1.1. Đặc điểm tổ chức sản xuất lâm nghiệp
Hiện nay, trong các lâm trường quốc doanh, các hình thức khoán đến hộ và cá nhân người lao động đang được áp dụng ngày càng phổ biến. Các hình thức khoán đang được áp dụng rộng rãi bao gồm: khoán việc, khoán theo công đọan, khoán hàng năm và khoán ổn định lâu dài (theo Nghị định 01/CP).
1.1.1. Khoán việc
Là hình thức cá nhân, hộ gia đình nhận khoán hoàn thành một khối lượng công việc được giao theo đúng quy trình kỹ thuật và thời hạn, được lâm trường trả công theo sản lượng và chất lượng công việc hoàn thành. Hình thức khoán này đơn giản, dễ thực hiện, dễ theo dõi và giám sát. Tuy nhiên, với hình thức khoán này, chi phí quản lý giám sát lớn, không phát huy được tính tự giác, chủ động của người lao động, không thích hợp với những quy trình sản xuất mà kết quả của khâu trước, giai đoạn trước gắn liền với kết quả của các khâu sau, giai đoạn sau và không gắn được kết quả sản xuất cuối cùng với quá trình sản xuất lâm nghiệp.
1.1.2. Khoán theo công đoạn
Là hình thức cá nhân, hộ gia đình nhận khoán hoàn thành một công đoạn sản xuất (gồm nhiều công việc khác nhau). Việc giao khoán này được thực hiện dựa trên định mức kinh tế, kỹ thuật và định mức tiền công trả cho người lao động. Ví dụ, khoán cho cả giai đoạn kiến thiết cơ bản, khoán giai đoạn kinh doanh, hoặc khoán cả giai đoạn kiến thiết cơ bản và kinh doanh. Khoán theo công đoạn có thể chia thành 2 hình thức: khoán tiền lương và một phần chi phí thường xuyên và khoán tiền lương với toàn bộ chi phí thường xuyên.
Với hình thức khoán này, lâm trường thống nhất quản lý toàn bộ quy trình kỹ thuật và toàn bộ sản phẩm, cũng như toàn bộ chất lượng sản phẩm. Quyền sử dụng đất đai và giá trị tài sản trên đất thuộc về lâm trường. Với phương thức khoán này, lâm trường chủ động trong việc thay đổi phương thức sản xuất, điều chỉnh quy hoạch, còn người lao động an tâm gắn bó với công việc. Tuy nhiên, cũng như đối với hình thức khoán việc, tổ chức bộ máy của lâm trường cồng kềnh, chi phí quản lý lớn.
1.1.3. Khoán hàng năm
Với hình thức khoán này, định mức khoán có thể được điều chỉnh hàng năm hoặc xây dựng ổn định trong một số năm. Lâm trường đầu tư trồng mới hình thành vườn cây, rừng trồng rồi sau đó giao khoán cho các hộ chăm sóc, thu hoạch theo kế hoạch hàng năm. Lâm trường quản lý quy trình kỹ thuật, đầu tư, phân bón, bảo vệ thực vật, quản lý và tiêu thụ sản phẩm, thanh toán tiền công cho người lao động và các khoản khác theo quy trình kỹ thuật. Hộ gia đình nhận khoán chịu trách nhiệm chăm sóc vườn cây, rừng trồng và thu hoạch sản phẩm hàng năm. Hộ gia đình nộp sản phẩm theo định mức khoán, phần vượt khoán, hộ gia đình được hưởng từ 60 - 100% đơn giá sản phẩm tuỳ theo điều kiện cụ thể.
Hình thức khoán này có thể huy động và khai thác được một phần tiềm năng vốn, lao động và kỹ thuật của các hộ nhận khoán. Việc thanh toán dứt điểm hàng năm tránh được nợ nần dây dưa. Lâm trường quản lý được sản phẩm và quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, với phương thức này, người lao động vẫn chưa hoàn toàn tự chủ trong sản xuất, do đó không khuyến khích người nhận khoán đầu tư chiều sâu cho sản xuất.
1.1.4. Khoán ổn định lâu dài có đầu tư
Đây là hình thức hợp đồng khoán thực hiện nhiệm vụ giữa lãnh đạo lâm trường với người nhận khoán, còn giá trị vườn cây, rừng vẫn thuộc quyền sở hữu của lâm trường.
