Những điểm hạn chế

Một phần của tài liệu TRIẾT LÝ “TRỒNG NGƯỜI” CỦA HỒ CHÍ MINH VỚI SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI HIỆN NAY Ở HUYỆN HẢI LĂNG, TỈNH QUẢNG TRỊ (Trang 37 - 39)

Bên cạnh những điểm tích cực nêu trên, con người Hải Lăng vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế sau:

Trước hết, một bộ phận không ít con người Hải Lăng vẫn giữ những thói quen, tập quán, lối sống và cách ứng xử, nếp suy nghĩ và lề thói làm ăn dựa trên nền sản xuất tiểu nông và kinh nghiệm. Đó là một bước cản trở đến sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện Hải Lăng nói riêng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung. Ngay như truyền thống cộng đồng là truyền thống cơ bản và sâu sắc nhất tuy vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tình cảm và quan hệ giữa con người với con người Hải Lăng, nhưng cũng đã hàm chứa những tác động tiêu cực đối với sự phát triển của toàn huyện. Đó là sự tuân thủ những luật tục của cộng đồng vốn dựa trên những kết cấu kinh tế-xã hội nông nghiệp lạc hậu đã làm chậm sự phát triển của cá nhân, kìm hãm sự phát triển của tài năng, tính chủ động sáng tạo của cá thể.

Các tập quán sản xuất tiểu nông đã dẫn con người đến khả năng hạch toán kinh tế kém cỏi, nặng về lợi ích trước mắt mà bỏ qua lợi ích lâu dài, con người có tâm lý cầu an, cầu may,... Trong quá trình lao động sản xuất, nhiều người đã đề cao thái quá kinh nghiệm, đó chính là sản phẩm của nền sản xuất nhỏ, manh mún. Nó đã dẫn đến việc xem thường lý luận, xem thường tuổi trẻ...

Ngoài ra, ở Hải Lăng vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục đã gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý người dân. Làm cho con người bị gò bó, hạn chế khả năng phát triển.

Bên cạnh những điểm tiêu cực mà truyền thống để lại, thì ngày nay, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến con người Hải Lăng. Mặc dù đất nước ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng cũng không thể tránh khỏi những tác động xấu của nó đến con người nói chung.

Dưới tác động của kinh tế thị trường, ở nhiều người đã xuất hiện lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, đề cao quá mức những tiện nghi vật chất, sự

hưởng thụ vật chất. Kinh tế thị trường đã dẫn đến sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ biểu hiện trong lối sống, trong cách ứng xữ giữa con người với con người. Những ảnh hưởng tiêu cực này đang ngày càng tiêm nhiễm vào thế hệ trẻ đang lớn lên. Nó gây tổn hại tới truyền thống cộng đồng, làm suy giảm các giá trị tinh thần, các chuẩn mực đạo đức. Chính vì vậy, cần phải có những biện pháp thiết thực để hạn chế những tác động tiêu cực đó để con người ngày càng phát triển toàn diện hơn.

Một phần của tài liệu TRIẾT LÝ “TRỒNG NGƯỜI” CỦA HỒ CHÍ MINH VỚI SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI HIỆN NAY Ở HUYỆN HẢI LĂNG, TỈNH QUẢNG TRỊ (Trang 37 - 39)