Kết quả nghiên cứu thực trạng

Một phần của tài liệu Dạy từ loại tiếng việt cho học sinh lớp 4 theo quan điểm giao tiếp luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 33 - 48)

2.2.1. Thực trạng chất lượng học tập về từ loại của học sinh lớp Bốn

2.2.1.1. Mức độ nắm các kiến thức về từ loại tiếng Việt

Sau khi tìm hiểu về thực trạng học từ loại của HS lớp 4 thông qua khảo sát vở Tập làm văn, vở Bài tập Tiếng Việt, các bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt và thực hiện phiếu điều tra của 728 em HS lớp 4 của các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy HS còn mắc lỗi về từ loại ở các khía cạnh sau:

- Lỗi về nhận diện các loại từ loại. - Lỗi về sử dụng từ theo lớp từ loại. - Lỗi viết câu, viết đoạn.

Mức độ nắm các kiến thức về từ loại tiếng Việt của HS như sau: 98.5% HS đều kể tên được các loại từ loại đã học trong chương trình lớp Bốn là danh từ, động từ và tính từ. Chỉ có 1.4 % HS là có sự nhầm lẫn với từ đơn, từ láy, từ ghép.

Khi được hỏi Danh từ là gì? 97.3 % HS trả lời danh từ là những từ chỉ sự vật, 2.7 % không trả lời hoặc trả lời sai.

Đối với câu hỏi Động từ là gì? 98.2 % HS trả lời động từ là những từ chỉ hoạt động, trạng thái. 1.8 % cho kết quả sai.

Tương tự như hai câu hỏi trên khi được hỏi Tính từ là gì? Chúng tôi cũng thu

được kết quả cao, 96.8 % trả lời tính từ là những từ miêu tả đặc điểm hoặc tính chất của sự vật hoạt động, trạng thái. Tỉ lệ trả lời sai chỉ có 3.2%. Đây là một kết quả rất cao, chứng tỏ phần lớn HS đều nắm chắc kiến thức lí thuyết về từ loại. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra các từ loại cụ thể niềm vui, vui tươi, vui chơi, tình yêu, yêu thương, đáng yêu thì tỉ lệ HS trả lời đúng thấp hơn so với các câu

trước. 76.4% xác định đúng niềm vui, tình yêu là danh từ, 77.9% xác định vui

chơi, yêu thương là động từ, 75.7% xác định được vui tươi, đáng yêu là tính từ.

Như vậy ở mức độ nhận diện, phân loại từ - mức độ tương đối dễ nhưng tỉ lệ mắc sai lầm khá nhiều.

Kết quả này cho chúng ta thấy HS nắm kiến thức về lí thuyết, học thuộc lòng các ghi nhớ là rất tốt nhưng khả năng nhận diện, vận dụng lại chưa cao. Vấn đề này là một thực trạng rất phổ biến trong giáo dục phổ thông hiện nay nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng. Điều này chứng tỏ trong quá trình dạy học GV chưa bám sát nguyên tắc dạy học theo quan điểm giao tiếp. Chính vì vậy, việc áp dụng quan điểm giao tiếp vào dạy học là rất cần thiết nó sẽ giúp HS ghi nhớ và vận dụng tốt hơn.

2.2.1.2. Kỹ năng sử dụng về từ loại tiếng Việt

Lí thuyết phải đi đôi với thực hành đó là kim chỉ nam của việc dạy học. Kết quả của việc dạy học chính là kiến thức mà học sinh nhớ, hiểu và vận dụng trong bài tập, giao tiếp hàng ngày. Qua việc khảo sát thực trạng chất lượng học tập về

từ loại của HS lớp Bốn chúng tôi thấy kiến thức về lí thuyết của các em rất tốt nhưng kĩ năng sử dụng từ loại trong hoạt động giao tiếp còn yếu. Chúng tôi đưa ra đoạn thơ sau và yên cầu HS xác định từ loại trong đoạn thơ:

Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn Cánh cò bay lả rập rờn

Mây mù che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.

