Ông Hòa chợt nghe tiếng đứa cháu ngoại ở trong vườn. Chết thật! Chẳng biết nó có nghịch cành lan quý mới nở của ông không? Ông vội vã ra vườn. Đến nơi, ông chợt sững người. Nhìn cháu, ông bồi hồi sực nhớ ngày cô con gái mà ông hết mực yêu quý, khi còn thơ bé. Giờ đây, con bé giống mẹ nó ngày xưa như đúc.
- Ba ơi! Ba hái cho con bông hoa kia.
Tiếng đứa bé khiến ông giật mình, thôi nhớ về quá khứ. Ông chăm chú nghe câu chuyện giữa hai bố con:
- Không, bé cưng của ba. Hoa đó ông trồng cho đẹp. Con có thấy hoa đẹp không?
- Hoa đẹp lắm. Tên nó là gì hả ba?
- Đây là hoa phong lan. Ông trồng và chăm sóc rất công phu, cẩn thận. Con không được nghịch của ông nhé. Ông sẽ giận đấy.
- Ba! Không được ngắt hoa của ông ạ.
- Đúng rồi. Thôi nào, con gái. Đến giờ ba tắm cho con rồi. Đi nào.
Hai cha con vui đi vào nhà. Nhìn con bé hồn nhiên, đáng yêu, ông thương gia đình con gái quá. Suốt 6 năm qua, ông giận con gái, từ khi nó lấy một người nước ngoài. Những năm trước, mỗi lần con gái về thăm bố mẹ, ông đều tỏ ra lạnh nhạt với các con. Ông không chấp nhận chàng rể ngoại quốc, càng không thể tha thứ cho đứa con không biết vâng lời cha mẹ.
Tiếng đứa cháu gái lanh lảnh, chợt cắt ngang dòng suy nghĩ của ông.
- Tại sao ông ngoại không dẫn con đi chơi công viên? Ông của Sam thường dẫn bạn ấy đi chơi vào chiều thứ bảy mà. Vui lắm.
Ông đứng lặng, hồi hợp chờ đợi câu trả lời của Lawrence-chàng rể Mỹ của ông.
- Vì ông bận và dạo này ông thường hay mệt, nên không thể đưa con đi chơi. Vài hôm nữa ông khỏe, con rủ chắc ông sẽ đi đấy. Nhưng con phải ngoan, vâng lời người lớn, thì ông mới vui, chóng khỏe để chơi với con.
Nhìn đứa cháu cười đùa vui vẻ, vẩy nước tung tóe khắp sân, ông không khỏi phì cười. Vợ và con gái ông đang nấu ăn dưới bếp, cũng đang nhìn nhau cười tủm tỉm. Hai bố con Lawrence ngưng lại tất cả hành động, quay lại nhìn. Đứa trẻ ngoác miệng cười, vụt kêu lên:
- Ông ơi! Khi nào ông khỏe, ông đưa cháu đi công viên, ông nhé.
Ông đưa tay bế đứa cháu ngoại đang kéo áo, vòi vĩnh ông. Đây là lần đầu tiên, kể từ 5 năm qua, ông mới bế nó.
Bởi cách đây 6 năm, khi Nga-con gái mà ông cưng nhất nhà-thông báo một tin động trời: cô yêu một chàng ngoại quốc. Ông đã thẳng thắn tuyên bố:
- Ba không chấp nhận con rể như vậy. Các con là bạn của nhau thì ba không phản đối, nhưng yêu thì không. Nhất quyết không!
- Ba ơi! Chúng con yêu nhau thật lòng mà. Chưa có một chàng trai nào hiểu con như anh ấy. Chúng con đã là bạn của nhau suốt 5 năm và rất hiểu nhau mới
đi đến quyết định này. Con xin ba mẹ đồng ý.
