Vấn đề tính dục trong văn học

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 36 - 41)

Có thể nói bàn về tính dục trong văn học cũng giống như bàn về “hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp” trên văn đàn Việt Nam thời kỳ Đổi mới, “nó vừa quen vừa lạ”. Tính dục có phải là một khuynh hướng (hay trào lưu) sáng tác văn học hiện nay. Tác giả, tác phẩm nào đại diện cho khuynh hướng này? Vì sao lại xuất hiện khuynh hướng này? Nếu đã coi đây là một khuynh hướng sáng tác thì nên nhìn nhận nó như thế nào?

Trước hết, nếu coi Sex vừa là đối tượng đề cập, vừa là phương tiện chuyển tải các ý đồ nghệ thuật, thì có thể khẳng định trong dòng chảy chung của văn học hiện nay, đã và đang xuất hiện khuynh hướng tính dục trong sáng tác văn học. Sex trong những sáng tác thuộc khuynh hướng này đã được mở rộng biên độ và được các tác giả đặt trong nhiều tương quan khác nhau, vừa tạo bề nổi của góc độ phản ảnh, vừa gửi gắm những bề chìm của thông điệp như là những ẩn ức nghệ thuật. Nếu trước đây sex trong văn học thường chỉ đặt ra trong tương quan với tình yêu đôi lứa, sự sa đọa về nhân cách, những ẩn ức do di chứng của chiến tranh, những lệch lạc giới tính… thì sex trong văn học ngày nay đã được mở rộng chiều kích như một phương tiện chuyển tải những ẩn ức khác nhau của đời sống nhân sinh.

Trước khi đi vào vấn đề cụ thể, Nguyễn Huy Thiệp dẫn lại định nghĩa văn học của nhà văn Nga nổi tiếng Marxim Gorki: “Văn học là nhân học”. Ông giải thích: Đây là một định nghĩa được nhiều nhà văn ưa thích vì nó có tính chất hướng đạo cho công việc viết văn của họ. Muốn viết văn, nhà văn dứt khoát phải biết cách nghiên cứu con người. Bước đầu của việc nghiên cứu đấy là ngay từ đầu anh ta phải biết cách nhìn, biết cách quan sát bản thân, sau đó mới mở rộng ra quan sát “ngoài thiên hạ”. Cũng theo Nguyễn Huy Thiệp, trong việc tự quan sát, “chỗ kín” chính là chỗ người ta hay bỏ quên nhất. Văn học Việt Nam trong nhiều năm gần đây gần như bỏ qua đề tài tính dục.

Thực ra viết về Sex là rất khó. Khi các trường phái như phê bình mới hay chủ nghĩa cấu trúc xuất hiện người ta cho rằng có thể giải quyết những vấn đề của văn học chỉ thuần túy dựa trên những yếu tố nội tại của văn bản mà không cần đến bất kỳ một sự tham chiếu nào khác từ những nhân tố bên ngoài. Tuy nhiên sự phát triển mạnh mẽ của xã hội học văn học mà một nhánh quan trọng của nó là nghiên cứu tiếp nhận cũng như sự ra đời của các trường phái: chú giải học/ thông diễn học, nữ quyền luận/phái tính)... đã cho thấy sự cần thiết

phải đặt văn học trong một bối cảnh rộng lớn hơn của những vấn đề văn hóa và xã hội.

Đặt vấn đề nghiên cứu tình dục trong văn học, như thế, nảy sinh từ sự vận động và biến đổi nói trên của thực tiễn nghiên cứu và lý luận văn học. Từ góc nhìn này thì tình dục không chỉ là một đề tài phản ánh trong tác phẩm mà còn là một hệ quy chiếu đề giải mã, tạo nghĩa cho tác phẩm văn học. Là nơi đan bện của cái sinh vật và cái xã hội với những tương tác cực kỳ phức tạp, tình dục, vì thế là một điểm nhìn gợi dẫn những suy tư về tồn tại người trong những chiều kích vốn không dễ nắm bắt của nó.

