7. Kết cấu của đề tài:
2.2. Thực trạng đạo Tin làn hở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi hiện nay
hiện nay.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu của các học giả trong nước thì đạo Tin lành có mặt ở Quảng Ngãi xuất phát từ tổ chức Tin lành Liên hiệp phúc âm và truyền giáo Mỹ (CMA - Christian and Missionary Aliance). CMA được hình
thành và phát triển ở Quảng Ngãi bắt đầu vào khoảng tháng 04 năm 1928 tại đảo Lý Sơn do Mục sư Ông Văn Huyên và truyền đạo Đặng Ngọc Cầu trực tiếp phát thánh thư và làm chứng đạo. Đây được xem là điểm tiên khởi về sự có mặt của đạo Tin lành trên vùng đất Quảng Ngãi. Ông Văn Huyên được xem là một trong những mục sư đầu tiên của Tin lành Việt Nam, người hoạt động lâu nhất trong Hội thánh kể từ năm 1922. Tuy nhiên, trong giai đoạn này các mục sư và truyền đạo đều bị chính quyền bảo hộ Pháp bắt giam tại các nhà tù ở Quảng Nam và Quảng Ngãi vì các lý do khác nhau về mục đích chính trị. Song, mặc dù gặp phải sự ngăn chặn và cấm cách chặt chẽ việc truyền đạo, nhưng với cách thức hành đạo linh hoạt, năng động, thực tế, với sự giãn lược về luật lệ, lễ nghi kể cả trong điều kiện không có Giáo sĩ, không có nhà thờ, thậm chí những sinh hoạt tôn giáo bình thường bị ngăn cấm, việc thực hành tín ngưỡng vẫn có thể duy trì. Chính vì vậy mà đạo Tin lành vẫn dễ dàng hòa nhập và mở rộng việc thực hành tôn giáo, tuyên truyền phát triển tín hữu, hình thành nhiều cơ sở và mở rộng ảnh hưởng của Hội thánh trên nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ngãi.
Vào khoảng năm 1933 đạo Tin lành bắt đầu lan rộng và phát triển tín hữu ở các vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi, đầu tiên là một nhóm người dân tộc H’rê và sau đó là các tín hữu đồng bào dân tộc Kor, Ca Dong…. Đến năm 1934 ở Quảng Ngãi chính thức có nơi lễ nguyện trên đường quốc lộ 01 và từ năm 1942 đến 1945 chính thức chuyển về và xây dựng nhà thờ Hội thánh tại số 93 đường Phan Bội Châu (nay là đường Hùng Vương). Trong thời gian này, Ban chứng đạo Hội thánh Quảng Ngãi không chỉ chú trọng truyền giáo ở khu vực thành thị, đồng bằng mà còn cố gắng đẩy mạnh và mở rộng lên các huyện miền núi nhưng kết quả không cao.
Sau năm 1954, với sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính trị và kinh tế của chính quyền Mỹ - Diệm, đạo Tin lành đã có thời kỳ phát triển mới thuận lợi hơn; đặc biệt Mỹ rất coi trọng việc củng cố và phát triển đạo Tin lành và coi đây là lực lượng hậu thuẫn cho chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt
Nam. Ở Quảng Ngãi, đạo Tin lành tiếp tục mở rộng các vùng truyền giáo, phát triển tín đồ, xây dựng nơi thờ tự, nhất là thời kỳ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Cuối năm 1950, Tổng Liên Hội đã điều phối nhiều mục sư, giáo sĩ kể cả người nước ngoài đến Quảng Ngãi hoạt động truyền giảng đạo đến nhiều vùng thôn quê, từ đồng bằng đến miền núi; ảnh hưởng của đạo Tin lành được lan rộng. Đặc biệt, vào năm 1956 hệ phái Cơ đốc truyền giáo được truyền vào Quảng Ngãi ngay sau khi được thành lập tại Đà Nẵng. Địa bàn truyền giáo chủ yếu là ở miền núi. Chính việc chọn địa bàn và đối tượng truyền giáo thích hợp nên chỉ trong một thời gian ngắn Hội truyền giáo Cơ đốc đã thành lập được nhiều Hội thánh và nhanh chóng tăng số lượng tín đồ. Đầu năm 1956, một phái đoàn của Hội Cơ đốc truyền giáo gồm các giáo sĩ G.Smith, mục sư Hoàng Trọng Nhật, mục sư Hoàng Trọng Lịch…đến Ba Tơ và các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi thiết lập mối quan hệ. lập cơ sở truyền giáo. Tại các huyện miền núi Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà từ năm 1956 đến 1975 Hội thánh Cơ đốc truyền giáo đã tập trung điều động và phân bổ lực lượng mục sư, truyền đạo phụ trách. Đặc biệt Hội thánh chú ý sử dụng người dân tộc thiểu số tại chỗ đã tốt nghiệp các trường Thánh kinh Đà Nẵng vào việc phát triển tín đồ trong các vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi, như các ông Đinh Nhái, Đinh Nghế, Đinh Hấp, Đinh Văn Quảng… và đã hình thành Hội thánh từ những ngày đầu truyền giáo ở đây. Riêng Ba Tơ, tính đến năm 1960 đã có khoảng trên 100 tín đồ là người dân tộc và 25 hộ gia đình người dân tộc Kinh, xây dựng hai khu vực truyền giáo có nhà thờ ở Gia Vực và Ba Động. Trong những năm từ 1960 đến 1963 có cả giáo sĩ là người nước ngoài ở thường trực làm nhiệm vụ truyền giáo như bác sỹ - giáo sỹ Haverson (người Anh), nhà ngôn ngữ học giáo sỹ Ravico (người Austrialia); họ thông thạo ngôn ngữ dân tộc H’rê nên đã có điều kiện thâm nhập sâu vào cộng đồng người dân tộc H’rê để phát triển tín đồ.
