Hệ thống tài chính yếu kém :

Một phần của tài liệu Khủng hoảng kinh tế Châu á và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam. (Trang 25 - 28)

I. Một số bất ổn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay :

3.Hệ thống tài chính yếu kém :

Trong những năm qua, cùng với quá trình cải cách kinh tế, thị trường tài chính (TTTC)Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định. Về thành tựu :

Trước hết, các thị trường cấu thành cơ bản của TTTC đã được hình thành và từng bước hoàn thiện. Nhiều loại hình định chế trung gian tài chính được thành lập. Đặc biệt, thị trường chứng khoán đã được thiết lập và có những đóng góp ban đầu trong việc huy động các nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế.

Thứ hai, trong hơn 5 năm lại đây, hệ thống ngân hàng đã được cơ cấu lại nhằm giảm thiểu những yếu kém của hệ thống và những sai lệch trong chính sách tín dụng. Chương trình cơ cấu lại tập trung vào việc lành mạnh hoá và tăng cường năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước. Hoạt động tín dụng đã được đổi mới theo hướng các tổ chức tín dụng có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quyết định cho vay, lựa chọn khách hàng và biện pháp đảm bảo tiền vay trên nguyên tắc thương mại, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Thứ ba, các nguyên tắc quản lý tài chính tiên tiến và chuẩn mực quốc tế về tính minh bạch, kế toán, kiểm toán, giám sát... đã và đang từng bước được thể chế hoá và ứng dụng rộng rãi hơn trong thực tế. Các thể chế về quản trị doanh nghiệp (kể cả ngân hàng) cũng được hoàn thiện một bước, nhất là đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Cuối cùng, song không kém phần quan trọng, khung pháp luật của thị trường tài chính đang ngày càng phù hợp hơn với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Chính sách tín dụng ngày càng đối xử bình đẳng hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài. Các định chế tài chính nước ngoài ngày càng được phép mở rộng phạm vi, lĩnh vực hoạt động kinh doanh của mình.

Tuy đạt được không ít thành tựu, song thị trường tài chính Việt Nam vẫn được xem là còn kém phát triển.

Độ sâu tài chính đo bằng tỷ lệ của tổng phương tiện thanh toán (M2)/GDP và tổng tín dụng trong nước/GDP đã tăng đáng kể, đều từ dưới 20% năm 1990 tương ứng lên 45% và 35,1% năm 2000 và 79,0% và 70,2% năm 2005. Song những chỉ số này chỉ tương đương với của các nước trong khu vực vào những năm cuối thập niên 1980 - đầu thập niên 1990.

So sánh tỷ lệ M2/GDP (%) của hệ thống ngân hàng Việt Nam

Nước 2000 2001 2002 2003 Việt Nam 44,6 52,1 53 62,4 Malaysia 103,5 108,4 106,3 108,7 Thái Lan 105,6 103,7 99,2 96,7 Indonesia 59,1 58,2 54,9 59,4 Philippin 61,6 58,2 58,7 56,1 Singapore 108,4 118,9 115,8 - Trung Quốc 152,2 158,6 182,4 191,6

Thị trường chứng khoán, tuy có những bước phát triển nhanh trong năm 2006, đầu năm 2007 song vẫn chưa trở thành hàn vũ biểu cho nền kinh tế và kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam . Thị trường chứng khoán liên tục biến động trồi sụt hết sức bất thường và các nhà đầu tư còn mang nặng tính đầu cơ, đầu tư ngắn hạn và tâm lý bầy đàn. Sau khi đạt đỉnh 1170 vào tháng 3 năm 2007 đến thời điểm này, tức là sau hơn một năm thị trường chứng khoán đã có lúc giảm xuống dưới ngưỡng 500 điểm (giảm hơn 50%) trong khi nền kinh tế cơ bản vẫn phát triển, các doanh nghiệp niêm yết duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Đó là một điều hết sức bất thường và cần có biện pháp khắc phục duy trì niềm tin của các nhà đầu tư. Cùng với đó, thị trường chứng khoán vẫn còn ít các định chế tài chính quan trọng như các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư tương hỗ và chưa có các công ty định mức tín nhiệm. Các nhà bảo lãnh phát hành chủ yếu là các NHTM Nhà nước. Các công ty chứng khoán chưa đóng vai trò nhà tạo lập thị trường quan trọng trên thị trường, mới chỉ thực hiện bảo lãnh phát hành đối với trái phiếu chính phủ. Các nhà đầu tư cá nhân nhìn chung chưa có tính chuyên nghiệp; hành vi đầu tư thường mang tính ngắn hạn, “bầy đàn”, gây biến động mạnh về giá và làm giảm độ tin cậy đối với thị trường, nhất là trong bối cảnh mức độ công khai, minh bạch của thị trường còn rất kém gây ra khả năng khủng hoảng lòng tin của giới đầu tư khi có tình trạng thông tin bất đối xứng và những biến động xảy ra.

