đừng thờ ơ!
Vu Lan là dịp đặc biệt để giới trẻ sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn và xin chớ quên rằng: Ai còn Cha mẹ… xin đừng thờ ơ!
Những ngày tháng Bẩy âm lịch lại về, mang theo chút mưa nắng thất thường đan xen vào dòng đời tấp nập. Cũng chính lúc này, nhà nhà đều thành kính bước vào mùa Vu Lan - mùa báo hiếu…
Bản chất cuộc đời như con thuyền ngoài biển khơi, có lúc sóng yên gió lặng, thuyền đi êm ả và đích đến dễ dàng đạt được. Nhưng phần lớn trên hành trình ấy, con thuyền thường phải đương đầu với muôn vàn sóng gió để cập bờ.
Đó là những lúc buồn - vui – sướng - khổ, là những giây phút tươi nở nụ cười hay rưng rưng nước mắt. Trong khoảnh khắc đó, con người ta thường có thiên hướng nghĩ tới xuất phát điểm của cuộc đời mình mà tung hô hay than vãn.
Và cho dù là sung sướng hay kêu than, thì ngàn đời nay muôn người vẫn thường than với Trời, sau đó là than với Cha mẹ. Ừ thì than Trời, nhưng dẫu có than Trời thì vẫn cao quá, xa quá, đâu thấu lòng ta!
Vậy còn lại chỉ có Cha mẹ là nơi trút bỏ mọi ưu tư, sầu khổ của kiếp người. Bởi Mẹ cha là nguồn cội, là cái nôi sinh thành và cho ta được sống để có thể biết khổ đau hay hạnh phúc!
Kiếm đâu ra trên thế gian này một điểm tựa vững chắc như Cha. Tìm đâu ra giữa biển người bao la một vòng tay ấm áp yêu thương như vòng tay Mẹ. Dù cho đi hết cuộc đời thì lòng cha mẹ vẫn không phút giây nào thôi trông mong, lo lắng cho những đứa con mà họ đã dứt ruột sinh thành.
Công lao trời bể của Mẹ cha cho tới hết đời, không một người con nào có thể trả cạn. Chỉ có thể đền đáp ơn sâu ấy bằng việc sống sao cho nên người, cho lành thiện. Nhất là với người trẻ chúng ta khi nhớ về Mẹ-Cha, bậc sinh thành yêu quý mà trong nhịp thở gấp gáp của cuộc sống hiện đại, ai đó đã có phút sao nhãng, lãng quên.
Mùa báo hiếu tháng 7 Âm lịch cũng là dịp để ta sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn, gửi gắm tình cảm và hành động thực sự tới những số phận xung quanh mình.
Ai đã mất đi Cha mẹ thì trọn đời không được quên lãng công lao dưỡng dục của đấng sinh thành. Ai còn cha mẹ thì càng phải sống sao cho có đạo hiếu, chớ thờ ơ, tàn nhẫn mà bất kính, bất hiếu với Mẹ cha để phải ôm trong lòng nỗi xót xa, ân hận.
Ta hành động hiếu hạnh không phải để mong cho bản thân ta có thêm điều lợi hay tiếng thơm, mà đơn giản là để thấy lòng nhẹ bẫng, vui vẻ và thanh thản, hành động để thấu được triết lí giản đơn mà sâu xa của Phật dạy, ấy là phải biết “Từ, bi, hỷ, xả” hay “vô ngã", "vị tha”, cũng là tiếp bước dòng chủ lưu của đạo lý dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.
Bạn có thể chọn một bông hoa cài lên ngực áo hoặc không trong ngày lễ Vu Lan, nhưng nghĩ về ngày này với ý nghĩa nhân bản, âu cũng là cách để bạn tri ân cuộc sống tươi đẹp này. Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương.
Việc nhớ về bâc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Với ý nghĩa đó, nhiều người Việt mình đến ngày Vu Lan đều cài một bông hoa màu hồng lên áo, ấy là biểu tượng của việc còn Mẹ-Cha. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng.
Người có hoa hồng hẳn sẽ tự hào vô cùng vì trên đời này còn có Mẹ-Cha. Ai mang hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm.
Vu Lan là dịp đặc biệt để giới trẻ sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn. Và xin chớ quên rằng: Ai còn Cha mẹ… xin đừng thờ ơ!
***************************** 23. Nếu con yêu mẹ, hãy yêu khi mẹ còn đây!
“Nếu con yêu mẹ, hãy yêu khi mẹ còn đây” - một câu trích dẫn trên Facebook được nhiều cư dân mạng chia sẻ với sức lan toả khá nhanh, bắt nguồn từ bài viết tự sự xúc động và chân thành trên trang cá nhân của nhà văn Dương Bình Nguyên với nick name Giày Đỏ.
