Các nhân tố bên ngoài

Một phần của tài liệu hoàn thiện công tác thù lao lao động tại công ty tnhh nhà nước một thành viên dệt 19-5 hà nội (Trang 27 - 29)

I. Các tố ảnh hưởng đến công tác thù lao lao động tại công ty

1. Các nhân tố bên ngoài

1.1. Thị trường lao động

Tình hình cung và cầu lao động, thất nghiệp trên thị trường lao động là yếu tố bên ngoài quan trọng nhất ảnh hưởng đến số lượng tiền công mà người chủ sử dụng sức lao động sẽ đưa ra để thu hút và gìn giữ người lao động có trình độ. Sự thay đổi cơ cấu đội ngũ lao động, các định chế về giáo dục và đào tạo cũng ảnh hưởng đến mức tiền lương của doanh nghiệp. Là một doanh nghiệp hoạt động trong ngành mà sử dụng số lượng nhân công lớn, do đó mà thị trường lao động tác động rất lớn tới những biến động trong hoạt động quản lý nhân lực cũng như việc xây dựng chính sách thù lao lao động một cách hợp lý. Nhà máy đặt tại Hà nội – nơi mà có khá nhiều doanh nghiệp nói chung cũng như các doanh nghiệp dệt may nói riêng, như công ty Dệt 8-3, công dệt Minh khai, công ty dệt len mùa đông, công ty dệt may Hà nội… Điều này đặt doanh nghiệp trong tình trạng phải luôn phải cạnh tranh để giữ chân người lao động. Đặc biệt khi công ty được đặt ngay tại nơi mà chi phí sinh hoạt chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập của người lao động. Điều đó buộc doanh nghiệp cần phải cân nhắc tính toán đến mức thù lao hợp lý. Nếu công ty trả lương không thỏa đáng, không phù hợp với sức lao động mà người lao động bỏ ra thì rất dễ khiến người lao động bỏ sang công ty khác để tìm kiếm cơ hội, điều kiện làm việc hợp lý hơn, và đó sẽ là một thiệt hại lớn đối với doanh nghiệp. Với đặc thù của ngành dệt may, nhân công là yếu tố vô cùng quan trọng trong điều kiện công nghệ máy móc chưa thực sự hiện đại và có thể thay thế hết cho lao động của con người, thì việc sử dụng tốt nguồn nhân lực vốn được coi là lợi thế về giá rẻ sẽ là một trong những mục miêu cần đạt được của doanh nghiệp.

1.2. Tình trạng của nền kinh tế

Tình trạng của nền kinh tế đang suy thoái hay đang tăng trưởng nhanh đều sẽ khiến cho doanh nghiệp có khuynh hướng hạ thấp hoặc tăng lương cho người lao động. Bời vì, trong điều kiện nền kinh tế suy thoái nguồn cung về lao động tăng lên, còn trong điều kiện nền kinh tế tăng trưởng thì việc làm được tạo ra và cầu về lao động tăng lên. Trong tình trạng của nền kinh tế hiện nay khi bước sang năm 2008 nền kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu tăng trưởng quá “nóng”, và dấu hiệu “nóng” đầu tiên là tỷ lệ lạm phát tăng mạnh từ 6.6 % tháng 12 – 2006 đến 15.7 % tính đến tháng 2- 2008. Do nền kinh tế mở cửa, sự biến động của giá cả thế giới được phản ánh nhanh chóng trong mặt bằng giá cả nước. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân nói chung và người lao động của công ty nói riêng. Tác động của nền kinh tế tới mức sống của người lao động, để đảm bảo không có sự biến động lớn tới cuộc sống của người lao động, thì doanh nghiệp nói chung và công ty Dệt 19-5 Hà nội nói riêng đều phải có những thay đổi trong công tác thù lao lao động, với mức lương, thưởng hợp lý cũng như quan tâm tới đời sống thực tế của người lao động tạo điều kiện cho họ an tâm công tác, làm việc. Đó là yếu tố khách quan ảnh hưởng đến công tác thù lao của công ty, buộc công ty phải xem xét điều chỉnh.

1.3. Luật pháp và các quy định của chính phủ.

Theo pháp luật hiện hành (Nghị định 94/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006) và Thông Tư số 12/2006/TT-BLĐTBXH ngày 14/09/2006): Đối với doanh nghiệp Nhà nước, áp dụng đơn giá tiền lương mức thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung (từ 450.000 đến 900.000 đồng/ tháng). Đối với doanh nghiệp tư nhân, đơn giá tiền lương không được trả thấp hơn mức tối thiểu chung từ 01/10/2005 là 350.000 đồng/ tháng đến 01/10/2006 là 450.000 đồng/ tháng)

Theo Nghị định 167/2007/NĐ-CP Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động.

Nghị định số 86/.2007/NĐ-CP quy định quản lý lao động và tiền lương trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu.

Các nghị định thường xuyên được chính phủ thay đổi theo tình hình thực tế của nền kinh tế, do tác động của nền kinh tế thế giới cũng như trong nước... Các nghị định thay đổi để phù hợp đảm bảo sự hợp lý, công bằng trong công tác quản lý lao động. Tùy từng trường hợp, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mà mỗi công ty lại có quy chế trả lương riêng nhưng vẫn nằm trong sự phù hợp với các quy đinh chung của pháp luật.

Các điều khoản về tiền lương, tiền công và các phúc lợi được quy định trong Bộ luật Lao Động đòi hỏi các tổ chức, phải tuân thủ khi xác định và đưa ra các mức tiền lương, các chế độ phúc lợi....

Là một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, công ty Dệt 19-5 Hà nội cũng không nằm ngoài những quy định đó. Những quy định của nhà nước về tiền lương tối thiểu, chính sách đối với lao động nữ, thời gian làm việc, an toàn lao động, bảo hiểm xã hội… đều ảnh hưởng tới việc xây dựng phương pháp thù lao lao động động, đòi hỏi công ty phải cân nhắc tuân thủ.

Một phần của tài liệu hoàn thiện công tác thù lao lao động tại công ty tnhh nhà nước một thành viên dệt 19-5 hà nội (Trang 27 - 29)