6. Cấu trúc khóa luận
2.1.2. Hiện thực trong Thượng kinh kí sự
Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác đã ra đời trong hoàn cảnh lịch sử xã hội như thế. Tác phẩm kí sự này đã dựng lên bộ mặt của cả tầng lớp quan lại, vua chúa dưới thời chúa Trịnh Sâm. Nếu các chúa Trịnh trước đó thực hiện chính sách tăng cường thuế khóa, phục dịch để xây dựng đền đài, ăn chơi hưởng lạc thì chúa Trịnh Sâm không thấy nói đến xây dựng, nhưng lại ăn chơi theo kiểu khác.
Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ và Tang thương ngẫu lục của phạm Đình Hổ và Nguyên Án ghi lại một vài cảnh ăn chơi của Trịnh Sâm như mỗi tháng ba, bốn lần ngự chơi cung Thụy Liên trên hồ Tây. Binh lính dàn hầu vòng quanh bốn mặt bờ hồ. Kẻ nội thần đầu bịt khăn, mặc áo đàn bà, dàn bày bách hóa để bán…Hay vào dịp tết Trung thu thì phát gấm trong cung ra làm hàng trăm, hàng nghìn cái đèn lồng để treo xung quanh bờ hồ… Về cuối đời, Trịnh Sâm lại mê Đặng Thị Huệ, bỏ con trưởng lập con thứ, gây ra bè đảng tranh giành nhau trong phủ chúa… Có thể nói chính quyền phong kiến giai đoạn này từ trung ương đến địa phương là bộ máy quan liêu nặng nề, nạn tham ô, hối lộ tha hồ phát triển.
Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn phái đã viết về những sự kiện lịch sử giai đoạn này. Có thể gọi nó là một tác phẩm kí sự đã phản ánh trung thực bản chất của lịch sử với những biến cố và quá trình phát triển khách quan của nó. Nhưng đó là những sự kiện vừa mới xảy ra chứ không phải là những sự kiện lịch sử xa xưa. Tất cả con người, sự kiện, năm tháng ở đây đều có thực, chính xác. Tác giả cố ý ghi chép một cách trung thành mà
không bịa đặt một điều gì. Phạm Đình Hổ nhận xét : “Trong Hoàng Lê nhất thống chí những việc trong cung phủ thì chép được tường lắm” ( Vũ trung tùy bút, Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1960, tr.155) đã nói lên đặc trưng kí sự của tác phẩm này. Chính hoàn cảnh xã hội nước ta những năm nửa cuối thế kỷ XVIII và nửa đầu XIX có nhiều biến động sâu sắc đã thích ứng với một đối tượng phản ánh đa dạng như vậy. Bởi thế trong văn xuôi chữ Hán giai đoạn này xuất hiện một thể loại mới là kí sự. Hàng loạt các tác phẩm như Thượng kinh kí sự, Vũ trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục, Công dưtiệp kí, Hoàng Lê nhất thống chí… đều thuộc loại này.
Chúng ta hãy cùng điểm qua một vài sự kiện mà nhóm tác gia Ngô Gia Văn phái nói tới:
Hoàng Lê nhất thống chí dựng lên một bức tranh rộng lớn, phức tạp và chân thực về xã hội nước ta khoảng trên ba mươi năm cuối thế kỷ XVIII và mấy năm đầu thế kỷ XIX. Đây là giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, giai đoạn đen tối, bế tắc nhất của xã hội phong kiến Việt Nam, đồng thời cũng là giai đoạn có nhiều biền động lớn lao, nhiều đổi thay long trời lở đất.