“Năm tôi lên 6 tuổi, mẹ tự may chiếc áo mới, nấu cơm nếp nương cho tôi ăn no, trước giờ tựu trường đầu đời. Khi ấy mẹ là phụ nữ tuổi 35, nhan sắc đằm thắm, da trắng môi hồng. Năm tôi 18 tuổi, mẹ nấu xôi gấc và thịt gà trống tơ vào lúc 4h sáng để tôi ăn lấy may mắn, trước khi bước vào phòng thi tốt nghiệp cấp ba. Năm tôi 28 tuổi, mẹ tôi vẫn đều đặn mỗi mùa xuân, gói một sàng bánh đủ loại để tôi về ăn. Và năm nay, tôi 34 tuổi, mẹ vẫn hì hục gói ghém từng món ăn mà tôi thích vào trong những chiếc túi nilon, để tôi xách tay vào Sài Gòn, để tủ lạnh ăn dần…
Suốt chừng ấy năm, tôi chưa bao giờ hỏi mẹ thích ăn gì…
Với một người mẹ, thời gian là năm tháng của con cái. Mẹ tôi thuộc diện chẳng nghĩ suy gì, chỉ nghĩ về con. Mẹ nhìn tôi lớn lên, trưởng thành, đi xa rồi trở về. Ngày và tháng.
Với một đứa con, thật nghiệt ngã, thời gian được tính bằng những nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ, là mái tóc đã bạc dần, là sự nhọc mỏi của đôi chân tháng ngày ròng rã…
Chúng ta nào có thể oán than thời gian…
Nuôi con như cái nợ đồng lần, con lớn rồi vươn khỏi vòng tay mẹ, mà đôi khi quên khuấy rằng mình cần đắp bồi phụng dưỡng. Chưa bao giờ mẹ cha trách con bạc bẽo, nhưng tôi lại thấy chẳng cam lòng.
Mùa này, ở quê mưa phùn, những con đường rêu trơn trượt. Tôi về, nhìn dáng mẹ đứng bên bờ rậu, hái những ngọn cải làn xanh, để nấu cho tôi ăn. Mẹ lên rừng tìm
những cọng măng trúc mọc sớm, về xào cho đứa con xa thèm món cũ. Tôi thấy mình ích kỷ. Tôi hỏi, mẹ à, mẹ có thích món gì đặc biệt không? Mẹ cười, không nói. Mẹ quen cả đời thanh đạm, ít biết mỹ vị cao lương. Nhưng tôi đã ăn đủ trăm món trên rừng dưới biển, tôi muốn mời mẹ món ăn ngon, để mẹ vui, mẹ khoẻ, để tôi còn mỗi tháng mỗi năm trở về, vẫn thấy mẹ cười hiền hòa, như con nắng chiều hè, như con gió mùa thu…
Tôi chợt nhớ có lần, Quốc, cậu bạn tôi, có bữa tối cuối tuần gọi qua nhà, nấu cho tôi ăn món lạ. Quốc là một chuyên gia ẩm thực, từng được mọi người mệnh danh như một ông vua bếp. Quốc bảo, thử ăn tổ yến thiên nhiên đi, hoàn toàn thật và sạch, sẽ giúp sống thọ, dẻo dai và trẻ lâu. Quốc nấu chè tổ yến hạt sen, ăn buổi tối, vị thanh nhẹ nhưng ăn chén chè như vừa ăn một giấc mơ...
Chợt nghĩ, tại sao món quà tôi tặng mẹ không phải là chén chè tổ yến hạt sen, do chính tay tôi nấu?
Tôi nghe lời Quốc, chọn tổ yến thiên nhiên của Yến Việt. Quốc bảo, tổ yến tự nhiên cũng giống như cuộn tơ của con tằm, vất vả và gian nan chim yến mới dệt được thành. Người ta có thể làm giả nó, với hình dáng và mùi vị gần giống, nhưng sự thơm thảo và dinh dưỡng thì chẳng thể sánh bằng. Quốc cũng mua tổ yến tặng mẹ, như dành trọn cả sự nâng niu…
Tôi tập nấu chè tổ yến hạt sen theo công thức của Quốc. Lâu ngày làm bếp, lọng cọng quên mất cả việc bật lửa bếp gas. Mẹ, như thói quen, giúp tôi từng chút từng chút, như thể ngày nhỏ mẹ nắn nót cho tôi từng nét chữ đầu lòng. Mẹ không biết tôi nấu món gì và để làm gì. Mẹ chỉ biết vì đó là con trai mình và mẹ luôn ở bên. Chè chín thơm như một mùa lúa nếp. Mẹ à, con không giỏi nấu, nhưng mẹ hãy ăn nhé - tôi nói. Mẹ giật mình, ngồi bần thần trong gian bếp nhỏ. Như thể mẹ quên mất rằng mình cũng là người có quyền nhận sự chăm sóc, nâng niu. Tay mẹ cầm chén chè tổ yến. Nước mắt mẹ lặng lẽ chảy. Rưng rưng…
Cuộc sống đô thị luôn là chuỗi ngày dài vội vàng rượt đuổi. Có đôi khi, tôi quá mệt, nhưng nhìn ánh mắt mẹ, nụ cười mẹ, tôi thấy lòng mình dịu lại. Chén chè tổ yến tôi dành cho mẹ, như lời cảm ơn thời gian, đã giữ mẹ ở lại bên tôi. Để tôi nhận ra, mình vẫn còn được yêu thương mỗi ngày…
(Viết tặng Mẹ - 8/3/2013 – Dương Bình Nguyên)
****************************
Con vẫn thường có sở thích viết và được viết để có thể trải lòng mình thật rộng, như ngày xưa mẹ vẫn từng dạy con như thế.
