Thái độ, suy nghĩ của Lê Hữu Trác đối với triều đình Lê –

Một phần của tài liệu Tự sự và trữ tình trong thuợng kinh kí sự của lê hữu trác (Trang 51 - 70)

6. Cấu trúc khóa luận

3.1.1. Thái độ, suy nghĩ của Lê Hữu Trác đối với triều đình Lê –

Thượng kinh kí sự được viết bằng một cảm hứng chủ đạo là tinh thần thoái thác công danh. Chính cảm quan sâu sắc đó đã khiến cho Lê Hữu Trác mang một ấn tượng không bình thường đối với mảnh đất “Thần kinh”. Dễ thường, Lãn Ông như chán ghét hết thảy những gì bắt gặp ở đây và chỉ muốn mau mau được trở về… Nhưng thật ra Thăng Long lại chính là nơi nhà thơ đã sống suốt một thời trai trẻ. Vả lại, Lê Hữu Trác vốn mang trong mình dòng máu quý tộc khá trọn vẹn, bởi thế trong tình cảm của ông cũng có những diễn biến phức tạp và phong phú.

Theo cách nhìn chung của người đời, một lần được diện kiến “mặt rồng” hoặc được mời vào chốn lầu son gác tía là một diễm phúc lớn đối với bất cứ ai, nhất là đối với kẻ thường dân. Được gặp “con người ấy”, được vào chốn ấy, khi ra về có bao nhiêu là chuyện có thể kể. Hẳn là toàn chuyện lạ và hấp dẫn, dù chưa nói “hấp dẫn” theo tính chất nào. Nhưng trường hợp Lê Hữu Trác thì có khác. Đang sống yên lành như một ẩn sĩ ở quê nhà, không dưng (mà cũng chẳng phải là không dưng, bởi ông là một danh y), ông tiếp được chỉ triệu lên kinh để chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Không muốn đi nhưng không thể chối từ, ông đành phải miễn cưỡng lên đường. Buồn bực dĩ nhiên là có, nhưng đối với một người ưa quan sát như Lê Hữu Trác, một chuyến đi như thế này không phải là không có ích. Ông đã không vì sự buồn

bực mà bỏ qua việc ghi chép tường tận, tỉ mỉ những điều mắt thấy tai nghe, trước hết như là một cách lưu lại tư liệu cho riêng mình, sau nữa có thể giúp đời có thêm được một kinh nghiệm sống nào đấy. Điều độc đáo là ngay cả sự buồn bực khi được ghi chép lại cũng chứa chan ý nghĩa, nó thổi hồn vào mọi chi tiết tả và kể, khiến độc giả vừa được “thấy”, vừa được ngẫm ngợi qua từng trang văn của Thượng kinh kí sự.

Hải Thượng Lãn Ông là hiệu của Lê Hữu Trác – tức là ông già lười Hải Thượng, ngụ ý lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi, của quyền thế, tự do nghiên cứu y học, thực hiện chí hướng mà mình yêu thích, gắn bó. Quả thật, ông lười với chốn quan trường. Ông nghe đến làm quan là “lạnh tóc gáy” ở giữa thời buổi người ta đua nhau mua quan bán tước. Cho nên, được trát vào kinh, chữa bệnh cho chúa, với người khác là cơ hội để thăng quan tiến chức, còn với ông, ông lại buồn. Ngay từ phút đầu tiên vừa nhận được lệnh, một cảm giác bàng hoàng ghê gớm đã diễn ra đột ngột trong tình cảnh Lê Hữu Trác : “Tôi thấy sự việc quan trọng như thế lo sợ vô cùng, người cứ như ngẩn như ngơ mất nửa giờ”. Thế rồi suốt đêm hôm dó, nhà thơ cứ “canh cánh trong lòng không sao ngủ được”. Lý do gì đã khiến ông lo lắng như vậy? Lê Hữu Trác nói rõ : “Cây kia có hoa nên bị người ta hái, người ta có cái hư danh nên phải lụy về chữ danh”.

