Xây dựng Công đoàn, Đoàn thanh niên, và các đoàn thể quần chúng khác trong doanh nghiệp vững mạnh, phát huy mạnh vai trò tham

Một phần của tài liệu Luận văn Xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước đó cổ phần hóa ở tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay (Trang 100 - 108)

gia xây dựng doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người lao động, xây dựng tổ chức Đảng

Xây dựng, củng cố các đoàn thể quần chúng trong doanh nghiệp vững mạnh chính là một nội dung quan trọng của việc xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng. Vì vậy, xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá không thể thành công nếu không kết hợp chặt chẽ với xây dựng, củng cố Công đoàn, Đoàn thanh niên, và các đoàn thể quần chúng khác trong doanh nghiệp.

Để làm tốt công tác lãnh xây dựng các đoàn thể chính trị, xã hội vững mạnh, thực hiện công tác vận động quần chúng, người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá, cần giải quyết tốt các vấn đề sau đây:

Một là, ngay sau khi cổ phần hoá doanh nghiệp, tổ chức đảng phải quan tâm kiện toàn, củng cố Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các đoàn thể quần chúng khác trong doanh nghiệp theo đúng pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của mỗi đoàn thể. Đảng ủy, chi ủy cần thường xuyên theo dõi giúp đỡ, lãnh đạo các đoàn thể phát huy được sức mạnh và khả năng của họ trên cơ sở thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch mọi mặt, đặc biệt là trong kinh tế, trong việc thực hiện chế độ chính sách. Đồng thời phát huy vai trò các đoàn thể, quần chúng tham gia xây dựng Đảng, phát hiện, giới thiệu những quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng.

Hai là, phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các đoàn thể chính trị xã hội trong doanh nghiệp cổ phần hoá. Ban chấp hành các đoàn thể phải nghiên cứu nắm vững đặc điểm, cơ chế quản lý và các mối quan hệ liên quan đến tổ chức và hoạt động của các đoàn thể, đến công nhân lao động trong công ty cổ phần. Đây là vấn đề quan trọng để từ đó có cơ sở đề ra các chương trình hành động và nội dung sinh hoạt của đoàn thể phù hợp. Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục sao cho thiết thực, hiệu quả, đúng định hướng chính trị, đưa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến với đông đảo đoàn viên, công nhân, người lao động trong doanh nghiệp. Hoạt động của đoàn thể phải tập trung vào những vấn đề có ý nghĩa thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất-kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo môi trường thuận lợi cho công nhân, người lao động phấn đấu trưởng thành về mọi mặt.

Ba là, phải đổi mới toàn diện công tác cán bộ đoàn thể, từ khâu lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo, bố trí sử dụng đến chính sách đối với cán bộ của

các đoàn thể. Cán bộ đoàn thể cần được lựa chọn từ phong trào quần chúng, là người tâm huyết, có trách nhiệm cao, được quần chúng tin yêu, tín nhiệm để làm đại diện cho họ. Đồng thời cán bộ phải có trình độ chuyên môn, có năng lực thực sự trong việc chỉ đạo phong trào và tham gia có hiệu quả các hoạt động phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ và chỉ đạo sâu sát của các đoàn thể cấp trên đối với cơ sở. Quan tâm tới những cơ sở mới được chuyển sang công ty cổ phần đang còn nhiều khó khăn phức tạp. Chỉ đạo các hoạt động giám sát đối với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Cấp uỷ và ban chấp hành các đoàn thể phân công cán bộ đi sâu, đi sát quần chúng, lắng nghe ý kiến quần chúng để phối hợp công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo phát huy dân chủ của đoàn viên, người lao động ngay tại cơ sở, thực hiện tốt quy chế dân chủ. Không để tình trạng đoàn viên, người lao động mất chỗ dựa, quay lưng lại với đoàn thể, hành động một cách tự phát.

Năm là, về cơ chế chính sách và việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản của các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiến hành đồng bộ, kịp thời sát thực tế, sớm định hướng cho cơ sở thực hiện. Các văn bản này nhằm xác lập địa vị pháp lý, vị trí và vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội hoạt động trong công ty cổ phần. Trước khi ban hành văn bản, các cơ quan soạn thảo cần khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế, trao đổi và thống nhất với các đoàn thể chính trị - xã hội, để văn bản được ban hành mang tính khả thi cao.

Sáu là, xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa các đoàn thể chính trị - xã hội với hội đồng quản trị và ban giám đốc công ty. Các đoàn thể cần chủ động phối hợp với lãnh đạo công ty chỉnh sửa, bổ sung những quy chế không còn phù hợp. Đặc biệt phải quy định rõ mối quan hệ công tác, trách nhiệm của các bên và trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức; quy định định kỳ kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện các quy chế đã được cam kết.

Qua thực tế lãnh đạo xây dựng các đoàn thể trong doanh nghiệp nhà

nước đã cổ phần hoá ở Quảng Bình, cho thấy cần chú ý thêm một số vấn đề sau:

- Tuyên truyền làm rõ mục đích và mục tiêu hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội là góp phần làm giàu cho doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho công ty và người lao động, bảo đảm sự ổn định và phát triển doanh nghiệp đó; đặc biệt là trong việc giữ vững kỷ luật lao động và khơi dậy khí thế thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong doanh nghệp. Quán triệt tinh thần đó, Hội đồng quản trị và ban giám đốc phải thông suốt và ủng hộ một cách tích cực.

- Các đoàn thể chính trị - xã hội cấp trên nên bố trí một bộ phận cán bộ chuyên trách, tập trung chỉ đạo, theo dõi hoạt động của đòan thể mình trong các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá. Từng thời điểm thích hợp, phải có đề tài nghiên cứu khoa học, có khảo sát đánh gía việc xây dựng tổ chức và hoạt động của đoàn thể chính trị - xã hội, kịp thời đề ra chủ trương, giải pháp tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp trên trước yêu cầu mới đang đặt ra trách nhiệm rất lớn cho tổ chức mình.

- Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí hoạt động, trang bị cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học tập các đơn vị điển hình tiên tiến. Quan tâm đến đời sống công nhân lao động, nhà ở, việc làm, tay nghề,... thông qua đầu tư, giao việc cho các tổ chức đoàn thể là người đại diện chăm lo lợi ích cho người lao động.

- Cần cụ thể hoá chức năng giám sát và phản biện xã hội của đoàn thể chính trị-xã hội trong công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu trình Quốc hội bổ sung, sửa đổi luật công đoàn cho phù hợp với đặc điểm của tình hình, khi

đã có nhiều loại hình cơ sở mới ra đời trong nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hiện nay.

- Nhà nước cần luật hoá việc lãnh đạo của tổ chức công đoàn tham gia thành viên hội đồng quản trị với tư cách là đại diện tập thể cổ đông là những đoàn viên công đoàn. Có như vậy, vị trí của công đoàn trong doanh nghiệp cổ phần hoá mới phát huy tốt và có trách nhiệm cao hơn trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng hợp pháp cho đoàn viên và người lao động tại doanh nghiệp. Tuy về mặt pháp lý, công đoàn đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong công ty cổ phần, nhưng không có cơ chế đủ để công đoàn ở cơ sở thực hiện chức năng đó. Do vậy, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong công ty cổ phần gặp nhiều khó khăn hớn so với khi còn là doanh nghiệp nhà nước. Nên cần có cơ chế để công đoàn được tham gia hội đồng quản trị, ban kiểm soát, trong bộ máy quản lý công ty nhằm phát huy vai trò người đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp đã cổ phần hoá.

- Cần có chính sách ưu đãi đối với người lao động nghèo trong doanh nghiệp, giúp họ có thể sở hữu cổ phần khi doanh nghiệp cổ phần hoá,thông qua đó mà nâng cao tính tích cực chính trị của người lao động, thúc đẩy họ tham gia vào xây dựng doanh nghiệp và tổ chức đảng, đoàn thể.

Để đảm bảo quyền lợi về kinh tế, chính trị cho người lao động nghèo khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, Thông báo 63- TB/TW của Bộ Chính trị ngày 4-4-1997 về tiếp tục triển khai tích cực và vững chắc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, chỉ rõ: “Có chính sách hỗ trợ cho công nhân nghèo mua được số cổ phần cần thiết, nhằm tạo động lực góp phần xoá đói giảm nghèo và thực hiện công bằng xã hội”.

Thực hiện chủ trương trên của Đảng, các Nghị định 28/CP, 44/1998/NĐ-CP và Nghị định 64/2002/NĐ-CP của Chính phủ đều quy định: “Người lao động

nghèo trong doanh nghiệp cổ phần hoá được mua chịu cổ phần với giá ưu đãi, được hoãn trả trong 3 năm đầu và trả dần trong 7 năm tiếp theo không chịu lãi suất... Người sở hữu cổ phần này chỉ được chuyển nhượng sau 3 năm kể từ khi mua và đã trả hết nợ cho Nhà nước”.

Nhờ chính sách này mà nhiều người lao động nghèo đã mua được cổ phần, và được hưởng mọi quyền lợi chính trị và kinh tế của một cổ đông. Do đó, không ít người đã thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ nghèo đói trong mấy năm qua, đặc biệt là một tỉnh nghèo như Quảng Bình thì việc làm này thật có ý nghĩa đối với người lao động trong doanh nghiệp.

Có thể nói, chính sách ưu đãi đối với người lao động nghèo khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước được thực hiện gần mười năm đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội đáng kể. Người lao động nói chung, đặc biệt là lao động nghèo trong doanh nghiệp cổ phần hoá hết sức phấn khởi và mong muốn chính sách này được tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, tại Nghị định 187/2004/NĐ- CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ thì chính sách đối với người lao động nghèo đã bị cắt bỏ, gây tâm lý lo lắng đối với người lao động nghèo. Vì vậy, đề nghị Chính phủ khôi phục lại chính sách ưu đãi đối với người lao động nghèo khi thực hiện cổ phần hoá.

