2.1. Chức năng thơ trữ tình trung đại Việt Nam
Thơ ca là thể loại phát triển khá sớm và chiếm ưu thế trong nền văn học dân tộc. Người xưa đã dùng thơ ca để chuyển tải những tư tưởng, tình cảm, những ước mơ khát vọng, những trạng thái tâm trạng, để phản ánh hiện thực. Nhà thơ qua tác phẩm của mình đã gửi gắm tiếng lòng đang thổn thức, đang gào thét, những trăn trở băn khoăn về lẽ đời, tình người. Đọc tác phẩm, độc giả sẽ cảm nhận được thế giới tình cảm phong phú đó, những chân lí cuộc sống, những phát hiện về cái đẹp của cuộc đời được người nghệ sĩ chuyển tải qua một hình thức nghệ thuật không lặp lại. Nhà thơ qua tác phẩm thể hiện mình, tìm kiếm mình. Một tác phẩm thực sự có giá trị phải là tác phẩm mới mẻ về nội dung và độc đáo về hình thức thể hiện, là bông hoa trông thấy lần đầu, lần cuối, gợi cho người đọc một sự rung động thực sự, có những liên tưởng sâu xa, chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tác phẩm “như một cuộc hành trình mở” (PGS.TS Trương Đăng Dung) để người đọc không ngừng tìm tòi, cắt nghĩa, lí giải, suy tưởng không biết chán.
Ở phương Đông, đặc biệt là ở Trung Quốc và Việt Nam, thơ ca là loại hình phát triển nhất vì một số lí do sau. Thứ nhất, một số triều đại phong kiến có tổ chức thi thơ để tuyển chọn nhân tài. Thứ hai, xã hội Việt Nam là xã hội có nền văn minh nông nghiệp phát triển lâu đời, mà con người trong xã hội ấy có tư duy trữ tình phát triển, có thế giới nội tâm phong phú. Họ thường sống kín đáo, khép mình. Điều này khác với các nước có ngành thương nghiệp, công nghiệp phát triển khá sớm. Con người trong xã hôi ấy thường cởi mở, hoạt bát hơn, tư duy giao tiếp phát triển hơn nên gắn với hình thức văn xuôi, kịch phát triển hơn.
Thơ ca cùng với các hình thức nghệ thuật khác ngày càng phát triển. Chúng tôi đã khảo sát, nghiên cứu một số khái niệm về thơ mà chúng tôi cho là khả thoả đáng.
Bạch Cư Dị đời Đường trong thư gửi Nguyên Chẩn (kí Nguyên Cửu) đưa ra thuyết cây thơ rất được các nhà thơ ngày xưa tán thành và ngày nay nó vẫn có giá trị: ‘Thi dã: căn tình, miêu ngôn, hoa thanh, thục nghĩa”. Giáo sư Nguyễn Khắc Phi dịch: với thơ gốc là tình cảm, mầm lá là ngôn ngữ, hoa là âm thanh, quả là ý nghĩa. Câu nói đầy hình ảnh và đặc biệt nó thể hiện khá đầy đủ thấu đáo bản chất của thơ. Thứ nhất, tác giả nêu lên được những yếu tố then chốt cơ bản của thơ: tình, ngôn ngữ, âm thanh, ý nghĩa. Thứ hai, tác giả chỉ ra được các mối liên hệ giữa các yếu tố đó trong một chỉnh thể sống động. Tuy nhiên, quan niệm về thơ của ông cũng bị khống chế bởi tư tưởng, quan niệm của các nhà thơ ngày xưa: tình là đạo lí, nghĩa không phải là mọi ý nghĩa mà nó phải mang tải một chân lí. Hơn nữa tình cảm trong thơ phải khác với tình cảm thông thường. Nó phải đạt đến độ mãnh liệt, cao trào; phải là thứ tình cảm kết tinh, phải mang giá trị nhất định. Tác giả chưa nói rõ điều này.
Quan niệm thơ của các nhà cấu trúc chủ nghĩa lại hướng sự tìm tòi vào đặc trưng cấu trúc của ngôn ngữ thơ. Tương tác phổ biến của họ là phân biệt đối lập ngôn ngữ thông thường và ngôn ngữ mang tính chất thơ.
Jakobson viết: “Nhưng tính chất thơ được hiểu ra như thế nào? Theo cái cách từ ngữ được cảm nhận như là từ ngữ chứ không phải là vật thay thế đơn giản, đại lượng được chỉ định theo cách những từ, những cú pháp, những ngữ nghĩa của chúng, hình thức bên trong và bên ngoài của chúng. Không phải là các dấu hiệu vô hồn của hiện thực mà còn có trọng lượng riêng, giá trị riêng của chúng”. Thơ là gì?
