7. Cấu trúc của khoá luận
2.2. Những con người tha thiết với cội nguồn
2.2.1. Hương rừng Cà Mau là tên gọi mà Sơn Nam dành cho tập truyện ngắn viết về con người và cuộc sống của người nông dân Nam Bộ, trong đó nổi bật là hình tượng những con người khẩn hoang. Hương rừng ở đó là hương nhuỵ thiên nhiên, tình nghĩa trong cuộc sống con người toả ra tạo nên một sức thu hút “ma lực”. Có thể khẳng định sức hấp dẫn của nó tập trung trong hình tượng người nông dân khẩn hoang Nam Bộ. Xây dựng hình tượng này, Sơn Nam đã nắm bắt sâu sắc vẻ đẹp của họ, bên cạnh tinh thần nghĩa khí, họ còn mang một nỗi niềm của người xa xứ, đó là tấm lòng tha thiết với nguồn cội. Khai thác vẻ đẹp này, Sơn Nam đã thể hiện hết sức cảm động qua các truyện ngắn trong Hương rừng Cà Mau.
Qua khảo sát tập truyện Hương rừng Cà Mau, chúng tôi nhận thấy, trong tâm thức của người nông dân Nam Bộ, cội nguồn với họ được biểu hiện khá phong phú. Cội nguồn đó có thể là quê hương, bản xứ nơi đó có huyết thống của họ. Với người nông dân Nam Bộ khẩn hoang, quê hương là miền Bắc (Theo Lịch sử khẩn hoang miền Nam, đó là từ hạ lưu sông Hồng), miền Trung xa xôi nơi họ từng được sinh ra hoặc cha mẹ, gia đình tổ tiên họ đã sinh sống. Trong cuộc khẩn hoang miền Nam, họ phải di dân vào Nam mở đất, họ trở thành những con người xa xứ. Bởi vậy, hướng về quê hương bản xứ trong nỗi nhớ tha thiết, là người nông dân Nam Bộ đi tìm và thương nhớ gốc gác, cội rễ của mình. Đó là một tình cảm cao đẹp của người phương Đông nói chung, và đặc biệt càng có ý nghĩa với con người khẩn hoang Nam Bộ theo tinh thần “cây có cội, nước có nguồn”. Mặt khác, trong cuộc khẩn hoang trường kì gian khổ đó, cội nguồn với họ còn là những bậc tiền nhân khai hoang mở đất đã đổ máu xuống để hôm nay, họ tiếp tục “sự nghiệp” khẩn hoang miền Nam, miền đất tận cùng của tổ quốc đầy những dữ dằn thách thức sự sống đối với con người. Theo công trình biên khảo của Sơn Nam, cuộc khẩn hoang miền Nam của người nông dân Nam Bộ được thể hiện qua hình tượng trong Hương rừng Cà Mau là cuộc khẩn hoang lần thứ ba, dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Bởi vậy, họ hướng đến một cội nguồn tiên tổ
trong sự nghiệp khẩn hoang của họ như người ta hướng đến những người khai sinh ra mảnh đất họ đang sinh sống. Đó là một hành động tri ân.
2.2.2. Với những con người xa xứ, tấm lòng thiết tha với nguồn cội thể hiện trước hết ở nỗi niềm hướng về gia đình, quê hương, nơi gốc gác của họ. Ta nghe nỗi niềm này trong câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ:
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Thương nhớ, có thể xem đó là nỗi niềm phổ quát nhất đối với những con người khẩn hoang Nam Bộ, nhiều khi nó ăn vào nếp sống và suy nghĩ của họ. Những nỗi trăn trở ngậm ngùi của ông bà Cả khi cô Út đi lấy chồng bắt nguồn từ thương nhớ. Cô Út lấy chồng miệt dưới, vùng đất “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh”, có thể nói đó chính là hình ảnh miệt rừng Cà Mau những ngày đầu tiên con người đặt chân đến. Tuy nhiên, nỗi niềm thương con không đơn thuần vì cuộc sống gian khó mà người con gái phải trải qua, điều sâu xa trong tâm thức của những người nông dân như ông bà Cả chính là “ngậm ngùi nghĩ đến ngày gần đất xa trời” mà không thấy “măng mọc kề tận gốc”, “lần hồi mất gốc rễ” [28, 42]. Dường như, điều đó có một ý nghĩa tinh thần vô cùng quan trọng với đời sống của những con người nơi đây, khi cuộc sống đầy những bất trắc, và cảm quan con người khi sắp trở về với nguồn cội cần có một điểm tựa vào tình huyết thống, máu mủ. Hơn bao giờ hết, con người dù ở đâu cũng cần có một cội rễ, gốc gác, như một điểm tựa tinh thần. Hành động ông Cả gửi về cho vợ chồng cô Út “gốc tre Mạnh Tông để làm giống” như một lời nhắn nhủ con cháu không được quên nguồn cội quê hương, bản xứ đã sinh ra mình. Đó là hành động giản dị mà sâu sắc, cảm động. Ta thấy thấm thía hơn cái tình sâu xa của con người Nam Bộ trong gian khó, hướng về nguồn cội như một điều gì đó thân thuộc mà lại thiêng liêng vô ngần! (Cô Út về rừng).
