6. Cấu trúc luận văn
1.3. Khái lược về thể ngâm khúc
Là một tác phẩm được viết theo thể ngâm khúc- một thể loại văn học trong văn học cổ điển phương Đông, Chinh phụ ngâm tỏ ra có ưu thế nổi trội trong việc thể hiện tâm tư tình cảm, những biến thái tinh vi trong tâm hồn con người( người chinh phụ). Nói vậy để thấy được vai trò của việc lựa chọn thể loại trong sáng tạo văn học. Thiết nghĩ, cũng nên tìm hiểu một đôi nét về thể ngâm khúc nhằm tạo cơ sở cho những nghiên cứu về sau.
Theo Dương Quảng Hàm “Ngâm là một bài văn vần tả những tình cảm trong lòng, là những tình buồn, sầu, đau thương. Các ngâm khúc trong văn tả vẫn làm theo thể song thất lục bát” [7; 139].
Lê Văn Hoè lại nói: “Ngâm là văn vần làm theo thểthơ song thất lục bát hoặc xen lẫn câu ngắn câu dài, có khi giống hệt thể ca ở nghĩa( buồn than), và cách đọc(ngâm nga, trầm lắng).Ngâm khúc bắt nguồn lối tư, khúc của Tầu” [12; 10].
Hoàng Xuân Hãn trong Chinh phụ ngâm bị khảo cũng đã định nghĩa: “Ngâm là những bài thơ có vần điệu, làm ra để đọc với giọng than vãn” [9; 12].
Nhóm biên soạn Những khúc ngâm chọn lọc lại viết: “Ngâm khúc là những tác phẩm hoàn toàn trữ tình,có thể gọi là trường thiên trữ tình,được viết bằng thể song thất lục bát” [4; 14].
Phan Ngọc và Lê Ngọc Cầu thì cho rằng:Ngâm khúc là “thể loại thích ứng với những con người cô độc, bộc lộ những tâm trạng của mình bằng tâm trạng đối chiếu hiện tại với quá khứ hoặc tương lai để trả lời cho câu hỏi hạnh phúc ở đâu: ở hiện tại, ở quá khứ hoặc tương lai” [27; 71].
Trong Từ điển thuật ngữ văn học, thể ngâm khúc được định nghĩa: “Thể thơ trữ tình thường được làm theo thể song thất lục bát, để ngâm nga, than vãn nhằm bộc lộ những tâm trạng, tình cảm buồn, phiền, đau xót triền miên,day dứt. Vì thế ngâm còn được gọi là vãn hay than” [10; 137].
Còn theo Trần Đình Hượu: “Ngâm khúc, truyện Nôm và hát nói là những thể loại văn học được sáng tạo do những nhu cầu thực tế để nói những điều người ta không nói trong thơ phú và cổ văn” [14; 45]. Theo ông, ngâm khúc ra đời không phải ngẫu nhiên mà nhằm đáp ứng những nhu cầu thực tế của cuộc sống tâm hồn con người thế kỉ XVIII.
Ngô Văn Đức lại đưa ra định nghĩa: “Ngâm khúc là những ca khúc trữ tình dài hơi, phản ánh tâm trạng bi kịch của con người đã có ý thức về quyền sống, về hạnh phúc cá nhân, trong giai đoạn lịch sử nhất định được viết bằng ngôn ngữ dân tộc(chữ Nôm) và thể thơ dân tộc song thất lục bát” [5; 49].
Cũng nói về thể ngâm khúc, Phạm Tuấn Vũ cho rằng: “Thể ngâm khúc .Thể loại này ngôn từ theo thể song thất lục bát, phương thức trữ tình, dung lượng lớn. Ngâm là loại trữ tình trường thiên, có khả năng biểu hiện tâm trạng có quá trình, có nhiều biến thiên, do đó có khả năng biểu hiện sâu sắc số phận con người và đặt ra những vấn đề xã hội lớn và những giá trị nhân sinh phổ quát” [42; 53].
Trong nền văn học cổ trung đại Việt Nam, sự ra đời của ngâm khúc là một bước ngoặt to lớn và Chinh phụ ngâm chính là dấu ấn đánh dấu sự ra đời đó. Trên đây là những vấn đề chung khái quát được chúng tôi trình bày để tạo tiền đề cho những nghiên cứu cụ thể hơn, sâu sắc hơn về các biểu hiện của cảm hứng nhân đạo trong Chinh phụ ngâm ở phần tiếp theo.
Chương 2
KHÁT VỌNG CỦA NGƯỜI CHINH PHỤ VÀ SỰ CẢM THÔNG, NGỢI CA NGƯỜI PHỤ NỮ