Jackobson dịch tạp chí văn học 1996. Quan niệm này cũng gần như trùng hợp với
với một số nhà văn, nhà thơ khác như Valey, Breton, Satre…khi họ đối sánh ngôn ngữ văn xuôi với thơ hay.
Tiếp tục triển khai lí thuyết về tính tự quy chiếu của ngôn ngữ thơ nói trên trong tiểu thuyết luận ngôn ngữ và thi ca, sau khi nhắc lại về hai thao tác của hành
động ngôn ngữ là lựa chọn và kết hợp, Jackobson nêu một sự kết hợp rất cơ bản về chức năng thơ ca là đem nguyên lí tương đương của trục tuyển lựa lên trục kết hợp. Từ một số ý kiến trên, chúng ta có thể nêu lên một số đặc điểm về thơ trữ tình. Thứ nhất, xét về phương thức tiếp cận đối tượng nghệ thuật, tác giả không xây dựng những tính cách hoàn chỉnh, đa dạng các biến cố, có mở đầu, phát triển và có kết thúc mà chủ yếu là thông qua con đường bộc lộ trực tiếp cảm xúc của tác giả và của nhân vật trữ tình. Khác tự sự và kịch ở nhận thức nghệ thuật, trong tác phẩm trữ tình không có sự tái hiện mở rộng và chi tiết về các sự kiện, các hành vi các quan hệ qua lại của con người mà trữ tình nắm bắt thế giới bên trong của con người. Nói thơ ca trữ tình chủ yếu là thơ ca chủ quan nội tại , là sự biểu hiện của chính nhà thơ như Bêlinxki là rất thoả đáng. “Trong tác phẩm trữ tình, nhà thơ không nhằm mục đích kể và tả những điều quan sát trong thế giới hiện thực mà chủ yếu là những điều xảy ra trong thế giới nội tâm và cũng chính vì vậy việc tái hiện các quan hệ xã hội, cách ứng xử của con người với con người trong tác phẩm trữ tình không đóng vai trò gì lớn và phổ biến. Do không có sự tái hiện ấy như trong tác phẩm tự sự hay nói cách khác tác phẩm trữ tình nhằm thể hiện phương diện chủ thể của thế giới, do đó việc miêu tả thế giới bên ngoài, những cảnh đời bên ngoài nếu có chỉ nhằm phục vụ nhiệm vụ trữ tình” (TS. Lê Văn Dương).
Thứ hai, xét về phương thức cấu trúc hình tượng, tác phẩm trữ tình phổ biến là không có cốt truyện hiểu theo nghĩa chặt chẽ nhất của thuật ngữ cốt truyện vì tác phẩm trữ tình bộc lộ cảm xúc. Dung lượng tác phẩm trữ tình thường là ngắn vì trạng thái cảm xúc khó có thể kéo dài. Ở tác phẩm trữ tình, cái tôi trữ tình chiếm vai trò hết sức quan trọng và thường xuất hiện dưới dạng nhân vật trữ tình. Ở đây cần phân biệt khái niệm cái tôi trữ tình với nhân vật trữ tình. Nhân vật trữ tình nhằm chỉ hình tượng người đang thực hiện, thể hiện trực tiếp cảm xúc, ý nghĩ. Còn cái tôi trữ tình thống nhất nhưng không đồng nhất với nhân vật trữ tình. Cái tôi nghiêng về diện
mạo riêng, độc đáo nổi bật trong toàn bộ sáng tác của nhà thơ. Trái lại nhân vật trữ tình chỉ là một bộ phận của cái tôi trữ tình. Mỗi quan hệ giữa giữa nhà thơ và nhân vật trữ tình được biểu hiện trên hai mặt. Nhà thơ là một cá nhân có tiểu sử xác định với một nhân vật trữ tình được nhà thơ sáng tạo ra thì giống như nguyên mẫu trong đời thường với điển hình nghệ thuật nghĩa là người ta xem nhân vật trữ tình là một hiện tượng khái quát như là một tính cách văn học được sáng tác trên cơ sở lấy sự thật trong tiểu sử nhà thơ làm nguyên mẫu. Ở đây tính tư liệu của việc biểu hiện trữ tình, sự quan sát của bản thân nhà thơ, sự bộc bạch phải chiếm ưu thế so với hư cấu, so với tưởng tượng. Cùng