Hình tượng người nông dân Nam Bộ trong Hương rừng Cà Mau trong nỗi niềm tha thiết với cội nguồn được Sơn Nam khắc hoạ trên nhiều biểu hiện. Có
khi, đó là tấm lòng của con người vì “bất đạt” nên phải xa quê, canh cánh nhớ về quê hương, cha mẹ anh em ruột rà:
“Nghiêng mình nằm nhớ tới mẫu từ Ngồi chờ dậy ruột tằm quặn thắt Nhớ huynh đệ luỵ tuôn nước mắt Cam phận em ruột thắt từng hồi Vận bất tề nên phải nổi trôi Thời bất đạt nên con xa xứ…”
Những câu thơ trong Thơ núi Tà Lơn như gặp được niềm đồng cảm sâu xa trong tiếng lòng của ông Tư, người đã xa mảnh đất Cà Mau lạc hậu, tối tăm, tới mảnh đất thị thành náo nhiệt ngập tràn trong ánh đèn để sinh nhai. Ông nhớ thương máu mủ ruột rà, nhớ tới quê hương Cà Mau như “một món nợ” [29, 239], phải chăng đó là món nợ với quê hương đã sinh ra mình ? Nhân vật ông Tư hiện lên trong nỗi cô độc, lạc loài. Cô độc “vì sinh kế” mà xa lìa gốc gác, quê hương, lạc loài vì không hợp với chốn thị thành náo nhiệt. Nỗi lòng nhớ quê ở ông Tư thực chất không chỉ có anh em máu mủ, trong nỗi nhớ đó, “có công lao cực nhọc của ông bà” đã đổ máu vì mảnh đất Cà Mau dữ dằn quê hương ông, nỗi nhớ, vì vậy, có niềm tri ân với tiền nhân thửa trước. Nhưng nhiều khi, giữa những cực nhọc của cuộc sống thị thành, nồi niềm trở về với nguồn cội sẽ làm lòng người thấy ấm áp như “trời lập đông mua chút rượu để mà uống”. Hình ảnh ông già “mái tóc bạc phếu” một mình yên lặng trên chiếc cầu “Chữ Y”, có một sức nặng, một dấu chấm lay thức con người giữa cuộc sống hiện đại, phải giữ lấy cái gốc rễ nguồn cội của mình. Đó là điều Sơn Nam luôn tin tưởng và hướng tới. Bởi vậy, trong một truyện ngắn khác, Sơn Nam đã gủi gắm điều đó ngay trong nỗi niềm của người nghệ sĩ, những người nghệ sĩ nghèo mang nồi niềm tha thiết với nguồn cội. Họ đồng cảm với nhau trong cuộc “hội ngộ ở bến Tầm Dương”. Trong bức tranh của A Lẩu, có những hình ảnh của quê hương xa vời “mé biển chót vót”, và nỗi niềm thương nhớ đến ước ao được trở về với gốc gác, với quê hương. Tuy nhiên, khẳng định nỗi niềm tha thiết với nguồn cội trong tâm thức của những
người nghệ sĩ nghèo xa xứ, Sơn Nam còn hướng đến “khẩn hoang” tư tưởng họ “sợ Tây thì làm sao vẽ cho hay được? Mình là nghệ sĩ… đầu đội trời, chân đạp đất mà” [28, 246]. Điều này thực sự trở thành hướng đi trong nghệ thuật của Sơn Nam, viết văn để yêu nước, và yêu nước theo cách riêng của ông, mà trong đó, tha thiết với cội nguồn, với quê hương, bản xứ cũng ẩn chứa nỗi niềm sâu xa với đất nước.
Nỗi niềm xa xứ của những người thị thành với quê hương trong các nhân vật của Sơn Nam có khi là nhớ về với nỗi đau, với những mất mát, những sự hi sinh, chẳng hạn như nhân vật ông Tư (Thơ núi Tà Lơn), nhưng có khi, họ nhớ về quê hương, về mảnh đất Cà Mau vì chất ngọt của hương rừng, ở đó không chỉ là cái ngọt của vị mật ong (Cái tổ ong), đó là vị ngọt của tình người “thơm lành” [27,138] vẫy gọi họ, sống dậy trong họ trên bước đường mưu sinh. Nỗi niềm đó, giúp họ không đơn độc, họ luôn bám rễ chắc từ nguồn cội, đó là một phát hiện đầy nhân bản trong đời sống tinh thần của người nông dân khẩn hoang Nam Bộ của nhà văn Sơn Nam.
