Kính thưa Quốc hội,
Luật xây dựng liên quan đến nguồn vốn lớn của xã hội tạo ra tài sản, cơ sở vật chất, hạ tầng của nền kinh tế đáp ứng nhu cầu của người dân. Luật xây dựng năm 2003 tuy cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn vừa qua nhưng đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế dẫn đến những sai phạm, thất thoát và lãng phí trong đầu tư xây dựng. Do đó, tôi nhất trí phải sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản để Luật xây dựng đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Kính thưa Quốc hội, sau khi nghiên cứu bản dự thảo Luật xây dựng (sửa đổi) và báo cáo thẩm định của Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường. Tôi xin có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, dự thảo luật lần này đã thể hiện tốt, bố cục hợp lý, dễ hiểu, điều chỉnh được nhiều vấn đề thực tế đặt ra. Đặc biệt, dự thảo lần này đã đổi mới cơ bản được phương thức quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng, nhằm quản lý chặt chẽ đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, hạn chế được thất thoát ngay từ khi chuẩn bị đầu tư. Mặt khác, dự thảo luật lần này đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.
Thứ hai, về thẩm định dự án đầu tư. Tôi thống nhất với nội dung và thời gian thẩm định ở Điều 61, 62. Nhưng tôi đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thêm, vì với khối lượng và dự án rất lớn thì các cơ quan chuyên môn xây dựng ở các địa phương có đủ nhân lực và chuyên môn để thẩm định hết các dự án đầu tư xây dựng ở địa phương mình không, chất lượng thẩm tra, thẩm định có đảm bảo không? Vì hiện nay các Sở xây dựng với một lực lượng như vậy, vừa tiền kiểm, vừa hậu kiểm về quyết toán, có đủ điều kiện năng lực không? Các cấp huyện, thị chỉ có phòng công nghiệp, không có đủ năng lực chuyên môn và nhân sự có đáp ứng được các yêu cầu không? Các cơ quan thẩm định có được thuê tư vấn không và chất lượng kiểm định của tư vấn có đạt được yêu cầu hay không? Trong khi đó hiện nay tư vấn mọc lên rất nhiều và hoạt động rất lộn xộn. Cho nên, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét có quy định cụ thể về cơ chế quản lý, về trách nhiệm của chủ đầu tư đến đâu, của đơn vị thẩm định đến đâu và nếu phải thuê tư vấn thẩm định thì trách nhiệm của tư vấn đến đâu để công tác thẩm định có hiệu quả nhất đối với nguồn vốn nhà nước. Còn đối với các nguồn vốn khác cũng cần quy định thêm sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn về xây dựng với các chủ đầu tư trong quá trình thẩm định.
Thứ ba, về Ban quản lý dự án, tôi thống nhất với hình thức ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực, nó thể hiện quản lý chuyên nghiệp và có hiệu quả hơn, nhưng cần có quy định rõ mối quan hệ giữa ban quản lý dự án với người quyết định đầu tư, với chủ đầu tư và đặc biệt với cơ quan quản lý, sử dụng các công trình, dự án sau này để tránh sự lạm quyền của ban quản lý gây ra các hệ lụy tiêu cực. Ví dụ, Ban quản lý có thể thực hiện các dự án theo quy định chung, nhưng không tính đến điều kiện của những người sử dụng hoặc các phong tục, tập quán của địa phương đấy dẫn đến hiệu quả của công trình không tốt làm ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Đối với các dự án nhỏ lẻ, cải tạo sửa chữa cũng có thể giao cho các đơn vị quản lý sử dụng để làm chủ đầu tư, chủ đầu tư cũng có thể thuê tư vấn nếu như chủ đầu tư này không có năng lực. Nhưng phải có quy định cụ thể và trách nhiệm quản lý để tránh gây lãng phí và thất thoát.
Thứ tư, về bảo hành, bảo trì tôi hoàn toàn thống nhất nhưng tôi cũng đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định rõ về cơ chế tài chính và quản lý tài chính để đảm bảo bảo trì trong suốt quá trình sử dụng của công trình xây dựng. Vì hiện nay bảo trì đối với các cơ quan, đơn vị cũng đang rất khó khăn, đặc biệt là đối với các nhà chung cư cao tầng theo quy định của Chính phủ hiện nay có 2% trên tổng mức đầu tư không đủ bảo trì công trình theo thời hạn sử dụng của các công trình này. Mà cơ chế về tài chính để thực hiện bảo trì trong quá trình tiếp theo thì rất khó khăn, hiện nay 2% chỉ đủ bảo trì trong vòng 2 - 3 năm và đặc biệt bảo trì cầu thang máy là hết, còn các bảo trì trong suốt quá trình của dự án hiện nay chưa có cơ chế và cũng rất khó khăn trong việc này. Đề nghị chúng ta giao cho Chính phủ phải nghiên cứu vấn đề này. Trên đây là ý kiến tham gia góp ý của tôi. Xin trân trọng cảm ơn.