3. HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT LAO ĐỘNG KHÁC
3.2. NHỮNG NGƯỜI CAO TUỔI VÀ SỰ CHIÊM NGHIỆM CỦA HỌ VỀ CUỘC SỐNG
Giữa sự đổi thay đến chóng mặt của cuộc sống hiện đại quay cuồng, những người “hoài cổ” rất dễ bị lạc lõng và chán nản là điều tất yếu nếu như không biết cách hòa hợp và bài trừ những tác hại xấu. Những con người đã đi qua đoạn đường gần cả một đời người thì có biết bao sự đổi thay thăng trầm mà họ cũng đã từng vượt qua, nhưng tất nhiên giữa dòng chảy không ngừng của nhịp sống sôi động thậm chí có những điều bất cập như hôm nay thì sự hụt hẫng xa lạ đối với họ cũng là điều dễ hiểu và cũng là điều rất dễ xảy ra. Những vị lão thành dày dặn kinh nghiệp ấy cũng phải vất vả lắm mới mong hòa hợp với xã hội đương thời. Dù là người ở chốn thị thành hoa lệ hay là người ở chốn miền núi xa xôi, ta cũng sẽ bắt gặp được những cách ngăn nhất định đối với xã hội, đối với cả cuộc sống đời thường của họ. Khó ai có thể hiểu thấu được họ và chia sẻ thông cảm với họ. Vì thế họ vẫn cứ lặng lẽ đi giữa cuộc đời và lặng lẽ gánh chịu bao nỗi trăn trở thấm thía về cuộc đời, về lòng người. Truyện ngắn Kính và Triền núi hẹp của Giả Bình Ao có thể xem là một cuộc khám phá tìm tòi vào cõi lòng của những con người
sống gần trọn cả đời người ấy. Bằng một sự nhạy cảm tinh tế, ngòi bút sắc sảo thâm thúy cùng một lòng nhân đạo thiết tha, tác giả đã xây dựng nên những nhân vật lớn tuổi đáng kính và hiểu thấu được những nỗi niềm của họ, đem đến cho trang văn một chủ nghĩa nhân đạo ấm nóng và tha thiết.
Hình tượng nhân vật ông lão Vương Hữu Phúc trong truyện Kính qua những cuộc gặp gỡ với nhân vật xưng “tôi” đã làm bật lên sự lạc lõng của ông lão đối với những cái tân thời hiện nay. Qua đó tác giả muốn nói rằng: chúng ta hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến cuộc sống cũng như sự cảm nhận của những người có tuổi đồng thời cũng nhìn thấy rõ hiện trạng của cuộc sống đương đại với quá nhiều ứng dụng cực kì lạ lẫm, sa đà mà quên đi những điều cổ xưa tốt đẹp của cha anh. Trong truyện, nhân vật xưng “tôi” qua lời nhờ vả của người bạn tên là Đắc Quí phải mang một món tiền nhờ chuyển giúp cho cha của bạn là ông Vương Hữu Phúc khi có dịp trở về quê nhà. Lần đầu hẹn gặp ông Vương Hữu Phúc nhưng không được, “tôi” có phần bực tức. Đến lần thứ hai khi đã gặp nhau, “tôi” mới biết là lần trước ông lão trên đường đến chỗ hẹn đã gặp tai nạn bị thương ở đầu. Đó là do ông lão khi đi ngang phố đã không chú ý va đầu vào một tấm kính lớn của một nhà hàng sang trọng đang xây dở theo mốt “lắp kính suốt lượt”. Tác giả hỏi rõ và khuyên ông lão nên đi kiện của hàng đó để được một khoản tiền đền bù lớn vì lỗi là ở cửa hàng đã không ghi kí hiệu trên kính cho người đi đường biết mà cảnh giác. Nhưng ông Vương Hữu Phúc kiên quyết từ chối và hơn nữa còn gửi lại tiền nhờ “tôi” đem đến đền bù thiệt hại cho cửa hàng đó, điều này làm “tôi” vô cùng ngạc nhiên nhưng cuối cùng cũng hiểu rõ tấm lòng vị tha của ông Vương nên đã nhận lời. Kết thúc truyện là hình ảnh của một ông chủ cửa hàng khác lớn tiếng chửi ai đó đã vô tình (chả lẽ cố ý va đầu?!) vào tấm kính làm chiếc kính lắp của ông ta vỡ vụn “đứa nào đâm đầu phải đây? Đứa nào? Mắt mù cả rồi sao?”, “tôi” chứng kiến cảnh ấy, cuối cùng ra khỏi khu phố chật hẹp đầy ắp