Dở cùng trang sách văn học đô thị miền Nam, ta từng nghe tiếng lòng tha thiết với quê hương, với đất trong sáng tác của gã “lang thang trên hè phố” – Bình Nguyên Lộc. Tuy nhiên, cũng là thêm một lần ta nhận ra hai tiếng lòng, hai nhà văn. Bình Nguyên Lộc tìm về với đề tài nguồn cội, đề tài của những nhà văn “nằm vùng”, nhưng cảm hứng này trong sáng tác của ông thể hiện ở các nhân vật là những con người thị thành mang nỗi niềm nhớ thương với “mảnh đất, căn nhà nơi quê hương nghèo khó”. Thế giới con người trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc luôn coi quê hương gia đình là bến đỗ bình yên nhất dù mọi hoàn cảnh. Bên cạnh đó là nỗi niềm tha thiết với đất, mảnh đất quê mình đã sinh ra “đất quê có khi không nuôi nổi con người nhưng con người vẫn nặng tình với đất” [52]. Như vậy, có thể nhìn nhận một cách khái quát rằng, cảm hứng nguồn cội trong văn Bình Nguyên Lộc thiên về nỗi niềm tha thiết thương nhớ với gia đình, với mảnh đất quê, đó là nỗi niềm của con người thành phố ồn ào, hiện đại tìm về. Riêng Sơn Nam, tiếng lòng với nguồn cội của các nhân vật trong Hương rừng Cà Mau
mang nỗi niềm của con người khẩn hoang Nam Bộ. Bởi vậy, nỗi niềm với quê hương ở họ, dẫu có lúc Sơn Nam cũng đặt nhân vật trong cuộc sống thị thành, tuy nhiên, nhìn chung là nỗi lòng thương nhớ quê mang một nỗi buồn xa xăm, mong ước trở về. Bởi quê hương với họ, đó là nơi họ đã “sinh li” để vào miền Nam, thành những người nông dân khẩn hoang Nam Bộ. Bởi vậy tình quê mang nỗi lòng xa xứ. Họ hướng về anh em họ hàng, có khi day dứt, canh cánh, có khi chỉ là dư vị sống lại trong khoảnh khắc để thấy ấm lòng…, đó là những biểu hiện đáng quý của con người trong cuộc khẩn hoang miền Nam. Nhớ về quê hương , gia đình như tìm kiếm một sự cân bằng trong cuộc sống, “để khi quá vui… bình tĩnh trở lại nhớ tới công lao cực nhọc của ông bà khi xưa, khi nào túng tiền mình nhớ xứ Cà Mau… như trời lập đông mua chút rượu để mà uống” [29,239]. Hương về nguồn cội là quê hương gia đình là tình cảm đẹp trong phẩm chất của người nông dân Nam Bộ trong Hương rừng Cà Mau, khai thác điều này, Sơn Nam, có lẽ, còn muốn nhắn nhủ, nhắc nhở ý thức nguồn cội của thế hệ trẻ trước những “thay đổi biến dạng” mà ông đã nhiều lần trăn trở, tâm sự trong bối cảnh nền kinh tế thị trường sớm phát triển ở miền Nam.
Phát hiện vẻ đẹp của hình tượng ở tấm lòng tha thiết với nguồn cội đó là một cái nhìn đầy trải nghiệm của Sơn Nam. Từ một ông già suốt cuộc đời đi bộ vào những vùng quê miệt vườn Cà Mau đến một nhà biên khảo đầy am hiểu cuộc sống sinh hoạt của con người Nam Bộ, đến một người nghệ sĩ viết văn từ trái tim và vốn sống sâu sắc về cuộc sống và con người, và nghệ thuật là đích cuối cùng thì đó là quá trình thâm nhập thực tế và khổ luyện chắt chiu công phu. Bởi vậy, hình tượng nghệ thuật của Sơn Nam có sợi dây liên hệ với truyền thống dân tộc nhưng có một sợi dây khác khiến ông trở thành nhà văn của cuộc sống Nam Bộ đó là sự bắt rễ sâu xa từ trái tim, sự trải nghiệm trên từng mảnh đất Nam Bộ. Đó là điều mà chúng tôi muốn lí giải cho sự độc đáo của vẻ đẹp tha thiết với nguồn cội của nhân vật trong Hương rừng Cà Mau, nó là sự sáng tạo đầy gắn bó với tính cách của con người xã hội trong cuộc khẩn hoang miền Nam. Trong một đất nước nông nghiêp chủ yếu coi trọng quan hệ huyết thống, Sơn Nam đặt con
người bối cảnh cuộc khẩn hoang miền Nam, tinh thần trở về với huyết thống có một ý nghĩa riêng.