100% HS đã không xác định được đầy đủ các từ loại trong đoạn thơ trên. Khó khăn lớn nhất của các em là không phân biệt được từ và tiếng. Sau khi, tổng hợp chúng tôi thấy tình trạng chung là đa số HS đều cố gắng sắp xếp tất cả các từ, tiếng có trong đoạn thơ vào các loại từ loại mà các em đã học. 92.8 % các em

cho rằng ta là danh từ. 97.8% HS không phát hiện ra sớm chiều là danh từ chỉ

thời gian. 93.7% HS cho rằng bay lả là động từ, chưa phân biệt được bay là động từ chỉ sự di chuyển trên không lả là tính từ tả đặc điểm của hoạt động lúc lên cao, lúc xuống thấp, chao liệng một cách mềm mại với bay lả. 92.5% HS tách

biển và lúa là hai danh từ trong khi biển lúa là một danh từ chỉ cánh đồng lúa

rộng lớn. Bên cạnh đó, HS xác định thiếu hoặc sai từ loại cũng khá cao. 92.8 % HS cho rằng đẹp hơn là tính từ trong khi đó đẹp hơn là cách thể hiện mức độ của

đặc điểm, tính chất. Có HS cho rằng tính từ trong đoạn thơ trên chỉ có từ mênh

mông hay cho rằng cánh là tính từ … Qua yêu cầu này, chúng ta càng thấy rõ

khi dạy từ loại việc gắn với giao tiếp là rất quan trọng vì hoạt động giao tiếp sẽ giúp các em hiểu bài sâu, lâu hơn. Hoạt động giao tiếp còn là cầu nối giữa lí thuyết với thực hành giúp nâng cao hiệu quả dạy của GV và học Tiếng Việt của HS, đặc biệt là đối với HSTH.

Đối với yêu cầu tìm từ dùng sai trong câu, và sửa lại cho đúng Em đi học rất

niềm vui thì tỉ lệ HS làm sai câu này là 29.7 %. Lỗi sai là do HS chưa xác định

được từ loại của từ niềm vui, có em sửa lại là Em đi học rất vui vẻ thay danh từ

niềm vui thành tính từ vui vẻ hay Em đi học rất nhiều niềm vui đây chưa phải là

một câu hoàn chỉnh vì thiếu động từ có.

Khi yêu cầu HS đặt câu với những từ cho sẵn yêu thương, tình thương, đáng

yêu thì tỉ lệ đạt yêu cầu là 86.3%. Tuy nhiên, câu các em đặt chủ yếu là câu đơn,

chưa giàu hình ảnh và xúc cảm. Ví dụ: Con chó nhà em rất đáng yêu.

Chúng tôi đưa ra câu Ai yêu nhi đồng bằng bác hồ chí minh và yêu cầu các em sửa lỗi thì có một sự bất ngờ đó là 25.8% HS sửa chưa đúng vì không xác định được Bác Hồ Chí Minh là danh từ riêng.

Với những kết quả khảo sát như trên thì điều tất yếu sẽ xảy ra khi yêu cầu HS viết một đoạn văn để tả một loài hoa em yêu thích nhất đó là khả năng viết thành câu hoàn chỉnh, cảm thụ, diễn đạt không cao. Tỉ lệ đạt yêu cầu là 63.2%. Dưới đây là một đoạn văn minh chứng về khả năng dùng từ, diễn đạt của học sinh: “Nhà em trồng rất nhiều cây, nhưng không cây nào có niềm vui lớn của em như

cây hoa nhài. Bởi vì, nó chính tay ba mẹ em trồng, lúc em sáu tuổi. Nó cao khoảng một mét. Hoa nhài màu trắng. Thân thon thả, xinh xắn. Hương thơm ngào ngạt. Hoa nhài có thể làm những thứ rất đẹp, dầu thơm,… Hoa nhài là người bạn mà em yêu quý nhất.”

2.2.1.3. Những thuận lợi và khó khăn của HS lớp 4 khi học về từ loại tiếng Việt

Tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ, rất gần gũi và thân thuộc với HS. Đây là một

thế mạnh đối với các em trong quá trình học tập từ loại nói riêng và tiếng Việt nói chung. HS lớp Bốn có khả năng tri giác sự vật một các chỉnh thể, có mục đích và phương hướng rõ ràng, các em biết dựa vào dâu hiệu bản chất, bên trong,

những dấu hiệu chung để tìm ra khái niệm. Giai đoạn lớp Bốn ngôn ngữ của các em khá phong phú, không chỉ là vốn ngôn ngữ có sẵn trước tuổi đến trường mà có được qua việc tích lũy qua nhiều môn học, vốn ngôn ngữ này sẽ hỗ trợ rất lớn khi các em học về từ loại. Những bài học về tri thức TV ở đây (bậc tiểu học), không đơn thuần là những bài lí thuyết trừu tượng và phức tạp như các lớp trên. HSTH thu nhận tri thức ở những bài lí thuyết không hoàn toàn bằng con đường tư duy trừu tượng, mà chủ yếu bằng con đường nhận diện, phát hiện các hiện tượng ngôn ngữ trên các ngữ liệu phong phú, sinh động, phù hợp với thực tiễn nói năng của HS từ đó, mới khái quát thành khái niệm.

