Như phần 1.3.1 đã trình bày ở trên có thể thấy, Quốc hội xem xét báo cáo hoạt động của Chính phủ tại kỳ họp cuối năm. Tại kỳ họp giữa năm, Chính phủ gửi báo cáo công tác đến các đại biểu Quốc hội, khi cần thiết Quốc hội có thể xem xét, thảo luận. Quốc hội có thể ra Nghị quyết về công tác của Chính phủ đã báo cáo (khoản 2, điều 84, Hiến pháp 1992; Điều 77 Luật Tổ chức của Quốc hội). Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Tại các kỳ họp của Quốc hội, mặc dù Chính phủ vẫn báo cáo công tác nhưng nội dung các báo cáo của Chính phủ vẫn nặng về chung chung, chưa chỉ ra một cách cụ thể những những việc chưa làm được nguyên nhân từ đâu? Trách nhiệm thuộc về ai? cụ thể: Các báo cáo chưa đánh giá hết được tình hình tham nhũng, tham ô, lãng phí, buôn lậu, gian lận thương mại; Thực trạng của công tác cải cách nền hành chính quốc gia; tình trạng đơn thư
khiếu nại, tố cáo ngày một gia tăng, đặc biệt có dấu hiệu của biểu tình … Chính phủ chưa chỉ ra được nguyên nhân và các giải pháp khắc phục, trách nhiệm của tập thể Chính phủ cũng như các thành viên đảm trách lĩnh vực đó.
Hoạt động xét báo cáo công tác của Chính phủ có những ưu điểm và hạn chế như sau:
+ Ưu điểm: Việc nghe và xem xét báo cáo công tác giúp Quốc hội nắm được tình hình hoạt động của Chính chủ, qua đó tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ, kịp thời về tình hình thi hành Hiến pháp và pháp luật trong hoạt động thực tiễn, đồng thời tăng cường trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội, trước nhân dân.
+ Hạn chế: Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 thì hoạt động xét báo cáo của Quốc hội dựa trên cơ sở hoạt động thẩm tra báo cáo của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội. Thông qua hoạt động thẩm tra, các báo cáo công tác của Chính phủ được đánh giá chuẩn xác, mức độ giám sát trung thực và khách quan, tạo điều kiện để cho hoạt động giám sát của Quốc hội được thuận tiện, chính xác.Tuy nhiên, hoạt động thẩm tra báo cáo thời gian qua còn có những hạn chế như: không phát hiện được nhiều điểm bất cập, mâu thuẫn trong thực tiễn hoạt động, thường là đồng tình với các bản báo cáo. Các báo cáo thẩm tra với bản chất là phản biện mang tính xây dựng, hợp tác rất ít. Bên canh đó, số lượng các thành viên của Uỷ ban thường vụ thường được cơ cấu từ các đại biểu công tác tại các cơ quan hành chính địa phương nên khi thẩm tra báo cáo thường ít nhận được các ý kiến đóng góp của những đại biểu này.
Về phía Quốc hội, công tác tổ chức giám sát nói chung chưa thật tốt, liên quan đến các chương trình giám sát, cách thức tổ chức việc giám sát, việc bảo đảm tính khách quan chính xác trong giám sát, xử lý kết luận giám sát; trình độ của đại biểu Quốc hội còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với yêu cầu về người đại biểu trong tình hình mới.
Để tăng cường hiệu quả giám sát của Quốc hội trong việc xét báo cáo của Chính phủ cần:
+ Quy định trách nhiệm, chế độ, hình thức báo cáo và số lượng văn bản cần báo cáo; quy trình thẩm tra báo cáo và quy định trách nhiệm của người báo cáo nếu không trung thực với số liệu báo cáo của cơ quan thuộc mình quản lý, sai lệch thông tin, thông tin không đầy đủ, thông tin chậm…tức là nội dung báo cáo cần cụ thể, đi thẳng vào vấn đề, tình hình trong Chính phủ, và có chế tài đối với việc báo cáo không trung thực.
+ Giữa hai kỳ họp của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội với tư cách là cơ quan thường trực của Quốc hội cũng như các cơ quan chuyên trách khác của Quốc hội (Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban chuyên trách của Quốc hội có trách nhiệm giúp Quốc hội thực hiện quyền giám sát), tuy nhiên trên thực tế chỉ có Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan hoạt động chuyên trách, còn Hội đồng dân tộc, các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội có trách nhiệm giúp Quốc hội thực hiện quyền giám sát mà thội. Thời gian, vật chất mà các đại biểu Quốc hội là thành viên có thể sử dụng cho công việc của Quốc hội còn rất khác nhau, số đại biểu kiêm nhiệm trong Quốc hội được dành ít nhất 1/3 thời gian để đảm nhiệm công việc của người đại biểu dẫn đến không đảm bảo hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số (Điều 19 Luật Tổ chức Quốc hội 2001). Làm việc theo chế độ hội nghị và biểu quyết theo đa số là một phương thức hoạt động dân chủ cho phép các thành viên uỷ ban chuyên trách cũng như Hội đồng dân tộc có cơ hội trình bày quan điểm của mình, tìm ra phương án tối ưu giải quyết công việc của Quốc hội, chống lại sự lạm dụng quyền lực dưới bất kỳ hình thức nào. Nhưng trên thực tế, đòi hỏi phải có sự thay đổi về phương thức làm việc (từ chủ yếu kiêm nhiệm sang chuyên trách phần lớn hoặc chuyên trách hoàn toàn ); yêu cầu tuyển chọn các thành viên vào các cơ quan chuyên trách; phải chuyên môn hoá các uỷ ban chuyên trách của Quốc hội, tránh giao quá nhiều nhiệm vụ khác nhau cho mỗi uỷ ban để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn hoá trong hoạt động lập pháp cũng như giám sát.