Nguyên tắc đề xuất các biện pháp dạy học về từ loại theo quan điểm giao tiếp cho

Một phần của tài liệu Dạy từ loại tiếng việt cho học sinh lớp 4 theo quan điểm giao tiếp luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 50)

TIẾNG VIỆT THEO QUAN ĐIỂM GIAO TIẾP CHO HỌC SINH LỚP 4

Quan điểm giao tiếp yêu cầu qui trình dạy học tiếng Việt phải được đặt trong các hoàn cảnh giao tiếp và GV phải thường xuyên tạo ra được các tình huống giao tiếp để HS thực hành ngôn ngữ. Dạy từ loại cho HS lớp 4 cũng không nằm ngoài định hướng đó và cần phải bám sát các nguyên tắc dưới đây.

3.1.1. Nguyên tắc bám sát mục tiêu của việc dạy học Tiếng Việt ở tiểu học

Mục tiêu quan trọng nhất của môn học Tiếng Việt là trang bị cho HS một công cụ giao tiếp bằng Tiếng Việt. Trong chương trình mới, hướng cơ bản chuyển từ mục tiêu nhận diện, mô tả, phân loại các đơn vị ngôn ngữ thành mục tiêu sử dụng Tiếng Việt như một công cụ giao tiếp, hình thành và phát triển các kĩ năng Tiếng Việt cho HS trên cả hai bình diện sản sinh (nói, viết) và lĩnh hội (nghe, đọc) lời nói, đòi hỏi việc xây dựng bài tập dạy từ loại phải thiết thực nhằm phát triển các kĩ năng sử dụng Tiếng Việt của HS.Có nghĩa việc dạy từ loại nhằm cung cấp một số kiến thức về từ: trang bị cho HS những hiểu biết về cấu trúc từ, quy luật hành chức của chúng để sử dụng trong giao tiếp.

Vì vậy, xây dựng nội dung dạy từ loại chúng tôi dựa trên chuẩn trình độ kĩ năng cần có được quy định trong chương trình hiện hành: Đó là kĩ năng nhận diện, kĩ năng giải nghĩa và kĩ năng sử dụng.

3.1.2. Nguyên tắc chú trọng đặc trưng của từ loại tiếng Việt

Để có thể đề xuất các biện pháp dạy học từ loại theo quan điểm giao tiếp một cách có hiệu quả thì phải xuất phát từ đặc trưng của từ loại tiếng Việt.

Dựa vào sự giống nhau về đặc điểm ngữ pháp, tức là đặc điểm ý nghĩa ngữ pháp khái quát và đặc điểm hoạt động ngữ pháp của từ (khi cấu tạo cụm từ và câu), các từ được phân ra thành từng loại, gọi là từ loại. Các từ loại lại được tiếp tục chia nhỏ ra thành các tiểu loại.

SGK Tiếng Việt tiểu học hiện nay, khi trình bày các từ loại cơ bản mới chỉ nêu các đặc điểm chung về ý nghĩa khái quát. Việc nghiên cứu từ loại cần nhằm vào cả hai mục đích: xác định và hiểu được đặc điểm của các từ loại, sự giống và khác nhau của chúng, đồng thời nắm được các qui tắc dùng từ, kết hợp từ để tạo cụm từ và câu. Ở tiểu học, việc dạy từ loại nên gắn với đặc điểm của phương diện thứ hai - đặc điểm hoạt động ngữ pháp (tạo cụm từ và câu) để giúp HS sử dụng các từ loại khi nói, viết. Đồng thời, qua đó giúp HS dễ dàng hơn trong việc nhận diện từ loại.

3.1.3. Nguyên tắc đề cao sự sáng tạo, tích cực của học sinh

Cốt lõi của quá trình dạy học trong nhà trường là đào tạo những con người sáng tạo, chủ động, tích cực. Mặt khác, đặc điểm căn bản của đổi mới phương pháp dạy học là chuyển từ phương pháp truyền thụ, chú trọng thuyết trình, giảng giải sang phương pháp tích cực hoá hoạt động của người học. Theo phương pháp này, GV đóng vai trò tổ chức hoạt động của HS; HS là chủ thể của quá trình học tập. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua cấu trúc của các kiểu bài dạy học.

Nguyên tắc này đòi hỏi việc tổ chức dạy học phải được xây thành hệ thống việc làm cho HS để các em tự chiếm lĩnh kiến thức và hình thành, phát triển được những kĩ năng cần thiết.