- Nhưng nó là người nước ngoài, phong tục tập quán, cách suy nghĩ và lối sóng của người ta đâu giống mình. Cho dù mày có đi học và đã quen với cách sống Âu-Mỹ thì hôn nhân đâu có phải chuyện ngày một, ngày hai. Kết hôn sẽ có nhiều ràng buộc, mà bọn Tây thì sống tự do, phóng khoáng, người Việt đâu có chấp nhận được. Sau này rồi mày khổ thôi, con ạ.
Mẹ cũng sụt sùi, khuyên:
- Ba con nói đúng đấy. Một mình ở xứ người, có chuyện gì không người chia sẻ, giúp đỡ, khổ lắm. Rồi nó yêu con vài ba bữa, sau đi với đứa khác thì con tính sao?
Nga vẫn cương quyết. Cô và Lawrence yêu nhau đã lâu. Anh là người thế
nào cô đã hiểu rõ. Nga biết, ba mẹ lo lắng là vì thương yêu mình, nhưng…
- Con yêu anh ấy và nhất định chúng con sẽ hạnh phúc. Con sẽ không lấy ai khác ngoài Lawrence. Con biết ba mẹ lo cho con, nhưng rồi ba mẹ sẽ hiểu về
anh ấy hơn.
Ngày đôi vợ chồng trẻ trở về Mỹ, không một ai trong nhà Nga đi tiễn. Những giọt nước mắt lăn trên má. Suốt dọc đường ra sân bay, cô cứ ngoái đầu nhìn cảnh vật thân quen, bỗng chốc bị bỏ lại phía sau. Nhìn cô, Lawrence choàng qua vai vợ, an ủi:
- Rồi ba mẹ sẽ hiểu chúng ta, em ạ.
Nga chùi nước mắt, nhủ thầm: “Nhất định ba mẹ sẽ chấp nhận anh”.
Những lần sau Nga về thăm nhà, ông vẫn tỏ ra chưa tha thứ cho con, làm mặt lạnh với con và con rể. Thấy cháu gái dễ thương, nhưng vì sĩ diện, ông cũng không thèm ôm nựng lấy nó một lần. Mãi đến hôm nay…Bé đã giúp ông ngoại hòa giải với mẹ. Ông mỉm cười khi nghĩ rằng, không hiểu sao mình lại cố chấp với con lâu đến vậy. Thực ra, trong suốt mấy năm qua, con gái ông lấy chồng và
định cư ở Mỹ, ông vẫn theo dõi từng bước con đi, cuộc sống con ở xứ người xa xôi. Mỗi lần nhận được thư con, ông “bắt” bà đọc đi đọc lại nhiều lần. Có những lúc ngồi nghe, bỗng nhiên ông phá lên cười, vì thư kể những trò nghịch ngợm của đứa cháu yêu, hay khi thì mọi người thấy ông lấy khăn mùi soa chấm
nước mắt vì nhớ con cái, nhớ cháu, hoặc khi người con gái kể chuyện chồng nó chăm sóc vợ ốm thế nào…Thời gian đã chứng minh cho ông thấy, Lawrence là một chàng trai tốt bụng, nhân hậu, sống có trước có sau và hết lòng với gia đình, vợ con. Ông dần dần cũng cảm mến chàng rể, coi anh như con đẻ. Không thương sao được khi đó là bố và mẹ của đứa cháu dễ thương, có đôi mắt trong veo và nhất là nụ cười tươi hồn nhiên như đóa hoa chớm nở thế kia chứ. Nó quấn quýt ông bà ngoại, như tự nhiên trời đã sinh ra thế. Máu mủ ruột thịt mà. Lạnh nhạt mãi sao được!
CHẢ DẠI!
Nghe tiếng chuông cửa, tôi và Thắng cùng ghé mắt ra nhìn. Vừa thoáng cái, Thắng đã cuống quýt nói:
- Mày ra bảo là tao không có nhà nhé. Đi đâu-thì tùy mày. Chưa dứt lời, cậu chàng đã chạy tọt lên gác.
