1. Nước mũi.
Con vật khoẻ không có nước mũi. Bò có ít nước mũi, ngựa lao tác nặng cũng có nước mũi.
Khi dịch mũi chảy nhiều là triệu chứng bệnh. Do tổn thương tổ chức, chủ yếu là đường hô hấp, niêm mạc đường hô hấp tiết nhiều dịch cộng với những mảnh tổ chức, tế bào thượng bì long tróc; thậm chí có cả máu và những mảnh thức ăn…làm dịch mũi như mủ. Có thể dựa vào lượng dịch mũi, tính chất của nó để chẩn đoán vị trí bệnh biến, tính chất bệnh.
a) Số lượng nước mũi:
Nước mũi nhiều gặp trong viêm niêm mạc đường hô hấp cấp tính, tỵ thư cấp, viêm màng mũi truyền nhiễm ở thỏ, viêm màng mũi thối loét ở bò.
Nước mũi ít trong bệnh lao, tỵ thư mãn, viêm phổi, phế quản mãn. Nước mũi chảy một bên: thường do viêm xoang mũi
Nước mũi chảy hai bên: thường do bệnh ở phổi. b) Độ nhầy của nước mũi
Tuỳ theo thành phần là chất nhầy, mủ hay những mảnh tổ chức mà độ nhầy của nước mũi khác nhau.
Nước mũi trong suốt, không màu: thấy ở giai đoạn đầu của viêm cấp tính.
Nước mũi đục, nhầy, có mủ: viêm thanh quản, viêm đường hô hấp trên lâu ngày (tế bào thường bì tróc ra và xác của bạch cầu lẫn vào), viêm phổi hoá mủ, phổi hoại thư.
c) Màu nước mũi:
Nếu chỉ có tương dịch thì không màu, nếu lẫn mủ thì màu vàng, xanh hoặc màu tro; nếu lẫn máu thì nước mũi có màu đỏ hay màu rỉ sắt (màu đỏ do xuất huyết đường hô hấp trên, màu rỉ sắt thường do xuất huyết phổi, viêm phổi thuỳ).
d) Mùi của nước mũi:
Nước mũi thối: viêm phổi, viêm phế quản hoại thư; nước mũi có mùi cetol gặp ở bò bị chứng cetol huyết.
e) Nước mũi có dị vật: có thể là những mảnh thức ăn do con vật bị nôn, liệt thanh quản; nước mũi có bọt khí thường do phổi thuỷ thũng, xuất huyết phổi.
2. Khám niêm mạc mũi.
Khám niêm mạc mũi, cũng như kết mạc mắt, rất có ý nghĩa trong chẩn đoán. Một số bệnh truyền nhiễm có những biểu hiện điển hình ở niêm mạc mũi như bệnh tỵ thư ở ngựa.
Dùng tay mở rộng vành mũi, hướng cho ánh sáng mặt trời chiếu vào hoặc dùng đèn soi để kiểm tra.
Màu sắc của niêm mạc mũi: khác nhau ở từng loài.
Niêm mạc mũi có lấm chấm xuất huyết: chứng bại huyết, thiếu máu truyền nhiễm. Niêm mạc mũi xuất huyết: viêm màng mũi cấp tính hoặc do viêm các cơ quan lân cận
Niêm mạc mũi trắng bệch, tím bầm, hoàng đản: giống như phần màu của niêm mạc. Niêm mạc mũi có mụn như hạt kê, có bờ rõ, màu vàng xám: bệnh tỵ thư ngựa. Cũng có thể gặp niêm mạc mũi sưng, sẹo ở niêm mạc mũi.
3. Khám xoang mũi.
Hình dạng: Xoang mũi có thể bị biến dạng do viêm gây tích mủ, bệnh mềm xương, viêm teo mũi truyền nhiễm, ung thư xương.
Sờ nắn chú ý độ cứng, ôn độ và độ mẫn cảm của vùng da ngoài xoang mũi. Nếu vùng da ngoài nóng, ấn vào thấy phản xạ đau là do viêm xoang, hoặc có u các tính.
Gõ bằng búa gõ hay ngón tay để xem âm phát ra, gõ cả hai bên. Nếu thấy âm đục, có thể tích mủ bên trong hoặc u xương.
Khoan xoang trán: được áp dụng khi cần thiết.
Gia súc nhỏ có thể chụp X-quang xoang trán để chẩn đoán.
