Xem xét lại của ban lãnh đạo

Một phần của tài liệu Tài liệu Taì liệu: Sản xuất sạch hơn pdf (Trang 62 - 67)

Giống như SXSH, thực hiện tốt 1 EMS sẽ giúp cho 1 xí nghiệp hay nhà máy có được nhiều lợi ích về kinh tế cũng như môi trường. Xây dựng một EMS sẽ giúp:

• Giám sát hiệu quả môi trường

• Tuân thủ được các quy định về môi trường

• Nhận ra được các cơ hội giảm thiểu chất thải

• Giảm chi phí vận hành.

• Cải tiến sự cạnh tranh

• Giảm thiểu các rủi ro về MT

• Gia tăng trách nhiệm và an toàn sức khoẻ của nhân viên

Hình 4.5. Các yếu tố cơ bản của EMS theo ISO 14001

(Source: NSF International 2001)

4.2.4. Các yêu cầu cần tuân thủ của Hệ thống Quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001/1996 ISO 14001/1996

Các yêu cầu tuân thủ EMS theo tiêu chuẩn ISO 14001 được tóm tắt như sau:

- Cam kết của lãnh đạo: Cam kết của lãnh đạo phải được thể hiện từ giai đoạn bắt đầu thực hiện và trong suốt quá trình duy trì thực hiện Hệ thống Quản lý môi trường. Nếu thiếu sự cam kết của lãnh đạo trong việc thiết lập các mục tiêu của ISO 14001 cũng như sự tham gia tích cực các hoạt động môi trường liên quan, thì sẽ không có cơ hội để hoà hợp và thực hiện thành công Hệ thống Quản lý môi trường.

- Tuân thủ với chính sách môi trường: – “Chính sách môi trường do lãnh đạo lập ra hoặc lập ra dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo, đây là tài liệu hướng dẫn để lập ra “các đường lối chung” , “các khuynh hướng môi trường” và “các nguyên tắc hành động” đối với tổ chức.

- Lập kế hoạch môi trường: Để có Hệ thống Quản lý môi trường hiệu quả, tổ chức phải xác định của các hoạt động có thể có các tác động đến môi trường, đồng thời tổ chức cũng phải xác định các yêu cầu pháp luật và các yêu cầu khác mà tổ chức phải tuân thủ. Sau đó tổ chức phải lập kế hoạch để thực hiện các mục đó. Trong kế hoạch phải đề cập đến việc thiết lập các mục tiêu chỉ tiêu môi trường và thiết lập chương trình để đảm bảo đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu đặt ra.

- Cơ cấu tổ chức và trách nhiệm: Cơ cấu tổ chức liên quan đến các khía cạnh môi trường, phân công vai trò trách nhiệm đối với từng cấp liên quan cần được đề cập đến trong Hệ thống Quản lý môi trường và phải được tất cả mọi nhân viên đều hiểu được cơ cấu đó.

- Đào tạo nhận thức và năng lực: Lãnh đạo có trách nhiệm đảm bảo cho tất cả các nhân viên đều có kiến thức về các khía cạnh môi trường, chính sách môi trường của tổ chức và cam kết của lãnh đạo. Đồng thời cũng phải đảm bảo tất cả những người mà công việc của họ có liên quan đến môi trường đều phải được đào tạo và có đủ năng lực để thực hiện các công việc của mình. Công việc này được thực hiện thông qua các khoá đào tạo và kết quả đánh giá được thiết lập trong Hệ thống Quản lý môi trường.

- Thông tin liên lạc nội bộ và bên ngoài: Tổ chức phải thiết lập các kênh thông tin liên lạc nội bộ (với toàn bộ nhân viên của tổ chức) và bên ngoài (với các bên hữu quan) đúng lúc và có hiệu quả.

