Hiện nay, loại lỗi này không chỉ xuất hiện trong trường học mà còn lan rộng ra trong xã hội, tạo thành bệnh. Căn bệnh này đang lây lan và ngày càng có xu hướng không thuyên giảm. Ở mọi cấp học, các em sử dụng từ ngữ một cách tùy tiện, nếu không nói là vô ý thức. Vì vậy, ở luận văn này chúng tôi đi vào khảo sát lỗi dùng từ của học sinh THPT. Tư liệu khảo sát là 842 bài viết của học sinh 4 trường của huyện Quỳnh Lưu- Nghệ An.
- Một số lỗi dùng từ của học sinh được trình bày theo cấu trúc sau đây: + Nêu lỗi dùng từ trong câu
+ Phân tích lỗi dùng từ + Nêu cách viết đúng
Lưu ý: Những từ viết sai được chúng tôi in nghiêng Những từ được chữa lại được chúng tôi in đậm
Khi giải nghĩa từ chúng tôi chủ yếu dựa vào cuốn “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học, 1998)
2.2.2.1. Dùng từ sai nghĩa
a. Lỗi dùng từ sai nghĩa của học sinh lớp 10;
- Người cung nữ có một khát vọng quá nhỏ nhen và tầm thường là được hưởng cuộc sống hạnh phúc.
+ “Nhỏ nhen”, “tầm thường” thiên về chê trách, không có thiện chí, dùng những từ đó người ta dành cho những người có tâm địa xấu xa, đáng lên án. Ở đây người viết dùng cho người cung nữ tội nghiệp kia là không phù hợp. Trong trường hợp này cần phải thay bằng từ “nhỏ nhoi” và “bình dị” hoặc “bình thường”.
+ Người cung nữ có một khát khao nhỏ nhoi và bình dị là được hưởng cuộc sống hạnh phúc.
- Ngô Tử Văn là một trí thức giàu tinh thần yêu nước. Anh đã hùng dũng
đốt đền để chống lại những điều dối trá bất công.
+ Từ “hùng dũng” nếu đặt ở đây thì không phù hợp, ta nên thay bằng từ “anh dũng” thì đúng hơn.
+ Ngô Tử Văn là một trí thức giàu tinh thần yêu nước. Anh đã anh dũng đốt đền để chống lại những điều dối trá, bất công.
- Tình cảnh của người chinh phụ thật là oan nghiệt.
+ “Oan nghiệt” là để nói về con người (cuộc đời oan nghiệt, số phận oan nghiệt) chứ không phải để nói tình cảnh hay hoàn cảnh. Tình cảnh thì có thể đi với “ngặt nghèo” hay “nghiệt ngã” hoặc ‘‘ngang trái’’ hay “bế tắc”.
+ Tình cảnh của người chinh phụ thật là nghiệt ngã. - Mẹ mất rồi, Tấm phải ở với mụ dì ghẻ khắc nghiệt.
+ “Khắc nghiệt” : khó khăn, gay gắt đến mức khó chịu nổi (thường dành cho thời tiết).
Ta phải viết ở đây là “ác nghiệt” với nghĩa độc ác và nghiệt ngã. + Mẹ mất rồi, Tấm phải ở với mụ dì ghẻ ác nghiệt.
- Thúy Kiều là một người phụ nữ rất bạc mạng.
+ ‘‘Mạng’’ và ‘‘mệnh’’ là hai cách đọc của cùng một chữ hán có nghĩa tổng quát là ‘‘mạng người’’. Nhưng trong tiếng Việt chỉ có từ ‘‘bạc mệnh’’, không có từ ‘‘bạc mạng’’, “bạc mệnh” là người có số mệnh hẩm hiu, đầy rủi ro.
+ Thúy Kiều là một người phụ nữ rất bạc mệnh.
- Thúy Kiều là người con gái có đầy đủ cả chân, dung, ngôn, hạnh.
