7. Cấu trúc của khoá luận
2.1. Những con người nghĩa khí
2.1.1 Nghĩa khí là một phẩm chất nổi bật của người nông dân Nam Bộ, đặc biệt là người nông dân khẩn hoang. “Nghĩa” ở đây là tình nghĩa, đạo nghĩa, thể hiện trong sự ứng xử với con người, với cuộc sống xung quanh. “Khí” chỉ tâm thế sống của con người vì cái nghĩa mà có dũng khí, khí phách. Bởi vậy, nguồc gốc cao đẹp của “khí” chính là xuất phát từ cái nghĩa, vì nghĩa mà hành động. Chính Sơn Nam nhấn mạnh, “điệu nghệ là do chữ đạo nghĩa” [49], vì nghĩa mà con người hành động một cách điệu nghệ. Người nông dân Nam Bộ trong những ngày khẩn hoang lập ấp sinh sống được khắc hoạ trong Hương rừng Cà Mau
mang trong mình sự kết hợp của những phẩm chất đáng quý này.
2.1.2. Đạo nghĩa là cái nghĩa thuỷ chung [49], lòng nhân ái. Điều này không chỉ đặt trong mối quan hệ con người với nhau, cái nghĩa còn được thể hiện trong quan hệ với cuộc sống xung quanh họ, nhiều khi gồm cả những con người vật khó thương, thù địch với loài người .
Trong quan hệ giữa những con người với nhau, cái nghĩa biểu hiện giản dị, phong phú như cuộc sống thường ngày, vậy mà đem lại nhiều dư vị cảm động cho người trong cuộc và cả người đọc.
Sơn Nam nhìn thấy trong cuộc sống buổi đầu của con người Nam Bộ, cái nghĩa đơn sơ, chất phác giữa những con người trong quan hệ làng xóm. Qua câu chuyện nhẹ nhàng dường như không có những điểm nhấn, Bốn cái ngu đọng lại cuối cùng là cái nghĩa cử cao đẹp của ông Hai Kiểm. Ông Hai Kiểm lãnh phải lấy thú tiêu khiển “không làm hại ai” [32, 107] làm một hành động đầy trách nhiệm, vun vén hạnh phúc cho cặp vợ chồng trẻ hàng xóm Tư Hưng. Người đọc tò mò theo câu chuyện của ông già trong truyện, cuối cùng chưng hửng vì hoá ra đó chỉ là cái cớ để nhẹ nhàng, hài hước ông nhắc nhở vợ chồng hàng xóm. Cái nghĩa làm cho con người phục, làm con người muốn sống tốt . “Cháu phục mấy ông già xưa quá trời” [32, 107], câu nói của Tư Hưng thể hiện con người biết nghĩa, trước một ông già Nam Bộ giàu nghĩa. Cái nghĩa trở thành tiêu chí ứng xử giữa những con người với nhau trong quan hệ xóm làng, nhất là đối với những con người xa xứ đến Nam Bộ khai hoang, tạo lập cuộc sống, điều này càng có ý nghĩa. Xóm làng gần gũi trở thành bạn đồng cam cộng khổ, cùng nhau vượt qua những thử thách dữ dội của môi trường sống để sinh tồn, và từ đó nảy sinh tình người nhân hậu thuỷ chung. Đặt trong mạch chung của truyền thống tinh thần dân tộc Việt Nam, đất nước trong cuộc sinh tồn phải đối mặt với nhiều kẻ thù, thế quần tụ làng xóm, rộng hơn là nhân dân trở thành mạch sống quý báu cho dân tộc. Phải chăng đó cũng là mạch biểu tượng mà Sơn Nam muốn hướng đến? “Điểm cao quý nhất trong tác phẩm của Sơn Nam vẫn là tình thương đồng loại” [58]. Từ cái nghĩa xóm làng đến cái nghĩa đồng loại, người nông dân Nam Bộ thoát ra khỏi quan niệm làng, hướng tấm lòng cưu mang đến với tất cả con người trong hoạn nạn. Bởi họ hiểu, đó cũng là tình cảnh của những con người xa xứ với nhau. Trong không gian mêng mông là nước của những ngày lụt lội, người nông dân Nam Bộ nghèo khổ “linh đinh bèo nước biết về đâu?” [34, 11] ngay cả cái chết cũng không an lòng. Hình ảnh cha con người lão Bích trên chiếc xuồng lênh đênh chờ nước giựt, và người cha sắp hấp hối mà “bờ bến ở tận chân trời” [34, 13] đem lại mối thương cảm xót xa trong người đọc (Một cuộc biển dâu). Trong cuộc “biển dâu” đó, tình thương đồng loại trong hoạn nạn đã cứu hai