Tôi chỉ mới kịp mở cửa, chưa kịp nói gì, cô gái đã phóng chiếc xe ầm ầm lao vào sân. Tôi đứng như Từ Hải, tay vịn cánh cửa còn mở toang nhìn cô gái, còn cô gái dựng xe, tắt máy, hất đôi kính đen lên đầu, vừa nhai kẹo cao su vừa hỏi:
- Anh Thắng có nhà không anh?
- Cậu ấy đi vắng rồi, cô có cần nhắn gì tôi sẽ nói lại. Thấy tôi vẫn đứng ở cổng, cô gái nói:
- Anh cứ đóng cửa đi. Em chờ anh ấy. Tôi vẫn đứng yên, nói:
- Nhưng cậu ấy đi mà không nói bao giờ sẽ về. Cô gái vừa đi vào nhà vừa nói:
- Anh ở nhà thì nhất định anh ấy sẽ về ngay thôi. Em đợi được, nếu anh cần đi đâu thì cứ đi, em trông nhà cho. Em không phải là kẻ trộm đâu. Anh không tin cứ khóa cửa nhốt em lại. Hì! Hì!...
Thế là hết cách. Thật là nan giải. Chỉ khốn khổ cho thằng bạn tôi. Định bụng để cô gái chán và ngại mà đi về, nên tôi lịch sự, nói:
- Xin lỗi cô, tôi đang có chút việc bận phải làm, mong cô thông cảm. Cô có xem báo thì có báo mới ở dưới bàn đấy ạ.
Nói rồi, tôi vờ bận rộn tìm tìm, lục lục trên giá sách của Thắng và không nói chuyện với cô. Không ngờ cô lại toét miệng cười, nói:
- Anh yên tâm, nhà anh Thắng em chẳng lạ, anh cứ mặc em. Thậm chí anh cần tìm gì em sẽ giúp một tay.
Chưa cần tôi trả lời, cô đến dàn máy lục tìm đĩa rồi bật nhạc. Tiếng nhạc xập xình vừa cất lên, người cô gái cũng uốn éo, vặn vẹo theo, chân nện lên sàn gạch côm cốp, chẳng kiêng nể gì tôi…
Mọi cố gắng của tôi thật vô ích. Tôi đành giả vờ chăm chú làm việc nhưng thật tình đang ngầm quan sát cô gái là lạ ấy.
Cô gái quả cũng đẹp. Không biết khi cô rửa mặt xong thì mặt cô thế nào, nhưng trông cô bây giờ thì không chê vào đâu được, cứ như một chiếc mặt nạ
được tô vẽ rất cầu kỳ tỉ mỉ. Cô mặc cái váy da bó chặt lấy cặp mông trông thật khêu gợi. Cái áo thun ba lỗ hở đến nửa bộ ngực nở nang của cô không che thấy cái rốn râu hoắm trông ngồ ngộ và một vết sẹo cạnh sườn mà tôi ngồi xa vẫn trông rõ mồn một. Cổ chân được trang điểm bằng sợi dây xích vàng chóe làm tôi chú ý đến bàn chân. Giao chỉ đi đôi guốc gỗ kiểu rất lạ mắt, cứ như cái phà, mà dưới đáy phà là một cục gỗ to tướng…
Vừa uốn éo nhảy theo điệu nhạc, cô vừa với lấy chai rượu rót vào ly rồi uống ực một cái đã hết.
Nhảy một lúc thấm mệt, cô ném phịch thân mình vào chiếc ghế salông, chân vắt chéo nhau, cô với tay lấy cái ví đầm và rút ra bao thuốc Mallboro. Cô lấy hai ngón tay móng bôi đỏ chót và dài như mỏ diều hâu, đỏng đảnh rút ra một điếu thuốc, đưa lên môi. Chiếc bật lửa kêu đánh tách, cô gái ngả người vào lưng ghế, hít một hơi dài, rồi từ từ nhả từng hơi khói tròn tròn ra khỏi đôi môi đỏ chín mọng, đôi mắt lim dim mơ màng ngắm ngía làn khói mỏng mảnh lan tỏa, tan dần.
