7. Cấu trúc của khoá luận
3.1. Đặt nhân vật vào bối cảnh hoang dã đầy thử thách
3.1.1. Bối cảnh là không gian sống đặc trưng tác động đến con người, ở đó chứa đựng những nhân tố mà con người phải đối mặt. Nếu trong văn học hiện thực phê phán, người ta thường đụng đến khái niệm tình huống điển hình, thì bối cảnh ở đây cũng có những nét nghĩa tương tự. Tuy nhiên, bối cảnh hoang dã, đầy thử thách đó chính là không gian sống tự nhiên của con người Nam Bộ những ngày khẩn hoang. Ở trường hợp này, khái niệm bối cảnh loại yếu tố xã hội ra khỏi phạm vi bao chứa của nó.
Lựa chọn không gian nghệ thuật là vùng sông nước U Minh và hình tượng là những con người khẩn hoang, Sơn Nam đã ngầm tạo ra những bối cảnh hoang dã đầy thử thách đối với nhân vật, để nhân vật bộc lộ phẩm chất. Trong Hương rừng Cà Mau, Sơn Nam đã dựng lên những bối cảnh hiện thực chân thực của vùng đất mới Cà Mau. Nổi bật lên là cái hoang dã, dữ dằn của tự nhiên. Đây chính là không gian sinh tồn của những con người khẩn hoang.
3.1.2. Bối cảnh nổi bật mà nhân vật của Sơn Nam phải đối mặt, trước hết là một tự nhiên dữ dằn ghê rợn của thiên nhiên ở rừng nước Cà Mau những ngày đầu con người Nam Bộ đặt chân đến khai phá. Đó là cảnh “sấu ở giữa rừng nhiều như trái mù u chín rụng… con thì nằm dài như chiếc xuồng lường, con thì dùng hai chân trước mà vạch sậy, ngóng mỏ xéo lên trời như họng súng” [32, 86], nó ăn thịt cô dâu khi đoàn ghe rước dâu trên sông (Con sấu cuối cùng), nó ăn thịt người mẹ, “táp cụt chưn đứa” đứa con gái (Sông Gành Hào), cảnh con heo khịt phá hoại mùa màng “nội một đêm nó ủi phá gàn hai chục công rẫy khoai mì” [32, 249], cảnh mà bao nhiêu sân khấu tốc nóc, bao nhiêu cọc tràm lung lay, ngả nghiêng trên dòng nước do mấy “ông cọp” nhớ tiếc những miếng mồi ngon (Hết thời oanh liệt)…
Đặt nhân vật trong cuộc sống bị uy hiếp bởi các loài thú dữ, đó là cách Sơn Nam khai thác phẩm chất nhân vật ở thế hành động chứ không phải là nội tâm. Trước hoàn cảnh đó, người nông dân quyết tâm loại trừ các loài thú dữ. Những cuộc chiến đấu quyết liệt cuối cùng con người đã dành được thắng lợi trước tự nhiên, dù đã bao người phải đổ máu vì chúng. Chiến thắng của con người trước bối cảnh đầy những dữ dằn đã làm toát lên sự thông minh, dũng cảm và một tấm lòng đạo nghĩa của người nông dân Nam Bộ. Đọc đoạn văn miêu tả cuộc chiến đấu giữa ông Năm Tự với con heo khịt người đọc mới thấy hết sự dữ dằn của tự nhiên, và bật nổi lên đó là sự dũng cảm, chiến đấu đến cùng của con người vì sự yên ổn cho mùa màng của xóm làng, đó là cái nghĩa sống của con người Nam Bộ. Và bên cạnh đó là cái chân chất, giản dị, đậm chất đời ánh lên trong câu nói của ông, mặc dù “cơm ăn không trôi, phải nuốt cháo cầm hơi”: “Non hai tạ hả, sướng
quá” [32, 260]. Cũng như trong bối cảnh con sấu ăn thịt người ở sông Gành Hào, một mình chú Tư quyết chống lại đàn sấu “hễ nó hại mình thì mình giết”, câu nói toát lên sự thẳng ngay, sòng phẳng của con người Nam Bộ. Hành động của nhân vật được nhà văn khắc họa trong thế chênh vênh hiểm nguy, có những phút con người cận kề bên cái chết, phút ông Năm Tự một mình giữ chặt cái mác đang đâm vào con heo khịt “nước mắt ông tràn trề rưng rưng chảy trên má”, là khi hai con sấu xuất hiện một lúc chống lại Tư Đức… Nhưng trong những lúc hiểm nguy đó, bằng quyết tâm, sự nhanh trí và đoàn kết của con người, họ đã chiến thắng được kẻ thù bốn chân, đem lại sự yên ổn trong cuộc sống.