Lý giải tính dục là gì? Dựa theo triết lý của nhà Phật Nguyễn Huy Thiệp cho rằng: Dục tính là nhân tính. Ông nói: Để hiểu rõ điều này chẳng phải là dễ hầu hết các nhà văn đáng kể trong thâm tâm đều muốn viết ra được một cuốn “dâm thư” có ý nghĩa giáo dục như “Truyện Kiều”, như “Nghìn lẻ một đêm”, “Hồng lâu mộng” hay “Kim Bình Mai”… Người xưa từng cho rằng sex, cái hiểm địa ấy chính là “cánh cửa sinh ra ta mà cũng là nấm mồ chôn ta”. Ở người đời, tư tưởng - với sự hỗ trợ của bản năng - bao giờ cũng muốn phóng khoáng phong lưu nhưng lại thường không dám nhìn thẳng vào mình, không muốn (như nhiều người nói) “đối diện với mình”, không dám “đối diện với tha nhân”. Con người ngượng ngập tìm cách che giấu dục vọng, kìm nén nó, không dám bước ra các biên giới lằn ranh luân lý [70,241,242].

Sex - về phương diện nào đấy không chỉ đơn thuần là chuyện phòng the duy trì nòi giống. Luân lý khoác lên Sex cái áo giáp nghĩa vụ cao thượng rồi trả công rẻ mạt cho nó bằng chút ít khoái cảm không làm thoả mãn thật sự cho cả người nam, người nữ. Luân lý làm nghèo tính dục. Nhiều nhà văn cảm thấy bó tay trước bức tường vô minh luân lý dựng lên trước đề tài tính dục. Đề tài này khó đến nỗi trong văn chương thực sự nó gần như một miếng đất hoang. Đúng là hiểm địa! [70,243]

Trong bài viết Bao giờ văn học tìm lại chính mình trên trang điện tử của báo Đại đoàn kết (ngày 11/08/2012), Thảo Miên cho rằng: “Khát vọng “mới” trong văn chương là rất lớn. Một nền văn học mà quá nhiều năm không có thành tựu đỉnh cao thì phải gọi đó là “nền văn học ngủ quên” hoặc là “nền văn học bàng bạc”. Các giải thưởng văn học vẫn được trao nhưng cũng không đủ đánh thức bạn đọc, trong khi đó lại có không ít tác phẩm, tác giả bỗng dưng nổi đình nổi đám vì một vài nguyên cớ, nhưng không hẳn là nguyên do từ cái hay, cái đẹp của văn chương”.

Tình dục với tư cách là đối tượng thưởng ngoạn trong văn học Việt thường được sàng lọc qua các thang bậc giá trị đạo lý hoặc triết lý. Trong lịch sử, nếu như đạo lý học thuyết hướng con người tới những khuôn mẫu đạo lý của một trật tự tôn ti tuyệt đối thì đạo lý hồn nhiên dân gian là một sự điều chỉnh, nhấn mạnh tính tương đối của các hệ giá trị, trong đó có đạo lý. Vì thế đạo lý hồn nhiên dân gian thường đóng vai trò đối trọng với vị trí độc tôn của đạo lý học thuyết như mầm mống đa nguyên sơ khai trong chế độ quân chủ hoặc các chế độ độc tài hiện đại. Đề tài tình dục cũng không nằm ngoài quy luật chung giản dị này.

Chính vì thế, đề tài tình dục trong văn chương mọi dân tộc trong quá khứ thường không còn là tình dục thuần tuý. Nó là vấn đề văn hoá xã hội, là triết lý sống, là hệ giá trị hoặc chuẩn mực. Xu hướng ca ngợi quá trình xã hội hoá tình dục trong văn học thường nhấn mạnh tính hợp lý, hài hoà của sở hữu tuyệt đối trong quan hệ tình dục. Có thể nói từ văn học cổ trung đại Việt Nam, tình dục trong văn chương là vấn đề Trinh hay không Trinh, là sở hữu tuyệt đối hay loạn luân.