Một người sĩ phu có danh – có tài năng , được vua chúa gọi về triều mà lại đem so sánh với hiện tượng “cây kia có hoa nên bị người ta hái”! Trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII, và đặc biệt với cảm quan Lê Hữu Trác, điều gọi bằng lý tưởng “phò vua giúp nước” cũng như các hình thức gọi bằng “chiêu nạp nhân tài” của giai cấp phong kiến, quả tình đã giảm đi rất nhiều ý nghĩa thiêng liêng của nó. Nó đã bị phơi trần đúng với bản chất, dưới một quan hệ không lấy gì làm đẹp đẽ : quan hệ giữa một cái cây có hoa

và người hái hoa. Đúng hơn, đấy là quan hệ giữa người có quyền sai khiến và người bị sai khiến, giữa kẻ ra mệnh lệnh và kẻ phải miễn cưỡng phục tùng. Vốn có một tâm hồn đồng cảm với những vấn đề thời đại, Lê Hữu Trác chắc chắn đã tiếp thu được cái tiếng vang của hàng loạt yêu cầu bức thiết về quyền sống, quyền tự do, quyền hưởng hạnh phúc… đang dâng lên thành những làn sóng tư tưởng phổ biến trong nhân dân. Dưới con mắt của ông, cái gọi là “chữ danh” đã thành một cái “lụy” không hẳn chỉ là vì muốn đạt đến nó người ta phải lăn lộn đến trầy da sẩy trán, mà điều chủ yếu (và đây chính là một khám phá mới của Lê Hữu Trác) là vì hễ có cái “hư danh” thì dễ bị người ta sai khiến. Nói cách khác, cái hư danh dễ làm mất tự do của con người. Cũng bởi thế mà con đường đến với sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông cũng khác hẳn người thường. Đáng lẽ ông phải đi theo con đường sự nghiệp của cha ông, tiếp tục đỗ đạt làm quan, phụng sự triều đình và tổ quốc. Thế nhưng, ở cái tuổi thanh niên tràn đầy nhiệt huyết nhất, chàng thanh niên quý tộc Lê Hữu Trác đã có những hành động khó hiểu. Đang là một thư sinh đầy hứa hẹn, ông đột nhiên vứt bút tòng quân. Đang có triển vọng trở thành một võ tướng hiển hách, ông đột nhiên ném gươm, trở về quê mẹ ở Hương Sơn – Hà Tĩnh, làm một thầy lang nhỏ bé. Và cho đến trọn đời, ông đã tự nguyện “mải mê vui say” với cái nghề không chút quyền hành và danh vị đó.

Vì sao ông có những bước gấp khúc trong cuộc đời như vậy? Ít nhiều chắc cũng do cảnh ngộ gia đình. Cha mất lúc ông hai mươi tuổi. Ông lại là con vợ lẽ. Nhưng đối với một người nhiều tài năng như Lê Hữu Trác mà sau khi đã trở về Hương Sơn, tiếng tăm vẫn còn đồn đại, đến nỗi một võ tướng của chúa Trịnh là Phạm Đình Trọng phải cho người đến nơi triệu tập thì vượt qua những bước gieo neo trong đời sống hẳn không phải là chuyện không tài nào làm được. Phải nói rằng, việc Lê Hữu Trác đi ngược lại “tập

truyền” của dòng họ ông, trước hết là biểu hiện một quan niệm sống, một thái độ.

Không khí sôi động của cả một thời đại cũng lay chuyển đến đời sống, vận mạng của kẻ sĩ. Tầng lớp nhà nho xưa nay vốn chỉ có một lý tưởng : đi học rồi đi thi, để ra giúp nước phò vua, thì bấy giờ đã không yên được nữa. Sống trong tâm trạng điên đảo, họ cũng nát óc trước nhiều bài toán về thời cuộc. Và mỗi người là một cách giải đáp, thể nghiệm, tìm đường sống, không người nào giống người nào.