Sau 1975, đạo Tin lành có xu hướng chửng lại và hầu như phát triển không đáng kể. Tuy nhiên, với công cuộc đổi mới toàn diện của Đảng ta trên
các mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…xu hướng dân chủ không ngừng được mở rộng. Các lĩnh vực kinh tế, xã hội không ngừng phát triển; trong xu thế đó, các tổ chức tôn giáo trong đó có đạo Tin lành cũng từng bước phục hồi và phát triển một cách nhanh chóng. Ở các huyện miền núi tình hình các tổ chức, hệ phái tin lành cùng với các tín đồ đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng, tổ chức và phạm vi hoạt động. Theo số liệu tổng hợp thì từ 30 tháng 04 năm 1975 đến 1991 toàn tỉnh có 04 tổ chức, hệ phái Tin lành, khoảng 2.700 tín đồ, 06 hội thánh và 27 cơ sở thờ tự, có 03 mục sư, 06 truyền đạo, 04 truyền đạo sinh. Nhưng đến năm 2005 trên toàn tỉnh Quảng Ngãi đã hình thành thêm 12 hệ phái, khoảng 9.478 tín đồ, với 83 chức sắc, 07 hội thánh và khoảng 131 điểm nhóm sinh hoạt; riêng ở các huyện miền núi có 06 tổ chức, hệ phái, khoảng 5.296 tín đồ, 81 điểm nhóm sinh hoạt và 39 đối tượng có chức sắc và đứng đầu các điểm nhóm. Hiện nay (tính đến tháng 04/2012) ở Quảng Ngãi có 34 tổ chức, hệ phái, 08 hội thánh chính thức và 205 điểm nhóm sinh hoạt với trên 13.821 tín đồ. Có 07 hệ phái được công nhận tư cách pháp nhân: Cơ đốc Phục lâm, Truyền giáo Cơ đốc, Tin lành Việt Nam (miền Nam), Baptist Việt Nam, Mennonite của Mục sư Nguyễn Quang Trung, Trưởng lão Việt Nam và Liên hữu Cơ đốc. Ở các huyện miền núi có 176 điểm nhóm và khoảng trên 10.895 tín đồ. Riêng ở huyện Sơn Hà đã có mặt cả 28/34 tổ chức, hệ phái với hơn 9.000 tín đồ.
Trong những năm gần đây, nhất là sau khi Đảng và Nhà nước có chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, chính sách đối với tôn giáo nói chung và đạo Tin lành nói riêng được mở rộng, tình hình phát triển đạo Tin lành trên các huyện miền núi Quảng Ngãi được phục hồi và phát triển rất mạnh với một lực lượng tín đồ ngày càng đông, phạm vi không ngừng được mở rộng và ngày càng xuất hiện nhiều hệ phái khác nhau tranh giành ảnh hưởng và phạm vi hoạt động với nhiều điểm nhóm. Có một số hệ phái được hình thành từ những năm
1991 trở lại đây, tính đến nay đã có 05 tổ chức, hệ phái của đạo Tin lành được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân.