- Kiểm soát các tài liệu và hoạt động môi trường liên quan: Kiểm soát các hoạt động của Hệ thống Quản lý môi trường được chứng minh qua các thủ tục dạng văn bản của các quá trình có thể có tác động đến môi trường và qua việc kiểm soát sự tuân thủ chặt chẽ các thủ tục. Để có thể thực hiện được, tổ chức phải có hệ thống kiểm soát tài liệu nhằm đảm bảo (1) Các thủ tục được ban hành và áp dụng đúng và (2) Các thay đổi đều phải tuân theo thủ tục đã được phê duyệt.

- Sự chuẩn bị sẵn sàng và đáp ứng với tình trạng khẩn cấp - Hệ thống Quản lý môi trường phải có thủ tục để xác định tình trạng khẩn cấp về môi trường. Sự chuẩn bị sẵn sàng và đáp ứng với tình trạng khẩn cấp phải được thực hiện và được chứng minh qua các khoá đào tạo tập huấn và thực hành cụ thể trong Hệ thống Quản lý môi trường của tổ chức.

- Kiểm tra, đánh giá và hành động khắc phục phòng ngừa: Hệ thống Quản lý môi trường phải chuyển đổi các ý kiến phản hồi từ lần kiểm tra, giám sát và đo lường các kết quả hoạt động môi trường thành các hành động khắc phục và phòng ngừa. Đây là bước rất quan trọng trong chu trình Lập kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra- Khắc phục (Plan, Do, Check, Act) của Hệ thống Quản lý môi trường. Bất cứ khi nào có các vấn đề nảy sinh, các nhà lãnh đạo phải tìm cách khắc phục và đưa ra biện pháp để ngăn ngừa sự tái diễn.

- Lưu giữ hồ sơ: Hệ thống Quản lý môi trường phải duy trì các hồ sơ môi trường quan trọng làm bằng chứng cho các kết quả hoạt động của mình. Hồ sơ có thể rất nhiều và đa dạng, hồ sơ rất hữu ích cho tổ chức, cho chuyên gia đánh giá, cho các cơ quan pháp luật và cho các bên hữu quan khác.

- Xem xét của lãnh đạo: Hệ thống Quản lý môi trường phải được lãnh đạo xem xét định kỳ về tính phù hợp, đầy đủ, hiệu quả nhằm tạo cơ hội cải tiến liên tục.

- Cải tiến liên tục: Cần xây dựng hệ thống để xác định các cơ hội cải tiến Hệ thống Quản lý môi trường. Cải tiến liên tục xuất hiện khi loại bỏ được nguyên nhân gốc rễ của sự không phù hợp, tuy nhiên cải tiến liên tục cũng có thể là kết quả của việc thiết lập các quá trình mới thay thế quá trình cũ, thay đổi công nghệ hoặc chiến lược mới.

4.2.5. Hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001/2004

- Tính đến 31/12/2003 trên toàn thế giới đã có 66.070 chứng chỉ ISO 14001:1996 được cấp tại 113 quốc gia và nền kinh tế, tăng hơn cùng kỳ năm 2002 là 34% và năm 2003 là năm số chứng chỉ hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 tăng trưởng cao nhất từ khi tiêu chuẩn được ban hành năm 1996. Tại Việt Nam đến nay đã có trên 70 chứng chỉ ISO 14001:1996. Sau 8 năm áp dụng, tiêu chuẩn ISO 14001 đã bộc lộ được những điểm mạnh, điểm yếu của mình và đã đến lúc cần được xem lại, sửa đổi cho phù hợp với việc áp dụng trong thực tế.

- Theo văn bản số 940 ngày 15/11/2004 của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO thì Bộ tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý môi trường ISO 14000 đã có phiên bản mới cho 2 tiêu chuẩn sau đây:

1) ISO 14001:2004 - HỆ THỐNG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG – Qui định kỹ thuật với hướng dẫn sử dụng.

2) ISO 14004:2004 - HỆ THỐNG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG – Hướng dẫn chung về nguyên tắc, hệ thống và hỗ trợ kỹ thuật.

- Theo hướng dẫn số GD4:2004 ngày 20/12/2004 của Tổ chức chứng thực quốc tế IAF thì quá trình chuyển đổi sang phiên bản mới sẽ kéo dài trong 18 tháng kể từ ngày ban hành tiêu chuẩn. Nghĩa là, sau ngày 15/5/2006, mọi Giấy chứng nhận theo phiên bản cũ đều không còn hiệu lực trên phạm vi toàn cầu.