Trong cuộc khẩn hoang miền Nam, người nông dân Nam Bộ hầu hết là những người từ Bắc, Trung Việt Nam di cư vào, họ phải từ bỏ quê hương họ hàng đến với một vùng đất mới. Bởi vậy, nỗi niềm thương nhớ quê hương là một tình cảm hướng tìm cội nguồn của con người nơi đây. Hơn nữa, xa xứ, cuộc sống ở miền Nam là những sự vật lộn không ngừng trước bao thử thách dữ dằn ở mảnh đất dường như lần đầu tiên có sự sống của loài người, chốn “rừng thiêng nước độc”. Trong cuộc mưu sinh khó nhọc ấy, cội nguồn gia đình, quê hương chính là một điểm tựa, một động lực, sự an ủi lớn lao. Không có gì thiêng liêng hơn những khoảnh khắc con người xa xứ khẩn hoang miền Nam hướng về quê hương, gia đình, nguồn cội. Sơn Nam khẳng định vẻ đẹp này, chính là hướng con người Nam Bộ trở về với đạo lí truyền thống “chim có tổ, người có tông”. Ta hiểu vì sao, những con người xa xứ, tìm đọc Sơn Nam lại thấy được niềm đồng cảm sâu sắc như thế.
Với hình tượng người nông dân khẩn hoang Nam Bộ, hưóng về quê hương gia đình cũng là một cách tri ân với tổ tiên- những người đã chấp nhận cảnh “sinh li”, để “nước mạnh dân còn”. Từ phát hiện này, tinh thần hướng về quê hương, nguồn cội của các nhân vật trong Hương rừng Cà Mau, vì thế, không “nằm gọn” trong tình cảm riêng tư, nó hướng đến thể hiện tấm lòng với cuộc khẩn hoang miền Nam. Đó là một biểu hiện khác của tấm lòng thiết tha với cội nguồn của người nông dân khẩn hoang Nam Bộ dưới cái nhìn nghệ thuật của Sơn Nam.
2.2.2. Như chúng tôi vừa trình bày ở trên, tấm lòng tha thiết với nguồn cội của người nông dân Nam Bộ không chỉ hướng đến tình cảm đối với quê hương, gia đình, họ hàng, mà còn thể hiện trong tình cảm với cuộc khẩn hoang miền Nam, cụ thể đó là sự thông cảm, nhớ ơn, thương xót, tri ân đối với tiền nhân khẩn hoang đã “đổ nhiều công sức, cả xương máu” [17] trên mảnh đất họ đang tiếp tục sinh sống và khẩn hoang.
Hình tượng người nông dân Nam Bộ khẩn hoang trong Hương rừng Cà Mau
được đặt trong một bối cảnh đầy thử thách, trong bối cảnh đó, họ luôn phải đấu tranh để dành giật sự sống. Nhưng điều đáng trọng là trong cuộc mưu sinh hiểm nguy đó, họ luôn hướng về những bậc tiền nhân với những nỗi niểm khó tả. Sau khi đã chiến thắng đàn sấu “nhiều như trái mù u chín rụng” [27,86], ông Năm Hên trở về với bài hát “ảo não, rùng rợn” giải oan cho những cô hồn bị “hùm tha, sấu bắt”. Trong bài hát đó, có “tiếng như khóc, nài nỉ. Tiếng như phẫn nộ, bi ai” [27,92], đó cũng là tiếng lòng của ông Năm Hên với những người đi trước đã bỏ mạng vì đàn sấu nay. Hình ảnh người thợ bắt sấu bằng hai tay không điệu nghệ ấy “áo rách vai, tóc rối bù, mắt đỏ ngầu, bó nhang cháy đỏ quơ qua quơ lại trên tay” ám ảnh người đọc sâu xa. Dường như, cũng không biết những cô hồn đó có được giải oan không, nhưng hành động đầy chân tâm của ông già bắt sấu chính là nỗi thương xót chân thành, sự phẫn nô, nỗi buồn khi nhớ về những người đã phải bỏ mạng. Đó không phải là tâm trạng của riêng ông Năm Hên, đó là tiếng lòng chung của người nông dân Nam Bộ “vài cụ già, bà lão chạnh nhớ đến tổ tiên, đến bạn bè của mình” [27,92]. Có thể thấy rằng, trong cái hiểm nguy bất trắc của cuộc sống, người Nam Bộ luôn hướng về tổ tiên, tiền nhân trên mảnh đất như một sự trở về với nguồn cội đầy những đau thương mà con người phải trả giá để tìm sự sống trên mảnh đất này. Tiếng hát của người nông dân Nam Bộ trong Bắt