cha con lão Bích: ông bà Hai Tích đã lo việc chôn cất cho lão Bích, cha thằng Kìm. Mặc dù, cái chết cũng long đong như “bãi bể nương dâu”, không có đất yên nghỉ, nhưng không chỉ dừng lại “suy nghĩ cho phận làm người” [34, 19], Sơn Nam còn muốn khắc chạm trong lòng người đọc hình ảnh những con người nông dân nhân hậu, giàu tình nghĩa. Nhiều khi, vì cái tình nghĩa đồng loại mà con người phải từ bỏ tất cả khi thấy mình có lỗi với cái nghĩa. Thầy Hai Rắn từ bỏ nghề gắn bó, là niềm kiêu hãnh của thầy, là kế sinh nhai- nghề làm thuốc ngừa rắn, và thậm chí cả đứa con trai của lão ra đi (Cây huê xà). “Giọt nước mắt bỗng dưng tuôn xuống” [32, 197] trước cái chết của cha con Lài vì cây huê xà không biết có thực hay không của thầy bắt nguồn sâu xa từ cái nghĩa nhân bản nhất, đó là tình đồng loại. Người nông dân Nam bộ Nam Bộ những ngày đầu tìm kiếm sự sống, sinh nhai nhiều khi vì sinh tồn có thể đố kị nhau, dùng mánh khoé, luật sống để làm hại nhau... và phải nhận lấy hậu quả vì đi trái với cái nghĩa. Điều mà Sơn Nam luôn luôn tin tưởng và kí thác vào nhân vật của mình chính là lối sống đạo nghĩa. Đi trái với điều đó, luật nhân quả, dường như không bao dung: kẻ nào làm trái sẽ không gặp may. Tuy nhiên, tấm lòng của thầy Hai Rắn chính là một sự bao dung đối với những toan tính của con người. Sơn Nam giải quyết hài hoà được điều này chính là nhờ ông đã vin vào truyền thống dân tộc, tinh thần “thương nòi”.
Trong bối cảnh xã hội thực dân, những lối sống mới, những cám dỗ của cuộc sống thị dân nhưng như Sơn Nam nói “tôi không bi quan bởi tôi nghĩ bản chất Nam Bộ không bao giờ mất đi” [30]. Có lẽ, vì vậy, Sơn Nam đã đi vào khai thác những tình cảm tự nhiên của con người, cụ thể là tình yêu. Sơn Nam hướng đến khai thác phương diện này dường như là sự minh chứng cho niềm tin của ông vào tình người trước cám dỗ của cuộc sống thị thành. Người nông dân Nam Bộ trong cuộc sống ở mảnh đất Cà Mau hun hút đầy chướng khí, tình yêu dường như không giữ chân được họ. Chàng trai vu vơ với “một tấm lòng” hẹn ước giờ “như con nhạn bay xa” [32, 243] để cô Bảy năm nào thành dì Bảy (Con Bảy đưa đò), tình yêu nảy nở với Hoàng Mai, với hương rừng Cà Mau không níu giữ được
Tư Lập (Hương rừng)…Tuy nhiên, điều đọng lại trong tác phẩm cũng như hình tượng mà Sơn Nam xây dựng đã có một sợi dây gắn kết chúng lại. Đó là tình yêu tự nhiên, tấm lòng nhân hậu thuỷ chung của con người. Con Bảy đưa đò với giọng hò “bay bổng của con cò, con vạc..như hơi gió xao động cả dòng sông” [32, 236] mang cái tình đối với người quân tử. Dù chàng trai đó không trở về, nhưng “một tấm lòng” đã trở thành niềm tin để cô gái chờ đợi, xem đó như lời kết giao duyên nợ. Lối ứng xử của người con gái trong tác phẩm là lấy cái nghĩa để sống, bởi vậy, dù trở thành “ở goá”, nhân vật không đem lại cho người đọc cảm giác bi kịch, và dường như điều Sơn Nam nói đến không phải là bi kịch tình yêu. Cái mà ông hướng đến chính là “một tấm lòng” sống ở đời. Tấm lòng sống của con Bảy không chỉ làm giọng hát của nó thêm trầm bổng, mà gửi vào cả món thịt luộc ai cũng tấm tắc khen ngon. Cuộc gặp gỡ đêm trăng trên dòng sông và “một tấm lòng” không phải là bi kịch cho con người, ngược lại nó giúp con người sống tốt, sống vì cái tình, cái nghĩa. Tư Lập cũng vậy, nhân vật không đi ra được “ma lực quyến rũ” [33, 263] của “hương rừng” mà sâu xa là cái tình nghĩa toả ra trên mảnh đất Cà Mau đầy chướng khí, hiểm nguy. Tư Lập quay trở lại, đó là một hành động mà như ông hương giáo nhận xét “trở về lần này, Tư Lập cũng đã tỏ ra có nghĩa” [33, 281]. Sơn Nam đã khai thác hình tượng người nông dân Nam Bộ trong sự sự níu kéo giữa cái nghĩa và toan tính thực dụng. Cuối cùng tình cảm tự nhiên trong sâu thẳm con người luôn lay thức kéo con người trở về hành động theo cái nghĩa. Câu nói của ông hương giáo khẳng định nghĩa là tiêu chí sống của người Nam Bộ trong những ngày khẩn hoang, nghĩa kéo con người trở về tình cảm nhân bản, và cũng nhờ đó, con người có thể bao dung cho nhau, chia sẻ những khó khăn chốn hương rừng “lá úa”, “than vãn niềm biệt li vô cớ” [33, 267].