Với thị trường trái phiếu, lãi suất trái phiếu chính phủ vẫn chưa tạo được đường cong lãi suất chuẩn làm cơ sở cho việc phát hành trái phiếu công ty và các hoạt động đầu tư trên TTTC. Cách thức huy động vốn qua phát hành trái phiếu quốc gia trên thị trường quốc tế dường như vẫn thiếu tầm nhìn, chưa thật rõ ràng về mục tiêu dài hạn (huy động vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng hay “bảo lãnh” cho một số ngành hàng/dự án “chiến lược” được ưu tiên?). Thành phần tham gia đấu thầu trái phiếu Chính phủ trên thực tế chủ yếu vẫn là các NHTM Nhà nước. Thị trường thứ cấp kém phát triển. Sự tham gia đầu tư vào trái phiếu Chính phủ của công chúng còn hạn chế. Hệ thống tư pháp, các chuẩn mực về công bố thông tin và kế toán, hệ thống thanh toán,... cần được cải thiện nhiều. Việc thiếu vắng các tổ chức định mức tín nhiệm cũng là

nguyên nhân kìm hãm thị trường. Có thể nói, hiện Việt Nam còn thiếu nhiều điều kiện nền tảng để phát triển thị trường trái phiếu công ty.

Mẫu hình TTTC Việt Nam cơ bản là dựa vào ngân hàng hay do ngân hàng chi phối (bank- based or bank dominated financial market), trong khi thị trường tín dụng cũng như hệ thống các ngân hàng lại chứa đựng không ít vấn đề như:

- Mức độ tích tụ và phân khúc thị trường còn cao. Các NHTM nhà nước hiện chiếm gần 80% thị phần huy động tiền gửi và tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng. Nhóm khách hàng truyền thống của các NHTM Nhà nước là các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Các ngân hàng thương mại cổ phần chủ yếu tập trung vào đối tượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhóm khách hàng của các ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài là khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tín dụng theo ngành cũng phản ánh sự phân khúc thị trường tín dụng, nhất là đối với các NHTM Nhà nước, mặc dù với mức độ đang giảm.

- Rủi ro tín dụng, nhất là vấn đề nợ xấu vẫn còn hiện hữu. Tỷ lệ nợ quá hạn so với tổng dư nợ của hệ thống NHTM được công bố đã giảm từ 13% năm 2000 xuống còn 3,4% năm 2005. Tuy nhiên, nếu dựa trên cách phân loại quốc tế về nợ, thì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NHTM có thể lớn gấp nhiều lần con số công bố. Hơn nữa, nguy cơ tiếp tục phát sinh nợ quá hạn là khá cao do nhiều dự án đầu tư chưa được kiểm định chặt chẽ về tính hiệu quả và khả thi, trong khi quá trình cải cách các DNNN lớn mới chỉ thực sự được triển khai từ năm 2005.

- Vấn đề “sai lệch kép” cũng đáng lo ngại. Với tỷ trọng nguồn vốn huy động không kỳ hạn và ngắn hạn vẫn chiếm khoảng 75%, nguy cơ sai lệch về cơ cấu thời hạn trong bảng cân đối tài sản của hệ thống NHTM là tương đối lớn. Nguy cơ này có thể tăng trong bối cảnh các NHTM có thể sử dụng tới 25-30% tổng huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Sai lệch về cơ cấu đồng tiền tuy có giảm trong hai ba năm lại đây, song mức độ vẫn còn khá lớn và lại rất nhạy cảm với biến động tỷ giá, lãi suất, nhất là trong môi trường đô la hóa cao.

