Khát vọng công hầu

Một phần của tài liệu Cảm hứng nhân đạo trong chinh phụ ngâm của đặng trần côn luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 28 - 32)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.1.Khát vọng công hầu

Trong xã hội phong kiến, công danh là yếu tố gắn liền với bổn phận của kẻ nam nhi. Bởi vậy, mộng công danh và chí nam nhi là nội dung được phản ánh nhiều trong văn học Việt Nam các thời kỳ. Trước Chinh phụ ngâm, đã có rất nhiều tác phẩm nói về vấn đề này. Chúng ta có thể nói tới câu thơ đầy hào khí của Phạm Ngũ Lão:

Nam nhi vị liễu công danh trái Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.

Trong Chinh phụ ngâm, mặc dù không phải là nội dung chủ đạo nhưng vấn đề công danh cũng một lần nữa được đề cập tới. Điểm đặc biệt ở đây là nghiệp công danh không phải được nhìn nhận qua tư tưởng của một bậc “đại trượng phu” mà qua con mắt của một người phụ nữ ( người chinh phụ). Nàng đã tự vượt qua cái giới hạn nhỏ bé của thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa để nói thay chinh phu khát vọng công danh, phú quý.

Người chinh phụ hồi tưởng, giữa cảnh náo động của những ngày “nước thanh bình ba trăm năm cũ” không còn nữa và khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây”, chinh phu xuất hiện như một chàng dũng sĩ, có đủ sức mạnh để xoay chuyển thời thế. Hình ảnh người chinh phu lúc đầu xiết bao la lộng lẫy, oai phong. Chàng sẵn sàng “ xếp bút nghiên”, nghe theo tiếng gọi của “sứ trời” để lên đường chiến đấu:

Sứ trời sớm giục đường mây Phép công là trọng niềm Tây sá gì

Lý tưởng công danh, khát vọng phong hầu của bản thân chinh phu và cũng chính là nỗi lòng chinh phụ, được thể hiện ngay từ những dòng đầu của khúc ngâm. Ở đây, ta thấy được quyết tâm của một con người trước giờ ra trận. Đó là quyết tâm đặt “ phép công” lên trên hết, xem đó là sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn. Chinh phụ nhận thấy chồng nàng tuân theo “ sứ

trời”, theo mệnh vua ban, từ giã cuộc sống bình yên với nghiên bút, sách vở để xông pha nơi chiến trường đầy nguy nan những mong lập được công trạng. Và rõ ràng là nàng cũng đồng tình với lí tưởng đó. Nhà thơ đã khéo léo vẽ nên khung cảnh của hai cuộc sống: một thì ấm êm, phong lưu của “ dòng hào kiệt” ; một đầy vất vả, hiểm nguy với “ đao cung”, “ thước gươm”. Sự lựa chọn sẽ đứng về bên nào của người chinh phu đã góp phần khẳng định quyết tâm, ý chí của chàng và sự ủng hộ của chinh phụ:

Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt Xếp bút nghiên theo việc đao cung

Thành liền mong tiến bệ rồng

Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời

Qua dòng hồi tưởng của chinh phụ, chúng ta có thể thấy được thái độ đồng tình, ngợi ca của nàng đối với chí khí, quyết tâm của chinh phu. Xuất thân của chàng cũng dần được hé lộ: chàng vốn là con nhà dòng dõi “hào kiệt”, được gắn với nghiệp bút nghiên, sớm tiếp xúc với sách thánh hiền. Bởi vậy, hơn ai hết chàng hiểu rõ cái “nợ công danh” của người nam tử và chữ “trung” của kẻ bề tôi. Người chinh phu đã ra đi để biến lý tưởng của mình thành hành động với quyết tâm giết giặc, đoạt thành, lập công. Lý tưởng của chàng cũng chính là lý tưởng chung của những người nam tử thời phong kiến – thời kỳ chịu sự ràng buộc mạnh mẽ của chữ trung, của chí nam nhi:

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao

Ở đây, nếu bỏ qua vấn đề thực chất của cuộc chiến tranh ( sẽ nói ở phần sau), chúng ta sẽ thấy một sự đồng điệu trong quyết tâm của người chinh phu với lời “ Hịch tướng sỹ” tràn ngập hào khí Đông A của Trần Quốc Tuấn:

Dẫu trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ,

nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng.