Theo quan điểm của phương pháp dạy học mới, hệ thống bài tập không phải chỉ là phương tiện để thực hành lí thuyết như trước đây người ta thường quan niệm mà chính là con đường, cách thức tổ chức để thực hiện các nhiệm vụ dạy

học. Quan niệm này cho rằng cần phải tổ chức toàn bộ quá trình dạy học dưới dạng thực hành như tổ chức hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ. Đây là mục tiêu cơ bản của sự vận động, chuyển mình từ chương trình dạy học tiếng Việt cũ sang chương trình dạy học tiếng Việt mới. Đây cũng là cái lõi của phương pháp dạy học mới – dạy học tiếng Việt theo quan điểm giao tiếp. Chính vì vậy, để tổ chức hoạt động dạy học tiếng Việt, chúng ta phải xây dựng các nhiệm vụ dạy học dưới dạng các bài tập. Bài tập là phương tiện để tổ chức, tích cực hóa các hoạt động của HS để hình thành các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết thực hiện mục tiêu dạy học tiếng Việt ở trường tiểu học. Xây dựng được một hệ thống bài tập tiếng Việt tốt và tổ chức thực hiện chúng một cách hiệu quả có vai trò quyết định đối với chất lượng dạy học tiếng Việt.

Tính tích cực, sáng tạo là đặc điểm vốn có của mỗi con người. Qua quá trình học tập, lao động sự tích cực, sáng tạo sẽ có cơ hội được bộc lộ, phát huy. Con người không chỉ là khách thể mà còn là chủ thể của các quan hệ xã hội, thể hiện ở chỗ tích cực tiếp thu có chọn lọc tất cả những tác động bên ngoài để sáng tạo và xây dựng nhân cách riêng của mình. Nguồn gốc của tích cực sáng tạo là nhu cầu. Con người sinh ra cùng với một loạt nhu cầu bẩm sinh khác nhau nhu cầu ăn, uống,… nhu cầu xã hội. cuộc sống càng phát triển thì nhu cầu của con người ngày càng cao. Những nhu cầu này không bao giờ cạn và luôn trở thành động cơ thúc đẩy con người hoạt động. Khi nhu cầu nhận thức phát triển thì nó sẽ thúc đẩy hoạt động học tập. Chính vì vậy, một trong những nguyên tắc đề xuất các biện pháp dạy học là nguyên tắc đề cao sự sáng tạo, tích cực của học sinh.

3.1.4. Nguyên tắc tính đến đặc điểm của học sinh lớp 4

Dạy từ loại cho HS lớp Bốn không nhằm mục đích cung cấp tri thức ngôn ngữ một cách thuần túy trừu tượng mà phải có tác dụng hình thành, phát triển

năng lực thực tiễn hoạt động ngôn ngữ cho HS, gắn với các kĩ năng sử dụng ngôn ngữ của HS. Khi xây dựng bài tập cần chú ý đến vốn ngôn ngữ của các em, kinh nghiệm sống của các em, vì thế nguồn cơ bản của bài tập dạy từ là kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân HS và những quan sát thiên nhiên, con người, xã hội của các em. Nói cách khác các bài tập được xây dựng dựa trên kinh nghiệm ngôn ngữ của HS.

Xuất phát từ đặc điểm tâm lí HS lớp 4 là tư duy của các em bắt đầu chuyển từ tư duy trực quan sang tư duy trừu tượng. Tuy nhiên, trình độ nhận thức nói chung và trình độ tiếng Việt còn thấp. Do đó, trong quá trình dạy học phải chú trọng đến việc chuyển hóa những nội dung của Việt ngữ học thành nội dung dạy học phù hợp với lứa tuổi. Muốn HS tích cực tham gia vào hoạt động học tập, nội dung học tập phải vừa sức, hấp dẫn, chứa đựng yếu tố bất ngờ và thú vị. Đó cũng chính là yêu cầu cơ bản của nguyên tắc này. Nguyên tắc này đòi hỏi phải có một chiến lược dạy học lạc quan, nhấn mạnh vào mặt thành công của HS.

3.2. NHÓM BIỆN PHÁP DẠY HỌC LÝ THUYẾT VỀ TỪ LOẠI THEO QUAN ĐIỂM GIAO TIẾP

3.2.1. Tối giản hóa việc nhận diện, phân loại về từ loại

Bài tập nhận diện giúp HS nhận ra các hiện tượng về từ và câu cần nghiên cứu. Ở mức yêu cầu thấp, những hiện tượng này được nêu sẵn trong các ngữ liệu khác.

