linh vật như rồng, phượng và hoa lá, cúc dây, hình chữ triện. Mặt trước phía dưới Nghinh Môn có hai tượng hổ chầu ở hai bên. Trên hai cửa phụ là hai bức phù điêu tả cảnh trí nhà trên núi để nói về sự tích Am Tiên trên đỉnh núi Nưa (gọi là tranh vị tiều phu trên núi). Các cửa Nghinh Môn đều được xây theo kiểu cuốn vòm. Trên tầng hai có gác treo chuông. Tầng ba, tầng bốn đều bị bịt kín để đắp tranh phù điêu” [12; 57]. Hiện nay cổng nghinh môn còn lưu giữ đôi câu đối được người dân quý trọng, giữ gìn: “Na Sơn từ lĩnh trấn Na Sơn, Thần duy đức kì thịnh - Cổ Định xã nguyên tòng Cổ Định, Dân trực đạo vi hành”. Có thể nói Nghinh Môn ở Đền Nưa là một loại hình kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn điển hình còn lại khá nguyên vẹn.
Theo lời mô tả của các già làng cũng như căn cứ vào dấu vết mặt bằng cũ thì quy mô đền vào thời Nguyễn khá bề thế. Trước kia, đền Nưa có khuôn viên rộng hơn 3 mẫu, gồm 3 khu với 27 gian thờ. Trải nhiều biến cố, đến nay Đền Nưa chỉ còn một hậu cung và nhà tiền đường vừa được tôn tạo. Cấu trúc đền gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung hợp thành theo kiểu chữ Đinh. Năm 1993, sau khi đền Nưa, Am Tiên được quyết định công nhận bảo vệ, tôn tạo thì chính quyền và nhân dân xã Tân Ninh đã góp công sức khôi phục lại di tích này. Xã sưu tầm được ngôi nhà cổ có niên đại từ năm Minh Mạng thứ 19 (khắc ở thượng lương, là năm 1838) để dựng lên trên nền móng nhà tiền đường cũ gồm năm gian, bít đốc; cấu trúc vì kèo làm theo kiểu kèo suốt trụ trốn. Mỗi vì kèo có 4 hàng chân cột, tất cả có 4 cột cái, 8 cột quân, 4 cột hiên. Hoa văn ở các đầu quá giang và các kẻ bẩy là các lá cúc cách điệu. Nối liền với nhà tiền đường là hậu cung dài 5,4m; rộng 4,2m [12; 58].
Tuy nhiên, do sự thất lạc cũng như bị phá hủy trong chiến tranh và thời gian, ngôi đền đã không còn giữ được những vật thờ cúng bên trong. Nhờ sự vận động ủng hộ mà một số hiện vật được nhân dân tự nguyện mang trả, một số khác phải trang bị mới. Hiện nay, các hiện vật trong đền Nưa cũng khá đầy đủ, trong đó quan trọng có pho tượng Bà Triệu cổ còn sót lại được sau đợt Mỹ thả bom đánh phá vùng Cổ Định. Cũng bởi vậy, người dân cho rằng đây là linh vật rất thiêng. Pho tượng được nặn đắp bằng hỗn hợp bột đất, giấy bản, mật mía, sau khi để khô thì phết quét mầu để hoàn thành. Trong phủ cũng còn lưu giữ ba pho tượng quý thuộc Tam tòa thánh mẫu (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải). Ngoài ra, các loại hạc đồng, lư hương đồng, chân nến đồng, chuông đồng nhỏ và các loại bát hương to, nhỏ, các loại mâm bồng, ống hương, lộng gỗ… được trang bị đầy đủ phục vụ việc thờ cúng, cũng