- So với phiên bản cũ, phiên bản mới ISO 14001:2004 này không có sự thay đổi lớn về nội dung mà chủ yếu là làm rõ hơn các yêu cầu và tăng cường tính tương thích với tiêu chuẩn của ISO 9001:2000. Do vậy, những doanh nghiệp đã có được chứng nhận ISO 14001:1996 sẽ không phải quá vất vả trong việc cập nhật và nâng cấp hệ thống quản lý môi trường của mình theo yêu cầu của tiêu chuẩn mới.

- Về cơ bản, tiêu chuẩn mới vẫn được thiết kế theo chu trình “Plan – Do – Check – Act ” quen thuộc với cấu trúc gồm 4 phần chính:

4.3 - Lập kế hoạch; 4.4 - Thực hiện; 4.5 - Kiểm tra;

4.6 - Xem xét lại của lãnh đạo.

Lập kế hoạch

Về mặt nội dung, điều khoản này không có gì thay đổi lớn với việc chỉ ra đầu vào của công tác lập kế hoạch, bao gồm việc xác định các khía cạnh môi trường có ý nghĩa từ các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ của tổ chức và xác định các yêu cầu về môi trường mà tổ chức cần tuân thủ. Dựa vào đó, tổ chức phải định ra mục tiêu, chỉ tiêu về môi trường và xây dựng các chương trình quản lý môi trường để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đó.

Về mặt hình thức, phần lập kế hoạch trong tiêu chuẩn mới được rút gọn lại từ 4 xuống còn 3 điều khoản (điều khoản 4.3.4 - Chương trình QLMT trong tiêu chuẩn cũ được lồng ghép vào điều khoản 4.3.3 - Mục tiêu, chỉ tiêu môi trường trong tiêu chuẩn mới)

Thực hiện

Phần này về cơ bản vẫn được giữ nguyên với 7 điều khoản giống tiêu chuẩn cũ. Tuy nhiên một số điều khoản trong phần này được viết rõ ràng và cụ thể hơn. Một số điểm cần lưu ý liên quan tới từng điều khoản trong phần này như sau:

Điều khoản 4.4.2 - Đào tạo: Điều khoản này mở rộng phạm vi về đối tượng cần được đào tạo và đảm bảo năng lực liên quan tới môi trường. Phạm vi đào tạo và đảm bảo năng lực đã được mở rộng cho các đối tượng không thuộc quyền quản lý của tổ chức nhưng làm việc trong phạm vi tổ chức (nhà thầu, nhà cung cấp dịch vụ... hoạt động trong khuôn viên của tổ chức). Nói cách khác, tổ chức phải đánh giá năng lực, xác định nhu cầu đào tạo và đào tạo cho cả các nhà thầu và mọi nhân viên của mình nhằm đảm bảo họ quản lý và làm chủ được các vấn đề về môi trường liên quan tới các hoạt động của mình.

Điều khoản 4.4.4 liên quan với việc xây dựng hệ thống tài liệu quản lý môi trường cũng được tiêu chuẩn mới mô tả rõ nét hơn với việc đưa ra quy định các loại tài liệu bắt buộc phải có. Ngoài việc yêu cầu tổ chức phải "miêu tả các yếu tố chính của Hệ thống QLMT và mối

quan hệ của chúng, viện dẫn tới các tài liệu liên quan" vốn hơi trừu tượng, các loại tài liệu khác buộc phải có đã được nêu cụ thể hơn, bao gồm: Chính sách môi trường, mục tiêu và chỉ tiêu môi trường, các tài liệu và hồ sơ theo yêu cầu của tiêu chuẩn, các tài liệu và hồ sơ mà tổ chức thấy rằng cần thiết.

