6. Cấu trúc khóa luận
2.2. Nghệ thuật tự sự
2.2.1 Nghệ thuật trần thuật
Với truyền thống hướng vào tâm chí, với sự chi phối của dòng chủ lưu luôn đề cao tinh thần yêu nước và những võ công oanh liệt của các triều đại,
văn học trung đại Việt Nam (phần lớn là thơ trữ tình) không cho chúng ta biết được nhiều về đời sống thế tục của con người. Điều này tương đối khác so với văn học Trung Quốc. Bởi vậy, khi muốn tái hiện bức tranh xã hội thời xưa một cách chi tiết bằng nghệ thuật điện ảnh chẳng hạn, những người làm nghệ thuật ở nước ta ngày nay chắc chắn gặp nhiều khó khăn hơn các đồng nghiệp nước láng giềng.
Hiểu những điều trên chúng ta mới thấy sự có mặt của một tác phẩm như Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác là hết sức có ý nghĩa và đáng quý. Tác giả biết dành cho sự vật, sự việc, sự kiện một không gian tồn tại riêng và thường vẫn để cho chúng tự cất lời. Đó lại cũng là điều đáng nói. Đặc trưng loại hình của thể kí sự văn học, cũng là nét độc đáo của Thượng kinh kí sự
nằm ở đó chăng? Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định : đến Thượng kinh kí sự thể kí văn học ở Việt Nam mới thật sự ra đời. Như đã biết, kí là tên gọi chung cho một nhóm thể loại có tính giao thoa giữa báo chí với văn học. Kí viết về cuộc đời thực tại, về người thật, việc thật. Kí đòi hỏi sự trung thực, chính xác. Người viết kí thường quan tâm tôn trọng những sự kiện xã hội lịch sử, những vấn đề nóng bỏng đương đặt ra trong đời sống. Người viết kí miêu tả thực tại theo tinh thần của sử học. Mẫu hình tác giả kí gần gũi với nhà sử học. Tác giả kí coi trọng việc thuật lại có ngọn ngành, có thời gian, địa điểm hành động, và không bao giờ quên miêu tả khung cảnh, gợi không khí. Tác giả kí khéo sử dụng tài liệu đời sống kết hợp với cảm thụ, nhận xét, đánh giá. Kí sự thiên về ghi chép chi tiết, tỉ mỉ từng sự việc, câu chuyện có thật. Tất nhiên đan xen vào mạch tự sự còn có những đoạn thể hiện suy tưởng, nhận xét chân thực, tinh tường của nhà văn trước sự việc.
Bởi tính chất ấy, Thượng kinh kí sự là những trang ghi chép trung thực về những điều mắt thấy tai nghe trong suốt hành trình lên kinh đô, ở kinh đô và về quê của Lê Hữu Trác.
Ngay những trang viết đầu tiên, tác giả đã kể lại một cách tỉ mỉ, trung thực, tường tận ngày, tháng, năm Lãn Ông lên đường thượng kinh :
“Đó là về năm Nhâm Dần (1782), tháng Mạnh Xuân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 43…
… Ngày 12 tháng ấy, thấy hai người mục dịch của quan thự trấn bản sứ sai tới. Vừa mới vào trước sân họ đã nói rằng : “Bản quan kính mừng”. Tôi chưa biết việc gì, mở giấy ra coi thì thấy hai đạo văn thư. Bức thư thứ nhất là bản sao tờ chỉ, truyền rằng nội san bình phiên Trạch Trung Hầu vâng chỉ truyền cho quan thự trấn Nghệ An là Côn Lĩnh Hầu hãy tìm hiểu tính danh của người con của Tiền thượng thư họ Lê ở huyện Đường Hào, xã Liêu Xá, người con đó là Lê Hữu Trác, tục gọi là Chiêu Bảy, hiện ngụ ở quê mẹ ở huyện Hương Sơn, xã Tình Diễm. Chỉ còn truyền cho quan trấn binh tức khắc đón về kinh đợi mệnh.
Chỉ truyền năm Cảnh Hưng thứ 42, tháng 11, ngày 29.
Bức thứ hai do chính quan thự trấn viết, tỏ lời mừng, đại lược nói rằng kẻ sĩ ở chốn sơn vu một sớm danh thấu cửu trùng, hẳn cái tiến trình vạn lý sẽ nhẹ bước khôn kể, còn thêm rằng vương mệnh không đợi thắng ngựa,…”. Lê Hữu Trác lên đường trong tâm thế phiền muộn, lo âu. Cuộc hành trình gian nan vất vả dược ông ghi chép tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Trong đoạn trích “Vào Trịnh phủ” trong Sách giáo khoa Văn học 9, tập một (sách chỉnh lí 1995), trong Sách giáo khoa Ngữ văn 11, tập một(sách tái bản lần thứ hai năm 2009) là một đoạn văn khá tiêu biểu, phản ánh chủ đề của cả tập kí sự. Lẽ ra ở tập kí sự, ta thường gặp người rồi mới gặp cảnh; nhưng cảnh ở đây, Lê
Hữu Trác có lối kết cấu ngược lại : gặp cảnh rồi mới gặp người, mà lại là gặp cảnh từ lối cửa sau, gặp người cách qua màn trướng.