Yêu cầu của bài tập nhận diện là HS dựa vào những quy tắc, những định nghĩa lý thuyết vừa học để nhận ra các hiện tượng ngôn ngữ trên các ngữ liệu mới mà bài tập đưa ra. Ở mức độ cao hơn, bài tập yêu cầu nhận diện nhanh các đơn vị mới học mà không cần nhớ lại tri thức lý thuyết hoặc rèn luyện thêm khả năng sử dụng

Mục đích của bài tập nhận diện là củng cố lại, khắc sâu thêm những kiến thức về từ loại mà HS đã hình thành được ở những bài trước đó. Tuy nhiên các bài tập nhận diện thường không bám sát nguyên tắc giao tiếp trong dạy học. Dạng bài tập này chỉ dừng lại ở mức độ “nhận dạng” từ loại, chưa tạo điều kiện cho HS sử dụng các đơn vị từ đã học vào hoạt động giao tiếp.

Tối giản hóa việc nhận diện, phân loại về từ loại là giảm số lượng bài tập nhận diện, bài tập không mang tính lợi ích giao tiếp. Các ngữ liệu được lựa chọn cần tiêu biểu, điển hình, dễ nhận diện, không có yếu tố gây nhiễu.

Các ngữ liệu được lựa chọn cần tiêu biểu, điển hình, dễ nhận diện, không có

yếu tố gây nhiễu. Ví dụ, khi dạy bài danh từ yêu cầu HS Tìm từ chỉ sự vật trong

đoạn thơ sau:

Mang theo truyện cổ tôi đi

Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi

Đời cha ông với đời tôi Như con sông với chân trời đã xa

Chỉ còn truyện cổ thiết tha Cho tôi nhận mặt ông cha của mình.

LÂM THỊ MỸ DẠ

Qua thực tế cho thấy, HS thường rất lúng túng khi thực hiện yêu cầu này vì ngữ liệu đưa ra tương đối dài, khó nhận diện và dễ gây nhiễu. Vậy nên, chúng ta có thể thay thế bằng ngữ liệu khác điển hình, gắn với dấu hiệu hình thức, mang

tính trực quan, dễ nhận diện như yêu cầu HS Tìm từ chỉ sự vật trong các câu

a. Học sinh trường Việt Mỹ rất ngoan ngoãn. b. Cây bưởi nhà bà đang trổ bông trắng xóa. c. Mẹ mua cho em một cây bút mới.

………..

Bên cạnh ngữ liệu điển hình cần lưu ý đến lệnh bài tập, lệnh bài tập ngắn gọn, dễ hiểu, không mập mờ. Ví dụ: Tìm các danh từ chung và danh từ riêng trong

đoạn văn sau hay Viết tên em và địa chỉ gia đình em.

Xây dựng các mẹo nhận diện, hình thức gắn với dấu hiệu hình thức để nhận diện. Chẳng hạn những từ có thể xuất hiện trước các chỉ định từ này, nọ thì thuộc

lớp danh từ; những từ có thể đứng sau đang, vẫn, hãy, đừng, chớ,... thuộc lớp

động từ; những từ có thể đứng sau rất phần lớn thuộc lớp tính từ. Những từ vừa có thể đứng sau hãy, đừng, chớ vừa có thể đứng sau rất là những động từ chỉ các hiện tượng tâm lí.

Dự tính các trường hợp khó/ dễ lẫn rồi xây dựng mẹo nhận diện. Đặt trong thế đối lập “nó” / “không phải nó”. Ví dụ, khi yêu cầu HS xác định từ loại của các từ: anh hùng, trẻ con, đậu, bò …Việc thấy được khả năng ứng dụng của các kiến thức được học trong nhà trường vào thực tế cuộc sống làm cho HS cảm thấy việc học tập có mục đích, có ý nghĩa và hào hứng hơn.

3.2.2. Tối ưu hóa tính sử dụng các từ loại

Tối ưu hóa tính sử dụng các từ loại là tăng cường các bài tập vận dụng để HS được sử dụng các kiến thức đã học vào hoạt động nói năng của mình. Đây là loại bài tập có vai trò quan trọng trong dạy học từ loại. Mặc dù đã xuất hiện ở bước cuối cùng trong quy trình hình thành kiến thức mới nhưng trong kiểu bài Luyện tập thực hành thì không thể thiếu loại bài tập này. Bài tập vận dụng sẽ rèn luyện

kỹ năng sử dụng từ loại. Mục đích cuối cùng của việc dạy từ là để HS sử dụng từ một cách hiệu quả trong hoạt động nói năng.

