Hệ blend trên cơ sở caosu NBR với caosu thiên nhiên

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CHẾ TẠO VẬT LIỆU CAO SU BLEND BỀN MÔI TRƯỜNG VÀ DẦU MỠ (Trang 41 - 42)

Cao su thiên nhiên (CSTN) là một trong những polyme thiên nhiên được con người sử dụng sớm nhất và cho đến nay nó vẫn là loại vật liệu không thể thay thế được trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, các sản phẩm chế tạo từ CSTN vẫn còn tồn tại một số nhược điểm như độ bền lão hóa và ozon kém, độ chịu nhiệt, chịu dầu và chịu tác dụng của các tác nhân hóa học chưa cao. Một trong những phương pháp khắc phục các nhược điểm tồn tại, nâng cao giá trị sử dụng của CSTN là trộn hợp chúng với một số loại nhựa hay cao su tổng hợp.

Chakrit Sirisinha và các cộng sự đã nghiên cứu chế tạo vật liệu tổ hợp của CSTN với cao su nitril butadien (NBR). Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng ở tỷ lệ thành phần CSTN/NBR bằng 20/80, độ bền dầu của vật liệu phụ thuộc mạnh vào cấu trúc hình thái học của blend. Độ bền dầu của blend càng cao khi pha CSTN càng phân tán nhỏ trong pha NBR. Ngoài ra người ta còn thấy tính năng của blend khi dùng chất độn than đen tốt hơn khi dùng SiO2. Tuy nhiên, từ những nghiên cứu người ta thấy hệ blend của CSTN/NBR thường cho sản phẩm có một số tính chất kém hơn mỗi cấu tử thành phần. Nguyên nhân chủ yếu là do sự không tương hợp về pha dẫn đến sự phân bố không đồng nhất của các thành phần chất độn và các chất lưu hóa [59, 60]. Tác giả Chakrit Sirisinha và các cộng sự cũng đã nghiên cứu hình thái pha và độ chịu dầu của blend CSTN/NBR 20/80 trộn với các chất độn than đen N220, N330, N660, SiO2 và khả năng tương hợp khi thêm chất etylen-propylen-dien maleat (EPDM-g-MA) và etylen copolyme octen maleat (EOR-g-MA). Kết quả nghiên cứu đã cho thấy rằng blend với SiO2

có khả năng chịu dầu kém hơn các blend với than đen, tác dụng tương hợp của cả hai chất EPDM-g-MA và EOR-g-MA trong hệ nghiên cứu bị ảnh hưởng mạnh bởi sự phân cực toàn phần của blend [61]. Ngoài nghiên cứu khả năng chịu

dầu của hệ NBR/CSTN, gần đây nhóm nghiên cứu K.G. Princy và các cộng sự đã chứng minh được hệ blend CSTN/NBR tương ứng 20/80 có độ dẫn điện cao nhất trong số các hệ blend của NBR với CSTN, EPDM và PVC [62]. Ngoài tạo vật liệu tổ hợp với CSTN, NBR còn có thể kết hợp với cao su thiên nhiên epoxy hóa (ENR), polyvinylclorua (PVC), polypropylen (PP), polyetylen (PE), polyamit (PA), cao su styren butadien (SBR), cao su etylen - propylen - dien (EPDM), cao su butyl (IIR), v.v…

1.4.3.2. Hệ blend trên cơ sở cao su NBR với cao su thiên nhiên epoxy hóa (ENR)

Bằng cách trộn hợp cao su NBR với cao su thiên nhiên epoxy hóa (ENR) trong những điều kiện công nghệ cụ thể, chúng ta có thể chế tạo ra một vật liệu cao su blend mới có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với các polyme thành phần ban đầu. Các nghiên cứu cho thấy việc tăng hàm lượng nhóm acrylonitril trong cao su nitril sẽ làm tăng tốc độ lưu hóa nhưng không làm ảnh hưởng đến khả năng gia công và mật độ các liên kết ngang khi hỗn hợp blend này được lưu hóa hoàn toàn. Trong thực tế, hàm lượng nhóm epoxy trong ENR không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ lưu hóa nhưng khi tăng hàm lượng nhóm epoxy từ 12 đến 25% thì giá trị momen xoắn lại tăng lên đáng kể. Cao su thiên nhiên epoxy hóa có 25% nhóm epoxy (ENR25) có độ nhớt rất cao đã được sử dụng làm tác nhân dẻo hóa giúp cho quá trình gia công chế biến NBR được thuận lợi [63]. Ngoài ra hệ NBR với ENR cũng đã được sử dụng để nâng cao khả năng bám dính tương hỗ khi chế tạo keo dán cao su tổng hợp với kim loại [21].

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CHẾ TẠO VẬT LIỆU CAO SU BLEND BỀN MÔI TRƯỜNG VÀ DẦU MỠ (Trang 41 - 42)