Sự đô thị hóa nhanh chóng, lối sống xa hoa thâm nhập đằm sâu đã không thể hòa nhập mà hòa tan đi cái tình người ở đời. Cả khu phố lần lượt đều lắp kính trong suốt cho những ngôi nhà rất thời thượng mà vô tình hay hữu ý quên đi rằng có những người già cả hoa mắt tay yếu chân run, những em bé tinh nghịch hiếu động sẽ là nạn nhân trực tiếp cho những tấm kính tưởng như đẹp đẽ vô hại ấy. Lối sống theo nền nếp cũ đã không còn được giữ vững nên sự lạc lõng thất vọng trước cuộc sống đó cũng quá lớn đặc biệt là những người cao niên từng trải như ông Vương Hữu Phú đã chua xót nói rằng:
Bác của cháu có từ tâm, sợ làm vỡ kính của người ta đền không nổi nên mới chuồn thẳng, cháu nên cười bác mới phải. Có điều, bác từng trải việc đời cả một đời, đến già còn bị tấm kính nó lừa, bị lừa một lần là đủ, bác không để bị lừa lần thứ hai đâu…
Tấm kính trong suốt tưởng như vô hình nhưng nó đã hiện hữu ngay giữa cuộc sống của chúng ta. Tấm kính không chỉ phân biệt thời thượng và cổ hủ về kiến trúc mà hình như nó còn phân biệt chia cắt sự trân trọng những truyền thống tốt đẹp vẫn còn nguyên gía trị, sự yêu thương hòa cảm giữa người với người, thấy nhau qua kính đấy mà không sao đến gần với nhau được. Đặc tính của kính là trong suốt nên dường như sự chia cắt giữa truyền thống và hiện đại là vô hình nhưng thật ra nó đã rạch ròi trong việc phân chia hai yếu tố đó bằng một ranh giới rất khó vượt qua. Cần phải nhìn lại lối sống hiện nay, và những lớp trẻ hôm nay có vững chắc bước đi đến phía trước không chỉ cần tài năng và quyết tâm mà còn một phần quan trọng là sự dẫn dắt, truyền thụ kinh nghiệm của thế hệ cha anh, hãy biết lắng nghe và học hỏi những điều rất quí báu từ thế hệ đi trước.
Truyện Triền núi hẹp thì vẽ ra bối cảnh của miền sơn cước, qua đó hình tượng người lao động hiện ra qua cuộc sống vất vả của họ rất đỗi cảm động. Đó là bác Thuận với kinh nghiệm dày dặn trong nghề sinh nhai của mình đã phải chịu sức ép từ nhiều thế lực để rồi nai lưng ra mà làm việc mặc kệ những hiểm nguy luôn rình rập phía trước, và cuối cùng trăm dâu đổ đầu tằm, bác phải hứng chịu một kết cục buồn và bi thảm.
Truyện kể về những mùa đông lạnh giá tuyết rơi dày đặc ở một triền núi nọ. Thời tiết khắc nghiệt đó làm ai nấy đều ở lại trong nhà, duy chỉ có bác Thuận vẫn miệt mài đi trên tuyết để làm việc, thời tiết này là cơ hội tốt để cho bác săn những con cáo có bộ lông đẹp ngây người. Bác đã tự chế một thứ thuốc nổ đặc biệt sau đó vùi dưới tuyết để bẫy cáo, những bộ da đẹp đến nỗi mà ai cũng muốn có, cả những cán bộ trên huyện cũng tìm đến để mua cho bằng được. Khi các cán bộ huyện tới thì đại đội sản xuất ở triền núi lại bắt bác Thuận biếu không cho họ vài tấm da cáo để được chỉ tiêu tối cao là nhận ở mức cao nhất số tiền cứu tế, hỗ trợ nên càng ngày thu nhập của bác sút kém hẳn đi, nhưng điều đó lại làm đẹp thêm cho những người ở huyện lên… Và đại đội sản xuất ở đây đã phân công “nghề nổ cáo” cho bác Thuận để cung cấp dược liệu cho tập thể chế biến thuốc không sót một
mùa đông nào, những bộ lông thú săn bắt được đều thuộc về tập thể. Và năm nay trời rét lạ lùng, hứa hẹn chất lượng lông cáo hảo hạng, một vị chủ nhiệm trên huyện đã mò về bản hòng mua được những tấm lông cáo tuyệt vời đó, ông ta rất quan tâm và tỏ thái độ thân mật với bác Thuận nên bác rất mong tuyết rơi để có thể đi nổ cáo ngay. Thứ thuốc nổ đặc biệt làm nên sự nổi tiếng của bác Thuận là lấy lớp da mỏng của gà đem thái chỉ, trộn đều với diêm sinh (lưu hoàng) và mạt sắt giã vụn, viên lại thành những viên nhỏ như