Có thể thấy, đặt nhân vật trong bối cảnh “hùm tha sấu bắt” là một kiểu “tạo thời thế để biết anh hùng” của Sơn Nam khi khám phá phẩm chất của những con người khẩn hoang Nam Bộ. Những con người như Tư Đức, ông Năm Tự hiện lên như những anh hùng dũng cảm, khí phách, ngang tàng trong cuộc chiến đấu với kẻ thù bốn chân. Họ là những con người bình thường, giản dị mang cái nghĩa với xóm làng, đất nước mà hành động “vì đất nước chớ đâu phải vì danh lợi”. Ta hiểu thêm điều đó trong tiếng hát của ông Năm Hên trên đường trở về sau khi đã bắt đàn sấu đầy điệu nghệ bằng hai tay không. Có lần Sơn Nam đã tâm sự, với người Nam Bộ, điệu nghệ là do chữ đạo nghĩa. Trong cái hoang dã dữ dằn của rừng U Minh, ta không chỉ được chứng kiến “điệu nghệ” bắt sấu của ông già Năm Hên, mà người đọc còn cảm động trước cái đạo nghĩa đối với con người thể hiện qua hành động diệt trừ sấu và chất chứa trong tiếng hát ảo não rùng rợn như bi ai, như phẫn nộ, như tiếc thương những con người đã bị sấu ăn thịt.
Bối cảnh tự nhiên hoang dã, thử thách là “phông nền” làm nổi bất lên những con người Nam Bộ với một tâm thế sống đẹp. Và trong cuộc đương đầu với những thử thách hiểm nguy mà thiên nhiên tạo ra đó, con người đã chứng tỏ sự thích nghi, sự hoà đồng cao với môi trường sống. Chiến đấu với thú dữ, đó là giải pháp tìm lại sự bình yên, cân bằng, và hơn thế là sự hài hoà trong cuộc sống. Và khẩn hoang là một quá trình tạo lập sự hài hoà đó. Điều này lí giải vì sao, con
người Nam Bộ không bao giờ nao núng trong mọi thử thách dẫu ác liệt nhất, hiểm nguy nhất của môi trường.
Có lẽ vì vậy, cuộc sống vẫn diễn ra hài hoà, đằm thắm tình người dẫu cho thiên nhiên có hung tợn, hiểm nguy, không thuận với lòng người. Rừng lắm cọp, lắm sấu “dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua”, con người vẫn “rộn rịp hơn Tết” dựng rạp xốc nọ để thưởng thức hát bội (Hát bội gữa rừng). Bối cảnh làm toát lên tâm thế sống hoà nhập cao với môi trường sống của con người. Có khi đó là cái mênh mông tứ bề là nước trong mùa nước nổi và con người rơi vào một tình cảnh éo le. Khi người cha đang yếu dần và hấp hối, thằng Kìm hướng về phía bờ nhưng bốn bề vẫn “mênh mông không bờ bến như biển khơi”. Thế nhưng chính trong cái khắc nghiệt của tự nhiên, vẻ đẹp nhân cách con người được bộc lộ. Tinh thương đối với cha khiến Kìm đủ tỉnh táo để đứng dậy “khi tiếng rú của nó đã nghẹn trong cuống họng”, chụp lấy dầm quơ lên làm hiệu để tìm sự cứu giúp. Và cũng trong bối cảnh đầy thử thách đó, tình thương đồng loại đã ánh lên đẹp đẽ, cưu mang cha con lão Bích. Sự giúp đỡ của người len trâu, của ông bà Hai Tích đã làm ấm lòng cuộc đời “bể dâu” của hai cha con lão Bích. Họ giúp đỡ cưu mang với một niềm thưong cảm chân thành “bà Hai Tích rưng rưng nước mắt” họ “cầu siêu cho vong hồn người bạc mạng” vì cái chết thương tâm của lão Bích, chết không có chỗ an nghỉ, chết cũng trôi dạt bể dâu như kiếp sống của lão (Một cuộc biển dâu). Nếu mùa nước nổi là bối cảnh thử thách Sơn Nam đặt ra cho nhân vật, thì đạo nghĩa làm người, sự nhập cuộc cao với môi trường sống toả ra rừ nhân vật chính là thành quả mà nhà văn có được. Điều này cũng giống như nhà văn đã tìm được một mảnh đất sống phù hợp cho hình tượng của mình.