Mở đầu tác phẩm, tác giả viết về sự lục đục trong phủ chúa. Trịnh Sâm mê Đặng Thị Huệ. Tiếp theo là việc Trịnh Tông dựa thế kiêu binh giết chết Hoàng Đình Bảo, tiêu diệt phe đối lập, truất ngôi Trịnh Cán. Rồi kiêu binh lộng hành, Nguyễn Huệ trong Nam kéo quân ra Bắc dưới danh nghĩa “phù Lê diệt Trinh” đánh tan kiêu binh…
Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm lại mở đầu bằng câu chuyện Trịnh Sâm mê Đặng Thị Huệ, bỏ con trưởng lập con thứ để gây ra bè đảng trong phủ chúa, rồi sau đó mâu thuẫn mới lan dần ra thành mâu thuẫn trong triều đình : mâu thuẫn giữa vua Lê và chúa Trịnh, mâu thuẫn trong hàng ngũ quan lại và cuốn hút theo nó là mọi mặt sinh hoạt của xã hội, để cuối cùng cơn bão táp dữ dội nhất của thời đại là cuộc khởi nghĩa Tây sơn quét đi tất cả.
Chúa Trịnh Sâm được tác giả giới thiệu là người thông minh, có tài, xem khắp kinh sử và biết làm thơ văn, thực tế chỉ là một kẻ “chuyên quyền cậy thế, làm oai làm phúc”. Trong tác phẩm, tài cán của Trịnh Sâm chẳng thấy đâu, chỉ thấy lúc nào y cũng ăn chơi trác táng. Cung điện đầy ắp cung nữ để mặc y vui chơi thỏa thích. Trịnh Sâm dâm đãng quá mức đến nỗi mắc bệnh chữa không được, và y đã chết vì kiệt sức vào cái tuổi mà ở người đang còn là cường tráng. Vua Lê Hiển Tông suốt thời gian trị vì không làm được một tích sự gì, chỉ “khoanh tay rũ áo”, quẩn quanh trong xó hoàng cung, tiêu phí thì giờ bằng cách sai cung nữ mặc áo trận, cầm giáo mác, chia thế ba nước Ngụy – Thục – Ngô rồi dạy cho họ cách ngồi, đứng, đâm, đỡ để mua vui… Lúc về già bị Trịnh Sâm chèn ép đủ đường, ông ta cũng không lấy đó làm điều, vẫn vui vẻ như thường. Triết lí sống của ông ta là : “Trời sai nhà chúa phò ta, chúa gánh cái lo, ta hưởng cái vui, mất chúa tức là cái lo lại về ta, ta còn vui gì”. Thật khác một trời một vực với những ông vua sáng nghiệp của dòng họ này, đã từng đem hết tài năng và nghị lực của mình ra chống giặc ngoại xâm làm cho nước giàu dân mạnh.
Vua, chúa đã như thế, quan lại cũng chỉ là bọn cơ hội chủ nghĩa hết sức bỉ ổi. Bộ máy quan liêu thối nát đủ điều, tranh giành quyền lực, kết bè kết cánh gây loạn kiêu binh khiến nhân dân đói khổ lầm than. Một xã hội vua chúa, quan lại như thế nên cương thường đảo lộn, con người đối với nhau không còn tình nghĩa, chỉ có thù hằn, sẵn sàng có dịp là chém, giết, là sát phạt, tàn hại lẫn nhau, quân thần thì lừa đảo phản bội.
Lê Hữu Trác sống trong khung cảnh đặc biệt của xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII. Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong lúc bấy giờ đều đang trong những chuyển biến quằn quại. Đã xa lắm rồi cái thời kỳ hoàng kim của một quốc gia phong kiến thịnh trị. Sau bao nhiêu cuộc chém giết và xâu xé trong nội bộ, giai cấp phong kiến suy đốn rõ rệt, chế độ phong kiến đi vào bế
tắc. Đời sống xã hội ngày càng bần cùng. Ở trấn Hải Dương, quê hương của Lê Hữu Trác, nơi vựa thóc của xứ Đàng Ngoài – tỉnh Đông, nạn đói diễn ra thật trầm trọng.