Cái khác ở đây, là vấn đề thực chất của cuộc chiến mà mỗi bên sẽ tham gia: nếu ở Trần Quốc Tuấn là quyết tâm của tướng sĩ trước giờ xung trận đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi đất nước thì ở chinh phu là quyết

tâm của một người dũng sĩ khao khát lập công trong cuộc chiến tranh phong kiến. Tuy nhiên, điểm chung ở họ chính là ý chí ra trận. Họ không màng đến hiểm nguy, thậm chí xem cái chết nhẹ như lông hồng.

Khí phách vượt trội của chinh phu giữa cái khối người đông đảo, đang chuẩn bị cho giờ khắc lên đường đã giúp cho người chinh phụ có thể dễ dàng nhận ra chồng nàng:

Giã nhà đeo bức chiến bào Thét roi cầu Vị, ào ào gió thu ... Múa gươm rượu tiễn chưa tàn Chỉ ngang ngọn giáo, vào ngàn hang beo

Ta như thấy được tâm trạng rạo rực vì “tước phong” mới “chịu”, sự hăm hở của ý chí chém giặc, đoạt thành trong từng bước đi của người chinh phu. Chàng hiện lên dưới con mắt của người chinh phụ với một ý chí lẫm liệt, đầy hiên ngang, khí phách. Lại Ngọc Cang đã nói: “ Ở sâu bên trong cái động tác “ có vẻ hát bội” (Đặng Thai Mai) này, quả có khí thế của một chủ nghĩa anh hùng phong kiến” [2; 105]. Con người anh hùng ấy hiện lên giữa đoàn quân trên đường xuất phát mang đầy màu sác lý tưởng:

Áo chàng đỏ tựa ráng pha Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.

Qua những lời miêu tả, giới thiệu về chinh phu, ta thấy được dụng ý của tác giả khi muốn xây dựng ở đây không phải là một người lính bình thường mà là hình ảnh một người anh hùng lý tưởng của giai cấp phong kiến. Tuy nhiên, hình ảnh này lại tỏ ra lạc lõng, xa lạ đối với những con người thực lúc bấy giờ. Lúc này, xã hội phong kiến đã đi vào thời kì mạt vận, không thể sản sinh ra những con người lý tưởng như mong muốn chủ quan của Đặng Trần Côn. Như Nguyễn Lộc đã nói: “ Giai cấp phong kiến suy tàn, làm sao có thể sản sinh ra được những người anh hùng lý tưởng? Ba mươi năm sau, trong Hoàng Lê nhất thống chí, chúng ta có dịp gặp lại bọn thống lĩnh của triều đình Lê – Trịnh thì toàn là một lũ bất tài, bất lực, hèn nhát và cơ hội. Cho nên, hình ảnh người chinh phu ở đoạn đầu khúc ngâm không phải là một hình ảnh có tính chất hiện thực, chẳng qua nó chỉ

là cái ảo tưởng của nhà thơ về người anh hùng của giai cấp mình, một giai cấp mà thời kỳ vinh quang đã lùi sâu trong dĩ vãng ” [20; 163].