với hiện tượng do mình sáng tạo ra, nhà thơ bày tỏ tình cảm chân thành của bản thân trong những tình huống trữ tình tới mức người đọc tin rằng những tình cảm ấy là thực, là thật. Chúng ta không nên đối lập nhân vật vật trữ tình với nhà thơ vì: văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Vì vậy, sáng tác của bất kì của một nhà thơ nào bao giờ cũng bằng cách này hay cách khác bao giờ cũng gắn với tiểu sử của nhà thơ đó. Không đối lập nhưng cũng không đồng nhất nhân vật trữ tình với bản thân nhà thơ vì nhân vật trữ tình là một hiện tượng nghệ thuật có mặt trong tác phẩm mang theo một giọng điệu, một cách nghĩ, một cách cảm, một cách nhìn nhất định. Ngược lại tác giả tức là nhà thơ là một con người có thật ở ngoài đời với tiểu sử cụ thể mà giữa văn và đời, giữa kết quả sáng tạo và đời sống thực luôn luôn có một khoảng cách nhất định vì nhân vật trữ tình gắn với cách cảm, gắn với cách nghĩ trong từng tình huống trữ tình cụ thể khiến cho cùng một tác giả nhưng có thể có nhiều nhân vật trữ tình khác nhau. Trong tác phẩm trữ tình, nhà thơ thường hiện diện như người đại diện cho xã hội, cho thời đại và cho nhân loại nghĩa là nhà thơ đã tự nâng mình lên một tầm khác với cái tôi trong đời sống cá biệt. Trong tác phẩm trữ tình, nhân vật trữ tình thường xuất hiện dưới hai dạng: nhân vật tự thuật tâm trạng như tâm trạng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong chùm thơ tự tình; nhân vật trữ tình nhập vai như người chinh phụ do tác giả
nhập vai trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Trong nhân vật trữ tình nhập vai có hai dạng: nhân vật trữ tình nhập vai vào tâm trạng và nhân vật trữ tình nhập vai vào hiện tượng thiên nhiên. Nhân vật trữ tình cũng khác với đối tượng trữ tình. Đối tượng trữ tình là đối tượng để người viết trang trải nỗi niềm thường là nguyên nhân khơi gợi cảm xúc cho người viết.
Thứ ba, xét về phương thức cấu trúc lời văn, về mặt tổ chức, câu thơ trong tác phẩm trữ tình phân theo dòng, cuối dòng thường có vần. Thơ trữ tình cũng như các loại hình nghệ thuật khác cũng sử dụng các phương thức tu từ như ẩn dụ, hoán dụ, nói lái, độc ngược, độc xuôi, nói lửng, chiết tự. Ngôn từ thơ trữ tình hàm súc, giàu tính nhạc. Tính nhạc được thể hiện trên ba mặt: sự cân đối, sự trầm bổng, sự trùng điệp. Sự cân đối được thể hiện ở sự hài hoà của các dòng thơ. Sự trầm bổng được thể hiện ở sự thay đổi các âm thanh cao thấp khác nhau giữa thanh bằng và thanh trắc. Sự trùng điệp được thể hiện việc dùng vần, điệp câu, điệp ngữ, láy đi láy lại có tác dụng dính nối các dòng thơ lại với nhau giúp người đọc dễ nhớ, dễ thuộc. Ngô ngữ thơ trữ tình giàu tính biểu tượng, sử dụng hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng. Đến với thơ trữ tình, người đọc có một tâm thế tiếp nhận đặc biệt. Đó là xem tiếng nói trữ tình trong thơ cũng là tiếng nói trữ tình của mình. Khi sự đồng nhất giữa nhân vật trữ tình và người đọc thơ được thể hiện, thế giới trữ tình bỗng trở thành một thế giới mở, hiểu theo nghĩa thời gian, không gian được nhắc trong đó bỗng trở thành thế giới biểu trương mà ý nghĩa không còn bị đóng khuôn trong trong những hình thái cá biệt cụ thể nữa.