Lê Hữu Trác sử dụng người trần thuật ngôi thứ nhất, trực tiếp tiếp cận cung cách sinh hoạt xa hoa của phủ chúa. Miêu tả - tỏ lòng kết hợp chặt chẽ với nhau, miêu tả hiện thực thì quan sát tinh tường, tỏ lòng thì thành thực, uyển chuyển, kín đáo. Ngôn từ tự sự đậm chất đời thường và giàu hình ảnh chứ không còn đậm tính ước lệ, tượng trưng và giàu điển tích điển cố nữa. Nhà văn quan sát tỉ mỉ, ghi chép trung thực, tả cảnh sinh động, thuật việc khéo léo, lôi cuốn sự chú ý của người đọc. Thủ pháp đối lập được sử dụng hiệu quả, góp phần làm nổi bật hai thế giới : thế giới của người áo vải quê mùa giản dị và thế giới của quan quyền vẩn đục. Biện pháp liệt kê kết hợp với phân tích, phẩm bình sắc sảo làm tăng chất trữ tình cho một bức tranh hiện thực toàn vẹn về quang cảnh và cung cách sinh hoạt nơi phủ chúa.
Bút pháp kí sự (du kí, nhật kí, hồi kí…) kết hợp và hòa lẫn với bút pháp châm biếm, văn khoa học xen kẽ văn trữ tình; suy nghĩ biện luận lồng với phản ánh thực tại, thuật sự và miêu tả thế giới hiện thực được bổ sung bằng những diễn biến nội tâm của chủ thể quan sát, cảm quan cá nhân vượt khỏi rào cản người thật, việc thật đạt đến yêu cầu khái quát với một giá trị thẩm mĩ cao… Tất cả điều đó tạo thành những nét đặc sắc trong nghệ thuật viết kí của nhà văn.
Mở đầu đoạn trích là một sự kiện cụ thể, chân thực. Tính chất kí trong bút pháp của Lê Hữu Trác thể hiện rõ ở cách ghi chép tỉ mỉ sự việc, thời gian. Nhà văn kết hợp biện pháp kể khách quan với nghệ thuật gợi không khí nhằm làm nổi bật hành động khẩn trương, gấp gáp của nhân vật: “Mồng một tháng hai. Sáng tinh mơ, tôi nghe tiếng gõ cửa rất gấp. Tôi chạy ra mở cửa. Thì ra một người đầy tớ quan Chính đường. Y thưa với tôi rằng: “Có thánh chỉ tuyên triệu lão sư, quan truyền mệnh còn đợi ở trụ sở của quan lớn tôi. Tôi vâng mệnh
chạy đến báo lão sư biết và đã lấy lính bản dinh đem cáng đến đón tôi ngoài cửa rồi , mời lão sư vào chầu trong phủ ngay”. Áo mũ chỉnh tề, tôi bước lên cáng đến của phủ. Lúc ấy dịch mục đi trước hết đường, còn cáng thì vùn vụt như thể ngựa chạy . Tôi bị một phen đưa đẩy, sốc sác lấy làm mệt nhọc ”. Đến đây, nhịp kể đột ngột chậm lại để ghi người, ghi việc rõ nét hơn, đầy đủ hơn. Hai chữ “thì ra” vừa diễn tả được tâm trạng người viết, tạo ấn tượng về sự khám phá, vừa gợi ra được người thật, việc thật. Nhân vật tôi không xuất hiện qua hình dáng cụ thể mà trước hết xuất hiện qua giọng nói, qua cảm nhận về âm thanh, và rõ hơn ở hành động.
Lê Hữu Trác không chỉ chú trọng ghi việc, diễn ý mà còn tái tạo nên sự sống trong tính hoàn chỉnh của nó. Ở đây, trong việc có người, người gắn chặt với cảnh, với môi trường hoạt động cụ thể. Câu văn của Lê Hữu Trác ngắn gọn, giàu thông tin, được viết ra một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, không một chi tiết thừa. Lời văn giản dị, chắc mà bay bổng, vừa truyền cảm vừa truyền nhận thức. Người đọc có thể hình dung được rất rõ một cảnh huống đặc biệt đang xảy ra.
Bằng nghệ thuật ghi người tả cảnh tỉ mỉ, Lê Hữu Trác đã dựng sống lại một bức tranh sinh động về quang cảnh và cung cách sinh hoạt nơi phủ chúa. Nhân vật tôi xuất hiện với tư cách một người trong cuộc trực tiếp tham gia, liên quan đến sự việc được miêu tả trần thuật lại. Vì thế ngay từ đầu truyện người đọc đã có cảm giác đây không phải là câu chuyện hư cấu, mà chính là bức tranh cuộc sống đang hiện hữu.