Nhưng sao ngày hôm nay, khi con muốn viết vài điều về mẹ, dẫu chỉ là những điều nhỏ bé, thân thương với con mỗi ngày, con cũng thấy thật khó khăn để có thể nói ra.
Mẹ thân yêu của con ơi.
Không phải rằng hôm nay ngôn từ của con đã cạn. Cũng không phải rằng hôm nay cảm xúc trong con không tràn đầy về mẹ.
Mà ngày hôm nay, nguồn thơ trong con trào dâng về mẹ. Những cảm xúc trong con ấm áp và tràn đầy. Nhưng tất cả những ngôn từ đó, cảm xúc đó như chẳng thể được sắp xếp, ghép nối mà cứ cuộn chảy trong con giống như một cô gái đứng giữa rừng hoa đẹp, bối rối, chẳng biết chọn bông nào.
Con không thể viết rằng con yêu mẹ, vì đơn giản câu nói ấy chỉ có ba từ “Con yêu mẹ” – quá ngắn để nói
được về những vất vả, gian truân mà mẹ đã trải qua để nuôi con đến ngày hôm nay.
Con cũng không thể viết rằng con mang ơn mẹ, vì đơn giản, những tình cảm mẹ dành cho con, lớn đến độ, con không thể nào mang ơn mẹ được, mà thực sự, mẹ đã làm cho con cảm thấy được yêu, được thương đến
độ những yêu thương đó thấm vào con, truyền cho con tình yêu với mẹ, chứ không phải là cái ơn, cái nghĩa.
Con cũng làm sao có thể viết rằng con nể phục mẹ, bởi con đã bao giờ biết hết được những gì mà mẹ đã hy sinh, thương mến dành cho con. Từ những bát cơm trắng thơm mà chỉ con được ăn vào những ngày bao cấp, đến những chiếc áo mẹ dành dụm cả tiền mua dép được cấp để mua cho con. Hay những đêm trắng mẹ ngồi bên con, lo lắng khi con sốt, con sởi, con đau bụng, thấm nhẹ từng giọt mồ hôi trên trán con, hoặc lau lưng cho con hạ sốt…
Con cũng chẳng thể viết rằng con thấy lòng mẹ quá bao la, vĩ đại, bởi có bao giờ con thấy hết được đâu. Khi con vô tâm nói những câu làm mẹ đau lòng, hay vô tình mắc lỗi, để mẹ phải lo lắng, thao thức cả đêm nhưng cũng chẳng trách mắng con một lời nặng – nhẹ.
Và vì thế, để viết về mẹ thì con phải chấp nhận sự thực rằng, con chẳng thể và chẳng biết viết gì. Dẫu ngôn từ trong con nhiều lắm những hình ảnh yêu thương về mẹ, và dẫu những cảm xúc trong con luôn ngập tràn khi nghĩ về những ngày bên mẹ – được mẹ yêu thương.
Con chỉ biết nói rằng: Mẹ ơi, con yêu mẹ. Và trên thế gian này, chẳng có gì tuyệt diệu hơn tình mẹ dành cho con.
Yêu thương gửi mẹ.
*************************
25. MẸ ĐIÊN
truyện ngắn cảm động của Vương Hằng Tích.
Hai mươi ba năm trước, có một người con gái trẻ lang thang qua làng tôi, đầu bù tóc rối, gặp ai cũng cười cười, cũng chả ngại ngần ngồi tè trước mặt mọi người. Vì vậy, đàn bà trong làng đi qua cô gái thường nhổ nước bọt, có bà còn chạy lên trước dậm chân, đuổi "Cút cho xa!". Thế nhưng cô gái không bỏ đi, vẫn cứ cười ngây dại quanh quẩn trong làng.