Đã một thời những giá trị văn hoá này khá bền vững. Nền tảng gia đình gắn với các mối quan hệ huyết thống đã quy định đặc tính tôn nghiêm của quan hệ tình dục dưới chế độ phong kiến. Theo đạo lý học thuyết, loại tình

dục chân chính không đặt ra vấn đề hưởng lạc, còn ngược lại loại tình dục hưởng lạc là loại tình dục “trên bộc dưới dâu”, “nguyệt nọ hoa kia” không được sự thừa nhận của các rường mối lễ nghi chính danh và thường gắn với loại vô luân bỏ đi, bị người đời phỉ báng hoặc gắn với loại ca kỹ, bị người đời khinh rẻ.

Trong văn học hiện đại, tình dục trong văn chương ngày càng vùng vằng đòi trả lại vị trí hồn nhiên, chưa bị xã hội hoá của thời tiền sử, tình dục đòi được giải phóng ra khỏi những quy ước của hôn nhân, ra khỏi những tình yêu xã giao dài dòng văn tự để khẳng định tình dục thuần tuý, tình dục hưởng lạc. Trong trường hợp này những khuyến cáo đạo lý trở nên lạc lõng và thừa thãi. Chỉ có một trở ngại duy nhất mạnh hơn tất cả các lực cản của quy ước xã hội, đó là bệnh lý tình dục vô phương cứu chữa.

Tình dục không phải là vùng cấm của văn chương. Viết về tình dục một cách nghệ thuật, trên tinh thần nhân văn là một trong những nhiệm vụ cao cả của văn chương chân chính từ xưa tới nay. Đồng thời tình dục được hiểu là một mặt của tình yêu, tình yêu và tình dục như là hai mặt của một tờ giấy. Quan sát văn chương Việt Nam đương đại, Nguyễn Huy Thiệp nhận thấy “phải ghi công cho các nhà văn nữ với việc khai hoá đề tài tính dục. Người đầu tiên có những đóng góp đáng kể là Phạm Thị Hoài với một loạt truyện ngắn như Năm ngày, Thuế biển, Chín bỏ làm mười v.v… Lối viết “gia giáo” của Phạm Thị Hoài vẫn là một lối tiếp cận từ xa, sex trong tinh thần chữ nghĩa nhiều hơn là ở những cảm giác trực tiếp. Gần đây, với tập truyện ngắn Bóng đè, Đỗ Hoàng Diệu có một sự bứt phá hiện đại và quyết liệt hơn ở trong ý thức của người viết về đề tài này” [70,243].

Đề cập tính dục trong tôn giáo không phải là việc làm ngẫu nhiên của Nguyễn Huy Thiệp. Bởi hầu hết các tôn giáo lớn của nhân loại đều bị ám ảnh ít nhiều bởi vấn đề tình dục. Sự ám ảnh đó chi phối và ảnh hưởng đến các sinh

hoạt trong xã hội, các thói tục trong dân gian và có thể cả nền văn hóa của một dân tộc. Riêng đối với Phật giáo thì vấn đề tình dục không được nhắc nhở đến nhiều, không có mấy kinh sách đề cập thẳng đến vấn đề này. Sự yên lặng đó hình như đã chứng tỏ quan điểm hết sức hiển nhiên và tất yếu của giáo lý nhà Phật, không có gì phải bàn cãi hay luận bàn thêm. Một cách đơn giản, đối với Phật giáo tình dục là một trong những nguyên nhân và nguồn gốc mang lại si mê, trói buộc và khổ đau. Chịu ảnh hưởng sâu đậm triết lý nhà Phật, trong quan niệm truyền thống người Việt, thiền là sự tĩnh lặng trong tâm, là im lặng, trống không, không chấp vào lời. Cho nên “khi viết về tính dục nếu nhà văn giữ được trạng thái thiền, hồn nhiên không nhiễm tạp, tôi tin họ vẫn có cách chuyển tải được chân khí mà không sợ sẽ bị chỉ trích là vô đạo đức. Rõ ràng, viết về sex nhà văn buộc phải có bản lĩnh cao cường thế nào đó, giữ được lòng trong sạch vô tư và trạng thái quân bình ở trong tình cảm. Tóm lại, nhà văn phải tầm sư học đạo, thậm chí phải tìm cách tu luyện để cho đắc đạo” [69,249].

Một phần của tài liệu Tạp văn và tiểu luận phê bình văn học của nguyễn huy thiệp (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(120 trang)
w