VĂN NGHỆ SĨ VỚI TẤM LÒNG TRÂN TRỌNG CÁI ĐẸP VÀ HI SINH VÌ NGHỆ THUẬT

Một phần của tài liệu tìm hiểu hình tượng nhân vật trong một số truyện ngắn đương đại trung quốc (Trang 26 - 29)

1. HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRÍ THỨC

1.2. VĂN NGHỆ SĨ VỚI TẤM LÒNG TRÂN TRỌNG CÁI ĐẸP VÀ HI SINH VÌ NGHỆ THUẬT

Hình tượng nhân vật là văn nghệ sĩ cũng chiếm vị trí không ít trong các thiên truyện ngắn Trung Quốc đương đại. Là những người có tâm hồn đa sầu đa cảm, họ cũng rất dễ bắt nhịp được với những diễn biến đổi thay của cuộc sống và trang trải lòng mình một cách tha thiết nhất. Hình tượng nhân vật nhà giáo dục thì thiên về xu hướng hành động, nhưng hình tượng nhân vật văn nghệ sĩ thì thiên về chiêm nghiệm để rút ra ý nghĩa từ bản chất cuộc sống bằng một tâm hồn thơ mộng nhưng cũng đầy khắc khoải. Tiêu biểu cho hình tượng nhân vật văn nghệ sĩ là truyện Song cầm tế của Lương Hiểu Thanh, hình tượng được xây dựng trong tác phẩm là những người nghệ sĩ violon tài ba xuất chúng hết lòng hi sinh cho nghệ thuật nhưng cuối cùng lại rơi vào bi kịch thảm thương. Người ta thường nói sâu độc nhất là lòng người, sự ganh ghét đố kị và không chân chính của lòng người sẽ đẩy con người vào vực thẳm không lối thoát mà thôi. Hãy sống cho ra sống, sống bằng trái tim dào dạt tình người và hãy dùng nó cứu lấy cái đẹp, cứu lấy nghệ thuật.

Câu chuyện của Lương Hiểu Thanh quả không hổ là bản tuyên ngôn nghệ thuật hiện đại. Truyện kể về hai cây đàn violon hàng đầu với âm chất tốt như nhau được tạo ra từ bàn tay của người con trai một bậc thầy làm đàn. Anh làm chúng từ hai cây gỗ tốt nhất do chính tay cha mình nâng niu chăm chút và đó cũng là di nguyện của ông để lại cho anh trước khi qua đời. Anh con trai gửi hai cây đàn ở cửa hàng để tìm người tri âm và sẽ biếu tặng cho họ nếu họ thật sự biết được giá trị ngang nhau của chúng mà không hề có một sự so sánh nào. Và anh đã toại nguyện trao tặng hai cây violon quí giá cho hai người nhạc sĩ tri âm vì họ không hề cũng không muốn có một sự so sánh nào giữa hai cây đàn tuyệt hảo đó. Họ cùng hợp tấu trong bất kể trường hợp nào và bất kể ở đâu, tiếng tăm của họ bay khắp mọi nơi. Người ta ca tụng họ, tâng bốc họ, “nhưng tâm lí người đời có chút quái lạ,

hơn nữa, lại dễ dàng đổi thay. Lòng người thích sự chia lìa, có lúc lại cầu mong sự dịu dàng”, và mọi người bắt đầu so sánh

tài năng giữa họ một cách nghiệt ngã để xem ai phong độ hơn, “khi lòng người đã phát hiện ra cái đẹp không toàn vẹn, thật ra

cũng dễ chịu như khi ca ngợi cái đẹp ban đầu”, và lòng người xôn xao tranh chấp, báo giới rộn ràng dư luận… Hai người nghệ

sĩ đã cũng không thể hợp tấu nữa và họ cũng không thể không chia tách mỗi người một hướng. Nhưng sự so sánh ác nghiệt vẫn bám riết lấy họ mà sự thị phi của dư luận là phương tiện thực hiện hữu hiệu nhất. Sự chia lìa của họ làm hai cây violon cũng phân li, tưởng chừng như chúng vô tri nhưng chúng cũng buồn thương và nhớ nhau khôn xiết. Hai người nghệ sĩ đáng thương

cũng dần dần trở nên ích kỉ, ghen ghét lẫn nhau. Cuối cùng thật bi thảm, hai người họ – một người thì hụt hẫng tột độ đến nỗi nhảy lầu tự tử, một người thì bị bệnh tâm thần, miệng cứ lẩm bẩm một câu đến tội nghiệp “Vì sao? Vì sao?”.