+ Người viết không hiểu nghĩa của từ ‘‘chân’’ Hán việt, cứ nghĩ là “chân dung” (bức ảnh). Ở đây phải thay bằng từ “công” trong tứ đức của người phụ nữ theo quan niệm của nho giáo thời phong kiến.
- Lưu Bị là một ông vua có trí não rất thông minh, sáng suốt.
+ “Trí não” là trí óc con người, được coi là biểu tượng của khả năng nhận thức, tư duy. Phải dùng từ “trí tuệ” với nghĩa khả năng nhận thức lí tính của con người đạt đến trình độ nhất định.
+ Lưu Bị là một ông vua có trí tuệ rất thông minh, sáng suốt.
- Lê Lợi và các nghĩa quân Lam Sơn đã cùng nhân dân chống lại giặc ngoại xâm lăng nước ta
+ Có những cụm từ “giặc ngoại xâm” và “xâm lăng nước ta”, nhưng không thể nói “giặc ngoại xâm lăng nước ta”. Có thể nói “giặc ngoài” trong cụm từ “thù trong giặc ngoài”, nhưng không phải là giặc ngoại.
+ Vì thế, có thể sửa là: Lê Lợi và các nghĩa quân Lam Sơn đã cùng nhân dân chống lại giặc ngoại xâm, hoặc “… đã chống lại bọn giặc xâm lăng nước ta”.
- Chúng ta phải học tốt môn Ngữ văn để trao đổi về kĩ năng sống.
+ “Trao đổi” đưa đi đưa lại tận tay nhau một vật gì đó. Còn “trau dồi” là làm cho tốt hơn. Ở đây, học sinh đã nhầm lẫn giữa “trao đổi” và “trau dồi”.
+ Chúng ta phải học tốt môn Ngữ văn để trau dồi kĩ năng sống. - Tình cảnh của người chinh phụ thật là oan nghiệt.
+ ‘‘Oan nghiệt’ là để nói về con người (cuộc đời oan nghiệt, số phận oan nghiệt) chứ không phải để nói tình cảnh hay hoàn cảnh. Tình cảnh thì có thể đi với “ngặt nghèo” hay “nghiệt ngã” hoặc “ngang trái” hay “bế tắc”.
+ Sửa : tình cảnh của người chinh phụ thật là nghiệt ngã. - Yếu điểm lớn nhất của Tào Tháo là đa nghi.
+ “yếu điểm” không có nghĩa là “điểm yếu” hoặc “nhược điểm” mà có nghĩa là điểm trọng yếu nhất. (VD: đó là một yếu điểm quân sự), cũng giống như yếu nhân là người trọng yếu nhất vậy.
+ Điểm yếu lớn nhất của Tào Tháo là đa nghi.
+ ‘‘tàn tụy’’ không có nghĩa, vì thế phải thay bằng ‘‘tiều tụy’’ với nghĩa dáng vẻ tàn tạ, xơ xác đến thảm hại.
+ Trong đêm trao duyên, có lẽ Thúy Kiều đã tiều tụy đi rất nhiều.
b. Lỗi dùng từ sai nghĩa của học sinh lớp 11
- Nguyễn Tuân đã khắc họa rõ nét nghệ thuật trớ trêu và xung đột đối nghịch của Huấn Cao.
+ “Nghệ thuật trớ trêu” : không rõ nghĩa ; xung đột nào cũng có đối nghịch ở bên trong. Ở đây ta nên thay “nghệ thuật trớ trêu” bằng ‘‘hoàn cảnh trớ trêu’’ ; “xung đột đối nghịch” bằng “xung đột nội tâm”.
+ Nguyễn Tuân đã khắc họa rõ nét hoàn cảnh trớ trêu và xung đột nội
tâm của Huấn Cao.
- Các lớp đã phấn đấu để giữ vững thương hiệu của mình.
