động về bố của cô học trò
nhỏ
"Bố ơi! Con nhớ bố lắm! Biết đến bao giờ bố và em trở về ngôi nhà mình để cả nhà lại sống như ngày xưa hả bố? Con nhớ bố lắm bố ơi!"
Có đôi khi mình cảm thấy hạnh phúc và may mắn khi có cơ hội để khám phá thêm những mảnh nhỏ cuộc đời. Những cung bậc vui buồn dằn vặt của những tâm hồn mong manh qua các bài văn học trò. Thường là trong 90 phút viết bài hai tiết, tâm hồn vốn nhậy cảm và chân thực ấy biểu hiện nhiều điều.
Trong những bài văn ấy, có một bài văn mà làm mình xúc động vô cùng. Đề văn với yêu cầu: Em hãy viết những cảm xúc của mình về một người thân nay đã xa.
Con bé ấy khi đọc đề là bắt đầu viết cắm cúi. Mình yên lặng chờ đợi. Nó viết và hầu như không ngẩng lên trong suốt thời gian ấy, chỉ có điều mình nhận rõ con bé vừa viết vừa khóc. Nó nộp bài cho mình đầu
tiên rồi ngồi yên lặng.
Bài viết là một cảm xúc về gia đình.
“Tôi có một gia đình nhỏ bé. Bố, mẹ và cậu em trai nghịch ngợm lắm. Bố thì bận công việc suốt ngày những lại nấu ăn rất giỏi và vui tính nữa. Bao giờ cũng vậy, vào cuối tuần là bố trổ tài nấu nướng. Khi bầy thức ăn lên bàn rồi, tôi mới thấy bố tài ba đến thế nào.
Bố hay cười và vì thế mà không khí gia đình tôi rất vui. Bố rất yêu hoa phong lan và thường chăm sóc nó. Đặc biệt là giò phong lan móng rồng mầu vàng.
Chiều nào cũng vậy, tôi cùng bố lên chăm sóc những khóm hoa phong lan
ấy. Hương thơm của hoa , sự chăm chỉ của tôi và bố khiến giàn hoa nhà tôi đẹp lắm! Tôi thấy mình có một gia đình thật là hạnh phúc.
Nhưng rồi, niềm hạnh phúc của gia đình tôi thật là ngắn ngủi. Mẹ đi làm về muộn hơn. Bố mẹ thường đóng cửa và cãi vã nhau. Lúc đó, tôi và em chỉ biết bảo nhau im lặng.
Tôi sợ không khí ấy, sợ một điều gì đó sẽ đến với gia đình mình. Thế rồi nó đã đến thật.
Tôi khóc mãi khi nghe mẹ nói với tôi rằng: Bố mẹ sẽ ly hôn, em sẽ ở với bố và con sẽ ở với mẹ. Tôi xin mãi mà bố mẹ không nghe lời tôi.
Tôi khóc, em trai cũng vậy. Tôi ôm em trai và buồn vô cùng khi nghĩ rằng nó sẽ phải về một nơi xa để sống cùng bố và ông bà nội.
Bố và em đi rồi. Trong nhà bây giờ chỉ còn tôi với mẹ. Tôi thấy căn nhà rộng quá. Tối đến, mẹ vào phòng làm việc rồi, chỉ còn mình tôi. Tôi nhớ em, nhớ bố. Tôi nhớ bố lắm. Bằng giờ này mọi khi bố cũng lúi cúi trong phòng làm việc, bên bản vẽ.
Tôi nhớ tiếng bố đi hay kéo đôi dép xốp lẹt xẹt, nhớ cách bố hút thuốc lá, nhớ tiếng ho của bố, nhớ nụ cười của bố. Tôi nhớ những buổi tối cuối tuần với bữa ăn mà bố chế biến cùng nụ cười bố hiền từ biết bao.
Tôi không ngủ được. Suốt đêm tôi nghĩ về bố, nghĩ về ngôi nhà rộng và lạnh lẽo chỉ có hai mẹ con, tôi khóc ướt đầm cả gối mà mẹ không biết.
Mấy tuần rồi, tôi không dám lên tầng để tưới cho những giò hoa phong lan. Tôi sợ lên đó. Vì nơi đó sẽ gợi nhớ hình ảnh thân yêu và cặm cụi của bố mỗi buổi chiều ngày xưa. Bố yêu hoa lắm mà. Tôi không lên đó nữa.