Khao khát lập công để được ban ấn phong hầu không chỉ của riêng bản thân chinh phu mà hơn hết là nỗi lòng của chinh phụ. Khát vọng phong hầu cháy bỏng là vậy, thế nhưng gạt đi những giây phút xuất quân đầy hào hùng của chinh phu thì chinh phụ lại phải đối diện với nỗi cô đơn, sự trống vắng khi không có chồng ở bên. Và từ nơi sâu thẳm nhất của nỗi đau khổ ấy, nàng phải thốt lên rằng:

Lúc ngoảnh lại, ngắm màu dương liễu Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong

Ở đây, sự nhận thức đã đi vào tự giác, là sự ý thức một cách đúng đắn đối với giấc mộng công hầu của bản thân chinh phụ và cũng là của những người còn ảo tưởng về cuộc chiến tranh này. Nói như Lại Ngọc Cang: “ Đó là kết quả của cả một quá trình chịu đựng và suy ngẫm về nguyên nhân những nỗi đau khổ của bản thân... Chinh phụ chưa tìm ra nguyên nhân chính, nhưng đã vạch ra được nguyên nhân trực tiếp gây ra những nỗi đau khổ của nàng: Cái bả công danh của chế độ phong kiến” [2; 123, 124].

Thái độ của chinh phụ đối với giấc mộng công hầu không như một đường thẳng tắp mà có lúc rẽ bên này rồi lại ngả sang bên kia. Ban đầu, nàng đồng tình ca ngợi bao nhiêu thì về sau (khi thấm thía nỗi cô đơn vì xa cách) nàng lại càng hối tiếc bấy nhiêu. Thế nhưng chưa dừng lại ở đó, cuối khúc ngâm, ta lại thấy hình ảnh người chinh phu chói lọi quân công hiện lên trong niềm mơ tưởng của chinh phụ:

Bóng cờ xí giã ngoài quan ải Tiếng khải ca trở lại Thần Kinh

Non Yên tạc đá đề danh

Triều thiên vào trước cung đình dâng công Nước duyềnh Hán việc đòng rửa sạch

Khúc nhạc từ réo rắt ngợi khen Tài so Tần, Hoắc vẹn tuyền (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Rõ ràng, có một khối mâu thuẫn bên trong nỗi lòng của người chinh phụ. Nàng từng nhận ra mình ảo tưởng về cuộc chiến tranh, nàng cũng từng từ bỏ giấc mộng công hầu. Nhưng tới đây, khát vọng ấy lại một lần nữa được thổi bùng lên mạnh mẽ. Người chinh phụ tưởng tượng ra cảnh chồng nàng trở về trong chiến thắng lẫy lừng, được ghi danh, tạc tượng. Cảnh tượng huy hoành ấy gắn liền với những danh lợi mà “ơn trên” ban cho gia đình nàng:

Nền huân tướng đai cân rạng vẻ Chữ đồng hưu bia để nghìn đông

Ơn trên tử ấm thê phong

Hiển vinh thiếp cũng đượm chung hương trời

Người chinh phụ đang sống trong niềm tin tưởng lạc quan tuyệt đối. Nàng nghĩ rằng, chiến tranh phong kiến sẽ đem đến cho gia đình nàng công danh phú quý và như vậy giấc mộng công hầu bao lâu nay của nàng sẽ được thỏa mãn. Nói cách khác, trong suy nghĩ của nàng, “phép công” đã thống nhất với những mơ ước của cá nhân nàng.

Có thể nói, khát vọng phong hầu của người chinh phụ không phải là một ý nghĩ thoáng qua trong giây lát mà rõ ràng nó luôn thường trực trong lòng nàng. Từ đầu tới cuối khúc ngâm, khát vọng được nói đến với đầy đủ sắc thái của nó: từ mơ tửơng đến hối tiếc, rồi từ hối tiếc lại tiếp tục lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng, vào sự thỏa mãn của khát vọng. Như vậy, đã có lúc chinh phụ tán thành với cuộc chiến tranh vì chiến tranh có mặt thống nhất với quyền lợi cá nhân của nàng. Thế nhưng, khi đối diện với mối đe dọa hạnh phúc lứa đôi tan vỡ thì chinh phụ có thể kiên trì với khát vọng phong hầu, chức tước được không hay lại thảng thốt cất lên tiếng nói khao khát hạnh phúc lứa đôi và hòa bình êm ấm?

Một phần của tài liệu Cảm hứng nhân đạo trong chinh phụ ngâm của đặng trần côn luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 28 - 32)