Chính phủ
Chất vấn Chính phủ thực sự là đòi hỏi Chính phủ phải giải trình trước Quốc hội về việc thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại hoặc một vấn đề cụ thể nào đó trong hoạt động của Chính phủ. Thủ tục chất vấn của Quốc hội đối với Chính phủ thể hiện:
- Đại biểu Quốc hội chuyển chất vấn cho Quốc hội, trong chất vấn phải ghi rõ nguyên nhân và nội dung chất vấn.
- Quốc hội (Uỷ ban thường vụ Quốc hội) có trách nhiệm thông báo cho Chính phủ biết và quy định thời gian trả lời chất vấn.
- Chính phủ trả lời chất vấn và thảo luận trả lời chất vấn.
- Quốc hội ra Nghị quyết về việc trả lời chất vấn, có thể đặt ra vấn đề tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với Thủ tướng và các Bộ trưởng khi cần thiết.
Thông qua hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với các thành viên của Chính phủ, thực tế có những ưu điểm và hạn chế như sau:
+ Ưu điểm: Chất vấn là một phương thức thực hiện quyền giám sát tối cao, tại kỳ họp Quốc hội phải xem xét việc trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ hoặc các thành viên khác của Chính phủ. Qua đó, giúp Quốc hội đánh giá năng lực, trình độ trách nhiệm của các thành viên Chính phủ thông qua việc trả lời chất vấn. Đồng thời là cơ sở, căn cứ để các đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị với Ủy bản thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
+ Hạn chế: Thực tế cho thấy rằng trong các kỳ họp, không phải đại biểu Quốc hội nào cũng thực hiện hình thức chất vấn mà chỉ có khoảng 20% đến 25% số đại biểu Quốc hội sử dụng quyền này. Thậm chí còn có nhiều đại biểu Quốc hội suốt cả nhiệm kỳ không sử dụng hình thức chất vấn này một lần nào. Hơn nữa, khi thực hiện hình thức chất vấn, có nhiều đại biểu Quốc hội không có kỹ năng chất vấn nên còn lúng túng trong phương pháp thực hiện quyền chất vấn, như: phương pháp tranh luận như thế nào, đối thoại sử dụng ra sao?
Ngoài ra, giữa hai kỳ họp của Quốc hội, số lượng các đại biểu Quốc hội gửi chất vấn đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội để Uỷ ban thường vụ Quốc hội chuyển chất vấn đến những cá nhân và những cơ quan bị chất vấn rất ít, thường có khoảng 5 đến 10 chất vấn, cũng có khi không có chất vấn nào. Trong thời gian gần đây, số lượng chất vấn giữa hai kỳ họp Quốc hội giảm đáng kể. Thực tiễn này đã không đáp ứng được tính chất thường xuyên, liên tục của hoạt động chất vấn, bởi vì hoạt động chất vấn là phản ánh những cái có thực trên thực tế, xem xét ở mức độ đúng sai của các cơ quan Nhà nước, cụ thể là Chính phủ. Nếu như, tại các kỳ họp số lượng chất vấn ít sẽ gây khó khăn cho hoạt động giám sát của Quốc hội. Sở dĩ tồn tại bất cập như trên là do nhiều đại biểu né tránh, ngại va chậm và sợ làm mất lòng những người trực tiếp lãnh đạo mình, không dám phê bình thẳng thắn những khuyết điểm.
Các đại biểu Quốc hội chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động chất vấn. Điều này, thể hiện ở chỗ: trường hợp không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận tại phiên họp đó, đưa ra thảo luận tại phiên họp khác của Quốc hội hoặc kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn, hoặc đối với trường hợp cần điều tra thì Quốc hội có thể quyết định cho trả lời trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc tại kỳ họp sau của Quốc hội, hoặc cho trả lời bằng văn bản. Song trên thực tế, các đại biểu Quốc hội không đồng ý với trả lời chất vấn, nhưng cũng không thực hiện quyền đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận hoặc tiến hành các hoạt động điều tra để xác định trách nhiệm của người trả lời chất vấn. Thực trạng này cho thấy, mặc dù đã có quy định của pháp luật và hoạt động chất vấn có tăng lên ý kiến chất vấn về số lượng, nhưng chất lượng ý kiến chất vẫn chưa có nhiều chuyển biến giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn, chưa thất sự đi sâu đi sát vào vấn đề mà người dân quan tâm, nặng về tính hình thức và chung chung.
Có một số trường hợp, một số Bộ trưởng trả lời chất vấn còn chung chung, không đi thẳng vào trọng tâm mà đại biểu chất vấn. Việc phân công trả
lời chất vấn còn phải được thực hiện theo nguyên tắc là đại biểu chất vấn ai thì người đó phải trả lời, tránh tình trạng người này trả lời thay cho người khác, một người trả lời thay cho nhiều người.
Thời gian dành cho trả lời chất vấn cũng cần được bố trí hợp lý, không quá ít và cũng không nên bố trí vào thời gian cuối kỳ họp, cần bố trí thời gian để đại biểu trao đổi ngay sau khi trả lời chất vấn.
Thời gian để chất vấn và trả lời chât vấn thường không đủ để giải trình hết những vấn đề mà cử tri và đại biểu quan tâm.Thêm vào đó, một số quy định về chất vấn chưa rõ ràng (về giới hạn những lĩnh vực mà đại biểu được phép chất vấn, về quyền của Bộ trưởng chỉ trả lời những vấn đề liên quan đến chính sách…).
Hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội và hoạt động trả lời chất vấn tại phiên họp của Quốc hội không được Quốc hội đánh giá bằng hình thức “ ra nghị quyết”, do đó, nhân dân cũng không có cơ sở để đánh gía, nên không thấy hết được tác dụng của hoạt động chất vấn, chấn vấn vì thế đáng ra là một công cụ hữu hiệu nhưng trong thực tiễn lại chưa được thể hiện hết công dụng của nó.
Để tăng cường hiệu quả giám sát của Quốc hội trong hoạt động chất vấn, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội cần:
- Quy định cụ thể tiêu chí xác định đối với chất vấn và trả lời chất vấn, đồng thời quy định thủ tục và các bảo đảm pháp lý cần thiết khác liên quan đến việc xem xét việc trả lời chất vấn của thành viên Chính phủ trước các kỳ họp Quốc hội.
- Tăng thời gian phát biểu: Quốc hội khóa X, thời gian phát biểu ý kiến cho mỗi đại biểu là 20 phút, sau giảm xuống 15 phút, giờ là 10 phút nhưng thực tế mỗi đại biểu chỉ có 7 phút để trình bày. Vì vậy, nếu như quy định là 10 phút thì đề nghị cho các đại biểu nói trọn 10 phút, bởi đa số các đại biểu đều không đủ thời gian để thảo luận, lập luận cho lý lẽ của mình.
- Cần quy định bổ sung bộ luật một số chế tài về chất vấn và trả lời chất vấn. Hiện nay các văn bản pháp luật chưa quy định rõ chế tài về vấn đề ngày, thì trong tương lai đề nghị quy định cụ thể trong văn bản pháp luật chế tài quy định trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Khắc phụ tình trạng một số cơ quan trong đó có các Bộ còn trả lời chất vấn chung chung, không đúng yêu cầu, né tránh, không đúng trọng tâm vấn đề, trả lời chậm so với luật định.
- Nên chăng hoạt động chất vấn thể hiện dưới hình thức Nghị quyết có như vậy nhân dân cả nước mới có cơ sở để giám sát và đánh giá.