Và một nhà văn, người cùng tỉnh với ông, kém ông chừng vài mươi tuổi - Phạm Đình Hổ đã bình tĩnh để thu thập lại mớ tài liệu sống về những năm tháng kinh khủng ấy. Trong cuốn Vũ trung tùy bút, ông đã cực tả cái hình ảnh “hồi loạn Canh Thân, Tân Dậu (1740 – 1741)” : khắp một vùng rộng lớn “ruộng đất hầu thành ra rừng rậm”, người chết vạ vật đầy đường, “những người dân còn sống sót phải đi bóc vỏ cây, bắt chuột đồng mà ăn”, có khi ăn thịt lẫn nhau; và số phận của nhiều loại người trong xã hội đều bị đảo lộn. Ngay cả những bà góa “tiền của chất như núi” cũng ôm lấy tiền mà chết… Đó chính là câu chuyện của những năm Lê Hữu Trác vừa mới trên dưới hai mươi tuổi.
Nhưng cũng vào khoảng thời gian đó, chàng thư sinh họ Lê còn được tắm trong một biến cố khác hết sức quan trọng : phong trào khởi nghĩa nông dân lan tràn từ Bắc chí Nam. Chỉ kể từ 1735 – 1745, vẻn vẹn mười năm, khắp một vùng từ Nghệ An đến Hải Dương đã có ngót hai mươi thủ lĩnh nông dân nổi dậy kế tiếp.
Thời đại Lê Hữu Trác rõ ràng là thời đại của những con người vẫy vùng hiên ngang “ngoài vòng cương tỏa”. Thời đại mà số phận của những ông chúa quyền nghiêng thiên hạ, bỗng dưng một sớm bị tung lên, hất xuống trong tay một đám kiêu binh, không khác gì một trò đùa.
Đáng kể hơn nữa là thời đại mà nhân dân đòi quyền sống và thấy rõ sức mạnh của mình : “Lúc ấy, về mạn Hải Dương có bọn Nguyễn Tuyển,
Nguyễn Cừ ở Ninh Xá, Vũ Trác Oánh ở Mộ Trạch, về mạn Sơn Nam có Hoàng Công Chất. Đảng lớn phe nhỏ hết chỗ này đến chỗ khác giục nhau phiến động, chỗ nào cũng tự dấy quân, tự xưng danh hiệu…Dân ở vùng
Đông, vùng Nam, người đeo bừa, người vác gậy đi theo, chỗ nhiều có đến hơn vạn, chỗ nhỏ cũng hàng ngàn, hàng trăm…., triều đình không thể nào ngăn cấm được” (Việt sử thông giám cương mục, bản dịch của Viện sử học, tập XVIII, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1960, tr.40).
Năm 1782, Hải Thượng Lãn Ông được quan Chính đường (Huy quận công Hoàng Đình Bảo) tiến cử lên kinh đô chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Tuy việc chữa bệnh không thành, ông đã phải ở kinh đô trong khoảng một năm, cũng may là ông về nhà kịp trước khi xảy ra loạn kiêu binh, mở đầu cho một thời kỳ đại loạn trong lịch sử Việt Nam, kéo dài đến năm 1802 mới chấm dứt. Sau khi về, ông ghi lại những điều mắt thấy tai nghe tại kinh đô trong cuốn Thượng kinh kí sự. Trong văn học lịch triều, đây là một thiên tùy bút hiếm có. Tập Thượng kinh kí sự được viết vào một năm sau khi trở về, kể lại cuộc hành trình từ quê nhà Nghệ Tĩnh của ông về kinh thành Thăng Long để chữa bệnh cho chúa Trịnh, vì chúa đã biết tiếng tăm lừng lẫy của một đại danh y. Trong thời gian đó, tác giả dược mắt thấy tai nghe những việc, những sự kiện ở kinh thành, đặc biệt là trong phủ chúa Trịnh. Đó là những trang viết giàu yếu tố hiện thực.
