Ngay từ những ngày đầu trong cuộc chiến đấu ác liệt chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một số đồng bào và chiến sĩ ta đã hy sinh anh dũng để bảo vệ nền độc lập của tổ quốc. Được sự lãnh đạo của Đảng, lại sẵn tinh thần tương thân tương ái, nhân dân ta đã dành những tình cảm quí trọng nhất cho các gia đình liệt sĩ và anh chị em thương binh...
Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn (sau đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa- Huế, ở Hà Nội và một số địa phương khác. Hồ Chủ tịch được bầu là Hội trưởng danh dự. Nhiều cuộc quyên góp ủng hộ quỹ giúp binh sĩ bị thương thu được kết quả tốt. ở Hà Nội, trong ngày 2-6-1946, Hội phụ nữ cứu quốc và Hội Nhi đồng Hoàng Diệu tổ chức gắn huy hiệu, đã thu được 45.000 đồng (tiền Đông Dương cũ). Kiều bào ta ở Thượng Hải cũng gửi về số tiền quyên góp được là 12.804 đồng và 100 Mỹ kim ủng hộ binh sĩ thương tật.
Cuối 1946 cả nước lại dấy lên cuộc vận động Mùa đông binh sĩ . Mở đầu phong trào, tại Nhà hát lớn Hà Nội, ngày 17-6-1946, Mặt trận Liên Việt đã tổ chức tuần lễ xung phong "mùa đông binh sĩ". Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng thương binh. Noi gương Bác, đồng bào khắp nơi ủng hộ hàng vạn áo quần, mũ, giầy, chăn...
Từ 19-12-1946, số thương binh, tử sĩ ngày càng tăng thêm. Vấn đề thương binh liệt sĩ trở thành vấn đề lớn. Trước tình hình ấy, Đảng và Chính phủ ta đã nghiên cứu và cho công bố những chính sách đầu tiên về công tác này như: hưu bổng, thương tật, tiền tuất cho gia đình tử sĩ...
Ngày 19-7-1947, chính phủ quyết định thành lập Bộ Thương binh và Cựu binh (sau đổi thành Bộ Thương binh). Trước đó, khoảng tháng 6-1947, một hội nghị quan trọng đã được tổ chức ở xã Phú Minh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên để bàn việc thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch về vấn đề chọn một ngày làm ngày Thương Binh để có "... một dịp đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh..." Hội nghị đã quyết định chọn ngày 27-7 là ngày Thương binh toàn nước, và ngày 27-7-1947 sẽ là ngày Thương binh toàn quốc lần thứ nhất.
Chiều ngày 27-7-1947, Bác Hồ đã gửi bức thư đầu tiên nhân ngày thương binh, trong đó có những dòng thật vô cùng cảm động "...tôi luôn luôn tin vào lòng nhường cơm xẻ áo của đồng bào ta, tôi chắc rằng ngày thương binh sẽ có kết quả mỹ mãn. Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của cácnhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng..."
Cả nước đã hưởng ứng lời kêu gọi của Bác và của Ban tổ chức ngày Thương binh toàn quốc. Kết quả thu được thật không ngờ, toàn quốc đã quyên góp được trên 10 triệu đồng. Trong đó, riêng vùng khu IV cũ chiếm 6 triệu đồng.
Tháng 7-1951, Hồ Chủ tịch đề xuất chủ trương đón thương binh về làng rất phù hợp với hoàn cảnh nước ta trong kháng chiến chống Pháp. Tính đến 1954, từ khu IV trở ra, hàng vạn thương binh được đồng bào 515 xã đón về chăm sóc phục hồi sức khỏe, ổn định đời sống và công tác...
Từ 1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh liệt sĩ để thể hiện đầy đủ hơn tình cảm của toàn Đảng, toàn đân đối với tất cả những người đã hy sinh xương máu của mình cho Tổ quốc nở hoa độc lập, kết trái tự do. Cũng từ đó, hàng loạt chính sách chế độ đối với thương binh và gia đình liệt sĩ được ban hành.
Và chỉ sau ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ mùa xuân 1975 lịch sử hai tháng, thực hiện lời Bác Hồ "ăn quả nhớ người trồng cây" Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị giải quyết vấn đề thương binh và xã hội.
Cũng từ 1975, ngày Thương binh- Liệt sĩ đã được tổ chức trên toàn quốc với nhiều hình thức phong phú, có ý nghĩa chính trị sâu sắc.
Sau 30 năm chiến đấu hy sinh, qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại, hàng triệu người con ưu tú của tổ quốc Việt Nam đã ngã xuống hay mãi mãi chịu mang thương tật. Ngày 27-7 hàng năm là dịp để toàn dân biểu hiện những tình cảm sâu xa nhất, với tinh thần Uống nước nhớ nguồn, ơn trả nghĩa đền làm trọn nghĩa vụ với các đồng chí đã hy sinh như Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ IV đã chỉ rõ: "... Săn sóc và giúp đỡ chu đáo thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Tích cực chữa bệnh và thương tật, bồi dưỡng sức khỏe cho thương binh, cung cấp phương tiện và dụng cụ chuyên dùng cần thiết, tổ chức tốt việc dạy nghề và bố trí công việc thích hợp cho thương binh, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đối với thương binh và gia đình liệt sĩ..."