Đạo Tin lành được truyền vào các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi đầu tiên qua hệ phái Tin lành Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam ngay sau khi hệ phái này tách khỏi Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) và thành lập tổ chức riêng tại Đà Nẵng vào năm 1956. Địa bàn chủ yếu của hệ phái Tin lành này là các huyện miền núi của tỉnh; chính việc lựa chọn địa bàn và đối tượng truyền giáo thích hợp nên chỉ trong một thời gian ngắn, Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam đã thành lập được nhiều hội thánh và phát triển tín đồ. Đầu năm 1956, một phái đoàn của Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam đã đến Ba Tơ và các huyện miền núi của tỉnh thiết lập mối quan hệ và lập cơ sở truyền giáo; trong khoảng thời gian từ năm 1956 đến 1975 hệ phái này hoạt động và phát triển mạnh mẽ ở các huyện miền núi, sau đó là hệ phái Tin lành Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam (phát triển năm 1976 ở huyện Sơn Hà); sau năm 1975 bắt đầu có nhiều hệ phái Tin lành khác xâm nhập và mở rộng ra nhiều địa phương các huyện miền núi cho đến nay.
Với chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04/02/2005 về một số công tác đối với đạo Tin lành; Ban tôn giáo Chính phủ có quyết định công nhận hoặc cho phép nhiều hệ phái Tin lành được hoạt động tôn giáo, tình hình hoạt động của các hệ phái Tin lành trên địa bàn miền núi bắt đầu có những diễn biến khá phức tạp, mang tính bất thường. Số hệ phái Tin lành mới hình thành ngày càng nhiều, số hệ phái, điểm nhóm và tín đồ tăng chủ yếu ở các huyện miền núi, nhiều nhất là ở huyện Sơn Hà. Số mục sư và truyền đạo do các hệ phái Tin lành tự phong cũng tăng lên một cách đáng kể, nhiều mục sư, truyền đạo, điểm nhóm, chi hội, người đứng đầu cũng tăng lên tự phát.
Thời gian Hệ phái Tin lànhSố lượng Tín đồ Năm 1998 – 2001 8 3221 Năm 2002 5 5839 Năm 2003 – 2004 8 5622 Năm 2005 – 2007 9 6189 Năm 2008 21 6199 Năm 2009 24 10.249 Tháng 04/2012 34 10.816
Bảng 2.1: Diễn biến các hệ phái và số lượng tín đồ Tin lành ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi từ năm 1998 – 2012.
Qua số liệu cho thấy, việc đẩy mạnh truyền đạo để phát triển tín đồ được các đối tượng đứng đầu các hệ phái Tin lành đặc biệt quan tâm, thậm chí tranh giành tín đồ giữa các hệ phái cùng địa bàn, mà đặc biệt là sự phát triển không bình thường này tập trung ở các huyện miền núi của tỉnh.
Hiện nay có nhiều điểm nhóm thuộc các hệ phái Tin lành đã được Nhà nước công nhận trên địa bàn các huyện miền núi có đơn xin đăng ký sinh hoạt theo Chỉ thị 01/2005/CT-TTg ngày 04/02/2005 của Chính phủ về công tác đối với đạo Tin lành; tuy nhiên chỉ có 06 điểm nhóm (huyện Sơn Hà: 05 điểm, huyện Minh Long: 01 điểm) được cấp giấy chứng nhận sinh hoạt. Qua diễn biến, số tín đồ sinh hoạt tại các điểm nhóm đã được cấp đăng ký tương đối ổn định, thuần túy về mặt tôn giáo. Một số điểm nhóm chưa được cấp đăng ký nhìn chung sinh hoạt bình thường. Song, bên cạnh đã có những điểm nhóm, tín đồ, chức sắc tự phong sinh hoạt chưa đảm bảo theo qui định của pháp luật như: tự ý tổ chức nhóm họp, truyền đạo trái phép tại nhà riêng, dụ dỗ người vào đạo, lôi kéo, tranh giành tín đồ chuyển sang hệ phái khác hoặc tách lập điểm nhóm mới…. Một số điểm nhóm có quan hệ với tổ chức, cá nhân ngoài địa bàn để xin tài trợ kinh phí, vật chất xây dựng nhà ở theo kiểu nhà nguyện để làm nơi sinh hoạt tôn giáo trái phép, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của nhân dân tại địa phương….Nhiều hệ phái, điểm nhóm đã lôi kéo một số thanh
thiếu niên đồng bào dân tộc có học vấn vào đạo, tổ chức đưa đi đào tạo, bồi dưỡng thần học ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, ĐắkLắk… nhưng không xin phép chính quyền địa phương. Một số điểm nhóm, cá nhân tín đồ có quan hệ với tổ chức Hiệp hội Thông công Tin lành các sắc tộc Việt Nam (tổ chức mang màu sắc chính trị phản động), hoạt động phi tôn giáo gây ảnh hưởng an ninh trật tự ở địa phương.