Hiện nay, tính tích cực, năng động, sáng tạo của GV và HS nhằm nâng cao

hiệu quả dạy và học đang được đề cao. Việc học tập của HS luôn được nhà

trường, gia đình và xã hội quan tâm, đặt lên hàng đầu. Mặt khác, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đa số các trường tiểu học đều tổ chức hình thức dạy học hai buổi/ngày nhằm tạo điều kiện cho mỗi HS phát triển tối đa theo năng lực và sở trường của mình. Các nhà giáo dục luôn quan tâm, đầu tư để xây dựng tài liệu dạy học Tiếng Việt theo nguyên tắc giao tiếp, thiết thực, phù hợp với nhiều trình độ HS khác nhau, nhiều điều kiện dạy học khác nhau.

Bên cạnh những thuận lợi trên việc học từ loại của HS cũng gặp một số khó khăn do hiện tượng đa từ loại của từ nhiều nghĩa, ngữ liệu không tiêu biểu, sự hạn chế của GV về kiến thức, phương pháp dạy học từ loại. Nội dung trong chương trình ở cấp học tiểu học còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa gắn với nguyên tắc giao tiếp, chưa phù hợp với nhu cầu và khả năng học tập của mọi đối tượng học sinh. Phương pháp dạy học về cơ bản vẫn theo lối truyền thụ một chiều, đòi hỏi người học phải ghi nhớ máy móc, không phát huy được tư duy phê phán, tư duy sáng tạo và tinh thần tự học ở người học. GV còn chú trọng việc

cung cấp cho HS các khái niệm về từ loại , tập trung rèn luyện kĩ năng nhận diện nhưng không chú ý đến khâu hướng dẫn HS sử dụng từ loại vào hoạt động nói, viết sao cho hiệu quả. Các bài tập tình huống giúp HS thực hành giao tiếp hầu như chưa được GV quan tâm đúng mức. Đó là lí do giải thích tại sao HS không hiểu được giá trị sử dụng tinh tế của các từ loại hoặc sử dụng từ loại không chính xác, không hay hoặc sử dụng một cách vô thức mà không hiểu lí do.

Từ kết quả khảo sát chất lượng HS trên đây, chúng ta thấy việc dạy từ loại cho HS lớp 4 hiện nay vẫn chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Mục tiêu cuối cùng của việc dạy từ loại tiếng Việt nói chung, dạy từ loại tiếng Việt cho HS lớp 4 nói riêng là HS sử dụng từ loại đúng, hay trong giao tiếp và học tập. Thế nhưng, hiện nay, khả năng của HS lớp 4 chỉ mới là nắm được các vấn đề lí thuyết về từ loại và nhận diện, việc sử dụng từ loại cụ thể vào các tình huống nói năng lại gặp nhiều khó khăn. Thực tế nói năng hàng ngày của HS cũng cho thấy rằng vốn từ của các em trong giao tiếp chưa phong phú.

Như vậy, từ kết quả khảo sát chất lượng GV và HS trên đây chúng ta thấy rằng việc dạy học từ loại tiếng Việt ở tiểu học hiện nay vẫn chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, đặt vấn đề nghiên cứu tìm kiếm nột phương hướng dạy học từ loại ở tiểu học là một yêu cầu cần thiết, đặc biệt là bám sát nguyên tắc giao tiếp trong dạy học Tiếng Việt. Có thể xem giao tiếp như một định hướng, một phương pháp hay một nguyên tắc nhưng có chung một mục đích: làm cho người học sử dụng thành thạo ngôn ngữ.

2.2.2. Thực trạng tổ chức hoạt động dạy học từ loại tiếng Việt cho học sinh lớp 4

2.2.2.1. Kiến thức của giáo viên về từ loại tiếng Việt và dạy học từ loại ở tiểu học

Chúng tôi tiến hành khảo sát 71 GV dạy tại các trường tiểu học trên địa bàn

thành phố Hồ Chí Minh bằng cách sử dụng một số câu hỏi điều tra và dự giờ một số tiết học của GV. Sau khi xử lý số liệu, chúng tôi thu được kết quả như sau:

Từ loại là nội dung dạy học trong chương trình Tiếng Việt tiểu học, tuy nhiên

nhận thức về từ loại được dạy ở tiểu học của GV vẫn còn chưa chính xác. Có 39.4% GV cho rằng từ loại được dạy ở tiểu học là thực từ, 60.6% cho rằng từ loại được dạy ở tiểu học bao gồm cả thực từ và hư từ. Theo khái quát về các lớp từ tiếng Việt từ loại gồm thực từ và hư từ. Ở tiểu học HS được học danh từ, động từ, tính từ, đại từ và quan hệ từ. Như vậy, từ loại được dạy ở tiểu học bao gồm cả thực từ và hư từ.