Hồi đó, cha tôi đã 35 tuổi. Cha làm việc ở bãi khai thác đá bị máy chém cụt tay trái, nhà lại quá nghèo, mãi không cưới được vợ. Bà nội thấy con điên có sắc vóc, thì động lòng, quyết định mang cô ta về nhà cho cha tôi, làm vợ, chờ bao giờ cô ta đẻ cho nhà tôi "đứa nối dõi" sẽ đuổi đi liền. Cha tôi dù trong lòng bất nhẫn, nhưng nhìn cảnh nhà, cắn răng đành chấp nhận. Thế là kết quả, cha tôi không phải mất đồng xu nào, nghiễm nhiên thành chú rể.
Khi mẹ sinh tôi, bà nội ẵm cháu, hóp cái miệng chẳng còn mấy cái răng vui sướng nói: "Cái con mẹ điên này, mà lại sinh cho bà cái đứa chống gậy rồi!". Có điều sinh tôi ra, bà nội ẵm mất tôi, không bao giờ cho mẹ đến gần con.
Mẹ chỉ muốn ôm tôi, bao nhiêu lần đứng trước mặt bà nội dùng hết sức gào lên: "Đưa, đưa tôi..." bà nội mặc kệ. Tôi còn trứng nước như thế, như khối thịt non, biết đâu mẹ lỡ tay vứt tôi đi đâu thì sao? Dù sao, mẹ cũng chỉ là con điên. Cứ mỗi khi mẹ khẩn cầu được bế tôi, bà nội lại trợn mắt lên chửi: "Mày đừng có hòng bế con, tao còn lâu mới đưa cho mày. Tao mà phát hiện mày bế nó, tao đánh mày chết. Có đánh chưa chết thì tao cũng sẽ đuổi mày cút!". Bà nội nói với vẻ kiên
quyết và chắc chắn. Mẹ hiểu ra, mặt mẹ sợ hãi khủng khiếp, mỗi lần chỉ dám đứng ở xa xa ngó tôi. Cho dù vú mẹ sữa căng đầy cứng, nhưng tôi không được một ngụm sữa mẹ nào, bà nội đút từng thìa từng thìa nuôi cho tôi lớn. Bà nói, trong sữa mẹ có "bệnh thần kinh", nếu lây sang tôi thì phiền lắm.
Hồi đó nhà tôi vẫn đang giãy giụa giữa vũng bùn lầy của nghèo đói. Đặc biệt là sau khi có thêm mẹ và tôi, nhà vẫn thường phải treo niêu. Bà nội quyết định đuổi mẹ, vì mẹ không những chỉ ngồi nhà ăn hại cơm nhà, còn thỉnh thoảng làm thành tiếng thị phi.
Một ngày, bà nội nấu một nồi cơm to, tự tay xúc đầy một bát cơm đưa cho mẹ, bảo: "Con dâu, nhà ta bây giờ nghèo lắm rồi, mẹ có lỗi với cô. Cô ăn hết bát cơm này đi, rồi đi tìm nhà nào giàu có hơn một tí mà ở, sau này cấm không được quay lại đây nữa, nghe chửa?". Mẹ tôi vừa và một miếng cơm to vào mồm, nghe bà nội tôi hạ "lệnh tiễn khách" liền tỏ ra kinh ngạc, ngụm cơm đờ ra lã tã trong miệng. Mẹ nhìn tôi đang nằm trong lòng bà, lắp bắp kêu ai oán: "Đừng... đừng...". Bà nội sắt mặt lại, lấy tác phong uy nghiêm của bậc gia trưởng nghiêm giọng hét: "Con dâu điên mày ngang bướng cái gì, bướng thì chả có quả tốt lành gì đâu. Mày vốn lang thang khắp nơi, tao bao dung mày hai năm rồi, mày còn đòi cái gì nữa? Ăn hết bát đấy rồi đi đi, nghe thấy chưa hả?". Nói đoạn bà nội lôi sau cửa ra cái xẻng, đập thật mạnh xuống nền đất như Dư Thái Quân nắm gậy đầu rồng, "phầm!" một tiếng. Mẹ sợ chết giấc, khiếp nhược lén nhìn bà nội, lại chậm rãi cúi đầu nhìn xuống bát cơm trước mặt, có nước mắt rưới trên những hạt cơm trắng nhệch. Dưới cái nhìn giám sát, mẹ chợt có một cử động kỳ quặc, mẹ chia cơm trong bát một phần lớn sang cái bát không khác, rồi nhìn bà một cách đáng thương hại.
Bà nội ngồi thẫn thờ, hoá ra, mẹ muốn nói với bà rằng, mỗi bữa mẹ sẽ chỉ ăn nửa bát, chỉ mong bà đừng đuổi mẹ đi. Bà nội trong lòng như bị ai vò cho mấy nắm, bà nội cũng là đàn bà, sự cứng rắn của bà cũng chỉ là vỏ ngoài. Bà nội quay đầu đi, nuốt những nước mắt nóng đi, rồi quay lại sắt mặt nói: "Ăn mau ăn mau,