Có cái phản ứng giai cấp liều lĩnh của một bác Chiêu Lỳ - Phạm Thái, mà kết quả không thu được gì hơn, ngoài việc vùi đầu vào “những cuộc say” để quên đi một đời tuyệt vọng :

Sống ở nhân gian đánh chén nhè…

Bên cạnh mặt gian hùng của một Nguyễn Hữu Chỉnh, với những mánh khóe thay thầy đổi chủ, lá mặt lá trái, nhưng khôn ngoan đến đâu, rốt cuộc thân phận cũng chỉ là một “xác pháo” trước bánh xe của lịch sử:

Kêu lắm lại càng tan tác lắm Chung quy chỉ một tiếng mà thôi.

(Nguyễn Hữu Chỉnh)

Còn có kiểu người khăng khăng với phong thái của một Ngô Thì Nhậm, một Phan Huy Ích, một Cao Bá Quát “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, hăng hái đi theo tiếng gọi của khởi nghĩa Tây Sơn, là tâm lý “chìm nổi theo đời” của một Bùi Dương Lịch, triều đại nào thì ngả về triều đại ấy; hay thái độ háo danh đến cực đoan của một Đặng Trần Thường, luôn luôn tơ tưởng “ai công hầu ai khanh tướng”, thậm chí có thể vì lợi danh mà không từ một thủ đoạn nào, dù là rất hèn mọn.

Lê Hữu Trác cũng là một trường hợp trong trăm nghìn trường hợp. Ông từng có cái phân vân của một người tôi trung, không biết nên ngả về Lê hay theo Trịnh. Song chưa kịp gỡ mối phân vân thì bão táp cuộc đời đã ập đến :

Việc đời dang dở dở dang

Vào tần ra Hán đôi đàng không xong…

Vốn là con nhà quý tộc, chàng thanh niên Lê Hữu Trác chưa thể nào hiểu nổi tình hình một xã hội rối ren như thế là bởi đâu. Trong ông vẫn còn có cái gánh “hiếu trung” nặng nề của đạo Khổng. Ông hoàn toàn xa lạ trước tiếng rao “tức nước vỡ bờ” của hàng vạn quần chúng khởi nghĩa. Thế nhưng, chính cái tiếng reo hồ hởi ấy lại đã gián tiếp dội vào tình cảm của ông, và như là một sức lay động từ sâu giúp ông bừng tỉnh. Bản tính trung thực, ngay thẳng hướng ông nhìn vào bộ mặt tối tăm khôn lường của “bể hoạn”. Và cũng như nhiều nhà nho khác cùng tâm trạng, ông bỗng đứng trước một nỗi đau khổ tinh thần hết sức lớn, một sự ngột ngạt, một cảm giác hoang mang, chán nản không thể nói ra lời :

Bấy lâu hồ hải vẫy vùng,

Cho người tráng sĩ cõi lòng như điên.

Thế rồi, nếu như có một La Sơn Phu Tử, một đêm nào đó ngủ trọ giữa kinh thành để chờ mang lều chiếu vào trường thi, bỗng nhiên nghe tiếng ngựa hí, tiếng sáo diều mà tiên cảm về một sự hoang vu xảy ra ngay giữa nơi phồn hoa đô hội và sáng hôm sau nhất quyết bỏ thi về ở ẩn, thì ở Lê Hữu Trác cũng chính vào lúc đang theo quân đánh dẹp nông dân khởi nghĩa - và oái oăm hơn nữa, đang được một vị “Thông tướng” chiều chuộng, “mấy lần đề cử” – trong tư tưởng lại cũng hình thành một câu hỏi ngày càng thêm rõ nét, thêm cô đọng: “Ta há chịu đem mình bán rao ư? Đáng giận cho ông trời bắt mình khó nhọc như vậy mà nào có ích gì?” (“Tựa” (Y tông tâm lĩnh)).

