Ở QUỲNH LƯU- NGHỆ AN
3.1. Một số đặc điểm về viết câu, xây dựng đoạn văn của học sinh THPT ở Quỳnh Lưu- Nghệ An ở Quỳnh Lưu- Nghệ An
Qua điều tra, khảo sát 842 bài viết của học sinh THPT ở Quỳnh Lưu- Nghệ An, chúng tôi nhận thấy: đa số các em đếu đã nắm vững các yêu cầu về câu, xây dựng đoạn văn. Nhiều bài viết có văn phong sáng sủa, linh hoạt, câu văn đúng chuẩn về ngữ pháp, bài văn được bố cục chia đoạn hợp lí, mạch lạc, tập trung làm rõ chủ đề. (lưu ý đoạn văn của học sinh chúng tôi in nghiêng)
Ví dụ :
- Một tình bạn đẹp là sự đối xử với nhau chân thành, biết hi sinh và giúp đỡ nhau. Đơn giản có thể là một lời khen, một lời động viên, góp ý hay một nụ cười rạng rỡ giúp bạn có thêm động lực để phấn đấu.
Câu văn sáng rõ về ý, lập luận sắc sảo, dùng từ ngữ và hình ảnh giản dị mà ý nghĩa (chân thành, biết hi sinh và giúp đỡ nhau, lời khen, một lời động viên, góp ý hay một nụ cười rạng rỡ).
- Chí không chỉ tiêu biểu cho nỗi khổ của người nông dân trong thời kì nước ta còn sống trong vòng nô lệ mà còn thể hiện cho niềm khát khao được làm người, được sống trong lương thiện.
Câu văn thành công khi khái quát về giá trị điển hình của nhân vật Chí Phèo. Người viết đã có cái nhìn sắc sảo và sự thấu hiểu về hình tượng nhân vật. Diễn đạt gãy gọn, mạch lạc (không chỉ tiêu biểu cho nỗi khổ của người nông dân thời kì nước ta còn sống trong vòng nô lệ mà còn thể hiện cho niềm khát khao được làm người, được sống trong lương thiện).
- Tình bạn là một trải nghiệm lí thú của cuộc đời, giúp hoàn thiện nhân cách con người. Chính nhờ bạn mà ta trưởng thành hơn, giàu nghị lực hơn trong cuộc sống. Đó là sức mạnh tinh thần to lớn động viên mỗi người ấp ủ ước mơ, thực hiện hoài bão.
Hai câu văn trên chặt chẽ về ngữ pháp góp phần làm sáng rõ nội dung ý nghĩa: vai trò to lớn của tình bạn đối với cuộc đời mỗi người.
- Sau khi giết kẻ đã làm khổ cả cuộc đời mình, Chí Phèo cầm dao tự sát. Những nhát dao liên tiếp vung lên mang trong đó cả niềm uất hận, sự nuối tiếc, cả tàn ác và lương thiện. Đó là nhát dao trừng phạt những trái ngang của cuộc sống và cũng là tự trừng phạt chính mình. Cái chết là một kết thúc tất yếu đối với Chí Phèo sau khi anh nhận thức rõ bi kịch không được sống như một con người của mình. Từ cái chết ấy, Nam Cao tha thiết gửi đến xã hội một bức thông điệp: “Hãy cứu lấy con người lương thiện”.
Đoạn văn phân tích về cái chết của nhân vật Chí Phèo. Người vết tỏ ra khá sắc sảo trong nhận định và linh hoạt, khéo léo trong diễn đạt. Phép liệt kê được sử dụng hiệu quả (niềm uất hận, sự nuối tiếc, cả tàn ác và lương thiện).
- “Son phấn hay chính vẻ đẹp của nàng Tiểu Thanh đã bị chôn vùi cùng nỗi oán hận ; văn chương – cái thú để nàng giãi bày tình cảm tâm tư lúc cô đơn, buồn khổ cũng bị người ta đốt. Số phận của nàng bị đọa đày và chịu đầy bất hạnh. Tại sao nàng sống trên đời tài giỏi, xinh đẹp đến thế nhưng lại luôn bị người ta diệt cùng giết tận? Những bài thơ tuy không mệnh nhưng cũng phải chịu số kiếp như nàng. Nguyễn Du xót thương con người tài sắc, hận thay cho nàng bởi cuộc đời trắc trở, hận cho mình cũng bởi số kiếp rủi ro:
Nỗi hờn kim cổ trời không hỏi Cái án phong lưu khách tự mang”
Đoạn văn trên dùng từ khá linh hoạt, vốn từ phong phú (chôn vùi, đốt, đọa đày, diệt cùng giết tận, trắc trở, rủi ro), câu văn chặt chẽ về cú pháp, sử dụng hợp lí thành phần chêm xen (cái thú để nàng giãi bày tình cảm tâm tư lúc cô đơn,
buồn khổ), chuyển ý khéo léo (Nguyễn Du xót thương con người tài sắc, hận thay cho nàng bởi cuộc đời trắc trở, hận cho mình cũng bởi số kiếp rủi ro:
Nỗi hờn kim cổ trời không hỏi Cái án phong lưu khách tự mang)
- “Ông thương những con người cùng số phận, ông khóc cho những kiếp người bé nhỏ, mong manh như cát bụi. Đã có lúc ông nghĩ về đời mình. Ông cũng khổ và đáng thương như vậy, liệu có ai khóc ông chăng? Thời gian cứ trôi theo nhịp sống hối hả của cuộc đời. Trôi trên muôn vàn những lãng quên và tiếc nuối. Ba trăm năm sau, có còn ai nhớ tới Nguyễn Du- người đã khóc rất nhiều vì cuộc đời, vì con người? Ai sẽ khóc cho ông và khóc cùng ông để nơi chín suối, tấm lòng sâu nặng tình thương yêu ấy được an ủi, ngậm cười? ”
Người viết đã biết sử dụng các hình ảnh so sánh (những kiếp người bé nhỏ, mong manh như cát bụi); dùng biện pháp tách câu (Thời gian cứ trôi theo nhịp sống hối hả của cuộc đời. Trôi trên muôn vàn những lãng quên và tiếc nuối.); câu hỏi tu từ (Ông cũng khổ và đáng thương như vậy, liệu có ai khóc ông chăng?, Ai sẽ khóc cho ông và khóc cùng ông để nơi chín suối, tấm lòng sâu nặng tình thương yêu ấy được an ủi, ngậm cười?); dùng phép thế để câu văn linh hoạt, phong phú về ý nghĩa (Nguyễn Du- tấm lòng sâu nặng tình thương yêu ấy - ông)...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận học sinh chưa thực sự nắm vững các quy tắc về viết câu và xây dựng đoạn văn. Hiện tượng viết câu
sai ngữ pháp; đoạn văn thiếu chủ đề, lệch chủ đề cũng diễn ra khá phổ biến. Cụ thể như sau: