Tổng quan các yếu tố ảnh hưởng đến xói lở, bồi tụ và diễn biến đường bờ

Một phần của tài liệu PHÂN TÍCH XU THẾ QUÁ TRÌNH VẬN CHUYỂN TRẦM TÍCH VÀ BIẾN ĐỔI ĐƯỜNG BỜ, ĐÁY KHU VỰC CỬA SÔNG ĐÁY BẰNG MÔ HÌNH MIKE (Trang 29 - 31)

Xói lở bồi tụ dải ven biển là một quá trình tự nhiên phức tạp, là hệ quả tương tác giữa rất nhiều nhân tố. Các yếu tố tác động đến quá trình xói lở bồi tụ bờ biển được phân làm hai nhóm: các yếu tố tự nhiên và tác động của con người. Việc đánh giá xác định nguyên nhân xói bồi phải xem xét đầy đủ trên các phương diện như sự vận chuyển bùn cát dưới tác động của sóng, gió và dòng triều; các tác động của con người trong phạm vi dọc bờ biển, trên các lưu vực sông, theo không gian cũng như thời gian, cụ thể như sau:

- Hình thái và đặc điểm địa hình, địa mạo bờ biển: dạng (thành tạo) bờ biển, cấu tạo bờ biển và hướng đường bờ, tính “nhạy cảm” với các quá trình động lực bờ biển.

- Gió: lực ngoại sinh quyết định sự hình thành và phát triển của sóng.

- Sóng: lực tác động quan trọng nhất trong quá trình xói lở và vận chuyển bùn cát của dải ven bờ. Quá trình giải phóng năng lượng sóng tại đới bờ sẽ đào xới, phá vỡ kết cấu bề mặt bờ biển, đồng thời tạo ra dòng chảy vận chuyển bùn cát theo chiều dọc bờ cũng như theo phương trực giao với bờ.

- Thủy triều: Yếu tố ảnh hưởng đến quá trình động lực học hình thái mang tính dài hạn, điều phối sóng cũng như năng lượng chuyển đến vùng bờ, tác động đến dòng chảy ven bờ. Năng lượng sóng vỡ được giải phóng, đồng nghĩa với sức phá hoại bờ của sóng tại những thời điểm triều cường là lớn nhất. Với vùng biển có biên độ triều lớn như ven biển Đông thì tính nhạy cảm đối với sự dao động mực nước triều càng tăng lên.

- Dòng chảy ven bờ: bùn cát bị xói sẽ được chuyển đi nơi khác bởi dòng chảy. Dòng chảy được hình thành do sự dao động thủy triều (dòng triều lên và rút), do sóng tới xiên góc với bờ (dòng chảy dọc ven bờ), và dòng xoắn ngược do sóng

(dòng tiêu hay dòng tách bờ). Nếu khả năng vận chuyển bùn cát của dòng ven bờ lớn hơn nguồn bùn cát mà bờ biển được cung cấp thì xói lở sẽ xảy ra.

- Nước biển dâng: đây là dạng tác động chậm và dài hạn làm đường bờ dịch chuyển vào trong, một phần là tác động trực tiếp gây ngập lụt, một phần là qua tác động đến các quá trình động lực học, hình thái vùng bờ do mực nước cao hơn.

- Sự thay đổi nguồn cung cấp bùn cát: Sự biến đổi khí hậu có thể dẫn đến hạn hán, giảm tần suất lũ trên các sông cung cấp phù sa, bùn cát cho biển.

- Thảm thực vật (rừng ngập mặn): có vai trò quan trọng với sự ổn định mái dốc bờ biển, cố kết bùn cát trầm tích, tiêu tán năng lượng sóng tác động vào bờ biển.

- Bên cạnh các yếu tố tự nhiên, các tác động do con người tạo ra cũng cần được xem xét theo không gian cũng như theo thời gian:

- Các công trình bảo vệ bờ dọc ven biển như kè mỏ hàn, đê phá sóng thường gây ra xói lở phía sau theo hướng di chuyển bùn cát thực (down drift) của công trình bảo vệ trong khoảng năm đến mười năm.

- Các công trình kè, tường chắn sóng bảo vệ bờ và đê biển thời gây xói ở cuối công trình cũng như xói chân công trình trong ngắn hạn (thường là dưới năm năm).

- Trong phạm vi lưu vực, việc xây dựng các công trình đập thủy điện, hồ chứa nước, cũng như các công trình chuyển nước khỏi lưu vực ở thượng lưu sẽ làm giảm nguồn phù sa, bùn cát cung cấp cho biển, từ đó góp phần gây xói lở bờ biển. Ảnh hưởng của các công trình đập và chuyển nước ở thượng lưu là không mang tính tức thời mà thường là trong trung hạn hoặc dài hạn (20 đến 100 năm), với phạm vi ảnh hưởng từ vài kilomet đến hàng trăm kilomet.

- Các hoạt động nạo vét luồng, khai thác cát trên sông và trên biển cũng có thể góp phần làm thiếu hụt lượng bùn cát trong hệ thống, thay đổi độ sâu dẫn tới việc thay đổi sóng tới (cả phương chiều lẫn chiều cao sóng) cũng như dòng ven bờ. Tác động của các yếu tố này có thể là trong ngắn hạn, một vài năm đến năm mười năm.

- Ngoài ra phải kể đến tác động của con người liên quan đến sự suy thoái của rừng (chặt phá, khai thác quá mức, xây dựng công trình hạn chế không gian phát triển của rừng) cũng như sự phát triển của chúng (gây bồi, trồng rừng).

Một phần của tài liệu PHÂN TÍCH XU THẾ QUÁ TRÌNH VẬN CHUYỂN TRẦM TÍCH VÀ BIẾN ĐỔI ĐƯỜNG BỜ, ĐÁY KHU VỰC CỬA SÔNG ĐÁY BẰNG MÔ HÌNH MIKE (Trang 29 - 31)