- Về sức mạnh tài chính, mặc dù gần đây đã có những cải thiện đáng kể về lượng vốn của các tổ chức tín dụng Việt Nam, nhóm này vẫn bị coi là yếu về tài chính. Trong giai đoạn 4 năm (từ năm 2000 đến năm 2004), tổng vốn điều lệ của nhóm này đã tăng lên 3,5 lần từ 6.000 tỉ đồng vào năm 2001 lên tới 21.000 tỉ đồng vào năm 2004. Đặc biệt, trong năm 2007 vừa qua vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng đã tăng mạnh.Tuy nhiên, mức vốn điều lệ trung bình của cả ngân hàng TMQD và ngân hàng TMCP vẫn thấp, từ khoảng 20 cho đến vài trăm triệu USD. Những con số này không chỉ khiêm tốn khi so với các ngân hàng nước ngoài mà còn làm hạn chế khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại Việt Nam bởi vì mức quy định trần 15% của Luật các Tổ chức Tín dụng (các tổ chức tín dụng không được phép cho vay quá 15% vốn điều lệ cho một khách hàng). Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại vẫn thấp hơn mức tiêu chuẩn 8% của thế giới.

- Rủi ro tín dụng có thể tăng còn do thu nhập của các NHTM chủ yếu dựa trên nguồn thu từ chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay, mặc dù nhiều loại hình dịch vụ ngân hàng đã có bước phát triển trong 3-4 năm lại đây. Hơn nữa, áp lực cho vay theo chỉ định của Chính phủ trên thực tế và vấn đề “rủi ro đạo đức” vẫn tồn tại. Phần lớn các khoản vay lại được thế chấp bằng bất động sản, trong khi thị trường bất động sản biến động mạnh. Các khoản vay được thế chấp chứng khoán tuy có tỷ trọng chưa lớn song cũng đáng lo ngại khi năng lực của các nhà đầu tư cá nhân còn thấp và thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây biến động lớn về giá cả. Trong khi đó, năng lực giám sát, quản trị ngân hàng còn nhiều hạn chế. Công tác giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu. Quá trình giám sát từ xa còn bất cập trong việc tổng hợp, thu thập và xử lý thông tin, đặc biệt trong bối cảnh các chuẩn mực về kế toán, kiểm toán chưa được áp dụng thật rộng rãi, nhất quán. Công tác giám sát tín dụng cũng chưa bao quát hết toàn bộ các định chế tài chính có liên quan đến hoạt động tín dụng do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và do mô hình quản lý hệ thống tài chính hiện tại về thực chất là quản lý theo định chế tài chính. Các quy định quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế như quản lý rủi ro, quản trị tài sản có, tài sản nợ, kiểm toán nội bộ,…mới được áp dụng, nên chưa thật sự có hiệu lực và hiệu quả. Nhìn chung, trình độ quản trị nội tại ngân

hàng chưa đáp ứng tốt các chuẩn mực quốc tế như CAMEL và BASEL.

- Cùng với đó, việc gần đây, sự bùng nổ và thành lập mới của các ngân hàng và công ty tài chính của một loạt các tập đoàn lớn như tập đoàn dầu khí, xi măng, dệt may, FPT.... cũng khiến vấn đề quản trị rủi ro thêm bất cập. Chưa kể đến việc, các tập đoàn này chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính thì việc cung cấp tín dụng của các ngân hàng và công ty tài chính này cho các công ty trong cùng ngành và tập đoàn do các mối quan hệ và "vị nể" mà không xét đến hiệu quả đầu tư và cơ cấu tài chính của công ty đó có thể làm tăng khả năng rủi ro và đổ vỡ cho hệ thống ngân hàng.

Một phần của tài liệu Khủng hoảng kinh tế Châu á và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam. (Trang 25 - 28)