23-9-1945 Ngày Nam Bộ kháng chiến

Một phần của tài liệu Các ngày lễ kỷ niệm và lịch sử (Trang 51 - 52)

Đêm 23 tháng 9 năm 1945, một bản tin khẩn cấp được truyền đi cả nước: thực dân Pháp nổ súng khởi hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Nam Bộ.

Thực ra, ngay từ chiều ngày 2 tháng 9, bọn phản động Pháp đã có thái độ khiêu khích láo xược ở Sài Gòn, chúng bắn vào đoàn người đang dự mít tinh mừng đón bản Tuyên ngôn Độc lập. Thực dân Pháp không chịu từ từ bỏ âm mưu trở lại nô dịch nước ta, chúng núp sau lưng quân Anh là lực lượng đồng minh vào giải giáp quân Nhật ở phía Nam vĩ tuyến 16. Thực dân Anh cũng có mưu đồ thiết lập chế độ cai trị tại các thuộc địa cũ của chúng ở Đông Nam á liền tiếp tay cho thực dân Pháp hòng dập tắt ngọn lửa cách mạng ở Đông Dương.

Vụ cáo chính quyền cách mạng không giữ nổi trật tự, trị an, phái bộ Anh ở Sài Gòn đòi ta giải tán các đội tự vệ, ngăn cấm đồng bào ta biểu tình. Chúng dùng bọn tàn binh Nhật Bản vào việc khống chế lực lượng nhân dân. Chúng thả một ngàn rưỡi tên Pháp bị Nhật bắt hồi đảo chính và trang bị vũ khí cho bọn này thành những đơn vị lê dương rất hung hãn.

Ngày 20, chúng đóng cửa các tòa báo của ta.

Ngày 22, chúng chiếm Đài phát thanh.

Sáng 23, hai sư đoàn thiết giáp của Anh cùng với quân Nhật có khoảng chừng 2 vạn tên đã che chở cho 6 ngàn lính Pháp đánh chiếm Sài Gòn. Nền Cộng hòa Dân chủ mới thành lập chưa đầy một tháng của ta đã phải đương đầu với một bầy quân xâm lược: Anh, Pháp và tàn quân Nhật ở phía Nam; 18 vạn quân Tưởng ở phía Bắc. Trước nguy cơ xâm lăng, nhân dân Việt Nam trả lời bằng một thái độ dứt khoát là tiến hành kháng chiến cứu nước. Hồ Chủ Tịch kêu gọi: "Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ". Lời dạy của Người là ý chí của toàn dân, là hịch truyền của đất nước.

Ngay từ đầu tiên, nhân dân Sài Gòn đã triệt để tổng đình công, không hợp tác với địch. Công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng chặt, chợ búa không họp. Các ụ chiến đấu mọc lên khắp phố phường. Các đội tự vệ cùng nhân dân canh gác các ngả, ngăn chặn không cho địch phá, giáng cho chúng những đòn đầu tiên ác liệt. Chỉ trong trận mở đầu ở Tân Định, ta đã diệt gần 200 tên. Kế hoạch dự tính bình định Nam Bộ trong 3 tuần của thực dân Pháp bị phá sản. Quân dân Sài Gòn được sự chi viện của các tỉnh Nam Bộ đã tiến hành chiến tranh du kích, bảo vệ từng căn nhà ngõ phố, giam chân địch suốt một tháng trời. Em bé đuốc sống Lê Văn Tám tẩm dầu xăng chạy vào phá kho dầu ở Thị Nghè đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước khắp nơi, trở thành một tấm gương sáng chói của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Những tin tức đầu tiên về cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Sài Gòn đã làm rung động cả nước. Thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ tình nguyện lên đường vào Nam đánh giặc. Phong trào Nam tiến xuất hiện khắp nơi. Các chi đội giải phóng quân được thành lập, ra đi với quyết tâm cứu nước, khí thế bừng bừng.

Đến giữa tháng 10, chiến tranh lan rộng khắp vùng đồng bằng Nam bộ: Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá và mở ra đến các tỉnh miền Nam Trung Bộ. Đâu đâu, giặc Pháp cũng vấp phải sức kháng cự quyết liệt của quân dân ta.

Ngày 25 tháng 10, hội nghị toàn xứ của Đảng bộ Nam Kỳ đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong chiến tranh. Các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn vừa thoát khỏi nhà tù Côn Đảo đã tới họp. Một tháng sau, Trung ương Đảng ra chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc" đã vạch rõ đường lối và nhiệm vụ cơ bản của toàn dân là "củng cố chính quyền nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân", tập trung cuộc đấu tranh vào "kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là thực dân Pháp xâm lược"

Từ gậy tầm vông, từ dao mã tấu, nhân dân miền Nam đã đứng dậy kháng chiến chống Pháp, bảo vệ non sông yêu dấu. Tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh bất khuất của quân dân miền Nam thật xứng đáng với danh hiệu cao quý do Hồ Chủ Tịch tặng: "Thành đồng Tổ quốc" (tháng 2-1946). Trên suốt chặng đường 30 năm lịch sử, nhân dân miền Nam giữ vững lời thề son sắt đã hy sinh tất cả vì sự nghiệp đấu tranh cho Độc Lập-Thống nhất. Cuộc chiến đấu kiên cường của nhân dân miền Nam nói riêng, nhân dân cả nước nói chung đã lập nên chiến công chói lọi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Một phần của tài liệu Các ngày lễ kỷ niệm và lịch sử (Trang 51 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(65 trang)
w