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý để người lao động giữ được cổ phần, chống tư nhân hoá doanh nghiệp nhà nước. Trong quá trình thực hiện cổ phần hoá, một bộ phận người lao động chưa nhận thức hết được quyền lợi của cổ đông, nên đã sớm bán cổ phần ưu đãi của mình. Làm như vậy không những người lao động đánh mất quyền và lợi ích lâu dài trong công ty cổ phần, mà còn tạo điều kiện cho một số cá nhân mua gom cổ phần với mục đích thâu tóm doanh nghiệp, biến doanh nghiệp thành công ty tư nhân. Để hạn chế tình trạng này trong nghị quyết Trung ương ba, khóa IX đã khẳng định "cần phải

có quy định để người lao động giữ được cổ phần ưu đãi". Thể chế hoá vấn đề này, trong Nghị định 64/2002/NĐ-CP ngày 19-6-2002 đã quy định "người lao động sở hữu số cổ phần được mua theo giá ưu đãi....Cổ phiếu của loại cổ phần này là cổ phiếu ghi tên và chỉ được chuyển nhượng sau 3 năm kể từ khi mua. Trường hợp đặc biệt khi cần chuyển nhượng số cổ phần này trước thời hạn thì phải được Hội đồng quản trị công ty cổ phần chấp nhận, công ty cổ phần ưu tiên mua lại theo giá thị trường tại thời điểm". Nhờ đó, nhiều công ty cổ phần ổn đinh, giảm hẳn hiện tượng ngấm ngầm tranh giành, thâu tóm công ty. Người lao động giữ được cổ phần nên đã phát huy tốt quyền làm chủ của mình để tham gia quản lý công ty, yên tâm làm việc, gắn bó quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với công ty.

Nhưng, Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16-11-2004 đã bỏ quy định này, tạo kẽ hở cho việc thâu tóm cổ phiếu của tư nhân. Trong cùng một doanh nghiệp cổ phần ở Quảng Bình, có người - chủ yếu là cán bộ quản lý, điều hành công ty, sở hữu số cổ phần trị giá hàng tỷ đồng, nhưng có tới 20% số người lao động không có cổ phần, gần 50% số người lao động chỉ sở hữu số cổ phần dưới 10 triệu đồng. Điều đó dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về thu nhập từ cổ tức, đã tạo ra xu thế phân hoá giàu nghèo trong doanh nghiệp, và nguy cơ biến thành tư nhân hoá, trái với mục tiêu cổ phần hoá doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước ta.

Cần có chính sách đối với vốn tự bổ sung, Trong nghị quyết Trung ương 3 khoá IX nêu rõ: "Nghiên cứu sử dụng một phần vốn tự có của doanh nghiệp để hình tthành cổ phần của người lao động, người lao động được hưởng lãi nhưng không được rút cổ phần này khỏi doanh nghiệp" [17, tr.23]. Tuy nhiên, đến nay chủ trương đó vẫn chưa được thể chế hoá. Vì vậy, Chính phủ cần thể chế hoá vấn đề trên, có quy định trích một phần vốn tự có để hình

thành cổ phần của người lao động, cổ phần này không được rút khỏi công ty. Cổ tức thu được từ cổ phần này, bổ sung thu nhập cho người lao động, một phần tạo quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng chung của công ty đó. Đây cũng tạo điều kiện cho công đoàn doanh nghiệp cổ phần đại diện phần vốn này tham gia Hội đồng quản trị và là thành viên quản lý trong doanh nghiệp.

Ngoài ra quyền dân chủ của người lao động trong doanh nghiệp cổ phần cần được phát huy, thực hiện tốt quyền đại diện bảo vệ người lao động của tổ chức công đoàn và các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội khác.

Trong doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp đều xây dựng quy chế dân chủ cơ sở theo Nghị định 07/1999/NĐ-CP ngày 13-2-1999 của Chính phủ, tổ chức đại hội công nhân viên chức theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức và hoạt động của ban thanh tra nhân dân theo Luật Thanh tra. Khi chuyển thành công ty cổ phần, tất cả các hình thức nhằm bảo đảm quyền dân chủ cho người lao động nêu trên không còn hiệu lực. Vì vậy, chỉ có người lao động là cổ đông mới được dự đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp, được biết, được bàn và được quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích cổ đông theo tỷ lệ cổ phiếu. Còn người lao động không phải là cổ đông, hoặc là cổ đông nhỏ không được tham gia Đại hội đồng cổ đông và cũng không có hoặc có rất ít diễn đàn hay hình thức dân chủ để họ biết, được bàn, để tham gia những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích của mình. Do đó, cần có quy định về hình thức phát huy quyền dân chủ của người lao động trong doanh nghiệp cổ phần.

Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá là yêu cầu khách quan của sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước. Các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền giáo dục và tổ chức động viên đoàn viên, người lao động thi đua thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của

Đảng và Nhà nước; hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, ổn định và phát triển doanh nghịêp, không ngừng nâng cao thu nhập cho người lao động. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện kịp thời cho các đoàn thể chính là từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho sự phát triển bền vững đất nước.

Một phần của tài liệu Luận văn Xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước đó cổ phần hóa ở tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay (Trang 100 - 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)