Tổ chức lao động khoa học

Một phần của tài liệu Tài liệu Cẩm nang lâm nghiệp- Chương 20 LAO ĐỘNG HỌC VÀ LAO ĐỘNG NGÀNH LÂM NGHIỆP Phần 1 ppt (Trang 30 - 33)

3.1. Phân công và hiệp tác

Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong tổ chức lao động khoa học là thực hiện phân công và hiệp tác lao động. Phân công lao động là sự phân chia toàn bộ quá trình lao động thành những phần việc nhỏ và trao cho những cá nhân hoặc nhóm lao động có nghề nghiệp và trình độ phù hợp để thực hiện.

Trong lâm nghiệp, tổ chức công việc theo tổ, đội có tính phổ biến, trong đó công việc được phân công luân phiên, các thành viên có thể bàn luận về việc phân công và luân phiên nhiệm vụ, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi,...và hiệp tác với nhau trong thực hiện. Kinh nghiệm về các hình thức lao động tiên tiến ở Thụy Điển cho thấy, đối với một số nhóm có hai công nhân khai thác gỗ đều đặn luân phiên công việc cho nhau, chẳng hạn một công nhân vận hành máy chế biến và một công nhân đốn gỗ thủ công, hoặc một vài nhóm công nhân vận hành máy tỉa thưa tự quyết định cách thức vận hành, lập kế hoạch mạng phân luồng, kiểm tra

công tác tỉa thưa và những cây còn lại, đo đường kính các khúc gỗ, đồng thời bảo dưỡng máy móc, kết hợp với phân công công việc luân phiên (Frykman 1980).

Ager (1980) trình bày một ví dụ về tỉa thưa và phát quang. Những hoạt động này cần được lập kế hoạch và thực hiện đồng thời trên các vùng khai thác lân cận. Sau đó tiến hành lập khế ước và trao đổi công việc giữa những người công nhân với nhau. Nhờ vậy, chất lượng công việc được nâng lên.

Một ví dụ khác về cơ cấu tổ chức công việc theo ca kiểu cuốn chiếu. Thông thường các công việc dùng đến máy móc được thực hiện theo ca nhằm đạt hiệu suất sử dụng máy cao. Do vậy, người quản lý thường muốn tổ chức ít nhất 2 ca làm việc, còn công nhân vận hành thì lại muốn làm việc chỉ 1 ca. Một sự thỏa hiệp đó là tổ chức theo “ca cuốn chiếu”. Thay vì làm việc từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều, người công nhân thứ nhất làm việc từ 6 giờ đến 3 giờ chiều và người công nhân thứ 2 làm việc từ 9 giờ đến 6 giờ tối trên cùng một máy và cứ 3 tiếng họ lại thay phiên nhau. Việc luân phiên này vừa đảm bảo nâng cao hiệu suất sử dụng máy, vừa đảm bảo sức khoẻ cho người lao động. Tuy nhiên, với phương pháp tổ chức “ca cuốn chiếu” rất cần thiết phải lựa chọn thành viên và thành lập nhóm phù hợp. Việc thay thế một thành viên trong nhóm cũng có thể gây ra những khó khăn hoặc thậm chí là sự phản đối của nhóm.

Để có thể phân công và hiệp tác lao động có hiệu quả, cần chú ý tới một số yếu tố quan trọng sau đây:

- Hệ thống các nhu cầu của người công nhân. - Trình độ của công nhân và cán bộ quản lý. - Mục tiêu của hệ thống sản xuất.

- Đặc điểm văn hoá-xã hội của người lao động:

Họ có cùng nhóm người, dân tộc, làng xã,...không ? Họ có sẵn sàng làm việc không ? cần đốc công không ?

Người đốc công trước đây có sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với những thành viên khác trong nhóm không ?

3.2. Tổ chức nơi làm việc

Nơi làm việc là đơn vị nhỏ nhất trong hệ thống tổ chức lao động, trong đó người công nhân thực hiện các hoạt động lao động. Tại nơi làm việc có sự kết hợp giữa người điều khiển, các phương tiện kỹ thuật (công cụ, thiết bị và trang bị phụ trợ) và đối tượng lao động. Tổ chức nơi làm việc hợp lý có thể giúp làm giảm sự mệt mỏi về thể lực và căng thẳng về thần kinh tâm lý.

Xuất phát từ nhiệm vụ lao động, tại nơi làm việc cần bố trí các phương tiện, công cụ, trang thiết bị hợp lý trong mối quan hệ với nhiệm vụ công việc và số lượng công nhân.

Người lao động làm việc trong tư thế gò bó, ngồi hoặc đứng trong thời gian dài thường gây ra đau lưng, đau cổ và căng thẳng cơ bắp. Nơi làm việc bị chói loá do chiếu sáng không tốt gây mệt mỏi thị lực và thần kinh tạo nên tâm lý khó chịu.

Phương tiện lao động, máy móc, thiết bị nếu khác với các yêu cầu về nhân chủng học, cấu trúc văn hoá, xã hội có thể dẫn đến hậu quả xấu. Ví dụ, người Việt Nam nhỏ bé phải làm việc với máy móc công cụ, phương tiện vận chuyển được thiết kế cho người châu Âu to lớn, thì người điều khiển phải luôn gắng sức để với tới và thao tác trên các cơ cấu điều khiển nên nhanh chóng mệt mỏi, các thao tác sẽ chậm và thiếu chính xác.

Do đó, việc thiết kế nơi làm việc và phương tiện lao động phải thích ứng với kích thước người điều khiển, phù hợp với tư thế, lực cơ bắp và chuyển động của cơ thể con người. Nơi làm việc phải an toàn, tạo cho người lao động cảm giác dễ chịu, thoải mái, dễ dàng thực hiện nhiệm vụ lao động. Cần phải loại trừ sự quá tải, gây nên bởi tính chất công việc vượt quá giới hạn trên hoặc dưới của chức năng hoạt động tâm sinh lý của người công nhân.

Việc bố trí công cụ làm việc phải đảm bảo chiếm ít diện tích, không gian, phù hợp với tư thế lao động của người công nhân. Các thiết bị, công cụ tại nơi làm việc phải được thiết kế hợp lý về kích thước, phù hợp với người lao động (chiều cao ghế ngồi, bàn làm việc, góc quay, sải tay,...). Sử dụng các dụng cụ tốt hơn về mặt lao động học (ergonomy), ví dụ dùng dụng cụ có tay cầm dài hơn, dùng cưa vòng cung 2 người thay vì cưa cắt chéo; bố trí các dụng cụ bỗ trợ như đòn bẩy, xe kéo có tay kéo dài.

Để giảm sự mệt mỏi và căng thẳng thần kinh tâm lý, có thể kết hợp bố trí nơi làm việc hợp lý với tổ chức lao động phù hợp như luân chuyển công việc thường xuyên, mở rộng công việc v.v...

Phần 4: Đặc Điểm Và Yếu TốẢnh Hưởng Đến Lao Động Lâm Nghiệp

Một phần của tài liệu Tài liệu Cẩm nang lâm nghiệp- Chương 20 LAO ĐỘNG HỌC VÀ LAO ĐỘNG NGÀNH LÂM NGHIỆP Phần 1 ppt (Trang 30 - 33)