Tập kí kể lại thời gian tác giả sống ở kinh thành Thăng Long với biết bao biến động, kể lại sự giao du của ông với các công hầu khanh tướng thời Lê mạt và tâm sự của mình lúc nào cũng mong thoát khỏi vòng danh lợi để quay về núi cũ non xưa. Với thiên kí sự tài hoa và trung thực này, Hải Thượng Lãn Ông xứng đáng là người tiên phong trên lĩnh vực kí báo chí. Cuộc hành trình vất vả từ quê nhà lên kinh thành kéo dài gần nửa tháng. Đến ngày 30 về đến kinh thành – mảnh đất mà thuở nhỏ từng in dấu bao kỷ niệm của cậu bé Lê Hữu Trác. Chứng kiến những đổi thay rõ rệt, Lê Hữu Trác kể lại : “Nguyên tại đất này thưở nhỏ tôi từng du học và trú ngụ. Tôi mới chống gậy, thủ bộ tứ phía du ngoạn nơi đất cũ. Tuy hồ sơn vẫn như
trước mà phật điện, đình đài, quán xá, quân cư, nhất nhất không còn hình dạng thuở xưa”. Bài thơ ông làm nói lên một hiện thực :
Phiêu bạt giang hồ mấy chục niên Chiếu vời một sớm đến Trường Yên
Lâu đài đình quán bên trời ngất Văn vật y quan giữa cõi truyền Sơn dã buông tuồng quen tĩnh tục Ngọc đường lui tới thẹn cung tiên
Đất này thuở nhỏ từng du hí Khác lạ ngày nay đã hiển nhiên!
Cảnh vật kinh thành đã hoàn toàn đổi khác. Lâu đài, đình quán ngất trời mọc lên, thôn xóm mất đi vẻ yên bình, tĩnh lạc. Nhà thơ đi đến ngọc đường mà thấy “thẹn cung tiên” vì cảnh vật nơi đây chẳng khác gì cõi tiên. Một con người dòng dõi quý tộc, đã từng sống ở kinh thành mà vẫn ngạc nhiên trước sự thay đổi của cảnh nơi đây; điều đó cho thấy một hiện thực – triều đình họ Trịnh đã biến kinh thành thành tiên cảnh với những đền, chùa, miếu, mạo để phục vụ cho việc ăn chơi, hưởng lạc.
Hiện thực trong Thượng kinh kí sự tiếp tục được phơi bày khi tác giả được triệu vào cung chẩn bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Đoạn trích “Vào Trịnh phủ” vẽ lại một bức tranh sinh động về cuộc sống xa hoa quyền quý của nhà chúa. Đó là một bức tranh hiện thực toàn vẹn về quang cảnh và cung cách sinh hoạt nơi phủ chúa. Ở đây cảnh đền đài, lầu gác tuy nguy nga, mĩ lệ song không giấu được vẻ âm u, tăm tối; người tuy quý phái, vương giả, đầy quyền uy, song không che lấp được vẻ ốm o, tật bệnh.