“Thơ trữ tình cổ điển là sản phẩm tinh tuý của thời trung đại, thời thống trị của ý thức về tính bất biến của vũ trụ, về sự thống hợp của thế giới, sự đồng nhất của ba yếu tố: thiên, địa, nhân. Thời mà người ta nhìn nhận sự thay đổi trong xã hội chỉ là một sự thay đổi luân chuyển tuần hoàn khép kín, thời của khuôn vàng thước ngọc áp đặt lên mọi ứng xử, hành động của con người kể cả hành động sáng tạo nghệ
thuật” (TS Phan Huy Dũng). Thơ trữ tình cổ điển với ba thể thơ tiêu biểu: thơ Đường luật, thể hát nói, thể ngâm khúc. Thơ cổ điển có niêm luật chặt chẽ với vần, đối, nhịp, số câu, số từ được quy định nghiêm ngặt, hầu như không sử dụng hư từ. Nội dung bài thơ được dồn vào từ, hình ảnh. Điều này khác với thơ ca hiện đại. Đa số các bài thơ được sáng tác theo thể thơ tự do, hay thơ văn xuôi đều không quy định số câu, số từ (trong thơ tự do câu thơ dài nhất thường không quá 12 âm tiết ), vần ( trong thơ văn xuôi không yêu cầu phải có hiệp vần) đối, nhịp điệu cũng thay đổi buông lơi theo dòng cảm xúc. Nội dung bài thơ không chỉ được thể hiện qua từ, hình ảnh, mà còn thể hiện ở nhịp, giọng điệu. Trong thơ văn xuôi, chúng ta thường thấy có các hình thức lập luận: nếu…thì, hình thức đối thoại gạch đầu dòng…Tất cả những yếu tố trên góp phần chuyển tải được nhiều trạng thái tâm lí khác nhau, những vẫn đề nhân sinh, những thông điệp cuộc sống mà người nghệ sĩ muốn tâm sự cũng bạn đọc.
Thơ Đường luật hay còn gọi là thơ cận thể hay thơ cách luật là thể thơ được chuyển hoá ở đời Đường Trung Quốc. Thơ đường luật có ba dạng: bát cú, tứ tuyệt, bài luật hay trường luật là loại thơ có vần, có đối, dài từ 20 câu trở lên.
Thơ Đường luật xuất hiện khá sớm. Thi phẩm Quốc tộ của Đỗ Pháp Thuận được xem là bài thơ Đường luật đầu tiên. Sang thế kỉ XV có những tập thơ quy mô được sáng tác theo thể thơ Đường luật như tập thơ được viết bằng chữ Hán: Ức Trai
thi tập. Đặc biệt xu hướng Việt hoá thơ đường luật được biểu hiện mạnh mẽ. Tập thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi có 71/ 254 bài là thơ Đường luật. Từ thế kỉ XVI đến nửa đầu thế kỉ XVIII có những tập thơ đường luật Quy mô được viết bằng chữ quốc âm như Bạch Vân am thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm có đến 1000 bài,
hiện tại còn hai phần. Tập thơ Nôm của Trịnh Căn có 100 bài thơ Nôm đường luật. Hiện tượng độc đáo là liên kết những thơ đường luật để tạo thành truyện thơ như: Vương Tường, Tô Công phụng sứ, Lâm tuyền kì ngộ. Từ nửa sau thế kỉ XVIII đến
nửa đầu thế kỉ XIX, thơ Đường luật vẫn là thể được sử dụng nhiều nhất. Đặc biệt thơ đường luật có sự biến đổi về phong cách. Nửa sau thế kỉ XIX, thơ Đường luật đạt nhiều thành tựu và có khuynh hướng trào phúng.
Thơ Đường luật hay còn gọi là thơ cận thể phải đáp ứng được sáu yêu cầu cơ bản sau:
Về bố cục, gọi 4 câu: nhất, nhị, tam, tứ; 4 liên, liên đầu (câu 1- câu 2), liên cằm (câu 3-4), liên cổ (câu 5-6), liên đuôi (câu 7-8). Đến đời Nguyên, Dương Tải gọi theo chức năng: khai- thừa- chuyển - hợp. Ở Việt Nam gọi là đề- thực- luận- kết. Về niêm (dính). Dính hai câu thơ thuộc hai liên khác nhau. Nguyên tắc dính: lấy câu thơ thứ hai của câu chẵn thuộc liên trên cùng thanh với câu hai của câu thứ hai của câu lẻ thuộc liên dưới. Một bài thơ Đường luật có bốn chỗ dính.
Về luật: sự đối thanh theo chiều ngang. Sự phân phối bằng trắc trong thơ cận thể khác nhau.
Về vần: vị trí của vần, vần chân (cước vận) rơi vào câu 1 và các câu chẵn. Có năm chỗ hiệp vần, chủ yếu vần bằng. Số lượng: năm.
Về đối : vần thứ hai và thứ ba đối: đối tứ, đối ý, đối thanh.
Về nhịp (tiết tấu): Do thơ Đường luật có thi pháp rất chặt chẽ, người Trung Hoa đặt ra một số lệ đặc biệt: bất luận, nhất - tam - ngũ bất luận; nhị - tứ - lục phân minh.
Thơ Đường luật chấp nhận hiện tượng chiết vận, lạc vận, tạo ra một số câu thơ độc đáo: cô nhạn xuất quần, cô nhạn nhập quần, thất minh, thất luật.
Tóm lại, đây là một thể loại thuộc thơ trữ tình thời trung đại Việt Nam có các chức năng và nội dung, mang tính quy phạm cao.