Cũng khai thác bối cảnh dữ dằn của tự nhiên mùa nước nổi “nước dậy đùng đùng, sóng gợn từng lượn lớn vỗ lát chát vào vách” [34, 38] và con trâu - cả gia tài của người nông dân đang đứng trước tình cảnh “chết đói”, Mùa len trâu đã dựng lên tình thế cũng không kém phần ngặt nghèo. Nhưng, những người nông dân Nam Bộ có một cái nhìn nhẹ nhàng ấm áp, cái nhìn nâng đỡ họ trong khó khăn. Khi đứa con “len” trâu trở về, dù chết mất một con trâu, “một nửa gia sản”
nhưng chú Tư nhìn nhận ở khía cạnh khác để nhận ra cái được ở phẩm chất con người đó là sự lớn khôn của đứa con sau “mùa len trâu”, đó là lí do mà chú khẳng định “mình không lỗ mã gì đâu” [34, 46]. Như vậy, bối cảnh tự nhiên đó là cái thử thách con người, qua đó, con người bộc lộ những nếp nghĩ, hành động loé sáng nhân cách. Người nông dân như chú Tư trong cái khó khăn vẫn luôn có một tâm thế sống lạc quan, ấm áp, hoà nhập với môi trường sống, họ luôn tìm thấy những niềm vui trong cuộc sống. Niềm vui khi có mất nửa gia sản nhưng đứa con của chú lớn khôn, niềm vui khi nhìn con trâu bước tung tăng nhịp móng xuống lớp phù sa mát rượi… Có thể nói, bối cảnh là điểm tựa để nhân vật của Sơn Nam tìm toả ra sức sống tinh thần, khẳng định phẩm chất nghĩa khí, chấp nhận và vươn lên hoà đồng cao độ với thiên nhiên.
Có những khi, bối cảnh tự nhiên hoang dã bị sự xâm nhập của những toan tính, bởi vậy, nó đặt nhân vật của Sơn Nam trong thế lựa chọn phức tạp giữa những toan tính thực dụng và cái tình nghĩa. Rừng Cà Mau đã đem lại cho Tư Lập một mối tình với Hoàng Mai, nhưng đó cũng là nơi Tư Lập cay đắng nhận ra - sau khi biết Hoàng Mai mắc bệnh phong - “lòng người” bị “hư hỏng” của chính mình. Tư Lập ra đi, bỏ lại đằng sau vị ngọt của “hương rừng” khi lòng Tư Lập chỉ nghĩ đến muỗi mòng, chướng khí. Như vậy, có khi bối cảnh nó làm toát lên những toan tính thực dụng của lòng người. Tuy nhiên, với niềm tin vào bản tính nghĩa khí của con người, nhà văn đã để nhân vật trở về, sự trở về của cái nghĩa tình “hương rừng có ma lực quyến rũ… xa lâu ngày thì đâm ra nhớ không nguôi, không trở lại không được”. Hành động trở về của Tư Lập chứng tỏ cái nghĩa của con người Nam Bộ âm ỉ trong con người anh, tuy nhiên, tình nghĩa nó chỉ đủ sức mong manh khi con người đã có những toan tính. Và đọng lại trong bối cảnh đó, là hình ảnh cô gái tội nghiệp, thuần khiết như cành Hoàng Mai “chiếc áo tay lòng thòng che khuất mấy ngón tay, từ từ nâng lên như tiễn đưa một hình bóng” [33, 283]. Tư Lập ra đi vì cái tình người nặng quá, hay vì những toan tính thực dụng khi ở trên mảnh đất đầy chướng khí, hoang dã này? Tài năng nghệ thuật của Sơn Nam không phải chỉ ở chỗ đặt nhân vật vào những bối cảnh làm bừng sáng nhân
cách mà có lúc ông còn đặt ra những dấu hỏi đầy chân thực như một sự bất lực của bối cảnh. Khi cái hoang dã tự nhiên bị xâm lấn, phẩm chất con người phức tạp hơn cái bộc trực thẳng thắn vốn đơn giản của con người Nam Bộ thời kì khẩn hoang.
Bối cảnh bao giờ cũng có ý nghĩa đối với nhân vật của Sơn Nam, nó là phông hoạt động, ứng xử của nhân vật, nó có giá trị “tự nói”. Trong bối cảnh khắc nghiệt ở chốn Bình Thuỷ “rừng xanh che phủ tứ phía chân trời”, “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh”, đứa con gái về nhà chồng đã gây bao ngậm ngùi trong lòng ông bà Cả. Họ ngậm ngùi vì thương con phải cực nhọc, lo những bất trắc hiểm nguy đến với con. Nhưng điều sâu xa trong nỗi buồn của những con người xa xứ đi khẩn hoang miền Nam này chính là lo cho gốc gác nguồn cội bị lãng quên. “Suốt tháng ngày, ông chống gậy đi quanh gốc tre già ở mé sông” ngóng tin con. Bối cảnh ở đây là cái xa xôi, ngặt nghèo, trong bối cảnh đó, người nông dân Nam Bộ ngậm ngùi nghĩ về nguồn cội. Hành động gửi gốc tre Mạnh Tông cho con gái là một lời nhắn nhủ con không được quên quê hương, cha mẹ mà sâu xa hơn đó là cội nguồn gốc gác. Bối cảnh đầy những bất trắc chính là lí do mà tình cảm với nguồc cội ở người nông dân Nam Bộ càng tha thiết, sâu sắc. Khi trong cơ cực, con người cần phải có những điểm tựa tinh thần. Và cao đẹp hơn, người cha người mẹ “luống tuổi” ấy chấp nhận cô Út sinh li đến những chốn rừng thiêng nước độc để gầy dựng sự sống, “để nước mạnh dân còn” (Cô Út về rừng). Bối cảnh là yếu tố làm cho ứng xử, hành động của nhân vật có chất sống, có lí do tồn tại.