Quan hệ giữa đồng bào có đạo Tin lành với đồng bào không có đạo cơ bản tốt. Tuy vậy, ở một số nơi có biểu hiện mất đoàn kết trong gia đình, họ tộc, bản làng, có sự phân biệt, cô lập lẫn nhau do số đồng bào theo đạo Tin lành thay đổi hoặc từ bỏ nếp sống, sinh hoạt truyền thống xưa nay. Một số tín đồ, người đứng đầu điểm nhóm xem thường chính quyền cơ sở, ít tham gia các phong trào và hoạt động cộng đồng ở địa bàn dân cư.
Thực tế cho thấy, các tổ chức, hệ phái Tin lành đã đăng ký và công nhận hoạt động tuân thủ pháp luật, chưa nảy sinh những vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số cá nhân, tổ chức Tin lành có nhiều hoạt động phức tạp, gây mất ổn định về an ninh trật tự, đảo lộn đời sống tư tưởng, văn hóa… ở nhiều địa phương miền núi, như: hệ phái Mennonite nhóm Nguyễn Quang Trung đã mua đất ở xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) để làm trang trại, và có ý đồ sử dụng nơi đây làm tụ điểm phát triển tín đồ của Tin lành Mennonite trên địa bàn miền núi, ngoài ra Nguyễn Quang Trung còn nhiều lần làm công tác từ thiện xã hội, mở lớp giáo lý, tuyên truyền phát triển đạo…trái pháp luật và tổ chức lễ Báptem, gây phức tạp và ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội ở địa phương.
Từ năm 1992 đến năm 2004, những người đứng đầu Hệ phái Tin lành Liên hữu Cơ đốc ở Quảng Ngãi tăng cường hoạt động phát triển đạo ở các huyện miền núi Quảng Ngãi, củng cố tổ chức, xây dựng các chi hội, điểm nhóm cơ sở, lập ra 03 Giáo hạt miền Trung (V, VI, VII) ở địa bàn các huyện miền núi Quảng Ngãi. Tháng 02/2004, Tổng liên hội Tin lành Liên hữu Cơ đốc hỗ trợ tiền và vật chất xây dựng nhà tình thương trá hình như kiểu nhà nguyện
để lợi dụng sinh hoạt đạo trái phép, ở huyện Sơn Hà có 07 nhà “tình thương”, Ba Tơ có 02 “nhà tình thương”. Đặc biệt từ năm 2008 đến nay sự xuất hiện của hệ phái Tin lành Mennonite do Nguyễn Hồng Quang và Nguyễn Công Chính đứng đầu, vốn là những đối tượng có tư tưởng chống đối chính quyền, câu kết với các đối tượng cực đoan trong “nhóm 8406”, cơ hội chính trị trong nước để chống lại đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chúng đã phát triển lực lượng trong một số đối tượng là người dân tộc H’rê, dân tộc Kor, dân tộc Ca Dong…ở Quảng Ngãi và các dân tộc ít người khác ở Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên…. Hiện nay, hệ phái Tin lành Mennonite nhóm Nguyễn Hồng Quang đã hình thành và phát triển mạnh ở địa bàn các huyện Sơn Hà, Minh Long, Trà Bồng, tín đồ chủ yếu là người dân tộc thiểu số H’rê và Kor, trước đây đã sinh hoạt ở các hệ phái Tin lành khác nhau, với tổng số lượng tín đồ khoảng 30 hộ và 130 khẩu, sinh hoạt tại 07 điểm nhóm.; cụ thể là huyện Minh Long: có 20 tín đồ, sinh hoạt tại điểm nhóm nhà Đinh Văn Trỗi; Sơn Hà: có 10 tín đồ sinh hoạt tại điểm nhóm nhà Đinh Văn Biên; Trà Bồng: có khoảng 100 tín đồ sinh hoạt tại 04 điểm nhóm do Đinh Thanh Trường phụ trách. Thông qua các điểm nhóm, tổ chức này đã thực hiện lôi kéo học sinh người dân tộc thiểu số ở độ tuổi từ lớp 8 đến lớp 11 theo học các lớp “Mục vụ” trái phép để làm lực lượng phục vụ cho những mục đích lâu dài.
Hoạt động tuyên truyền phát triển đạo của một số đối tượng đứng đầu đạo Tin lành rất đa dạng, thường kết hợp truyền đạo với kèm theo vật chất ở những lúc, những nơi đồng bào có đời sống đang gặp khó khăn.... Đồng thời lợi dụng mối quan hệ họ hàng thân tộc tìm cách lôi kéo những người đứng đầu có uy tín trong các họ tộc vào đạo và từ những người này tác động trở lại những người thân quen đi theo đạo.