Con đường của văn học

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 32 - 36)

Trong tiểu luận Con đường văn học, Nguyễn Huy Thiệp viết: “Khi tôi nhận ra rằng văn học là một thế giới hoang tưởng của người viết thì không có nghĩa là tôi hạ thấp giá trị văn học. Tôi chỉ vạch ra những giá trị vô bổ, vô nghĩa của văn học mà thôi. Tôi cũng đã cảnh tỉnh để người viết dè chừng khả

năng bị tha hoá về mặt tinh thần, đạo đức khi cầm bút viết” [70,47]. Nói như vậy có nghĩa là Nguyễn Huy Thiệp đã ý thức được rằng nghề văn là nghề rất khó khăn và để đi xa được thì lòng ham mê, những ước mơ, khao khát về nghề nghiệp rất lớn, “thành ra khi đọc những tác giả trẻ tôi chú ý đến trí tưởng tượng của người viết, đọc sáng tác của người nghèo trí tưởng tượng tôi luôn luôn có cảm giác nhói tim và biết rằng họ chọn nhầm nghề hoặc là họ đi không đúng hướng” [70,30]. Trí tưởng tượng với những cây bút trẻ rất quan trọng, nó có thể đẩy con người ta đi xa thêm trong nghiệp văn học, chứ không chỉ là quằn quại, giữ riết lấy cái hiện thực của cuộc sống trần trụi.

Trang Lý luận phê bình văn học, ngày 16.03.2011 có trích dẫn bài viết của Trương Tửu (trích nguồn: Ích hữu, Nxb Tân Dân, số 94, ngày 8.12.1937), nhà phê bình Trương Tửu viết: “Văn chương phải lấy sự sống làm nguồn, phải tắm gội trong hào quang rực rỡ của nó, phải giúp nó chiếu thẳng đến tim óc mọi người, phải phụng sự nó không rụt rè, không nhu nhược. Tóm lại, văn chương phải mô tả sự sống để đánh dấu nó trên con đường phát triển vô cùng tận, qua các biến thiên của thế kỷ”. Quan điểm của Trương Tửu rất hợp với quan điểm của của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Huy Thiệp cũng luôn trăn trở “công việc của nhà văn bắt đầu từ đâu? [70,31]. Nói một cách rộng ra là để có một tác phẩm xứng đáng thì nhà văn phải nghiên cứu tâm lý của cả một dân tộc trong một thời gian dài, từ đó nắm bắt tâm lý công chúng thời đại anh ta đang sống. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, mỗi tác phẩm ra đời phải là một sự nâng niu cuộc sống vì chỉ có sự sống là đáng yêu, đáng quý, đáng vun xới, đáng khuếch xung, đáng tôn thờ.

Cũng bởi vì những trăn trở thường nhật ấy mà khi mô tả cuộc sống, Nguyễn Huy Thiệp không mô tả sự sống vụn vặt như mọi nghệ sĩ thiển cận thường nhìn và sao chép, “văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa, đấy là chí thánh” [70,256]. Không có gì

giúp người cầm bút đủ tự hào để phấn đấu, đủ can đảm để thắng, đủ an ủi để ngã, bằng nhận thấy rằng bao giờ nhà văn cũng mạnh dạn đứng vào hàng ngũ tiên phong. Bao giờ nhà văn cũng vui vẻ, hăng hái giữ nhiệm vụ tên lính cảm tử phất cao ngọn cờ tranh đấu, dắt xã hội chạy tìm những chân trời mới và đẹp trên con đường kiếm tìm của hạnh phúc.

Phận sự của nhà văn thiêng liêng như vậy, nên không thể coi văn chương là một món trò giải trí lúc trà dư tửu hậu. Văn chương phải là khí cụ phát biểu và lưu hành tư tưởng, tình cảm mạnh và đẹp. Văn chương, phải có tinh thần tranh đấu và lý tưởng. Không đủ những tính cách ấy, văn chương tự truất địa vị mình, tự hoại giá trị mình và trở nên một sức phản tiến bộ đáng bài trừ. Mà nhà văn nào phụ họa vào nó sẽ bị coi như kẻ thù của xã hội. “Văn học ở ta mới hình thành chưa được 100 năm. Đã đến lúc văn học phải bước những bước chính xác trong cuộc hành trình gian khổ của nó. Chính xác cũng là một điều kiện thiết yếu của cái Đẹp” [70,37].

Vì tương lai của văn chương Việt Nam, Nguyễn Huy Thiệp đã tình nguyện lĩnh cái nhiệm vụ gai góc ấy, không ngại ngùng những lời chê bai của kẻ hèn, không ngừng bước trước sự mai mỉa của kẻ yếu, không nản chí trước sức phản công của giới phê bình. Văn chương của ông không uỷ mị, cũng chẳng xu nịnh ai. Mặc dù đôi khi cũng buồn khi nhìn thấy “giá trị văn học thường chỉ được người ta nhắc đến khi người viết ra nó không còn nữa, nó lơ lững, vô hình như một làn khói vô định” [70,37], nhưng những nhà văn dũng cảm sẽ chẳng bao giờ trông chờ vào sự hào hiệp của người đời.