Đi vào tình cảm tự nhiên của con người, Sơn Nam đã thể hiện niềm tin vào cốt cách của con người Nam Bộ trước mọi thứ thách, cám dỗ của cuộc sống. Niềm tin đó chính là sự khẳng định tinh thần đạo nghĩa trong quan hệ con người với nhau những ngày khẩn hoang gian khổ của người nông dân Nam Bộ. Điều
này cũng phù hợp với quan niệm của Sơn Nam về văn chương “văn chương không đơn thuần thể hiện tình yêu nam nữ, văn chương phải giúp người ta gợi nhớ, khắc sâu về con người và cuộc sống.” [42]
Tinh thần đạo nghĩa của các nhân vật trong Hương rừng Cà Mau không dừng lại trong mối quan hệ con người với con người. Cái nghĩa còn được toát lên trong mối quan hệ với công việc, với cuộc sống xung quanh của những con người khẩn hoang Nam Bộ. Khi cuộc sống của họ là sự đấu tranh không ngừng với mọi thứ xung quanh để sinh tồn.
Trong cuộc sống gắn bó với thiên nhiên, với nông nghiệp, cái nghĩa nảy sinh với người nông dân ngay cả đối với công việc của họ - công việc đồng áng. Trong môi trường sông nước, nhất là thủa khẩn hoang ruộng đất còn nhiều cỏ dại, lại ngập sâu dưới nước, vì vậy việc phát cỏ hết sức nặng nhọc. Thầy Quýt xuất hiện với “đạo phát cỏ” công chỉ một “con gà cúng tiên tổ”, dân làng hết sức vui mừng. Nhưng thầy bỗng biến mất sau vài bữa công và để lại ruộng đồng đang ngập cỏ, họ đang chờ thầy phát để cấy hái. Một cuộc họp quan trong mở ra xử tội thầy Quýt. Nhưng, sau lời kể của thằng Liệu - đứa được cử đi học nghề phát cỏ, những câu chuyện thầy để lại đã làm họ “thương nhớ một cách lạ lùng” [33, 98]. Câu chuyện về đất nước Mông Cổ là phép phát cỏ mà thầy muốn truyền lại cho dân làng. Khi Mông Cổ chiếm được Tàu, lo ăn no mặc ấm, “gân cốt không dẻo dai, họ bị Châu Hồng Võ đánh bại. Phép phát cỏ như vậy đó. Khị xưa người dân phá rừng mở nước, họ làm lụng suốt ngày quên ăn cơm, cứ mỗi cây phảng nặng một yến.” [33, 97]. Bài học mà thầy Quýt để lại cho người dân chính là cái đạo nghĩa đối với nghề nông, hướng con người “ráng sức giữ lấy nghề nông” [33, 98] không nên làm biếng. Những năm lúa sụt giá, người nông dân “trù chí lắm mới cầm nổi cây phảng… Họ đâm ra thương nhớ bao nhiêu lời thầy nói” [33, 98] (Đóng gông ông thầy Quýt). “Làm ruộng là đạo..., khuyến nông tức là cách giữ đạo làm nông” [22]. Cái đạo nghĩa ở đây được Sơn Nam nói đến đó là đạo nghĩa với nghề nông nghiệp, phẩm chất rất cần thiết đối vói người nông dân, không những thế, đó là hành động tri ân, tiếp bước công lao những người đi trước “phá
rừng mở nước”. Từ đạo nghĩa đối với nghề nông, qua câu chuyện của thầy Quýt, nó nhắc nhở con người luôn biết khổ luyện trong mọi hoàn cảnh, lúc nghèo hèn khi lẫn no ấm, để giữ cho mình cái đạo đối với nghề, không bị suy đồi. Ý nghĩa sâu xa đó là cái đạo của người dân đối với đất nước, cả lúc thịnh trị lẫn lâm nguy. Ta nghe trong lời “hối lỗi” của thầy Quýt tiếng lòng của nhà văn đối với cội nguồn, với bậc tiền nhân mở đất, với đất nước.