+ “Thương hiệu” dùng trong các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, buôn bán, ngoại giao, nay được mở rộng nghĩa, nhưng sử dụng trong giáo dục thì không phù hợp, ta nên thay “thương hiệu” bằng “danh hiệu” (tên tuổi) thì phù hợp hơn.
+ Các lớp đã phấn đấu để giữ vững danh hiệu của mình.
- Mỗi người dân không tham gia xây dựng đất nước thì làm sao cho đất nước lớn lên được.
+ “Lớn lên” chỉ sự phát triển về khích thước, chiều cao mà dùng cho đất nước thì không phù hợp, vì vậy ta nên thay ‘‘lớn lên ’’ bằng ‘‘ phát triển’’ thì phù hợp hơn.
+ Mỗi người dân không tham gia xây dựng đất nước thì làm sao cho đất nước phát triển được.
- Giai cấp địa chủ phong kiến chuyên gia bóc lột nhân dân lao động.
+ ‘‘chuyên gia’’: người làm chuyên sâu một nghề nào đó. Trường hợp này dùng “chuyên” với nghĩa thường xuyên, liên tục.
+ Giai cấp địa chủ phong kiến chuyên bóc lột dân lành.
+ Dùng thành ngữ không chính xác. Phải chữa lại là ‘‘mềm nắn rắn buông’’ với nghĩa về thái độ ứng xử với kẻ tỏ ra yếu đuối thì lấn át, dọa nạt, nhưng với kẻ tỏ ra cứng cỏi thì chùn bước, nhân nhượng.
+ Bá kiến biết cách trừng trị nhân dân theo chính sách mềm nắn rắn buông. - Dù không hoàn thànhđược ý chí nhưng Huấn Cao vẫn tỏ ra rất hiên ngang. + ‘‘Ý chí’’ là quyết tâm thực hiện một điều gì đó. Người ta chỉ nói ‘‘có ý chí’’ hoặc ‘‘nung nấu ý chí’’, ‘‘nuôi dưỡng ý chí’’ chứ không ai nói ‘‘hoàn thành ý chí’’ hay ngược lại. Vì vậy, nên thay ‘‘ý chí’’ bằng ‘‘sự nghiệp’’ cho giản dị mà phù hợp hơn.
+ Dù không hoàn thành được sự nghiệp nhưng Huấn Cao vẫn tỏ ra rất hiên ngang.
- Để viết được những trang văn sinh động về cuộc sống và con người thời bấy giờ, Nam Cao đã phải thường xuyên xâm nhập đời sống thực tế của xã hội.
+ “Xâm nhập” là đi vào một cách trái phép hoặc đi vào và gây tai hại (xâm nhập biên giới, vi trùng xâm nhập vào cơ thể). Vì vậy, dùng từ “xâm nhập” trong câu trên là sai. Nên thay thế nó bằng từ “đi sâu” hoặc bằng ‘‘thâm nhập’’ ( vì ‘‘thâm nhập ’’ cũng có nghĩa là đi sâu vào)
+ Để viết được những trang văn sinh động về cuộc sống và con người thời bấy giờ, Nam Cao đã phải thường xuyên thâm nhập vào đời sống thực tế của xã hội.
- Nam Cao là một tri thức tài năng và đầy nghị lực.
+ “Tri thức” là những điều hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng tự nhiên và xã hội (dùng để nói khái quát không dùng chỉ con người ). Nếu muốn nói về Nam Cao, ta dùng “trí thức” thay cho “tri thức”, với nghĩa người chuyên làm việc trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình.
- Tú Xương phải sống trong một xã hội loạn luân, đầy áp bức bất công, ngang trái.
+ ‘‘Loạn luân’’: chỉ tình trạng giao cấu bừa bãi giữa những người cùng huyết thống, hoàn toàn không phù hợp với câu trên. Cho nên với câu trên ta thay từ ‘‘loạn luân’’ bằng ‘‘loạn lạc’’ mới đúng.