Khi tự sự, tả người, tác giả không vay mượn những khuôn mẫu, chất liệu có sẵn mà hướng tới khai thác chất liệu đời thường, đời tư. Ở đây, lời đối thoại của nhân vật người đầy tớ được thể hiện một cách tự nhiên, đúng với vị thế chức phận của hắn: “có thánh chỉ triệu cụ vào. Quan truyền mệnh hiện đang ở nhà cụ lớn con, con vâng mệnh chạy đến đây báo tin…”.
Lê Hữu Trác coi trong việc kể lại có ngọn ngành, chuộng sự thực, ưa sắp xếp sự việc cho đầy đủ, mạch lạc, có đầu có cuối, nên dường như cứ một đoạn hay một câu nói về hành động của tên đầy tớ lại là lời tự thuật về hành động, cảm nhận của Lê Hữu Trác: “Nghe tiếng gõ cửa … tôi chạy ra…”, “người đầy tớ nói … tôi bèn …”, “tên đầy tớ chạy…tôi bị xóc một mẻ, khổ không nói hết ”… Mạch văn chặt chẽ nhờ sự thể hiện thành công cái logic nhân quả của sự kiện, hành động. Ban đầu ta tưởng nhân vật tôi là người chủ động, nhưng càng đọc càng thấy nhân vật tôi bị cuốn vào hết sự việc này đến sự việc khác .
Tuy Lãn Ông chỉ là kể chuyện chuyến đi công cán có tính chất nghề nghiệp y học, nhưng tập kí sự của ông lại là một tác phẩm văn học có giá trị. Nhờ lối ghi chép trung thực “tai nghe mắt thấy ” pha đôi nét nhận xét hóm hỉnh, tập kí sự của ông đã khắc được bức tranh hiện thực về cuộc sống xa hoa, vương giả nhưng sắp tàn tạ nơi phủ chúa. Nhân vật tác giả bộc lộ rõ, sinh động dấu ấn cá nhân.
2.2.2 Giọng điệu tự sự
Với lối trần thuật hấp dẫn, tác phẩm bám chặt vào người thật, việc thật nên có giá trị như những tư liệu lịch sử quý giá, có ý nghĩa và tác dụng rất lớn đối với sự sáng tạo nghệ thuật về sau. Những đoạn nhân vật tôi độc thoại toát lên một cái nhìn sắc sảo và sự cảm nhận tinh tế. Tác giả tổ chức điểm nhìn trần thuật linh hoạt, với giọng kể khách quan đã dựng lên một hiện thực sống động của xã hội phong kiến thời Lê – Trịnh nửa cuối thế kỉ XVIII.
Lê Hữu Trác khéo kết hợp tả tập trung với điểm xuyết, chọn lọc được những chi tiết đắt nói lên quyền uy tối thượng cùng nếp sống hưởng thụ cực kì xa xỉ nơi phủ chúa Trịnh. Đặc biệt, với giọng kể khách quan, trang nghiêm và sự kết hợp khéo léo giữa văn xuôi và thơ ca, tác giả đã xây dựng thành công
bức tranh hiện thực với những mảng màu sáng tối, đậm nhạt mà vẫn chân thực, sắc nét về cuộc sống vương giả đầy quyền uy trong phủ chúa.
Tác giả quan sát các công trình kiến trúc, cảnh trí thiên nhiên qua hình khối, dáng vẻ kích cỡ, tả khuôn viên chủ yếu qua những ấn tượng về hương thơm, âm thanh, kể về mức độ xuất hiện của thị vệ, quân sĩ để nhấn mạnh vẻ trang nghiêm của nơi đây. Lê Hữu Trác đặc biệt ưa tả đường đi, lối vào phủ chúa. Ta có cảm tưởng đằng sau mỗi cánh cửa là một bức tranh khác nhau nhưng nối liền nhau.
Thượng kinh kí sự đã tôn trọng đặc trưng của thể kí đó là tôn trọng sự thật khách quan của đời sống, không hư cấu, sự việc và con người trong tác phẩm hoàn toàn xác thực. Vì thế giá trị hiện thực của tác phẩm là rất đậm đặc, rất đáng tin cậy.
Không chỉ là lối quan sát tỉ mỉ, cách ghi chép trung thực, tả cảnh sinh động, kể diễn biến sự việc khéo léo, lôi cuốn sự chú ý của người đọc mà giọng điệu khách quan của tác phẩm vẫn cứ toát ra từ tốn, khiêm nhường nhưng sắc sảo, thận trọng. Chính giọng điệu khách quan đó đã làm cho chất hiện thực trong tác phẩm càng thêm rõ nét, cô đọng. Hiện thực chỉ có thể được khẳng định qua cách nhìn khách quan, trung thực mà thôi.
Với tài năng quan sát sự việc, cùng với cách kể chuyện hấp hẫn, tác giả đã góp phần khẳng định vai trò, tác dụng của thể kí đối với hiện thực đời sống.
CHƯƠNG 3
TRỮ TÌNH TRONG THƯỢNG KINH KÍ SỰ