SAO VẪN CÒN ĐÁNH THUẾ XUẤT KHẨU GẠO?

Một phần của tài liệu Tài liệu PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN NƯỚC TA HIỆN NAY - NHỮNG BỨC XÚC VÀ TRĂN TRỞ doc (Trang 101 - 104)

III. HỆ THỐNG QUẢN LÝ TRONG DOANH NGHIỆP VÀ NGUYÊN TẮC THIẾT KẾ CHÚNG

SAO VẪN CÒN ĐÁNH THUẾ XUẤT KHẨU GẠO?

Gạo với giá FOB từ 800 USD/tấn trở lên thuộc loại cao cấp, chỉ xuất được sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU. Tiêu chuẩn đầu tiên của loại gạo này là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo Global GAP và HACCP. Muốn đạt tiêu chuẩn HACCP, trước tiên trong khâu sản xuất – sinh học trên đồng ruộng của nông dân phải được áp dụng GAP. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo loại này, một mặt phải liên kết chặt chẽ với nông dân, tổ chức lại sản xuất của họ, đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, và nhất là khuyến nông để áp dụng GAP trên vùng chuyên canh, sản xuất tập trung qui mô lớn, đáp ứng yêu cầu chế biến và xuất khẩu về cả chất lượng và số lượng. Đó chính là thực hiện sản xuất theo hợp đồng (Contract Farming), thường được gọi là “liên kết 4 nhà”. Mặt khác, doanh nghiệp phải đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến để bảo đảm chất lượng hạt gạo cao cấp một cách bền vững theo tiêu chuẩn HACCP. Nhờ đó, doanh nghiệp mới xây dựng được thương hiệu của mình. Cũng cần lưu ý là hiện nay, với hạt gạo chất lượng trung bình chiếm tỉ lệ cao tuyệt đối trong tổng lượng gạo xuất khẩu, được sản xuất phân tán trên những mảnh ruộng nhỏ, manh mún của hàng triệu nông hộ, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam không thể thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo QĐ 80TTg và do đó cũng chưa có thương hiệu. Chỉ với hạt gạo cao cấp, nhất là gạo đặc sản, một vài doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường Nhật và EU mới bước đầu tạo dựng được hình ảnh thương hiệu của mình. Điều này rất đáng trân trọng, khích lệ và hơn nữa là cần tạo điều kiện xây dựng thương hiệu gạo cao cấp cho các doanh nghiệp này, đừng vô tình hay cố ý gây khó cho doanh nghiệp.

Gạo cao cấp xuất khẩu của Việt Nam là gạo 5%tấm, được đóng gói trong các bao bì đẹp, đắt tiền với trọng lượng nhỏ, 2-3kg hoặc 5kg gạo/1bao. Do vậy, theo các nhà xuất khẩu gạo, để bán được 800 - 900USD/tấn loại gạo này, chi phí bao

bì đã chiếm khoảng 100USD/tấn. Do đó, thuế xuất khẩu sẽ đánh cả trên giá trị bao bì của hạt gạo. Điều đó đã khiến cho doanh nghiệp không dám xuất loại gạo này nếu chỉ bán được khoảng 800 - 900USD/tấn, vì sợ lỗ. Thế là lại một lần nữa chính sách vĩ mô lại làm cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam buộc phải bỏ lỡ cơ hội, mất khách hàng, làm mất đi những dấu ấn thương hiệu của mình đang còn trong giai đoạn hình thành, chưa vững chắc; Mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân cũng như vùng chuyên canh nông sản theo GAP vừa mới bước đầu hình thành, đã bị thui chột. Sẽ rất khó khăn trong việc khôi phục lại các mối quan hệ kinh doanh này, những giá trị vô hình quí giá của doanh nghiệp và nông dân.

Do vậy, tôi thấy cần nhắc lại ý kiến trong bài báo của mình đã đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn, số 34 ra ngày 14/08/2008 là: Chính phủ cần xóa bỏ ngay sắc thuế xuất khẩu gạo nói riêng và nông, lâm, thủy sản nói chung, lập quỹ bảo hiểm nông nghiệp theo cơ chế buộc các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói chung và gạo nói riêng phải nộp một khoản tiền theo đầu tấn hay theo tỉ lệ trên giá xuất khẩu khi giá xuất khẩu đã bảo đảm cho nông dân có lãi trên 30% hoặc 40% và doanh nghiệp có lãi suất so vốn chủ sở hữu bằng 1,5 lần lãi suất vay vốn ngân hàng. Hoặc để đơn giản, mỗi loại nông sản khi đạt mức giá xuất khẩu FOB nào đó thì doanh nghiệp xuất khẩu phải trích nộp 2 - 3USD/tấn hay 0,5 - 0,7% giá trị xuất khẩu cho quỹ bảo hiểm nông nghiệp. Ngay bây giờ, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su, hồ tiêu, cà phê phải trích nộp tiền để lập quỹ bảo hiểm nông nghiệp. Quỹ này do Chính phủ quản lý. Khi giá nông sản xuống quá thấp, Chính phủ qui định giá sàn để bảo vệ lợi ích của nông dân. Các doanh nghiệp được bù lỗ bằng quỹ này khi phải mua nông sản với giá sàn hoặc Chính phủ thuê doanh nghiệp mua nông sản theo giá sàn để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp xuất khẩu. Khi thiên tai, Chính phủ cũng sử dụng quỹ này để tài trợ trực tiếp cho nông dân, như khi xảy ra dịch H5-N1 trong gia cầm, heo tai xanh, lở mồm long móng

trong chăn nuôi động vật có móng, vàng lùn, xoắn lá trên cây lúa…

Nhà nước cần có chính sách vĩ mô để bảo vệ nông dân, trong đó, chính sách thuế xuất nhập khẩu nông sản là một yếu tố quan trọng, khi Việt Nam đã gia nhập WTO và đang hội nhập sâu vào thị trường toàn cầu.

Một phần của tài liệu Tài liệu PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN NƯỚC TA HIỆN NAY - NHỮNG BỨC XÚC VÀ TRĂN TRỞ doc (Trang 101 - 104)