doanh nghiệp. Thị trường CTTC phát triển sôi động, lành mạnh thì hoạt động công ty CTTC mới phát huy hiệu quả trên thực tế. Do đó, Thủ tướng Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung Quyết định số 128/2007/QĐ-TTg theo hướng nêu rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp phát triển của CTTC,…

- Bộ Tài chính cần có những quy định về chế độ kế toán, hoạch toán và khấu hao cụ thể, chi tiết riêng cho hoạt động CTTC, áp dụng cho từng bên tham gia giao dịch, xây dựng thêm phương pháp kế toán đơn áp dụng cho các DN có quy mô nhỏ, trình độ quản lý thấp,…

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có những quy định để khuyến khích các DN sử dụng dịch vụ CTTC, ban hành và quy định cụ thể về việc thành lập các công ty môi giới CTTC để góp phần thúc đẩy hoạt động CTTC phát triển, tạo điều kiện các chủ thể cần vốn có thể tiếp cận nguồn vốn từ

- Thành lập Hiệp hội tín dụng phi ngân hàng để tạo điều kiện phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, trong đó có các công ty CTTC. Trong năm năm qua, Hiệp hội CTTC Việt Nam đã được thành lập và hoạt động có hiệu quả với số lượng hội viên là 09 công ty CTTC của Việt Nam. Hiệp hội CTTC Việt Nam đã góp phần thúc đẩy hoạt động của các công ty CTTC trong các vấn đề: Cung cấp cho các thành viên Hiệp hội về khuôn mẫu hoạt động Leasing quốc tế, các ấn phẩm về hoạt động CTTC trên thế giới cũng như trong nước; tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về CTTC để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghiệp vụ và tìm các đối tác nước ngoài; tham gia giải quyết những khó khăn, kiến nghị những vướng mắc về cơ chế hoạt động CTTC,… Tuy nhiên, theo quy định của Luật Các TCTD năm 2010, các công ty tài chính được thực hiện hoạt động CTTC và loại hình công ty CTTC là công ty tài chính có hoạt động chính là CTTC.

Một phần của tài liệu LVTS-2014 - Pháp Luật Về Hoạt Động Tín Dụng Của Công Ty Cho Thuê Tài Chính Ở Việt Nam (Trang 75 - 84)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(90 trang)
w