Cái đạo với nông nghiệp với người nông dân khẩn hoang còn thể hiện trong nghĩa tình với người bạn nghề của mình là con trâu. Trong không gian tứ bề là nước, “lượn sóng chạy dài tiếp lưng tròi”, người nông dân phải vượt “đường dài thăm thẳm, lội nước băng rừng” [34, 39] để “len trâu” tìm kiếm thức ăn cho con vật. Cái nghĩa đối với con trâu của người nông dân như là một hành động biết ơn, một hành động xuất phát từ cái đạo đối với con vật, sau đó là cái đạo với nghề nông. Trong lời nói của chú Tư, tấm lòng của người nông dân hiện lên giản dị, thật thà đến cảm động “trâu giúp mình tạo ra hột lúa; bù lại, mình không kiếm đủ cỏ cho nó ăn no. Như vậy là mình bất nhân” [34, 40]. Có thể thấy, đạo nghĩa của người nông dân “hiền lành, ít chữ” đó là tình thương yêu đối với tất cả những gì gắn bó trong cuộc sống của họ, nhiều khi tưởng như thật nhỏ bé, vặt vãnh, nhưng đó mới chính là cuộc sống. Ta vẫn ngỡ như trong cuộc “bộ hành” của mình, người nghệ sĩ già Nam Bộ đã lắng nghe, chắp nhặt vào sâu cuộc sống của người nông dân để tìm thấy mối chân cảm giản dị trong cuộc sống khẩn hoang của người nông dân Nam Bộ.
Cuộc sống của người nông dân Nam Bộ những ngày khai hoang mở đất đó là những cuộc vật lộn, đấu tranh, lam lũ để tạo lập mảnh đất sống, tạo lập quê hương thứ hai gắn bó với họ. Và như Sơn Nam nói, cuộc khẩn hoang miền Nam là “trường kì và tự lực”. Trong sự nghiệp đó của người nông dân Nam Bộ, họ phải đương đầu với nhiều lực lượng thù địch, mà thiên nhiên dữ dằn là thù địch chủ yếu của họ. Cái thủa hoang dã, ghê rợn “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp tha”, “con người và cá sấu tranh giành nhau từng tấc đất [14], cuộc chiến với thú dữ là thử thách dữ dội nhất. Tuy nhiên, với người nông dân khẩn hoang, sau
những cuộc chiến đấu sống còn với chúng, điều đọng lại trong tâm tư của những con người nơi đây lại là một tấm lòng đạo nghĩa với những con vật khó thương. Hình ảnh cha con người nông dân Tư Đức trong cuộc chiến thiếu chết với con sấu ở “sông Gành Hào”, xuất phát từ đạo lí “của ông bà”, Tư Đức chỉ giết một con, “giết một con là đủ, giết hết mình có tội với trời đất” [34, 201], và xin cho lập một cái miễu lá thờ đầu sấu. Hành động đó của nhân vật là một lối ứng xử đẹp của con người dẫu trong vất vả, cực nhọc và sống chết với chúng, nó xuất phát từ cái nghĩa đối với những sinh linh sống trong trời đất. Sơn Nam tin vào đời sông tâm linh “tôi ngày càng tin vào giá trị và sự cần thiết của văn hoá tâm linh đối với đời sống con người” [30], và cái gọi là tâm linh đó của Sơn Nam bắt nguồn từ đạo nghĩa, từ văn hoá của nhân dân, có lẽ vì thế mà có sức sống bền bỉ trong tác phẩm. Ứng xử của con người khẩn hoang với loài thú giữ, với lực lượng thù địch, khiến cho kẻ thù- tên kiểm lâm Tây, cảm động, ngạc nhiên, thán phục “người An Nam giỏi quá, hiền quá” [34, 201], “dè đâu người đốn củi lậu có tài có đức biết thương người, thương cuộc đời đến mức ấy” [34, 202]. Vẻ đẹp tinh thần đạo nghĩa của người nông dân Nam Bộ là cội nguồn sức mạnh của nhân dân khiến cho kẻ thù phải nể phục, chấp nhận thất bại. Ông kiểm lâm Tây “đôi mắt mơ mơ màng màng như sám hối trong những giây phút sự hiểu lầm chồng chất trong ống suốt mấy chục năm qua” [34, 203]. Đó là cái nhìn đầy tin tưởng và phát hiện của Sơn Nam về vẻ đẹp của người nông dân Nam Bộ nói riêng mà vẻ đẹp của nhân dân Việt Nam nói chung, vẻ đẹp tinh thần đạo nghĩa tạo nên sức mạnh, động lực chiến thắng kẻ thù lớn mạnh trong cuộc kháng chiến với cường quốc xâm lược Mĩ. Ta hiểu điều đó trong câu nói đầy khẳng khái của nhân vật “vì đất nước chớ đâu phải vì danh lợi” [34, 201]. Như vậy, từ cái nghĩa đối với loài vật thù địch, Sơn Nam đã gửi vào nhân vật của mình truyền thống tinh thần