4. Khám thanh quản và khí quản.
a) Khám ngoài: nhìn, sờ, và nghe.
Nhìn bên ngoài có thể phát hiện thanh quản bị sưng. Thanh quản sưng trong bệnh viêm hạch truyền nhiễm ở ngựa; ở trâu bò gặp trong bệnh nấm xạ khuẩn, nhiệt thán, thuỷ thũng ác tính.
Nếu sưng một vùng rộng: do thuỷ thũng mà nguyên nhân là các bệnh ở tim (viêm bao tim do ngoại vật).
Sờ nắn vùng thanh quản: con vật đau là do viêm thanh quản
Nghe thanh quản: nghe được rất rõ âm thanh quản, khi thanh quản bị viêm, lòng thanh quản chứa nhiều dịch thầm xuất thì ta nghe thấy tiếng ran khô hoặc ướt rất rõ.
b) Khám bên trong.
Chủ yếu là nhìn trực tiếp hoặc dùng camera nội soi. Với gia súc nhỏ có thể mở mồm và dùng thanh sắt đè lưỡi xuống để quan sát niêm mạc họng, thanh quản. Gia cầm thì dùng tay mở rộng mỏ và quan sát. Gia súc lớn rất khó làm và rất nguy hiểm.
5. Kiểm tra ho.
Ho là một phản xạ có tính chất bảo vệ, nhằm tống ra ngoài những vật lạ như dịch thẩm xuất, vi trùng, bụi bẩn. Khi kích thích niêm mạc đường hô hấp, cung phản xạ ho bắt đầu ở nốt nhận cảm, thông qua các nhánh của thần kinh mê tẩu, đến trung khu hô hấp nằm ở hành tuỷ. Những kích thích đó làm trung khu hô hấp hưng phấn. Trước hết con vật hít vào sâu, thanh quản đóng chặt tạo nên một áp lực lớn trong khí quản và trong phổi. Đến một áp lực nào đó thanh quản mở nhanh gây tiếng ho.
Có thể gây ho bằng cách bóp mạnh vào phần sụn giữa thanh quản và đốt khí quản thứ nhất. Với trâu bò, có thể dùng vải gạc bịt chặt mũi để gây ho. Ở gia súc nhỏ như bê nghé thì kéo mạnh da vùng vai, đồng thời dùng tay ấn mạnh vào sống lưng để gây ho.
Mục đích gây ho:
Khi khám ho cần chú ý tần số ho, lực ho và tính chất tiếng ho.
Ho từng cơn: thỉnh thoảng con vật ho thành cơn dữ dội, sau một thời gian thì ho lại lặp lại. Gặp trong bệnh viêm phế quản, viêm thanh quản. Điều này được giải thích như sau: vì trong các bệnh này, niêm dịch xuất hiện nhiều ở đường hô hấp, khi nhiều tới ngưỡng kích thích thì mới gây ho. Thường là ho ướt, khi nào dịch được đẩy hết ra thì hết ho. Dịch xuất hiện lại thì lại lặp lại giống như lần trước.
Ho liên tục: ho không ngớt, nhưng thường là không dữ dội bằng ho từng cơn. Thường gặp trong bệnh viêm phế quản nhỏ, viêm phổi. Nguyên nhân là do các sản phẩm của viêm ở phổi và phế quản nhỏ khó bị đẩy ra ngoài. Nó liên tục tác động vào cơ quan nhận cảm ở đường hô hấp và gây ho.
Về lực ho:
Tiếng ho khoẻ: chứng tỏ phổi con khoẻ, thường là bệnh ở họng, khí quản hay phế quản lớn.
Tiếng ho yếu: do phổi bị bệnh như mất đàn tính, thuỷ thũng, viêm dính màng phổi và lồng ngực.
Tiếng ho ngắn: là thanh quản còn khoẻ, khả năng đóng tốt Tiếng ho dài: là thanh quản bị bệnh nặng, khả năng đóng kém.
Ho khan: ho không kèm theo dịch viêm. Xảy ra khi viêm viêm màng phổi.
Ho ướt: là ho có kèm theo dịch viêm. Xảy ra khi bị viêm phổi, viêm phế quản, lao phổi. Ho đau: biểu hiện khi ho con vật vươn cổ, chân cào đất, rên rỉ. Gặp trong bệnh viêm màng phổi, viêm niêm mạc đường hô hấp nặng.