Dạy học phân hóa

Một phần của tài liệu Tuyển chọn xây dựng và sử dụng hệ thống bài tập theo các mức độ nhận thức trong dạy học các chương nhóm nitơ và nhóm cacbon hóa học 11 nâng cao trường trung học phổ thông luận văn thạc sĩ (Trang 25 - 27)

7. Đóng góp của đề tài

1.4. Dạy học phân hóa

1.4.1. Khái niệm

Phương pháp dạy học theo các mức độ nhận thức hay dạy học phân hóa là một giải pháp tốt cho những vấn đề còn hạn chế của giáo dục đồng loạt. Sở dĩ nói như vậy là vì phương pháp dạy học theo các mức độ nhận thức dựa trên những quan điểm sau đây:

- Sự tiếp cận để giảng dạy phù hợp

Dạy học theo các mức độ nhận thức không đơn thuần là phân loại HS theo năng lực nhận thức mà ở đây là phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh trên cơ sở am hiểu từng cá thể, giáo viên tiếp cận học sinh ở nhiều phương diện khác nhau, như là về năng lực nhận thức, hoàn cảnh sống, tâm lí, năng khiếu, về mơ ước trong cuộc sống,…có thể nói trong phương pháp dạy học theo các mức độ nhận thức giáo viên phải: tìm để giảng dạy và hiểu để giáo dục.

- Phát hiện và bù đắp lỗ hổng kiến thức, tạo động lực thúc đẩy học tập

Trong quá trình học tập có những khái niệm, nguyên lí mà các em không hiểu hoặc không rõ nhưng không được bổ sung kịp thời sẽ tạo ra các lỗ hổng kiến thức. Các lỗ hổng kiến thức là một cản trở lớn để tiếp thu kiến thức mới, trong việc hình thành kĩ năng. Lấp các lỗ hổng kiến thức có vai trò rất quan trọng, nó giống như công việc tạo lại nền tảng học tập vững chắc cho học sinh. Chỉ có tiếp cận HS mới giúp GV có thể biết được HS của mình đang hổng kiến thức gì để có kế hoạch “lấp lỗ hổng” kịp thời, tạo ra nền tảng vững chắc để tiếp thu kiến thức mới. Việc GV quan tâm đến HS nó không chỉ giúp cho GV hiểu được các em mà còn là nguồn động lực lớn đối với các em, đó cũng là một lí do tạo ra động lực cho HS. Nhưng có lẽ chỉ có sự quan tâm thôi là chưa đủ, điều quan trọng là khi GV hiểu HS một cách cụ thể để từ đó xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với từng đối tượng HS, đảm bảo tính vừa sức, dễ tiếp thu. Khi tiếp thu và hiểu được vấn đề HS sẽ cảm thấy thích thú với môn học. Ngoài ra việc áp dụng kiến thức vào các tình huống cụ thể trong cuộc sống cũng tạo ra một động lực mạnh mẽ, ví dụ: đối với môn Hóa học ngoài những khái niệm,

nguyên lí giáo viên có thể hướng dẫn HS vận dụng những kiến thức lí thuyết vào thực tiễn bằng cách tăng cường làm thí nghiệm thực hành, thông qua các hoạt động ngoại khóa, các bài tập thực tiễn, đặc biệt các hoạt động đó có liên quan đến vấn đề môi trường, thực phẩm, y học, …Tuy nhiên trong các hoạt động như thế giáo viên cũng phải cần quan tâm đến tính vừa sức cho các đối tượng HS, nghĩa là tuỳ vào khả năng của từng đối tượng học sinh để giao cho các em các nhiệm vụ vừa sức thực hiện. Có thể nói thông qua các hoạt động như thế sẽ tạo ra một chiếc cầu nối giữa lí thuyết và thực tiễn đồng thời tạo cho các em niềm vui, niềm tin vào khoa học và điều quan trọng là tạo ra được hứng thú học tập

- Biến niềm đam mê trong cuộc sống thành động lực trong học tập

Trong cuộc sống mỗi con người đều có đam mê về một lĩnh vực nào đó, có thể là về lĩnh vực thể thao, nghệ thuật hoặc lĩnh vực khoa học nào đó như vậy trong suy nghĩ của các em luôn có những hình ảnh của những người thành công trên các lĩnh vực đó, người mà các em gọi là thần tượng và các em có mơ ước “vươn tới những ngôi sao”. Một khi giáo viên biết được niềm đam mê của các em, để trên cơ sở đó có thể biến niềm đam mê thành động lực học tập. Bằng cách nào để làm được điều đó thì phụ thuộc vào khả năng của từng GV, công việc đó có vẻ khó khăn nhưng với tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với HS chúng ta tin các thầy, các cô có thể làm được.

- Dạy học phân hóa là con đường ngắn nhất để đạt mục đích của dạy học đồng loạt

Giáo dục của chúng ta hiện nay đang thực hiện theo một khuôn khổ đã định sẵn về thời gian đào tạo, về kiến thức đạt được. Yêu cầu chung đặt ra là các em cần đạt được chuẩn kiến thức nhất định và trên cơ sở đó có thể phát triển lên. Nhưng có một điều mà chúng ta chưa quan tâm là xuất phát điểm của các em hoàn toàn không giống nhau, vậy thì bắt đầu từ đâu cho tất cả học sinh? Dạy học đồng loạt chỉ tạo ra một xuất phát điểm cho mọi học sinh trong khi mỗi học sinh có một điểm xuất phát riêng, sẽ quá cao hoặc quá thấp cho các em điều này sẽ làm mất đi hứng thú học tập của học sinh. Như vậy muốn cho mọi học sinh đạt được kiến thức “chuẩn” thật khó khi thực hiện dạy học đồng loạt. Để cho tất cả học sinh đều đạt được chuẩn về kiến thức thì mỗi học sinh phải có một xuất phát điểm ứng với trình độ hiện có của các

em. Dạy học phân hóa luôn tạo ra môi trường học tập vừa sức cho mọi học sinh, những học sinh yếu kém được tạo điều kiện để đạt trình độ chuẩn, những em đã đạt trình độ chuẩn rồi thì có điều kiện để phát triển cao hơn.

Một phần của tài liệu Tuyển chọn xây dựng và sử dụng hệ thống bài tập theo các mức độ nhận thức trong dạy học các chương nhóm nitơ và nhóm cacbon hóa học 11 nâng cao trường trung học phổ thông luận văn thạc sĩ (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(71 trang)
w