Cuộc sống càng khắc nghiệt, hiện thực càng ghê gớm, miếng ăn manh áo trở thành vấn đề riết róng thì văn học càng phải nâng đỡ con người ta, nó đòi hỏi trí tưởng tượng, đòi hỏi con người phải bứt phá. Đấy là điều mà “văn chương khác với chính trị. Nó cứu cuộc đời theo cách riêng của nó” [70,52]. Nghề văn là một nghề luôn đặt người viết trong tình trạng để tình cảm của

mình ở trong hoàn cảnh hiểm nghèo. Nguyên liệu chính của người viết văn không phải là anh hiểu cái này, biết cái kia, nhưng sự rung động của anh trong những tình huống hiểm nghèo như thế nào thì nó quan trọng hơn cả. Sứ mệnh của văn chương là phải nhào nặn những thứ nguyên liệu quý báu đó. Một nhà văn có lương tâm không phải là người chỉ biết mơ mộng, ca hát những bài phù phiếm, tán tụng những cái xa xỉ, mà anh phải cho ra lò những tác phẩm văn học “có khả năng sản xuất ra những người cao thượng và những tình cảm cao thượng” [70,53].

Văn là người. Văn chương bởi con người, cho con người và vì con người. Quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp về sứ mệnh của văn chương là thế. Cái khó là ở chỗ văn chương không phải là con người bằng xương bằng thịt mà văn chương là ý nghĩa, là hình ảnh về con người. Tuy vậy văn chương không chỉ là hình ảnh giống như chiếc bóng của con người đổ xuống mặt đường, đổ lên tường vách, lên cuộc đời, mà văn là con người ở mức cao hơn, một con người đang phóng về phía trước với dự phóng cao cả siêu việt của nó bằng một ý chí làm người mỗi ngày một người hơn. Trong Nhà văn và bốn trùm mafia, Nguyễn Huy Thiệp viết “Sự thức tỉnh con người ở văn chương có ba bảy đường” [70,61]. Nói như vậy cũng có nghĩa là văn chương có khả năng làm thay đổi con người bằng nhiều hình thức khác nhau. Khi con người đã tiến bộ về tâm thức, tình bác ái và lối sống thì con người được xem như là đang bước vào con đường nhân văn, nhân đạo. Văn là con người, nhưng con người của chữ nghĩa và giáo dục và con người đó hành động vì chữ nghĩa và giáo dục. “Nhân dân đã chán ngấy những cuốn sách thuyết giảng thứ đạo đức giả. Họ cũng chán ngấy các sách mua vui rẻ tiền và những sách gợi cảm giác mạnh. Thậm chí đến cả những sách ca ngợi tinh thần dân tộc trong các cuộc chiến tranh vệ quốc nữa, bây giờ cũng trở nên lạc lõng. Nhân dân đang cần

những cuốn sách tự vấn, những cuốn sách giúp họ tự nhận thức lại mình. Làm được điều đó là một công lao to lớn của nhà văn hiện đại” [70,36].

Trong Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn (1),

Nguyễn Huy Thiệp có viết: “Văn học (với tính chất xã hội rõ ràng) không còn là một “nghệ thuật chữ nghĩa” mà hiển nhiên là “nghệ thuật sống”, nó là cái cần câu cơm, là tay thước, là cây gậy, là cái bẫy chim, thậm chí còn là cây súng”[70,301]. Như vậy, văn học không phải là một thứ rêu rao làm hàng suông cho cuộc đời hoặc đọc véo von để phỉnh nịnh đôi tai thích nghe vần điệu, âm thanh, hoặc kích động tâm trí thích giật gân kỳ quái của những tâm hồn nông nổi. Sứ mệnh của nó là tự thân phải hướng đến nhiệm vụ hướng Thiện con người, nhiệm vụ của nó là phải đền trả những bó lượm ngôn từ giao phó, kiến thức mà nó gặt hái trên cánh đồng giáo dục bằng cách gieo trồng lại chính chữ Nghĩa cho cánh đồng đó, bổn phận của chữ nghĩa phải hướng đến làm người, nghĩa là làm cuộc sống của con người Đẹp hơn. Quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp là thiết yếu sát cánh với đời sống tinh thần. Một cuốn sách không ăn được, nhưng nó là thức ăn để bổ dưỡng tinh thần. Tuy nhiên văn chương không phải là thứ mây ngũ sắc phiêu lãng bồng bềnh trôi trên tận tầng trời bỏ mặc trần gian lam lũ trong những thân xác nặng nề. Đó cũng là lẽ sống toàn diện của văn chương.

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(120 trang)
w