thuốc tể sau đó cẩn thận vùi vào tuyết để cáo dẫm phải rồi thu nhặt về lấy da. Bí quyết bào chế thứ thuốc lợi hại này đã phải đánh đổi bằng mạng sống của đứa cháu nội dễ thương khi không may đá bóng vào lồng thuốc nổ bị thương ở chân đến nỗi hoại thư mà chết. Sau đó con trai bác cũng phát điên mà chết theo, con dâu thì đi lấy chồng khác để lại hai ông bà lão cô đơn thui thủi. Hằng ngày bác Thuận phải miệt mài đi nổ cáo ở sâu trong núi còn vợ bác Thuận phải ở nhà một mình trong cô đơn lẫn sự sợ hãi nơi rừng núi đìu hiu trống vắng. Đi nổ cáo đã vài ngày nhưng vẫn chẳng được con nào, bởi lẽ mấy năm nay cáo đã thưa thớt nhiều rồi, bác Thuận rất sốt ruột vì nếu không tìm được bộ da nào sẽ phật ý chủ nhiệm trên huyện đã kì vọng. Và qua bao công sức tìm kiếm, bác đã phát hiện ra bầy cáo nơi hẻm núi sâu, bác mừng thầm và quyết tâm đặt thuốc nổ cho được lũ cáo ấy mặc cho bão tuyết đang kéo đến. Tờ mờ sáng hôm sau, bác đi thu nhặt thuốc nhưng chẳng có gì cả ngoài mấy viên thuốc đã bị thất lạc, thất vọng bác đi lang thang và vô tình thấy một con cáo già nằm chết sau một phiến đá lớn. Bác Thuận đưa tay ra nhặt nhưng con cáo già động đậy và bất chợt lao thẳng về phía trước, ông lão tức tối đuổi theo vô tình bị trượt chân ngã như trời giáng, lồng thuốc nổ ông xách bên tay trái do bị đập mạnh xuống đất làm những viên thuốc bùng nổ, ông lão hoàn hồn nhìn lại thì thấy cánh tay trái của mình be bét máu thịt và nhầy nhụa… sau đó ông không còn biết gì nữa… Bộ lông con cáo già đã được làm tấm khăn quàng cổ cho con gái ông chủ nhiệm vào cái hôm lễ cưới ai cũng phải tấm tắc khen và thán phục tài năng của người thợ săn. Mấy năm sau, khí hậu triền núi mỗi năm lại ấm dần lên và những con cáo cũng không còn có những bộ lông màu hoàng kim hoặc màu nâu ngã xám đẹp tuyệt nữa, và thậm chí da của chúng cũng chẳng còn giá trị nữa. Bác Thuận giờ tuổi cũng đã cao không làm nương rẫy được nữa, được thôn bản bảo trợ nuôi dưỡng cả hai ông bà. Họ thường mặc những bộ quần áo rộng thùng thình và thường ngồi sưởi nắng ở đầu bản. Bà lão cũng thường bê cơm ra đó, đặt bát trên một chiếc trục lăn lúa. Ông lão tay phải cầm đũa còn tay kia buông thõng – đó là một cánh tay cụt, không có ngón, lồng trong một chiếc túi bông dày cộm. Bác Thuận vừa ăn vừa đăm đăm nhìn về phía những nẻo đường… Người ta nói “sinh nghề tử nghiệp”, có lẽ gia đình bác Thuận ở đây rất đúng với câu nói đó. Vì chạy theo nghề nghiệp mà bác đã phải trả cái giá rất đắt: cháu nội chết, con trai cũng chết theo, con dâu bỏ đi, gia đình bác giờ tan tác chỉ còn lại hai ông bà cô độc sống nương tựa vào nhau, và rồi cuối cùng, bác Thuận vì vẫn chạy theo cái nghề nghiệp ấy (hay bắt buộc phải chạy theo?) để tồn tại giữa cái thời cuộc sống còn rất khó khăn này mà bác đã trở thành người sống dở chết dở… Những kẻ được gọi là cấp trên chỉ biết ngồi hưởng lợi trong khi những người tầng lớp dưới phải lao động khổ cực thậm chí bị nguy hiểm đến tính mạng, vậy mà còn chưa thỏa mãn được nhu cầu của những kẻ ích kỉ ấy. Tấm da cáo tuyệt đẹp được mọi người khen ngợi
