Trong khâu kỹ thuật lâm sinh

Một phần của tài liệu Tài liệu Cẩm nang lâm nghiệp- Chương 20 LAO ĐỘNG HỌC VÀ LAO ĐỘNG NGÀNH LÂM NGHIỆP Phần 1 ppt (Trang 63)

Khối lượng công việc trong lĩnh vực kỹ thuật lâm sinh tập trung vào thời điểm trồng rừng theo thời vụ, từng vùng khác nhau và từng khâu công việc đặc thù.

1.1. Khâu sản xuất cây con

Công việc sản xuất cây con thường phải được đáp ứng thường xuyên nhu cầu về cây con theo từng thời vụ. Trước khi vụ trồng cây bắt đầu, cây con phải đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu kỹ thuật đặt ra. Khối lượng công việc thực hiện tại khâu sản xuất vườn ươm chủ yếu vào mùa xuân và thu, mùa hè và mùa đông khối lượng công việc thường ít hơn do sự tác động của nhân tố thời tiết.

Công việc sản xuất cây con thực hiện từ hạt giống tại vườn ươm bắt đầu từ khâu làm đất, đóng bầu, gieo hạt, tạo cây mầm, cấy cây con vào bầu và cuối cùng là quản lý và chăm sóc cây con chuẩn bị đưa vào trồng khi thời vụ bắt đầu. Hoặc sản xuất cây con bằng phương pháp nhân giống dinh dưỡng (giâm hom, ghép, nuôi cấy mô). Tuỳ theo mỗi phương pháp mà khối lượng công việc cũng khác nhau.

1.2. Trong khâu trồng rừng

Trong khâu trồng rừng khối lượng công việc tập trung rõ rệt mang tính thời vụ và tuỳ theo từng vùng như sau:

Miền Bắc thường trồng rừng theo 2 mùa vụ đó là vụ xuân và vụ thu. Vụ xuân, đây là mùa vụ trồng rừng chính thường chiếm trên 50% kế hoạch trồng rừng tập trung vào vụ này, thời gian thường diễn ra từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm. Vụ thu từ tháng 8 đến tháng 10, đây là vụ thứ yếu khối lượng công việc tập trung vào thời kỳ này không lớn.

Miền Trung thường trồng rừng tập trung chính vào vụ thu.

Miền Nam thường trồng rừng tập trung vào mùa mưa, từ tháng 5, 6, 7.

Các khâu công việc chính trong trồng rừng là xử lý thực bì đến làm đất, trồng cây, chăm sóc và bảo vệ. Trong đó các khâu xử lý thực bì, làm đất và trồng cây là các khâu có khối lượng công việc nặng nhọc nhất dễ xảy ra tai nạn lao động.

1.3. Trong khâu chăm sóc rừng

Tuỳ theo quy trình chăm sóc cho từng loài cây cụ thể, các công việc cần tiến hành bao gồm: Xới đất làm cỏ và vun gốc cây, phát quang dây leo bụi rậm, bón thúc (tuỳ từng điều kiện), tỉa cành (từ năm thứ 3 trở đi), và công việc chặt tỉa thưa, chặt nuôi dưỡng cho rừng đã khép tán. Nhìn chung chu kỳ chăm sóc diễn ra trong thời gian dài nên khối lượng công việc thường phân tán với khối lượng ít. Các tai nạn thường xảy ra ít trong giai đoạn này mà chủ yếu ở các khâu công việc chặt tỉa thưa và nuôi dưỡng.

Một phần của tài liệu Tài liệu Cẩm nang lâm nghiệp- Chương 20 LAO ĐỘNG HỌC VÀ LAO ĐỘNG NGÀNH LÂM NGHIỆP Phần 1 ppt (Trang 63)