Dám coi cái việc “phó thân” cho nghĩa cả của triều đình là bị đem “bán rao”, và ngờ vực tất cả mục đích của việc mình đang bắt buộc phải làm, Lê Hữu Trác quả đã không còn là con người dòng dõi là cậu Chiêu con ông cháu cha nữa. Ông đã trở thành con người chán nản công danh, tiêu biểu cho một bộ phận sĩ phu tương đối tỉnh táo của thời đại.

Việc ông từ bỏ tất cả chức tước mà quay về ở ẩn, tưởng cũng là điều dễ hiểu.

Thế rồi, khi nhận được lệnh ra kinh tức là quay về chốn quan trường, Lê Hữu Trác “lấy làm kinh hãi, người như ngốc như si giờ lâu”. Một người bạn nói với ông khi ông thượng kinh: “Người quân tử ở trên đời có hai con đường: hoặc ra giúp đời, hoặc ở ẩn. Ở ẩn thì lấy đạo làm nguồn vui, ra giúp đời thì lấy đạo để cứu đời. Cụ bấy lâu nay ẩn náu trong núi sâu, nay được cửu trùng biết tiếng, quan đại thần lấy lễ tiếp đãi, thật là việc gặp gỡ ngàn năm có một. Sao cụ lại buồn như thế?”. Thì ông đáp lại: “Ông quá khen làm tôi hổ thẹn. Người xưa tài cao học rộng kinh luân có sẵn, ở ẩn thì giấu tăm, che tiếng; ra làm quan thì giúp vua cứu dân. Chứ tôi đây, học hành lõm bõm, trí cạn tài hèn, đã là vô dụng với đời. Nay được chút nghề mọn giắt lưng, không ngờ bỗng chốc lại đến thế này. Đức không xứng với cảnh ngộ, không thể gọi là may đấy thôi…”. Ông còn kể thêm: “Có kẻ vì tôi giải muộn mà rằng: “Ông dày công thâu thái, hiểu rõ cái học về tính mạng con người, chẳng làm lương tướng thì cũng làm lương y chẳng sai đâu; giữ gìn vẻ quý, che giấu đức tốt, cố nhiên là thái độ cao thượng. Nay cửu trùng tri ngộ, bốn bể nghe danh, há chẳng phải là việc xứng đáng của kẻ trượng phu sao?”. Tinh thần thoái thác công danh ấy ở Lê Hữu Trác từ đâu mà có? Vì sao mà ông phải “bứt rứt thâu đêm chẳng ngủ” khi vừa nhận lệnh? Ông giải thích rõ: “Thuở thiếu thời mài gươm đọc sách, mười lăm năm trôi giạt chốn giang hồ, chẳng nên một việc gì. Khi đã gạt bỏ công danh rồi, làm nhà ở Hương

Sơn, nuôi mẹ, đọc sách, chuyên chú vào các sách Hiên Kỳ, gìn giữ sức khỏe mình, cứu giúp kẻ khác, tự lấy làm đắc sách. Bằng một sớm lại vướng vào cái hư danh”.

Đọc hết cả thiên kí sự ta thấy thấm nhuần một tư tưởng chán ghét công danh. Nhưng nếu như Lê Hữu Trác chỉ thuần có một tâm trạng chán nản, không thiết gì đến danh lợi mà thôi, thì con đường ông đi hẳn vẫn không trọn vẹn. Và dù có về sống yên ổn giữa quần chúng, ông cũng sẽ chỉ là một người cô độc, ghẻ lạnh với hết thảy mọi người. Trước Lê Hữu Trác đã có vô số người “chết mòn” như thế rồi. Bắt chước Bá Di, Thúc Tề chung quy chỉ là một cái bóng của một cái bóng. Lê Hữu Trác may mắn đã không rơi vào một sự tự lừa dối như vậy.

