Vật liệu compozit hay compozit là vật liệu tổng hợp từ hai hay nhiều vật liệu khác nhau tạo nên vật liệu mới có tính năng hơn hẳn các vật liệu ban đầu, khi những vật liệu này làm việc riêng rẽ[3].
Nhìn chung, mỗi vật liệu compozit gồm một hay nhiều pha gián đoạn được phân bố trong một pha liên tục duy nhất. (Pha là một loại vật liệu thành phần nằm trong cấu trúc của vật liệu compozit). Pha liên tục gọi là vật liệu nền (matrix), thường làm nhiệm vụ liên kết các pha gián đoạn lại. Pha gián đoạn được gọi là cốt hay vật liệu tăng cường (renfot) được trộn vào pha nền làm tăng cơ tính, tính kết dính, chống mòn, chống xước[3]…
Nhựa nền trong vật liệu compozit là chất kết dính, giúp chuyển ứng suất sang cho sợi gia cường khi có ngoại lực tác động vào vật liệu. Nhựa nền quyết định khả
năng bền môi trường, chịu nhiệt của vật liệu. Nhiệt độ thủy tinh hóa (Tg) của compozit cũng chính là Tg của nhựa nền[3].
Trong vật liệu compozit, thành phần cốt gia cường được sử dụng phổ biến hiện nay là các loại sợi như: sợi thủy tinh, sợi Aramid, sợi carbon, sợi sisal, sợi amiang... Độ
cứng, tỷ trọng, khả năng chịu nhiệt, chịu môi trường hóa chất...là các tính chất của cốt gia cường cần được quan tâm khi chọn loại sợi cho vật liệu compozit[3].
Ngoài hai thành phần cơ bản trên thì trong vật liệu compozit còn có các phụ gia khác như chất xúc tác, chất xúc tiến, chất tạo màu...
Vật liệu compozit có ưu điểm là nhẹ, bền, cơ tính cao, chịu nhiệt, chịu hóa chất và giá thành phù hợp nên được sử dụng rất rộng rãi. Hiện nay, compozit đã có mặt ở
hầu hết các lĩnh vực của đời sống con người như giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp, y tế, hàng không, vũ trụ[3]..
Vật liệu compozit cao cấp là loại compozit đắt tiền, khả năng chịu nhiệt độ cao, bền chắc. Loại vật liệu này chủ yếu dùng trong ngành hàng không dân dụng, quân sự, vũ trụ và để làm một số vật dụng trong thể thao như golf, tennis[3]...