Nhưng rồi chiều nay, không hiểu sao, tôi đã lò dò bước lên. Khi nhìn những giò hoa phong lan yêu quí, tôi ngồi xụp xuống và không ngăn được dòng nước mắt.
Những giò hoa phong lan của bố xanh mướt là thế, hoa đẹp là thế mà đang dần chết héo vì thiếu nước. Những chiếc lá lan vàng úa, khô khỏng. Tôi vội vã tưới nước và thì thầm nói lời xin lỗi... Tha lỗi cho ta nhé Lan. Tại tao sợ nhìn chúng mày... Tại tao nhớ bố quá.
Lâu rồi, tôi không gặp bố. Mà có lẽ gần một tháng rồi, bố không gọi điện cho tôi. Tôi nhớ bố và mong gặp bố biết chừng nào. Bố ơi! Con nhớ bố lắm! Biết đến bao giờ bố và em trở về ngôi nhà mình để cả nhà lại sống như ngày xưa hả bố? Con nhớ bố lắm bố ơi!”
Đọc bài viết của con bé, mình không kìm nổi xúc động và bảo ngay: Cho cô xin số điện thoại của bố.! Mình chạy ra ngoài và gọi.
Không biết trước sau mình đã nói những gì bởi vì mình nói trong một tâm trạng đầy xúc động.
“Tôi là giáo viên dạy văn của cháu. Tôi không biết hoàn cảnh gia đình mình cho đến khi đọc bài văn của cháu hôm nay.
Có thể vì một lý do nào đó mà gia đình mình không còn vẹn toàn song là một giáo viên, cũng là một người mẹ nữa, tôi mong anh chị đừng làm tổn thương con trẻ, bù đắp cho cháu để nó không cảm thấy mất mát quá.
Bởi vì tôi thấy trong bài viết , cháu nó rất yêu bố, rất mong gặp bố, mong bố trở về. Tự nhiên tôi nghĩ đến trách nhiệm và đôi khi là sự ích kỷ của người lớn chúng ta anh ạ.
Chúng ta mải mê quá, tìm điều gì xa xôi mà không để ý tới tình yêu thương và hạnh phúc của các con mình đang dành cho ta đang ở rất gần.
Tôi xin lỗi vì nói nhiều tới chuyện gia đình xong mong anh hãy trở về thăm cháu nhiều hơn anh ạ, gọi điện cho cháu nữa. Con gái anh là một đứa trẻ nhậy cảm và giàu tình yêu thương... nó rất yêu anh.”
Có thể người cha ấy nhận ra cảm xúc của mình khi nói nên giọng trầm xuống buồn bã. Người cha ấy nói lời cảm ơn mình và xin lại bài văn viết của con gái. Anh hứa sẽ về thăm cháu thường xuyên hơn và vì hoàn cảnh công việc luôn phải xa nhà. Anh hứa sẽ dành nhiều thời gian hơn cho con gái ...
Sau buổi học, mẹ cô bé đến đón, mình gọi ra một góc và nói chuyện đó. Người mẹ trẻ nghe xong câu chuyện về con gái không nói một câu nào mà chỉ ngồi khóc mãi không thôi.
Có lẽ một điều linh cảm nào đó cho mình biết nguyên nhân có thể bắt đầu từ người mẹ và sau đó mình đã không lầm.
Một tuần sau, con bé thì thầm nói với mình. Bố em về thăm em cô ạ. Một tuần 3 lần cô ạ. Bố còn gọi điện liên tục cho em nữa. Bố nói chuyện với mẹ rất lâu cô ạ. Đôi mắt con bé ngập đầy hạnh phúc.
Hết học kỳ 1 con bé lại thì thầm thông báo: Bố em nói rằng: Hết học kỳ I này sẽ chuyển cho em trai lên thành phố học cô ạ. Em vui lắm.
Và một thông báo mới toanh trước khi nghỉ tết. Bố và em trai em về nhà ăn Tết rồi cô ạ. Bố chuyển hết đồ về nhà rồi. Chiều qua, em với bố lại lên tưới hoa phong lan. Bố mẹ em làm hòa với nhau rồi cô ạ. Cô ơi! Có phải là do bài văn của em không cô.?