CHƯƠNG III CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HUY ĐỘNG VỐN TẠI NHNTVN
3.2. Định hướng phát triển của ngân hàng Ngoại thương Việt Nam
Nguồn vốn lớn là thế mạnh, là động lực tạo đà cho việc thực hiện thành công chiến lược phát triển ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đến năm 2010. Định hướng huy động vốn của NHNT trong thời gian này là duy trì và phát huy các biện pháp huy động vốn hữu hiệu, có khả năng cạnh tranh cao, nhằm thu hút nguồn vốn lớn nhàn rỗi của dân cư và các tổ chức kinh tế. Cần phát huy mức độ tín nhiệm cao của NHNT cả trong và ngoài nước để có thể tranh thủ tiếp nhận được phần vốn uỷ thác của các tổ chức tín dụng khác.
Từ nay đến năm 2010, NHNTVN phấn đấu giữ vững thế mạnh hàng đầu về nguồn vốn, nhất là vốn ngoại tệ trong hệ thống các NHTM nhà nước. Chiến lược huy động vốn trong giai đoạn trước mắt phải được đặt trong điều kiện thị trường chứng khoán đang hoạt động, là một kênh thu hút vốn lớn trên thị trường cùng với tình hình hội nhập của Việt Nam vào nền tài chính thế giới.
Trong thời gian qua, cùng với sự lớn mạnh của các NHTM nhà nước khác, sự lớn mạnh của các NHTMCP cũng gây ra một sức ép rất lớn trong quá trình huy động vốn của NHNTVN. Trong khi đó nhiều dự án của quốc gia cần vốn ngoại tệ hàng trăm triệu USD. Do đó ngân hàng Ngoại thương VN cần phải là ngân hàng đi đầu trong việc cung cấp vốn cho các dự án lớn, cho các ngành và các TCKT mũi nhọn của Nhà nước. Vì vậy việc tăng trưởng nguồn vốn trong tương lai sẽ là điều kiện tiên quyết để NHNTVN giữ vững được vị thế của một NHTM chủ đạo lớn nhất ở Việt Nam trong thập niên tới.
Trên cơ sở phân tích và dự đoán tình hình phát triển kinh tế của đất nước, đánh giá đúng thế mạnh và và điểm yếu của mình trong bối cảnh có nhiều ngân hàng cùng hoạt động, NHNTVN đã xây dựng chiến lược phát triển nói chung và chiến lược huy động vốn nói riêng. Đó là chiến lược tổng thể hướng về thị trường, về cơ cấu tổ chức và hoạt động kinh doanh và công nghệ ứng dụng trong hệ thống.
Chiến lược thị trường bao gồm các giải pháp về sản phẩm, giá cả và các dịch vụ ngoại vi cùng các biện pháp thúc đẩy, tổ chức hệ thống cung cấp sản phẩm và dịch vụ.
Chiến lược cải cách về cơ cấu tổ chức và hoạt động kinh doanh bao gồm việc xây dựng tôn chỉ chung cho NHNTVN, thay đổi mô hình tổ chức cho phù hợp với chức năng kinh doanh và nhiệm vụ mới trong thời kỳ mới cùng với các chỉ tiêu chiến lược chung về con người. Chiến lược chung về công nghệ sẽ xây dựng trên cơ sở công nghệ hiện đại, phục vụ tốt cho khách hàng, đảm bảo khả năng cạnh tranh giữa các ngân hàng và đưa NHNTVN ngang tầm với các ngân hàng trong khu vực, tiến tới hội nhập quốc tế.
Cùng với mục tiêu lớn của Nhà nước đó là giảm dần tỷ trọng vốn vay nước ngoài để thay thế bằng nguồn huy động trong nước, vì vậy theo dự kiến, mục tiêu trước mắt đến năm 2010 của NHNTVN vẫn là huy động vốn trong nước.
Cụ thể trên thị trường II – Liên ngân hàng, các mục tiêu đề ra là NHNTVN sẽ duy trì và phát huy vị trí làm trung tâm thanh toán ngoại tệ liên ngân hàng. Đặc điểm của nguồn vốn này là tốc độ tăng trưởng hàng năm không cao, các tổ chức tín dụng chỉ gửi một lượng vốn hợp lý ở NHNT để đảm bảo thanh toán vãng lai. Trong năm 2006, nguồn vốn huy động trên thị trường này chiếm khoảng 23% trong tổng vốn huy động, khoảng gần 36tỷ đồng. NHNTVN đang cố gắng duy trì và nâng cao chất lượng của nguồn vốn này.
Thị trường I - từ dân cư và các tổ chức kinh tế đạt gần 120tỷ. Theo tính toán của các nhà kinh tế thì nguồn vốn này hiện nay còn nhàn rỗi rất nhiều, vì vậy mục tiêu huy động của NHNT trong thời gian tới là phải tập trung khai thác thị trường này.
Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn dài hạn, NHNTVN đạt mục tiêu phấn đấu vốn trung và dài hạn(nhất là vốn dài hạn trên 5 năm) phải đạt 30% tổng nguồn. Sáu định hướng lớn trong công tác huy động vốn mà NHNTVN đặt ra là:
- Duy trì tốc độ tăng trưởng vốn bình quân từ 18 – 20%/năm. - Tăng mạnh huy động vốn trung và dài hạn.
- Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu nguồn vốn theo hướng duy trì thế mạnh về đồng ngoại tệ và tiếp tục đẩy nhanh tốc độ huy động tiền VND để nâng tỷ trọng vốn VNĐ trong tổng nguồn.
- Quan tâm tới nguồn vốn rẻ và đối tượng có nguồn vốn ổn định. - Đa dạng hoá khách hàng để phân tán rủi ro, tạo sự ổn định
- Đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy quá trình tham gia vào thị trường tài chính quốc tế(phát hành trái phiếu hoặc vay mượn trên thị trường quốc tế) nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng tăng.
Như vậy, căn cứ vào thực lực hiện nay của Ngân hàng thì các giải pháp đưa ra phải bám sát những vấn đề sau:
Một là: không ngừng củng cố và nâng cao hiệu quả hệ thống mạng lưới kinh doanh nhằm thoả mãn tốt nhất nhu cầu thị trường để tăng cầu về tài sản ngân hàng của khách hàng tạo động lực cho hoạt động huy động vốn.
Hai là: Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn trong kinh doanh, huy động tối đa vốn nội lực trong nước.
Ba là: Tiếp tục hiện đại hoá công nghệ để cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính chất lượng cao để nâng cao uy tín với khách hàng, góp phần tạo lập nguồn vốn với qui mô và cơ cấu phù hợp cho nhu cầu sử dụng.
Bốn là: Điều chỉnh cơ cấu huy động vốn theo thời gian, đảm bảo nguồn vốn trung và dài hạn, đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng tài sản có thời hạn dài, ngăn ngừa rủi ro có thể gặp phải.
Năm là: chiến lược huy động vốn phải phù hợp với điều kiện tổ chức mạng lưới, múc độ cạnh tranh trên từng thị trường để nguồn vốn tăng trưởng đồng thời với chi phí hợp lý.
Sáu là: thông qua phân tích tài chính hàng năm để điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn theo thời hạn sao cho có khoảng cách với tài sản nhạy cảm, có lợi khi lãi suất thị trường biến động.
Bên cạnh các mục tiêu chung do Chính phủ chỉ đạo, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã xác định các mục tiêu cụ thể để trở thành một Tập đoàn tài chính đa năng (Financial Holdings) có quy mô đứng trong số từ 50 đến 70 Tập đoàn tài chính lớn nhất ở Châu Á vào giai đoạn 2015–2020, với tổng tích sản đạt trên 30 tỷ USD tổng tích sản và vốn chủ sở hữu khoảng 2 tỷ USD. Ngân hàng sẽ chuyển đổi cơ cấu tổ chức và áp dụng mô thức quản trị hiện đại theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt nhất, sẵn sàng cho hội nhập và phát triển. Bên cạnh các hoạt động trong nước, Ngân hàng Ngoại thương sẽ mở rộng phạm vi ra các thị trường tài chính thế giới, với các loại hình sản phẩm, dịch vụ không chỉ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thông qua các nghiệp vụ đầu tư tài chính, mua bán, sáp nhập công ty và phát triển các doanh nghiệp mới. Nền tảng công nghệ hiện đại tiên tiến nhất sẽ được đầu tư thích đáng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của quản trị ngân hàng cũng như phát triển và cải tiến các sản phẩm, tiện ích phục vụ khách hàng với chất lượng cao
hơn. Đồng thời, nguồn nhân lực sẽ được chú trọng phát triển thông qua các giải pháp đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân tài trong và ngoài nước cũng như thu hút chất xám từ các khu vực kinh tế phát triển.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động mọi mặt trong năm 2006, tạo tiền đề cho công cuộc cổ phần hoá, toàn thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên đã nỗ lực hết mình cho sự phát triển của ngân hàng. Năm 2006, Ngân hàng ngoại thương đã triển khai qui trình cấp tín dụng theo chuẩn mực quốc tế, từng bước tập trung hoá hoạt động tác nghiệp, đẩy mạnh phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch, nâng cấp và mở rộng các kênh và sản phẩm thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty thành viên và tích cực chuẩn bị cho công tác cổ phần hoá trong năm 2007.
Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động theo luật pháp và thông lệ quốc tế, duy trì được vị trí đứng đầu ngành ngân hàng hiện nay. Tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm giữ vững vai trò là một ngân hàng đi đầu trong ngoại thương. Nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ và hiệu quả hoạt động kinh doanh nhằm góp phần phát huy nội lực cho nền kinh tế, phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện tốt mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết sau khi gia nhập WTO.