+ Tú Xương phải sống trong một xã hội loạn lạc, đầy áp bức bất công, ngang trái.
c. Lỗi dùng từ sai nghĩa của học sinh lớp 12
- Thấy người đàn bà hàng chài đau khổ, chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng muốn chia xẻ với chị ta .
+ “chia xẻ” là chia thành nhiều mảnh, nhiều phần (chia năm xẻ bảy). Dùng vào câu trên không đúng, phải thay bằng từ “chia sẻ” với nghĩa cùng san sẻ, chia nhau những khó khăn.
+ Thấy người đàn bà hàng chài đau khổ, chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng muốn chia sẻ với chị ta .
- Cha ông ta đã “chuyền giọng điệu mình cho con tập nói”.
+ “chuyền” là đưa từng quãng ngắn, từ người này, chỗ này sang người khác, chỗ khác (thuộc phạm trù vật chất). Vì vậy, không phù hợp với lĩnh vực tinh thần ở trên, phải thay bằng “truyền” với nghĩa: để lại cái mình đang nắm giữ cho người khác thuộc thế hệ sau (truyền kiến thức cho học sinh).
+ Cha ông ta đã “truyền giọng điệu mình cho con tập nói”.
- Nguyễn Minh Châu cho nghệ sĩ Phùng phát giác ra một “cảnh đắt trời cho” + “phát giác” là phát hiện ra việc làm phi pháp mà chưa ai biết tới (việc làm mờ ám của hắn đã bị phát giác). Ở câu trên phải thay “phát giác” bằng “phát hiện” với nghĩa tìm thấy cái chưa ai biết đến.
+ Nguyễn Minh Châu cho nghệ sĩ Phùng phát hiện ra một “cảnh đắt trời cho”. - Thơ Xuân Quỳnh rất có tính cách.
+ “Tính cách” là toàn bộ các nét về tính tình có tính chất ổn định, điển hình của một người. Đặt và trong câu này sẽ không rõ nghĩa; phải thay “tính cách” bằng “cá tính”, với nghĩa tính cách riêng của một cá nhân, phân biệt với những người khác.
+ Thơ Xuân Quỳnh rất có cá tính
- Nhân vật Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài là một tính tình điển hình. + “Tính tình” là toàn bộ các đặc điểm tâm lí, tình cảm của mỗi người, thể hiện trong cách đối xử với người, với việc. Nếu kết hợp “tính tình” với “điển hình” thì câu văn trở nên tối nghĩa, không phù hợp. Phải dùng từ “tính cách” (với nghĩa là toàn bộ các nét về tính tình có tính chất ổn định, điển hình của một người) để thay thế.
+ Nhân vật Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài là một tính cách
điển hình.
- Gió thoang thoảng mùi hương đồng ruộng đem lại cho Việt bao cảm xúc về quê hương, gia đình, đặc biệt là về người mẹ yêu dấu của mình.
+ Đồng ruộng: nhấn mạnh nghĩa đất trồng trọt, ít mang màu sắc văn chương. Nếu đặt trong mạch cảm xúc của cả câu, nó trở nên cứng nhắc. Ta nên thay bằng từ “đồng nội” với nghĩa đồng ruộng, đồng quê nhưng mang màu sắc văn chương.
+ Gió thoang thoảng mùi hương đồng nội đem lại cho Việt bao cảm xúc về quê hương, gia đình, đặc biệt là về người mẹ yêu dấu của mình.
- Lời kể của cụ Mết về cuộc đời và số phận của Tnú khiến mọi người dân làng Xô- man rất cảm xúc.
+ “Cảm xúc” thường là danh từ với nghĩa “tình cảm xúc động”, hoặc có khi là “cảm giác xúc động”; khi là động từ thì nó có nghĩa là tình cảm xúc động (Đó là loại người dễ cảm xúc). Nghĩa này hoàn toàn không hợp với câu trên, phải thay “cảm xúc” trong câu trên bằng “cảm động” hoặc “xúc động”.