Anh con trai người thợ đàn tìm lại được hai cây violon của mình đã mục nát và làm nhà cho lũ chuột nơi nhà kho của một cửa tiệm nọ. Anh chực trào nước mắt trong dòng hoài niệm và đau lòng vì đã không thực hiện được trọn vẹn di nguyện của người cha đáng kính, ông những mong tạo ra hai cây đàn tốt như nhau để giáo dục một bài học quí cho con người: “Trên đời này cái đẹp của các vật khác nhau là giống nhau. Tại sao lại phải so sánh cái đẹp với cái đẹp. Đó là sự hẹp hòi của lòng người mà dẫn tới sự ngu dốt!”. Đám trẻ bên đường ngân nga câu hát như một lần nữa xoáy vào lòng anh và cũng là xoáy vào lòng người

đọc: “Trên đời chỉ có mẹ thương con, con không mẹ như…” Sẽ ra sao nếu trên đời thật sự “chỉ có” mẹ thương con, lúc ấy tình người, sự hòa hợp của lòng người sẽ ra sao và hơn nữa là về mặt nghệ thuật: sự trân trọng và tôn vinh cái đẹp mà không hề và không thể có sự so sánh tính toan lại được dự báo mong manh đến thế sao? Bằng bút pháp tượng trưng, Lương Hiểu Thanh đã làm cho tác phẩm giàu hình ảnh và ý nghĩa. Qua hình tượng nhân vật văn nghệ sĩ là hai người nghệ sĩ violon, ta thấy được cả một niềm trăn trở và sự suy nghĩ về cái đẹp trong nghệ thuật, một khi cái đẹp ấy được phản chiếu qua lăng kính của lòng dạ con người thì mức độ trong trẻo của lăng kính ấy phải như thế nào là điều mà con người phải điều chỉnh cũng như phải ý thức được để hào quang tỏa ra từ cái đẹp sẽ mãi trường tồn, đấy mới là điều quan trọng.

Truyện Mắt đêm của Vương Mông lại xây dựng hình tượng nhân vật là nhà văn đầy nhiệt huyết nhưng cũng đầy trăn trở trước thực trạng xã hội thực dụng, hỗn độn đến xô bồ do hệ quả của nền kinh tế thị trường. Đó là Trần Cảo, một nhà văn hăng hái sáng tác, nhưng do một số sáng tác trước kia lúc anh còn trẻ đã bị người ta xem là quá đáng nên anh phải chịu lưu đày nơi thôn dã hẻo lánh suốt hai mươi năm. Nay anh trở lại phố thị thì đã có quá nhiều đổi khác, muốn tìm gặp người cần gặp để giúp sữa chửa nông cụ cho thôn quê hiện giờ của mình thì anh lại vô cùng thất vọng chán chường trước hành động đòi tiền đúc lót trắng trợn đến vô tâm của kẻ có quyền. Con người nghệ sĩ đầy tình cảm trong anh cảm thấy lạc loài, chơi vơi giữa lòng đô thị, nơi mà những con người “văn minh” miệng thì sáo rỗng “dân chủ” mà lại không hiểu rõ dân chủ là người dân phải thật sự được những cái gì. Goethe đã nói mọi lí thuyết thì xám xịt còn cây đời mãi mãi xanh tươi, cho nên đối với Trần Cảo, anh chỉ có một liên hệ đơn giản mà thấm thía:

…Dân chủ và đùi cừu ướp không mâu thuẫn với nhau đâu. Không có dân chủ thì thịt cừu đưa đến mồm cũng bị người ta cướp mất. Nhưng nếu không giúp người dân ở thị trấn hẻo lánh có thật nhiều thịt cừu ngon thì dân chủ chỉ là những lời trống rỗng xa hoa.

Anh nghĩ rằng những lời lẽ bác học sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có hành động thiết thực đáp ứng nhu cầu và cải thiện đời sống cho nhân dân lao động. Chính vì vậy, Trần Cảo tự nhận xét về mình: “một người cứ chú ý quá nhiều đến thịt cừu thì kĩ

xảo viết truyện sẽ kém sắc sảo, nhưng hiểu được tính cấp thiết của thịt cừu là một tiến bộ to lớn, là một thu hoạch lớn”.