Để dạy các bài học về từ loại thầy (cô) đã chuẩn bị những công việc và nội dung dạy học nào? 90.1% GV yêu cầu HS chuẩn bị bài trước. Việc chuẩn bị bài trước sẽ giúp các em chủ động hơn trong việc tiếp thu bài cũng như thực hiện các hoạt động học tập mà GV đưa ra. Chỉ có 9.9 % GV là không yêu cầu HS chuẩn bị bài trước. 88.7 % GV sử dụng toàn bộ các bài tập, câu hỏi gợi ý trong sách giáo khoa và sách giáo viên. Điều này chứng tỏ nhiều GV chưa có sự đầu tư thật sự trong các bài dạy, họ chỉ dựa vào những gì có sẵn, như vậy chắc chắn hiệu quả của các tiết dạy sẽ bị hạn chế. 5.6% GV nghiên cứu bài dạy để tự mình xây dựng và sưu tầm những bài tập, câu hỏi phù hợp với mục đích của bài dạy và đối tượng HS. 4.6% GV có sự đầu tư, họ vừa sử dụng các ngữ liệu trong sách giáo khoa vừa tìm những ngữ liệu mới phù hợp với đặc điểm bài dạy cũng như khả năng tiếp thu của HS. Tuy nhiên đây lại là thực trạng không chỉ trong việc dạy Tiếng Việt mà còn trong các môn học khác ở tiểu học. Kết quả điều tra trên

cho thấy rằng, khi dạy các bài học về từ loại, GV sử dụng toàn bộ các bài tập, câu hỏi gợi ý trong SGK và SGV là chủ yếu. Việc tự mình xây dựng và sưu tầm những bài tập, câu hỏi phù hợp với mục đích của bài dạy và đối tượng HS, việc chọn một số bài tập, câu hỏi trong SGK, SGV; việc dự kiến trước các tình huống, câu trả lời của HS; yêu cầu HS chuẩn bị bài trước; việc xây dựng phiếu bài tập, nghiên cứu các tài liệu khác SGK, SGV khi soạn giáo án chưa được GV quan tâm đúng mức. Vì thế chưa tạo ra được nhiều tình huống học tập, việc tổ chức cho HS tham gia giải quyết các tình huống giao tiếp còn rất ít.

Qua điều tra GV về mục tiêu của dạy từ loại ở tiểu học, có 15.5 % GV cho rằng dạy học từ loại gắn với "mở rộng vốn từ", 16.9 % GV cho rằng dạy học từ loại gắn với dạy câu, 29.6% GV cho rằng dạy học từ loại giúp HS biết cách sử dụng từ, câu để nâng cao hiệu quả giao tiếp. 38 % GV nhận thức đúng mục tiêu của dạy học từ loại. Thực chất của dạy học từ loại ở tiểu học vừa gắn với dạy câu, vừa gắn với "mở rộng vốn từ" và giúp HS biết cách sử dụng từ, câu để nâng cao hiệu quả giao tiếp. Các bài học về từ loại ở lớp 4 được dạy từ tuần 5 đến tuần 12. Các bài học này giúp học sinh có khái niệm đầu về đặc điểm của các từ loại: danh từ, động từ, tính từ. Nhận diện được từ loại trong đoạn văn. Bước đầu biết sử dụng danh từ, động từ, tính từ để đặt câu, viết đoạn và trong giao tiếp hàng ngày một cách có hiệu quả nhất.

Cung cấp những hiểu biết sơ giản về từ loại của các từ thông qua những từ học sinh đã có hoặc mới học. Giúp học sinh phân loại, nhận diện được từ theo từ loại, tiểu loại và sử dụng đúng với từ loại, tiểu loại của chúng và vận dụng các kiến thức về từ loại vào đặt câu.

Đối với học sinh tiểu học, việc học từ loại đóng một vai trò, ý nghĩa hết sức

Một phần của tài liệu Dạy từ loại tiếng việt cho học sinh lớp 4 theo quan điểm giao tiếp luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 33 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w