Sang năm 2007, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng sản phẩm trong nước sẽ tăng khoảng 8,2% so với năm 2006, trong đó giá trị tăng thêm của ngành dịch vụ sẽ đạt trên 7,1%. Những quan hệ hợp tác kinh tế về thương mại với các nước, việc triển khai các Hiệp định song phương và đa phương ngày càng được mở rộng và do vậy tạo thêm điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, môi trường pháp lý cho hoạt động kinh doanh trong nước ngày càng được thông thoáng với một số đạo luật được thông qua như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Bộ luật Hàng hải, Luật đấu thầu, Luật chứng khoán…bắt đầu có hiệu lực sẽ hứa hẹn nhiều bước đột phá về kinh doanh đầu tư của các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Riêng đối với lĩnh vực vận tải biển Việt Nam, theo quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì mục tiêu phát triển sẽ là nâng cao thị phần vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước lên 25% đến năm 2010 và 35% vào năm 2020 và vận tải biển nội địa đạt 100%. Do vậy, lĩnh vực vận tải biển và dịch vụ hàng hải đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia và có nhiều tiềm năng phát triển.
Đối với thị trường Mỹ: Nhờ được hưởng lợi từ việc Mỹ áp dụng khống chế các CAT nóng với Trung quốc cùng với việc phân bổ quota hợp lý hơn của Chính phủ Việt Nam, nên dự báo lượng hàng dệt may và giày thể thao của Việt Nam vào Mỹ dự định sẽ tăng trong tương lai. Đây cũng là mặt hàng xuất chủ yếu của SAFI được khách hàng chỉđịnh.
Với việc gia nhập WTO của Việt Nam vừa qua, hoạt động thương mại và dịch vụ đang từng bước được cởi mở hơn, các doanh nghiệp trong ngành có thể không còn sự độc quyền. Sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài cùng ngành nghề vào thị trường Việt Nam sẽ làm tăng sự cạnh tranh đối với hoạt động kinh doanh của SAFI.