trong ngày cưới của cô con gái ông chủ nhiệm đã phải đánh đổi bằng một nửa mạng sống của bác Thuận. Ở triền núi hẹp này đã không còn những con cáo có bộ lông đẹp và quí nữa vì không có tuyết rơi dày đặc trong mùa đông, nhưng lòng tham của con người và sự vô tâm ích kỉ cố hữu thì vẫn còn tồn tại mãi cùng triền núi nghiệt ngã này, ở nơi hẻo lánh và rất đời thường này. Cũng còn đó những con người suốt cả cuộc đời lao khổ vất vả, để đến khi được nghỉ ngơi thanh nhàn cũng là khi đã ngồi trên chiếc xe lăn lặng lẽ sống những ngày tháng cuối đời đợi thần chết mang đi. Giọng văn lạnh và tỉnh nhưng lại da diết và làm động lòng người trước những số phận, những cảnh đời trái ngang. Câu chuyện như một lời phê phán sâu sắc chỉ thẳng vào bọn ích kỉ tham lam chỉ biết chuộc lợi cho bản thân mà mặc kệ sự sống chết của người khác, hơn thế đó lại là những người có tuổi đáng ra phải được phụng dưỡng và kính trọng. Câu chuyện thắm đượm nỗi buồn và sự xót thương cho những con người lao động ở tầng lớp dưới quá nhỏ nhoi dù họ đã đi gần trọn cả một kiếp người, nhưng câu chuyện cũng không quá bi lụy chìm đắm trong nỗi buồn mà tấm lòng nhân đạo của tác giả đã thấu hiểu những con người nhỏ bé đó, làm sáng lên ngọn lửa của vẻ đẹp tâm hồn họ giữa mùa đông lạnh lẽo khắc nghiệt và giữa sự nguội lạnh của tình thương yêu đồng loại nơi con người. Tấm lòng đó đã thắp sáng ngọn lửa nơi trái tim của mỗi người đọc và nó còn được duy trì sáng mãi, sống mãi trong lòng người để những giá trị tốt đẹp luôn vĩnh hằng. Những người thâm niên có cảnh đời gian truân như thế rất đáng được thông cảm và đáng được trân trọng. Sự đưa đẩy của cuộc đời đầy biến động đã được đúc kết thành những dòng chiêm nghiệm về lẽ sống ở đời, về tình đời ở tận trong thâm tâm của những con người ấy, không những thế mà còn làm cho những người đọc chúng ta hôm nay hòa nhập vào đó để tiếp nhận, để cảm thụ và biết cách sống như thế nào cho có ý nghĩa.
Chi tiết cuối của truyện cho thấy một dấu hiệu của sự lạc quan dù còn mong manh, mơ hồ của tác giả: “Bác Thuận vừa ăn vừa đăm đăm nhìn về phía những nẻo đường”, những nẻo đường rộng mở cho những lớp người sau không còn cơ cực và những
hướng đi cho một ngày mai tương sang vẫn đang đón chờ những ai dám đương đầu với thử thách để cải tạo cuộc sống một cách chủ động, vượt lên trên hết những khó khăn, như nhà văn Lỗ Tấn đã từng nói: “Trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi” (Truyện Cố hương).
KẾT LUẬN* *
Qua sự tiến triển mạnh mẽ và ngày càng được khẳng định cả về số lượng lẫn chất lượng của văn học Trung Quốc đương đại chúng ta nhận thấy được rằng, rõ ràng truyền thống của văn học Trung Quốc từ cổ chí kim đã ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Truyền thống đó thể hiện qua cụm từ giản dị của nền văn học Trung Hoa với bề dày lịch sử đáng khâm phục, mà các nhà
văn ngày nay đã không làm hổ danh các bậc tiền bối, họ đã xứng đáng để tiếp bước phát huy mạnh mẽ hơn những yếu tố truyền thống đó: hiện thực, nhân đạo và yêu nước.
Các tác giả đương đại đã “chộp” được những khoảnh khắc rất đắt và đã ghi chép lại với sự sáng tạo của mình một cách chân thực hiện thực cuộc sống từ thành thị đến nông thôn với đủ mọi tầng lớp cùng những mối quan hệ phức tạp. Tính chất hiện thực như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt nền văn học Trung Quốc và đến ngày nay vẫn được phát huy đầy sức sáng tạo cho phù hợp
với thời đại. Bên cạnh đó cần phải thấy được tấm lòng nhân đạo sâu sắc của những trái tim nghệ sĩ chân chính. Họ đi sâu vào hiện thực và khám phá những nét đẹp trong tâm hồn của con người, họ đã góp thêm một tiếng nói giá trị cho chủ nghĩa nhân đạo. Họ không chỉ khám phá mà còn thông cảm sâu sắc đặt trọn vẹn niềm tin vào sức mạnh tâm hồn của con người. Tin rằng