Hình thức này có 2 mô hình khoán chủ yếu sau đây:
- Khoán ổn định lâu dài với các định mức khoán cố định. Mô hình này có ưu điểm là người lao động nhận khoán an tâm đầu tư phát triển sản xuất, lâm trường quản lý và kiểm soát được toàn bộ chất lượng sản phẩm và phần lớn sản lượng. Tuy nhiên, hạn chế của mô hình này là các định mức kinh tế kỹ thuật không thay đổi kịp với giá cả lâm sản, vật tư trên thị trường và lâm trường gặp khó khăn trong điều chỉnh các hợp đồng khoán. Khi giá vật tư đầu vào tăng cao, lâm trường không cung ứng đủ khối lượng và chủng loại vật tư theo hợp đồng và phương án giao khoán, gây ảnh hưởng đến việc giao nộp sản phẩm của người nhận khoán. Khi giá bán sản phẩm tăng đột biến, người nhận khoán có tâm lý giấu sản phẩm để bán ra ngoài gây thiệt hại cho lâm trường.
- Khoán ổn định lâu dài với định mức khoán có điều chỉnh theo từng giai đoạn (2-3 năm điều chỉnh một lần theo các giai đoạn phát triển và điều kiện thực tế của vườn cây). Với mô hình này, các định mức được điều chỉnh theo từng giai đoạn, tương đối sát với sự biến động của thị trường nên lâm trường có thể giảm được các rủi ro trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc điều chỉnh định mức liên tục, một mặt đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ nghiệp vụ giỏi, có khả năng dự báo được các biến động của thị trường, mặt khác, việc điều chỉnh thường xuyên có thể gây tâm lý không yên tâm đầu tư theo chiều sâu đối với người nhận khoán.
1.1.5.Khoán ổn định lâu dài không có đầu tư của lâm trường
Hình thức này được vận dụng ngày càng phổ biến, nhất là từ khi các lâm trường thực hiện giao khoán đất theo Nghị định 01/CP. Để tiến hành giao khoán, các lâm trường tiến hành đánh giá giá trị vườn cây, rừng, xác định sản lượng giao khoán rồi giao cho người nhận khoán tự sản xuất và tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất của mình.
Với phương pháp khoán này, người nhận khoán an tâm đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng khoán trắng cho người nhận khoán, buông lỏng quản lý, dẫn đến việc chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, chuyển nhượng hợp đồng khoán vườn cây qua nhiều chủ mà lâm trường không biết, phá vỡ quy hoạch chung, không cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Một số trường hợp d?nh m?c thu s?n lu?ng khoán v.v...các kho?n khác t? ngu?i nh?n khoán thu?ng r?t th?p, không d? chi cho công tác qu?n lý.
1.2. Tính chất lao động và yêu cầu về thể lực và tay nghề
Các lâm trường thường có diện tích rất rộng tới hàng ngàn hecta, thậm chí vài chục ngàn hecta. Hầu hết các công việc lâm nghiệp được tiến hành ngoài trời, trực tiếp chịu ảnh hưởng của bức xạ nhiệt mặt trời và di chuyển trong không gian tương đối rộng và bị cô lập với xã hội bên ngoài. Một số công việc người công nhân phải vận hành máy quá trọng lượng (máy nâng, máy ủi), máy có độ rung lớn (cưa xích).
Nhìn chung, trình độ công nghệ và kỹ thuật sản xuất của lâm nghiệp nước ta còn lạc hậu, lao động thủ công là chủ yếu. Lao động lâm nghiệp làm việc trong những điều kiện không thuận lợi, lao động cơ bắp nặng nhọc, tư thế làm việc không thoải mái, nguy hiểm và có hại cho sức khoẻ.
Công việc trong lâm nghiệp thuộc loại có nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp tương đối cao, đặc biệt những ảnh hưởng do sức nóng, những bệnh điếc do phải làm việc trong môi trường ồn, bệnh thần kinh tọa hay đau lưng do phải làm việc nặng với tư thế
không thuận lợi (khiêng, vác, kéo xe, cắt cành,...). Những ảnh hưởng do các cơ bắp và khớp xương hoạt động quá tải...
Do đặc điểm lao động như vậy, lao động lâm nghiệp đòi hỏi phải có chế độ dinh dưỡng tốt để đảm bảo thể lực cho công nhân. Một số công trình nghiên cứu với lao động lâm nghiệp như Aput và Valdes (1986), Staal (1990) đã chứng minh sự cần thiết phải đảm bảo chế độ ăn uống cung cấp đủ dinh dưỡng cho công nhân lâm nghiệp, khi đó năng suất lao động được nâng cao. Ngoài cung cấp đủ số lượng dinh dưỡng, việc bố trí các bữa ăn hợp lý nhằm phân phối năng lượng cần thiết cho cơ thể trong những khoảng thời gian khác nhau trong ca làm việc cũng có ý nghĩa rất quan trọng.
Để có thể áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, cần có các chương trình đào tạo tay nghề cho công nhân lâm nghiệp. Những nghề phổ biến cần đào tạo cho công nhân lâm nghiệp là vận hành máy cắt tỉa, vận hành máy cưa xích, máy kéo, máy vận chuyển, máy trượt, máy trồng cây,...