2.1.1 Điều kiện tự nhiên
Nam Đông là một huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế 50km về phía Tây Nam, được tách ra từ huyện Phú Lộc từ năm 1990; huyện Nam Đông có ranh giới địa lý hành chính như sau :
- Phía Đông và phía Bắc giáp với huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Phía Tây giáp với huyện A Lưới, Tỉnh Thừa Thiên Huế. - Phía Nam giáp với huyện Hiên, Tỉnh Quảng Nam.
Toàn huyện có 10 xã và 01 thị trấn. Dân số có 5162 hộ, 23875 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 2161 hộ, 10292 khẩu, chiếm 43% dân số toàn huyện. Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chủ yếu là dân tộc Cơ tu, và một ít các dân tộc khác như: Tà ôi, Pa cô, Pa hy, Vân kiều …. Sống tập trung tại các xã: Thượng Quảng, Thượng Long, Hương Hữu, Thượng Nhật, Hương Sơn, Thượng Lộ.
Tổng diện tích đất tự nhiên là: 65052 ha trong đó: Diện tích đất nông nghiệp là: 4019,38 ha. Diện tích đất lâm nghiệp là: 41799,31 ha. Diện tích đất chưa sử dụng là; 19233,31 ha.
Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước các Bộ ngành ở Trung ương, của tỉnh, đồng bào các dân tộc huyện Nam Đông đã ra sức nỗ lực xây dựng huyện nhà, đưa nền kinh tế ngày càng tăng trưởng khá, sản xuất nông lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố và từng bước hiên đại, văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đã được giữ gìn và phát huy, đời sống nhân dân cơ bản ổn định và có bước cải thiện, định canh định cư đi vào thế ổn định, bộ mặt
nông thôn miền núi từng bước đổi thay, chính trị được ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững.
2.1.2 Kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng
a. Kinh tế - xã hội
Cơ cấu kinh tế được xác định là nông lâm nghiệp - công nghiệp - dịch vụ và từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp. Tốc độ phát triển giữa các ngành phù hợp với cơ cấu đầu tư. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng cao, thời kỳ 1996 - 2000 tốc độ tăng trưởng là 6,7%, thời kỳ 2001 - 2005 là 9,3% thì giai đoạn 2006 - 2008 tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm gần 13%. Thu nhập bình quân đầu người năm 1993 là 0,68 triệu đồng (62USD) thì đến năm 2008 là 9,3 triệu đồng (khoảng 537 USD). Kinh tế hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu đã có những chuyển biến tốt nhiều hộ gia đình có thu nhập cao từ 40 - 60 triệu đồng/năm như hộ gia đình bà Nguyễn Thị Lí xã Hương sơn có thu nhập 60 triệu đồng/năm, hộ gia đình ông Kiên Văn Bường xã Hương Hữu thu nhập 50 triệu đồng/năm; hộ gia đình ông Lê Văn Cường, ông Hồ Xuân Hương xã Thượng Nhật thu nhập trên 45 triệu đồng/năm; hộ gia đình ông Hồ Văn Nhà, Trần Văn Chia xã Thượng Quảng thu nhập trên 40 triệu đồng/ năm…
- Nông nghiệp phát triển theo hướng toàn diện nhưng vẫn chú trọng một số loài cây chủ lực như cao su, chuối, cây ăn quả có múi, các loại giống lúa có năng suất cao, cây keo, bò lai sind, lợn lai…
Gía trị toàn nghành đạt tốc độ tăng bình quân hàng năm là 5,3%. Bình quân giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác là 22 triệu đồng/ năm. Năng suất lúa nước bình quân năm 1991 là 21,5 tạ/ha, đến năm 2009 là 49,7 tạ/ha, bình quân lương thực đầu người năm 2008 là 210 kg/năm; khai hoang mở rộng diện tích lúa nước từ 163 ha năm 1991 lên 378,5 ha năm 2008. Cây cao su được xác định là cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo, đến nay toàn huyện có trên 3.538 ha, tạo thu nhập ổn định cho nhân dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, có hơn 1.420 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có cao su với tổng diện tích gần 2.050 ha, chiếm gần 60% tổng diện tích cao su toàn huyện (bình quân mỗi hộ trồng 1,45 ha cao su); nhiều hộ gia
đình đã có trên 5 ha cao su như hộ ông Hồ Văn Cường xã Thượng Nhật 7,5 ha, ông Hồ Đăng Pừa xã Hương Phú 05 ha, ông Hồ Xuân Dy xã Hương Sơn 05 ha, hộ ông Hồ Văn Nha xã Thượng Quảng 05 ha… Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đã khá lên nhờ vào thu nhập cây cao su. Kinh tế vườn được quan tâm hơn, năm 1991 đa số hộ dân tộc thiểu số đề chưa có vườn hoặc có vườn tạp, đến nay trên 95% số hộ có vườn cây ổn định, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có trên 90% hộ có vườn, nhiều hộ đồng bào đã khá lên nhờ thu nhập từ kinh tế vườn như hộ Ông A Lăng Klói, xã Thượng Long; ông Hồ Văn Đức, xã Thượng Lộ, ông Hồ Văn Lợi, xã Thượng Nhật…Chăn nuôi ngày càng đựoc phát triển, chất lượng đàn tăng, nhất là đàn bò lai Sind, đàn lợn, đàn gia cầm…, nhiều hộ gia đình có từ 10 - 20 con gia súc như: hộ gia đình ông Lê Thanh Cứ xã Thượng Long có hơn 10 con bò, hộ gia đình ông Lê Sỹ Phía, xã Hương Sơn 10 con bò, hộ bà Trần Thị Xanh xã Hương Hữu chăn nuôi trên 20 con lợn…
Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội như điện, đường, trường, trạm và nước sạch được đầu tư đồng bộ theo hướng kiên cố và vững chắc, làm thay đổi một cách cơ bản toàn diện bộ mặt nông thôn miền núi. Từ chỗ hệ thống giao thông gần như ách tắc, luôn bị chia cắt mỗi khi lũ lụt đến thì nay có 100% thôn bản, cụm dân cư có hệ thông giao thông, các tuyến đường liên xã, liên thôn, và những nơi tập trung đông dân cư đều được nhựa hóa, bê tông hóa, 100% xã, thị trấn, đều được đầu tư xây dựng hệ thống trường học, trạm y tế kiên cố đảm bảo cho việc học tập, khám chữa bệnh cho nhân dân. Có 100% xã, thôn có điện lưới quốc gia trên 98% hộ sử dụng điện (trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số có 97,6% hộ sử dụng điện). Trung tâm huyện lị và trung tâm huyện xã được chỉnh trang, diện mạo của một huyện miền núi đã được thay đổi căn bản. Trên 70% đập thủy lợi, 60% kênh mương được kiên cố bằng hệ thống bê tông hóa đảm bảo đủ nước tưới hai vụ trong 85% diện tích lúa nước. Từ chỗ đồng bào dân tộc thiểu số hầu hết dùng nước khe suối đến nay có trên 96,7% hộ dùng nước hợp vệ sinh.
- Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được quan tâm đầu tư và có bước phát triển, giá trị sản phẩm hàng năm không ngừng tăng tốc độ tăng
trưởng hằng năm đạt 19%. Ngoài các ngành sản xuất hiện có, hiện đã phát triển thêm một số ngành nghề như: chế biến mủ cao su, cau khô, đá ốp lát, đá xây dựng, đan lát, dệt Zèng…và đang khởi công xây dựng nhà máy xi măng Nam Đông, đường La Sơn - Nam Đông, đường 74…nhằm khia thác tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương, tạo thêm nhiều việc làm cho nhân dân trên địa bàn.
- Các ngành thương nghiệp, dịch vụ, du lịch có chuyển biến và phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 22% từ chỗ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất tự cung tự cấp đã chuyển sang sản xuất và trao đổi hàng hóa, dịch vụ như vận tải, ăn uống giải khát, điển hình như ông Hồ Trọng Ánh, Arét Tý xã Hương Hữu; Nguyễn Ngọc Arưng xã Hương Sơn… các điểm du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang thu hút khách du lịch đến tham quan kể cả khách nước ngoài như du lịch cộng đồng thôn Giỗi xã Thượng Lộ góp phần chuyển dịch kinh tế của huyện và tăng thêm thu nhập cho người dân lao động.
Văn hóa xã hội có chuyển biến tiến bộ từng bước nâng cao dân trí đời sống tinh thần của nhân dân. Tổng số thôn, bản văn hóa 66 thôn, bản. Trong đó 48 thôn, bản là đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng số gia đình văn hóa 3622 hộ, trong đó 1198 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Các tập tục lạc hậu được đẩy lùi, bản sắc văn hóa được giữ gìn và phát huy.
Về giáo dục: có những chuyển biến cả về quy mô, chất lượng dạy và học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất huy động học sinh đến trường mẫu giáo, tiểu học đạt trên 99%, trung học cơ sở đạt 97,5% và trung học phổ thông đạt 92,6%. Phát triển đồng bộ cả ba ngành học phổ thông, mầm non và giáo dục thường xuyên. Huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và được công nhận 6 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có các xã định canh, định cư định canh định cư có trường tiểu học Hương Sơn được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Về y tế, dân số: Cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ được tăng cường 100% xã thị trấn có bác sĩ, bình quân đạt hơn 16 bác sĩ/1 vạn dân, bình quân
3,7 giường bệnh/100 dân; đã làm tốt công tác y tế dự phòng và kiểm soát được các loại dịch bệnh như sốt rét, bướu cổ, lao, bệnh phong không còn xảy ra; chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế đã được nâng lên, hạn chế tình trạng chuyển lên tuyến trên. Tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên còn 17,1% tỉ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,42%.