Bỗng tiếng chuông điện thoại di động của cô gái reo vang. Nghe xong điện thoại cô vội vàng khoác túi gọi tôi:
- Anh ra mở cổng cho em. Anh Thắng về, anh bảo anh ấy 7 giờ tối nay đến đón em đi xem ca nhạc nhé.
Cửa vừa mở thì chiếc xe đã lao ra như tên bắn.
Thoát nợ. Muôn vàn lần cám ơn chiếc điện thoại di động. Tôi chưa kịp gọi thì Thắng đã lao từ trên gác xuống: - Con khỉ!
Trông mặt Thắng tôi biết cậu chàng bực lắm, nhưng tôi vẫn trêu: - Cô bé model quá?
Thắng nhún vai, khẽ bĩu môi, nói:
- Báu gì! Chỉ độc tinh tướng. Thi trượt đại học hai năm. Năm ngoái bố mẹ nó phải chạy khối tiền mới xong, thế mà nó tưởng nó chúa lắm, đi đâu cũng chê thằng nọ dốt, con kia ngu. Mà khổ lắm, cái cần biết thì chẳng biết cho, toàn biết những thứ ba lăng nhăng. Những là: ăn ở đâu mới đáng ăn. Uống rượu nào mới hết sẩy. Mặc thế nào mới hết ý…Nhưng thật ra có biết gì đâu, ăn thì chọn nhà hàng sang trọng để lấy le với thiên hạ và để nhà hàng bóp cho lè lưỡi ra chứ báu gì. Uống thì cũng chỉ biết nhìn giá mà chọn, còn rượu thật rượu giả chả biết. Nó chê bọn tao không sành điệu: chấp 3 đứa cũng không thắng nổi nói về tưu lượng…
- Thắng không?
- Nào ai thèm thi. Thắng con gái về tửu lượng thì vênh váo gì. Nó nói thì mặc nó chứ ai chấp…Với lại…con gái uống rượu thì hay hớm gì mà tinh tướng.
- Nó ở đâu ra?
- Nó là em thằng Minh, mày không nhận ra à?
- Ối giời, con ranh bôi trát thế nào mà trông khác quá, mới có 2 năm không gặp mà sao bây giờ trông nó như con “cave” thế. Cái thằng Minh đàng hoàng là vậy mà không biết dạy em à?
- Dạy sao nổi. Bố mẹ nó còn chuyện dạy được nữa là anh. Mình bảo nó ăn mặc như con cave, nhưng nó thì tự hào lắm, cho là: thế giới model, mới hợp thời trang…Nó hãnh diện kể: đi ngoài đường ai cũng phải ngoái lại nhìn theo- người lớn thì khâm phục, con gái thì thèm thuồng, ghen tỵ, thanh niên thì si mê…, khối chàng phải phóng theo để ngắm, để tán…Con ranh chẳng hiểu gì cả, chỉ được cái tinh tướng…
- Thế tiền đâu ra mà nó sắm sửa, ăn mặc gớm thế? - Nó đi nhảy. Vũ nữ đấy!
- Bố mẹ nó không nói gì à?
- Bất lực rồi. Ban đầu vì mải kiếm tiền nên chẳng chú ý đến con. Đến bây giờ, tự nó kiếm được tiền, mắng nó thì nó bỏ nhà ra khách sạn, hoặc làm gái bao thì cũng mất con nên đành chịu với nó.
- Thế có thằng nào dạy nó được không?
- Mày thấy nó thì mày biết rồi. Những thằng chơi với nó thì còn dạy gì nó được…một guộc cả. Có chăng chỉ dạy nó ăn chơi để phá đời thêm mà thôi.
- Thế mày? Tao trông chừng nó mê mày đấy!
- Tao á? Điên à? Tao chưa muốn chết…Người ta bảo “gần mực thì đen gần đèn thì rạng”. Liệu nó gần mình nó có rạng được không? Hay mình lại bị đen đi…Thôi, chả dại!