+ Lời kể của cụ Mết về cuộc đời và số phận của Tnú khiến mọi người dân làng Xô - man rất cảm động.
- Liệu ước mơ của Xuân Quỳnh trong tình yêu có được toại nguyện hay không? + “Toại nguyện” được dùng trong trường hợp con người được thoả mãn nguyện vọng. Còn với ước mơ thì chỉ trở thành hiện thực.
+ Liệu ước mơ của Xuân Quỳnh trong tình yêu có trở thành hiện thực hay không?
d. Nhận xét về các lỗi dùng từ sai nghĩa
Có thể thấy lỗi dùng từ sai nghĩa là một lỗi khá phổ biến của học sinh. Các em mắc lỗi dùng từ sai nghĩa ở cả hai phương diện. Một là từ dùng không chính xác nội dung cần thể hiện. Hai là lỗi về tình thái nghĩa; lỗi này do dùng những từ không phù hợp với sắc thái nghĩa cần thể hiện.
Trong hai loại lỗi trên thì loại lỗi dùng từ sai nghĩa sự vật là chủ yếu, đặc biệt là lớp từ Hán Việt. Loại từ này chiếm một tỉ lệ rất lớn trong tiếng Việt.
Nguyên nhân của loại lỗi này mà học sinh thường mắc phải là do vốn hiểu biết về từ ngữ của học sinh còn hạn chế, mà các em lại không có ý thức học hỏi, tìm tòi và nghiên cứu xem từ ngữ đó nên kết hợp với từ nào mới đúng nghĩa. Vì vậy trong các bài viết của mình, các em thường mắc phải các lỗi dùng từ; có khi người viết viết một cách hồn nhiên vô tư mà không nghĩ đó là mắc lỗi, vô tình họ đã phạm những lỗi khá nghiêm trọng mà họ cũng không hề hay biết.
Như vậy, lỗi dùng từ của học sinh THPT ở Quỳnh Lưu - Nghệ An có khá nhiều. Tổng số lỗi: 29
Trong đó:
+ lớp 10: 12 chiếm 41,4% + Lớp 11: 8 chiếm 27,6 % + Lớp 12: 7 chiếm 24,1 %
Nhận xét: việc sử dụng từ sai nghĩa do sử dụng từ Hán Việt không chính xác chiếm tỉ lệ cao, chứng tỏ khả năng hiểu nghĩa từ Hán Việt của học sinh còn nhiều hạn chế.
Học sinh ở lớp 10 (đầu cấp) sử dụng từ sai nghĩa nhiều hơn. Nguyên nhân là do trình độ của các em còn thấp; khả năng hiểu vốn từ chưa nhiều bằng học sinh khối 11, 12. Ở các lớp học cao hơn, việc dùng dùng từ sai nghĩa càng có xu hướng giảm rõ rệt.
2.2.2.2. Lỗi về kết hợp từ
a. Lỗi về kết hợp từ của học sinh khối 10
- Kim Trọng sau đêm thề nguyền luôn hiện diện bên Thuý Kiều.
+ Dùng từ Hán Việt không phù hợp. Chỉ cần viết “luôn sống ở bên Thuý Kiều” hoặc “ luôn ở bên Thuý Kiều” là đủ.
+ Kim Trọng sau đêm thề nguyền luôn ở bên Thuý Kiều - Bọn địa chủ luôn ức hiếp sức lao động của nhân dân.
+ “Ức hiếp sức lao động” là một kết hợp không chính xác; vì “ức hiếp” là cậy có quyền lực, quyền thế bắt người khác phải chịu những bất công, oan ức. Phải thay bằng “bóc lột” mới chính xác. Hoặc bỏ “sức lao động của” để thành một câu khác: “bọn địa chủ luôn ức hiếp nhân dân”.
+ Bọn địa chủ luôn bóc lột sức lao động của nhân dân