Nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự

Một phần của tài liệu nâng cao vai trò của hệ thống kiểm tra kiểm soát đối với công tác tín dụng tại pvfc (Trang 59 - 61)

Đối với bất kỳ một vấn đề gì, đối với bất kỳ một tổ chức nào thì vấn đề nhân sự luôn là vấn đề then chốt mang tính quyết định. Vì vậy với PVFC để có thể phát huy tối đa vai trò của hệ thống kiểm tra kiểm soát nội bộ em xin mạnh dạn đưa ra một số giải pháp về nhân sự như sau:

Thứ nhất: Mở rộng nguồn tuyển dụng, việc tuyển dụng nên căn cứ vào nhu cầu hay những kỹ năng cần bổ sung cho bộ phận kiểm tra kiểm soát nội bộ. Ví dụ một đối tượng có thể đáp ứng rất tốt nhu cầu của PVFC hiện nay là những người đã có kinh nghiệm làm việc tại các công ty kiểm toán độc lập. Họ đã được trang bị khá đầy đủ kiến thức và kỹ năng về kiểm toán. Đối tượng thứ hai cần chú ý là những người có kỹ năng chuyên sâu về một số lĩnh vực nhất định, ví dụ các kỹ sư công nghệ thông tin hoặc các chuyên gia về thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ …Khi được đào tạo thêm về kiểm tra kiểm soát những người này sẽ trở thành nòng cốt trong kiểm tra kiểm soát các lĩnh vực đặc thù mà họ có kinh nghiệm.

Thứ hai: Đào tạo và đào tạo nâng cấp đối với đội ngũ cán bộ hiện có. Khi thực hiện những giải pháp này cần phải lựa chọn những cán bộ trẻ, có năng lực, có tâm huyết với PVFC. Hiện nay trong đội ngũ kiểm tra viên của PVFC có những cán bộ có năng lực và thực sự tâm huyết với công việc nhưng có thể chuyên ngành của họ không thực sự đúng với công việc theo đúng nghĩa kiểm tra kiểm soát nội bộ. Nếu cho họ những cơ hội để được đào tạo về những kỹ năng và kiến thức cần thiết, cơ hội để phát huy năng lực và tính sáng tạo của họ, kết hợp với những đối tượng được bổ sung từ nguồn tuyển dụng mới họ hoàn toàn có thể thực hiện công việc của mình một cách suất sắc. Nội dung đào tạo có thể như sau:

+ Các khoá đào tạo về kiểm tra kiểm soát nội bộ ( sử dụng các chuyên gia từ công ty kiểm toán độc lập hoặc các trường đại học). Hoặc khuyến khích

các kiểm tra viên tham gia các khoá đào tạo về kiểm tra kiểm toán của bộ tài chính. Mặt khác khuyến khích sự hợp tác đào tạo phối hợp chặt chẽ hơn giữa kiểm toán độc lập với kiểm tra kiểm soát nội bộ để có thể tận dụng khả năng hỗ trợ đào tạo qua thực tế của các công ty kiểm toán độc lập.

+ Đào tạo về các nghiệp vụ ngân hàng hiện đại, nhất là về nghiệp vụ tín dụng.

+ Cử cán bộ tham gia các khoá đào tạo chính quy về kiểm toán nội bộ. + Đào tạo về công nghệ thông tin

+ Đào tạo về tiếng anh đặc biệt là với các kiểm tra viên tham gia vào các hoạt động tín dụng quốc tế, kinh doanh ngoại tệ, hoặc các hoạt động đối ngoại.

+ Đặt ra các yêu cầu tự đào tạo đối với các kiểm tra viên.

Thứ ba: Chế độ đãi ngộ việc định hướng nghề nghiệp đối với kiểm tra viên. Chúng ta thấy rằng yêu cầu về năng lực chuyên môn đặt ra với kiểm tra viên nội bộ là rất lớn, hơn nữa do đặc thù nghề nghiệp họ luôn phải chịu một số áp lực tâm lý nhất định. Vì thế để có thể tạo dựng và duy trì đội ngũ kiểm tra viên đủ năng lực thì chế độ đãi ngộ với họ như thế nào cho thoả đáng là một giải pháp rất quan trọng.

Thứ tư: Khuyến khích kiểm tra viên lấy chứng chỉ kiểm toán viên quốc gia (CPA) hoặc chứng chỉ kiểm toán viên nội bộ. Để có được chứng chỉ kiểm toán các kiểm tra viên phải có một kiến thức chuyên môn rất chắc chắn, đồng thời qua việc có được các chứng chỉ này tạo nên một kênh để liên lạc chặt chẽ với các tổ chức nghề nghiệp, tạo cho họ điều kiện cập nhật kiến thức và thực hiện công việc của mình theo những chuẩn mực tốt nhất. Bản thân việc sở hữu những chứng chỉ này cũng đặt ra những yêu cầu phải đào tạo và tự đào tạo liên tục đối với kiểm toán viên. Hơn nữa các chứng chỉ nghề nghiệp có thể coi như một bằng chứng về năng lực và uy tín nghề nghiệp của kiểm tra viên. Và ở khía cạnh nào đó, nó giúp tăng uy tín và do đó là tính độc lập của kiểm

tra viên trong tổ chức. Hiện nay ở Việt Nam mới chỉ có chứng chỉ kiểm toán viên độc lập (CPA) do bộ Tài chính cấp. Trên thế giới có khá nhiều chứng chỉ nghề nghiệp có uy tín mà các kiểm toán viên nội bộ thường tìm kiếm như: CIA - chứng chỉ kiểm toán viên nội bộ, CFSA -chứng chỉ kiểm toán viên nội bộ trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm; CCSA - chứng chỉ về đánh giá kiểm soát…

Thứ năm: Phải có chiến lược và kế hoạch về nhân sự. Đây là giải pháp được đề cập cuối cùng nhưng rất quan trọng. Việc tuyển dụng hay đào tạo kiểm tra viên đều phải có kế hoạch thì mới bảo đảm bổ sung những kỹ năng cần thiết cho bộ phận kiểm tra kiểm soát nội bộ và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cũng cần có biện pháp sử lý đối với số lao động dôi dư, không đáp ứng tốt nhu cầu công việc. Kế hoạch về nhân sự cho kiểm tra kiểm soát nội bộ phải phù hợp với chiến lược phát triển kiểm tra kiểm soát nội bộ và chiến lược phát triển nhân sự chung của PVFC. Và như vậy việc chiến lược phát triển đội ngũ kiểm toán viên nội bộ sẽ phù hợp với chiến lược phát triển chung công ty.

Một phần của tài liệu nâng cao vai trò của hệ thống kiểm tra kiểm soát đối với công tác tín dụng tại pvfc (Trang 59 - 61)