Lê Hữu Trác đã đi vào phủ chúa từ lối cửa sau và có dịp được quan sát quang cảnh nơi phủ chúa. “Tôi ngẩng đầu lên coi thì bốn phương tám mặt nơi nào cũng cây cối um tùm, chim kêu hoa nở, gió thoảng hương đưa. Những hành lang, những bao lơn, bước bước đều liên lu, nơi nơi đều cân đối...”. Cảnh phủ chúa ở đây chẳng khác một vườn thượng uyển. Đẹp thì có đẹp nhưng thật âm u, chồng chất, dễ gây cảm giác ớn lạnh, thiếu ánh sáng cho những người sinh sống nơi đây. Quan sát cảnh những dãy hành lang quanh co nối tiếp nhau, những cửa rồi lại cửa, mà mỗi cửa đều có người truyền giữ, rồi những lâu đài lầu gác vẽ rồng, vẽ phượng, cột và bao lơn lượn vòng kiểu cách mới thấy nhà chúa quả thật đã thâu tóm giang sơn của thiên hạ để phục vụ riêng mình. Ở đây có những “đồ đạc chẳng thường thấy ở nhân gian” như : hai cái kiệu để vua chúa đi, đồ nghi trượng đều sơn son thiếp vàng, trên sập mắc một cái võng điều đỏ. Rồi thì trướng gấm : “nơi kia màn gấm mở ra, vào bên trong thấy đen tối, không biết đâu là cửa ra, màn trướng thì hết lớp này đến lớp khác, mỗi lớp đều có thắp một ngọn nến để dẫn đường. Đi qua chừng bốn năm lớp trướng gấm thì đến căn nhà rộng, … ngang sân trước có treo một trướng gấm…”. Giữa phòng là một cây nến to cắm trên một cái giá bằng đồng. Bên sập đặt một cái ghế rồng sơn son thiếp vàng, trên ghế bày nệm gấm… Xung quanh lấp lánh, hương hoa ngào ngạt. Ngay bữa ăn sáng ở điếm Hậu Mã của quan Chính đường Huy quận công Hoàng Đình Bảo cũng có những “chén bạc mâm vàng, các món ăn đều quý lạ”. Mặc dù Lê Hữu Trác từng là con một nhà đại gia (cha ông là một bậc thượng thư) mà khi được nếm những thứ của ngon vật lạ này cũng phải thốt lên : “mới hay phong vị của đại gia là thế!” . Tất cả đều là vàng son lấp lánh, lầu gác nguy nga, trướng gấm lụa là vây bọc bịt kín các ngả, các phía. Ở đây có “những cây và những hòn đá kì lạ”, khiến cho Lê Hữu Trác – một người từng “sinh trưởng ở chốn phồn hoa, chỗ nào trong cấm thành cũng đã biết”
bước chân đến đây mới hay các cảnh giàu sang của vua chúa thực khác hẳn người thường”. Bài thơ ứng khẩu là một minh chứng cho cảm giác có thật của ông lúc ấy :
Qua vàng ngàn cửa lính canh đền Đây chính trời Nam chốn chí tôn Nguy ngật lâu đài sông Hán khuất Lung linh liêm mạc ánh vàng xuân. Cung hoa không dứt mùi hương thoảng,
Ngự uyển đưa kêu tiếng vẹt dồn Quê kệch chưa tường nơi vũ nhạc Tưởng mình đâu lạc tới đào nguyên.
Rõ ràng phủ chúa hồi ấy “sang nhất trời Nam”, tức là còn sang hơn cả cung vua. Theo lịch sử thì tháng 4 năm Kỷ Hợi (1599) Trịnh Tùng tự lập làm Đô nguyên soái, tổng quốc chính thượng phụ Bình yên vương. Họ Trịnh từ đó mở phủ chúa, đặt quan chức, nắm quyền binh, tập phong tước vương. Phủ chúa lập từ cuối thế kỷ XVI , đầu thế kỷ XVII, đến đời chúa Trịnh Sâm trải gần hai trăm năm, thì làm gì mà chẳng nguy nga tráng lệ, giàu sang nhất cõi trời Nam. Đây là một cụm công trình kiến trúc có cảnh quan hài hòa quy mô to lớn. Cứ theo địa đồ cũ thì đó là vùng đất dọc theo phố Quang Trung (từ phố Tràng Thi đến phố Nguyễn Du, hồ Tuyên Quang bây giờ). Khi Quang Trung – Nguyễn Huệ ra Bắc Hà lần thứ nhất (1786) từng đóng đại bản doanh “trại quân Nam” ở phủ chúa. Phủ chúa Trịnh chỉ bị tiêu hủy thành tro bụi vào ngày 8 tháng chạp năm Bính Ngọ, tức đầu năm dương lịch 1787, khi Lê Chiêu Thống nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh đánh tan được thế lực của chúa Trịnh Bồng. Nhân cơ hội đó, Lê Chiêu Thống cho đốt phủ chúa “khói lửa