3.1.3. Bối cảnh trong thế giới nghệ thuật của Sơn Nam thể hiện vô cùng phong phú, đa dạng. Đó không chỉ là cái dữ dằn hoang dã, cái bất trắc hiểm nguy của tự nhiên, môi trường sống. Bối cảnh nhiều khi thi vị, ban sơ như thủa đầu tiên loài người đi tìm sự sống. “Hòn Cổ Tron” là một bối cảnh đã được dựng lên để làm không gian sinh tồn cho nhân vật. Hòn Cổ Tron phóng khoáng thi vị với nắng, với những cây sổ thụ, với những cơn gió triền miên, khe suối trong veo, đàn bướm trắng xao động, có hoàng hôn lấp lánh và những đêm trăng thơ mộng
trên biển… Trong không gian đó, nhân vật chính, duy nhất - ông Từ Thông, có một cuộc sống hoà đồng, tự do, một cuộc sống đầu tiên được tạo lập trên hòn đảo này. Từ Thông nổi bật lên trong bối cảnh đó với một tâm thế sống đáng quý của con người khẩn hoang Nam Bộ, xem thiên nhiên như là một người bạn để mở lòng và tận hưởng cuộc sống. Có thể nói Sơn Nam đã dành những trang viết thi vị nhất, lãng mạn nhất khi miêu tả bối cảnh và cuộc sống của con người ở hòn Cổ Tron. Mọi sự dữ dằn, sự khắc nghiệt, những sự đổ máu của con người trong hành trình khai hoang tạo lập sự sống dường như lùi lại phía sau, chỉ còn cuộc sống thuần khiết với thiên nhiên hiền lành, tươi đẹp. “ông cứ ung dung mà uống mà tắm một cách tự nhiên, vô tình khuấy rối giấc mơ của đàn bướm trắng đang xao động…” [33, 227]. Có thể thấy rằng, bối cảnh hoang dã, thi vị cũng là một “mảnh đất” trên đó nổi bật lên tâm thế ứng xử của con người với tự nhiên, đó là một sự hoà đồng, tự do, làm chủ cuộc sống. Sau những cuộc chiến cam go căng thẳng của con người với thú dữ, với thiên tai, người đọc lại được mơ màng theo những giây phút lãng mạn, thi vị của nhân vật.
Tạo ra những bối cảnh sống phong phú, đó là cách Sơn Nam đưa hình tượng vào nhiều môi trường sống, từ đó, khắc hoạ được cái nhìn nhiều chiều từ hình tượng.
3.1.4. Nhiều nhà văn khi xây dựng nhân vật của mình cũng đã đặt nhân vật vào trong những bối cảnh thử thách để nhân vật tự bộc lộ. Các nhà văn hiện thực phê phán xem đó là những hoàn cảnh điển hình. Ở đó chứa đựng những mâu thuẫn đậm đặc nhất của xã hội thu nhỏ. Sơn Nam cũng viết về hiện thực thời kì 1939 - 1940, tuy nhiên, cái gọi là hoàn cảnh điển hình ở Sơn Nam không chất chứa những mâu thuẫn xã hội, đó là những bối cảnh sống của con người trong hành trình chinh phục tự nhiên để gầy dựng cuộc sống mới. Nhìn gần hơn, các “nhà văn giải phóng” cùng thời với Sơn Nam như Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng cũng đặt nhân vật vào trong những bối cảnh, song đó là bối cảnh ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước. Chiến tranh làm cha con không nhận ra nhau (Chiếc lược ngà), bối cảnh ác liệt tại vườn chim của ông Tư,
nơi đó, ông Tư chứng kiến những bước thăng trầm của cách mạng, những đứa con hi sinh (Giấc mơ của ông lão vườn chim), đó là khi vì cách mạng mà chị Út phải hi sinh tình cảm riêng, lấy cả phẩm giá của mình để lừa địch mà bắt chúng (Người mẹ cầm súng)… Có thể thấy, bối cảnh được quy định bởi đề tài. Sơn Nam