Kiểm tra

Phần này gồm 5 điều khoản, tăng so với phiên bản cũ 1 điều khoản. Tuy nhiên điều khoản mới thực chất là được tách từ một phần của điều khoản 4.5.1 trong tiêu chuẩn cũ (điều khoản về Giám sát đo đạc các thông số môi trường đặc trưng từ các hoạt động của tổ chức), trong đó chỉ ra tổ chức phải đánh giá sự tuân thủ pháp luật về môi trường của mình nhằm đảm bảo thực hiện 1 trong 3 cam kết bắt buộc phải đề ra trong chính sách môi trường của tổ chức - Cam kết tuân thủ các yêu cầu về môi trường.

Ngoài ra một thay đổi cần lưu ý nữa liên quan tới điều khoản 4.5.2 trong tiêu chuẩn cũ về xác định sự không phù hợp và đưa ra hành động khắc phục, phòng ngừa (tiêu chuẩn mới là 4.5.3). Trong đó chỉ rõ ngoài việc đưa ra hành động khắc phục sự không phù hợp và nguyên nhân sự không phù hợp nếu không may xảy ra (theo như yêu cầu của tiêu chuẩn cũ) tổ chức còn phải xác định sự không phù hợp tiềm ẩn và đưa ra hành động khắc phục nhằm ngăn chặn không cho sự không phù hợp tiềm ẩn xảy ra.

Xem xét của lãnh đạo

Điều khoản cuối cùng này của tiêu chuẩn đã nêu cụ thể hơn và chỉ ra các đầu vào cần thiết cho quá trình xem xét (kết quả đánh giá nội bộ, những thay đổi, các hành động đưa ra sau lần xem xét trước...) và đầu ra của quá trình xem xét (các quyết định và hành động tương ứng với cam kết cải tiến liên tục).

4.3. Sản xuất sạch hơn, LCA và ISO 14000

- Giữa SXSH, hệ thống quản lý môi trường nói chung và ISO 14000 nói riêng có những mục tiêu và lợi ích chung:

• Giảm ô nhiễm môi trường và rủi ro

• Cải thiện quá trình sản xuất, giảm thiểu phát sinh chất thải và chi phí

• Đáp ứng các yêu cầu pháp luật

• Nâng cao hình ảnh doanh nghiệp

• Đạt được lợi thế cạnh tranh ...

− Việc áp dụng SXSH hay áp dụng ISO 14000 là hoàn toàn tự nguyện.

− Cần phân biệt giữa áp dụng SXSH và ISO 14001: doanh nghiệp có thể đang đánh giá SXSH nhưng chưa đăng ký chứng nhận ISO 14001. Nếu đã đăng ký và thực hiện ISO 14001 thì sẽ được cấp chứng chỉ công nhận của quốc tế. Các cơ sở đã thực hiện SXSH rất có điều kiện thuận lợi để đăng ký chứng nhận ISO 14001 và ngược lại, doanh nghiệp đã thực hiện ISO 14001 sẽ rất dễ dàng triển khai SXSH.

− Giữa LCA và CPA (đánh giá SXSH) có những điểm tương đồng ⇒ có thể áp dụng phương pháp luận của LCA đã được tiêu chuẩn hoá cho đánh giá SXSH (CPA). Ngoài ra, LCA có thể là một công cụ đắc lực cho việc ra quyết định về các sản phẩm và công nghệ thay thế được sử dụng cho SXSH.

− Ngược lại, CPA có thể cung cấp một phương pháp đánh giá tác động môi trường (các khía cạnh quan trọng trong ISO 14001) và lựa chọn các giải pháp để cải thiện liên tục.

− SXSH tập trung vào phương thức hoạt động, vận hành trong khi ISO 14001 hướng đến hệ thống quản lý. ISO 14001 cung cấp cơ chế, khuôn khổ cho việc thực hiện hiệu quả SXSH trong khi đó SXSH cung cấp cho ISO 14001 một công cụ cải tiến liên tục về hiệu quả quản lý môi trường trong các công ty. Việc xây dựng EMS có thể được thực hiện dựa trên đánh giá về SXSH trước đây ở các công ty.

Một phần của tài liệu Tài liệu Taì liệu: Sản xuất sạch hơn pdf (Trang 62 - 67)