Cái lý do làm cho Hải Thượng Lãn Ông không giống các nhà nho “xuất thế” khác là ở quan niệm của ông về cái gọi là “ở ẩn”. Ở ẩn, theo Lê Hữu Trác, có nghĩa là quay về gắn bó với tự nhiên thanh cao, trốn tránh sự mời mọc lợi danh của giai cấp thống trị. Đôi khi cũng có thể tìm kiếm cái nhàn như một thú sống tao nhã:

Nợ nhiều kiếm rượu khó thay, Thừa nhàn, ta lại dạo cây cổ cầm.

(An bần)

Hoặc có thể “ngồi sâu lắng” mà đón nghe “một tiếng hoa rơi” – một chuyển biến tinh tế bậc nhất của tạo hóa – để cho tâm hồn càng thêm thư thái. Nhưng muốn gì thì muốn, điều quan trọng nhất vẫn là không lìa bỏ thế sự. Tìm nhàn, chỉ có thể tìm ngay giữa cuộc sống, ở chính cái vị trí mà mình đang sống, đang tồn tại:

Sư ông nhàn với nước mây,

Khác gì thầy thuốc nhàn ngay trong phòng.

Rõ ràng, Lê Hữu Trác đã thống nhất được cái mâu thuẫn giữa một bên là mai danh ẩn tích, là “về núi”, và một bên vẫn không từ chối trách nhiệm mà cuộc sống đòi hỏi. Trong khi có những người cùng thời, cũng mang tâm trạng chán nản danh lợi và cũng rút khỏi chính sự như ông, nhưng rút lui để rồi đi tìm giải thoát trong cõi Niết bàn siêu hình của nhà Phật, hay trong cái ảo tưởng trường sinh bất tử của đạo thần tiên, thì Lê Hữu Trác trái lại; đã có thái độ dứt khoát với những thứ tôn giáo vô bổ ấy: “Sực nghĩ đến chuyện Tần Thủy Hoàng, Hán Võ Đế ngày xưa, đem hết tâm lực để tìm thần tiên, rốt cục chẳng thấy tăm hơi chốn Bồng lai đâu, thật là sai lầm hết sức”. Ông biết “tìm nhàn” ở một con đường khác, có ý nghĩa hon nhiều lắm. Ấy là con đường làm thuốc, một công việc có vẻ thanh nhàn mà thực chất lại buộc mình phải trở thành năng động. “Làm thuốc giỏi chẳng hơn là tu tiên tu phật hay sao?” (“Tựa” Y tông tâm lĩnh). Có thể nói, Lê Hữu Trác đã thành nhà danh y nổi tiếng, chủ yếu là do con người ông có một bước chuyển thứ hai tiếp theo bước chuyển thứ nhất: từ con người chán nản công danh, ông trở thành con người hành động, con người làm việc hữu ích cho xã hội. Và ông trở thành một nhà y học lớn nhất nước ta thời bấy giờ. Cái hoài bão “trị quốc, bình thiên hạ” mà thời trai trẻ ông từng theo đuổi đã chuyển sang một tư tưởng hoàn toàn khác. Ông học nghề thuốc và theo đuổi nó đến cùng bằng tất cả tâm trí để tự chữa bệnh cho mình, chữa bệnh cho người. Lê Hữu Trác đã thành công lớn, trở thành một nhà thầy thuốc nổi tiếng. Nhưng ông không dừng lại ở mức độ đã đạt được mà quyết tâm “làm cho hết sức mình, dựng lên một lá cờ trong y giới”. Lê Hữu Trác đã dành toàn bộ tâm lực trong nhiều năm nghiên cứu, nghiền ngẫm, tổng kết kinh nghiệm, viết xong bộ sách đồ sộ về y học mang nhan đề Lãn Ông tâm lĩnh,tức Hải Thượng Lãn Ông tâm lĩnh, trong đó chứa đựng nhiều tư tưởng y học sâu sắc và cả tư tưởng triết học. Bộ Tâm lĩnh được nhiều người truyền nhau sao chép để học.

Một phần của tài liệu Tự sự và trữ tình trong thuợng kinh kí sự của lê hữu trác (Trang 51 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(90 trang)
w