Để thực hiện việc tối ưu hóa tính sử dụng các từ loại cần phải: Tăng số lượng bài tập dạy sử dụng (bài tập có tính chất tổng hợp, sáng tạo). Cho thấy lợi ích chức năng xã hội, chức năng giao tiếp của việc sử dụng hiệu quả từ loại. Chú trọng dạy nghĩa và dạy cách dùng, thống hợp ba bình diện: kết học, nghĩa học, dụng học trong dạy học tiếng Việt. Đặt đơn vị ngôn ngữ đang nghiên cứu trong đơn vị lớn hơn (đặt từ trong câu, đặt câu trong đoạn, chú ý khả năng kết hợp do nghĩa quy định, chú trọng quy tắc sử dụng ngôn ngữ. Chú ý lựa chọn giải pháp ngôn ngữ có dấu hiệu, hình thức dễ hiểu, dễ nhận diện. Chọn giải pháp ngôn ngữ có lợi cho cách dùng. Ví dụ: Cái kẹo này rất rắn. (1); Con rắn đang bò ngoài

sân. (2). Vậy rắn trong trường hợp (1) là tính từ vì đứng sau rất, rắn trong

trường hợp (2) là danh từ vì nó trả lời cho câu hỏi Ai (cái gì, con gì) là gì?

Tối ưu hóa tính sử dụng các từ loại còn khai thác được những kinh nghiệm sống của cá nhân HS và những quan sát thiên nhiên, con người, xã hội của các em. Ví dụ: Khi yêu cầu HS đặt câu vời từ “trẻ con”, HS có thể đặt câu “Trẻ con rất vui tươi và đáng yêu”, “Trẻ con rất thích chơi cùng bạn bè” hay “Tính bé Na rất trẻ con”. Như vậy, khi đặt câu mỗi HS đã cố gắng vận dụng những hiểu biết của mình về đặc điểm, tính cách của trẻ con. Những bài tập nhằm phục vụ cho việc dạy từ loại theo quan điểm giao tiếp cần được xây dựng từ những tình huống có thật trong cuộc sống như vậy HS sẽ cảm thấy rất gần gũi, thiết thực và thú vị.

3.2.3. Bài tập hóa nội dung dạy học lý thuyết về từ loại

Theo quan điểm giao tiếp thì yêu cầu quá trình dạy học từ loại phải là quá trình học sinh tham gia các hoạt động giao tiếp, thực hiện các nhiệm vụ giao tiếp

để hình thành các tri thức, đồng thời hoàn thiện các kỹ năng giao tiếp của mình. Muốn vậy, thì phải có hệ thống nhiệm vụ giao tiếp, đó chính là hệ thống bài tập. Vì vậy, các nội dung lý thuyết về từ loại cũng phải được bài tập hóa. Mục đích cuối cùng của việc dạy học lí thuyết về từ và câu trong nhà trường là sử dụng các đơn vị ngôn ngữ một cách có ý thức để có thể hiểu đúng tư tưởng tình cảm của người khác được thể hiện bằng ngôn ngữ và để biểu hiện chính xác tư tưởng tình cảm của mình trong hình thức nói và viết.

Bài tập hóa nội dung dạy học lý thuyết về từ loại nhất thiết phải được dạy một cách có định hướng, có kế hoạch thông qua việc tổ chức thực hiện các bài tập. Để tổ chức thực hiện tốt những bài tập này, chúng ta xem xét chúng từ góc độ nội dung và những cơ sở xây dựng.

Để thực hiện đúng quan điểm hoạt động lời nói, trong dạy học các khái niệm ngôn ngữ cho HS tiểu học nên coi trọng hệ thống bài tập. Hệ thống bài tập phải phản ánh được một cách bao quát cơ chế lĩnh hội và sản sinh lời nói. Thực hiện tốt hệ thống bài tập GV và HS sẽ đạt được mục đích của quá trình dạy tiếng một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Mặt khác, nhìn từ góc độ lý luận dạy học, dạy học bằng hệ thống bài tập là biến quá trình dạy học thành quá trình tổ chức các hoạt động học tập của học sinh, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập.

Quá trình hình thành một khái niệm, ngữ pháp cho học sinh bao gồm nhiều bước:

Bước 1: Cung cấp ngữ liệu

Bước 2: Hướng dẫn HS phân tích ngữ liệu để phát hiện ra các dấu hiệu của khái niệm

Bước 3: GV thiết lập quan hệ giữa các dấu hiệu của khái niệm và đưa thuật ngữ

Bước 4: HS trình bày định nghĩa khái niệm - GV chính xác hoá dấu hiệu của khái niệm

Bước 5: Cụ thể hoá khái niệm trên ngữ liệu mới với mục đích giúp HS củng cố khái niệm và vận dụng khái niệm vào hoạt động lời nói.

Tương ứng với mỗi giai đoạn trong quá trình hình thành khái niệm phải có các bài tập tương ứng. Bài tập ở tất cả các giai đoạn đều phải đảm bảo tính khoa học đồng thời phải sinh động, vừa sức để học sinh có thể tham gia vào một cách tự nhiên và hiệu quả tiếp thu tri thức, hình thành kỹ năng cao.

Một phần của tài liệu Dạy từ loại tiếng việt cho học sinh lớp 4 theo quan điểm giao tiếp luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w