Về văn hóa thông tin: phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai thực hiện có hiệu quả, năm 1999 chỉ có hai thôn đăng kí thôn văn hóa thì đến năm 2009 có 66/66 thôn, 78/78 thôn, đơn vị đăng kí thôn văn hóa, cơ quan văn hóa huyện đã tổ chức kiểm tra và đề nghị công nhận 58 thôn, làng đạt chuẩn văn hóa. Trong đó công nhận lần 1 có 58 thôn, đạt 87%, công nhận lần 2 có 10/58 đơn vị, đạt 15%. Đến nay, trên địa bàn huyện Nam Đông hiện nay có 4878 gia đình đăng kí gia đình văn hóa; có 4247 gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa, trong đó có nhiều gia đình tiêu biểu xuất sắc được các cấp công nhận và tham gia Hội nghị tuyên dương của cấp tỉnh và Trung ương.
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Các lễ hội truyền thống, liên hoan nghệ thuật dân tộc, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục nếp sống văn hóa của các đồng bào dân tộc đã được phục hồi và phát triển.
Phủ sóng truyền thanh, truyền hình 11/11 xã, thị trấn, xây dựng được chương trình địa phương. Chương trình tiếng Cơ tu phát hàng tuần trên hệ thống truyền thanh, truyền hình của huyện. Tỉ lệ hộ xem truyền hình đạt 100%, tổng số hộ dân có máy thu hình (ti vi) trên địa bàn huyện là: 4021 hộ/5016 hộ, đạt tỉ lệ 80.82%, 100% xã đã có điểm bưu điện văn hóa, điện thoại cố định đạt 16,2 máy/100 dân, mạng điện thoại di động đã được phủ sóng toàn huyện.
Lĩnh vực xã hội và đời sống nhân dân được quan tâm chỉ đạo, đến nay 100% hộ gia đình chính sách có nhà ở kiên cố và có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức bình quân nơi cư trú, nhà hộ nghèo cơ bản được kiên cố, tỉ lệ hộ nghèo năm 1993 là 32%(tiêu chí cũ) thì đến năm 2008 chỉ còn
11,43% trong đó tỉ lệ hộ nghèo các xã định canh định cư chỉ còn 26,5%. Từ một huyện miền núi có trên 7/11 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn, 9/11 xã nghèo nhưng đến cuối năm 2004 có hai xã xin rút khỏi chương trình 135, hiện nay chỉ còn 2 xã và 4 thôn đặc biệt khó khăn.
b. An ninh - quốc phòng
An ninh quốc phòng trên địa bàn được giữ vững không có vấn đề trộm cắp lớn xảy ra, các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng mang tính thuần túy.
- Tổng số Đảng viên toàn huyện là 1105 đảng viên, trong đó đảng viên là người dân tộc thiểu số 558 đồng chí chiếm 50,4%.
- Số lượng cấp ủy viên 186 đồng chí, trong đó số cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số 114 đồng chí chiếm 61,2%.
- Số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện là 30 đại biểu trong đó, Đại biểu là người dân tộc thiểu số 13 đại biểu chiếm 43,3%, đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã 245 đại biểu, trong đó là người dân tộc thiểu số 115 đại biểu chiếm 46,9%.
- Số uy viên ban chấp hành các đoàn thể nhân dân 307 người, trong đó dân tộc thiểu số 146 chiếm 47,5%.
- Số thôn, bản chưa có chi bộ: 06 thôn, bản chiếm 9,09%. - Số thôn, bản chưa có đảng viên: không.
- Tổng số Đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh: 2505 đoàn viên, trong đó đoàn viên là người dân tộc thiểu số 945 đoàn viên chiếm 37,6%.
- Tổng số hội viên Hội liên hiệp phụ nữ 4647 hội viên, trong đó hội viên là người dân tộc thiểu số là 1803 hội viên chiếm 38,7%.
- Tổng số hội viên Hội Nông dân 3070 hội viên trong đó hội viên là người dân tộc thiểu số 1300 hội viên chiếm 42,3%.
- Tổng số đoàn viên Công đoàn 1121 đoàn viên trong đó đoàn viên là người dân tộc thiểu số 318 đoàn viên chiếm 28,3%.
- Giữ vững phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng xây dựng khối đại đoàn kết của toàn dân. Chính quyền nhân dân từ huyện đến cơ sở ngày càng đổi mới và nâng cao về trình độ, năng lực thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ
sở, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với chính quyền và các cơ quan nhà nước; giải quyết tốt vấn đề nảy sinh từ cơ sở nên tình hình đơn thư tố cáo ít xảy ra. Công tác cải cách hành chính bước đầu có chuyển biến, đã giải quyết, kịp thời các giao dịch hành chính của tổ chức và công nhân.