Mắt đêm là câu chuyện mang tính chất “dòng ý thức” miên man dàn trải, và cũng chính vì vậy đã mang lại một sự băn khoăn

dai dứt triền miên cho người đọc khi nhập vào dòng suy tư của nhân vật để cùng trăn trở, cùng suy ngẫm. Nhân vật Trần Cảo là một người sống vì lí tưởng, anh viết văn để cống hiến hết mình, bằng cả lòng tâm huyết mà phải chịu nhiều lận dận. Vùng quê yên ả thanh bình đã làm phẳng lặng tâm hồn và xoa dịu vết thương lòng của Trần Cảo, nhưng khi anh trở về với thành phố rực rỡ ánh đèn thì mọi sự đều xa lạc hẳn, anh không còn (hay không thể) hiểu nổi lòng người, hiểu nổi cuộc đời. Con người ta sống với nhau lại hời hợt và thực dụng đến thế sao? Đồng tiền lại có sức mạnh ghê gớm đến thế sao? Mọi người mãi chạy theo xu hướng hiện đại xa hoa mà bỏ quên những giá trị truyền thống tốt đẹp hay sao?… Tất cả đã làm cho Trần Cảo phải suy nghĩ ưu tư và có gì đó thật sự chán nản. “Hai mươi năm long đong, hai mươi năm cải tạo đã dạy cho Trần Cảo bao điều quí báu,

nhưng đồng thời cũng làm mất đi những cái đáng ra không nên mất”, anh đã gần gũi với những người dân lao động giúp anh

hiểu họ và yêu mến họ, mong ước làm giàu có đời sống tinh thần và cải thiện đời sống vật chất của họ, kêu gọi mọi người nhất là tầng lớp thanh niên chung tay thực hiện thật tốt mục tiêu ấy bằng cả lòng nhiệt huyết và cả lòng tin tưởng. Nhưng hai mươi năm cải tạo cũng cho anh thấy rõ sự ích kỉ nhỏ nhen của những con người hám lợi, vì tiền mà quên đi tình nghĩa. Dù sao, với tấm lòng yêu đời yêu người, với một trái tim dạt dào yêu thương chân thành Trần Cảo vẫn “yêu ánh đèn, yêu những người thợ

đi làm ca đêm, yêu dân chủ, yêu tiền thưởng và đùi cừu ướp…”.Câu chuyện khá buồn qua tâm trạng của nhân vật Trần Cảo.

Nhưng đồng thời qua nhân vật tác giả cũng nêu lên lòng tin trong không khí lạc quan cuối tác phẩm. Qua câu chuyện, chúng ta như nhận được một thông điệp tha thiết: hãy sống có ích và phải biết giữ gìn “thiên lương” tốt đẹp, chấp cánh cho những ước mơ khát vọng bay cao bay xa trên bầu trời nghệ thuật bằng một trái tim đồng cảm, dám dấn thân hành động và hơn hết là phải đầy lòng yêu thương, tin tưởng vào con người.

Cũng là truyện xây dựng bởi hình tượng trí thức là nhà văn, nhưng ở truyện Nhà văn và thiếu nữ của Triệu Quảng Tồn thì nhẹ nhàng hơn, mang đậm tính lãng mạn nhưng rất đời thường. Nhà văn là người tìm tòi phát hiện ra cái đẹp trong cuộc sống thì chính họ cũng phải là người giữ gìn, tôn vinh cả cái đẹp trong tâm hồn. Truyện kể về chuyện tình lãng mạn của một nhà văn ở tận trên phương Bắc và một thiếu nữ mãi dưới Giang Nam, tuy cách xa nhau ở hai đầu đất nước, chỉ trao đổi qua thư từ nhưng chất chứa trong đó là cả một tình yêu nồng nhiệt. Hơn một lần họ cùng muốn được gặp tận mặt nhau nhưng đều không dám dù cả hai đều đang đứng trước cửa nhà nhau, nhưng tuyệt nhiên không có một tiếng gõ cửa nào vang lên. Cuối cùng, họ chọn giải pháp “cảm thấy không gặp vẫn hơn”, vẫn giữ trong lòng một tình yêu thắm thiết nên họ không muốn phá tan cái ranh giới

giữa tưởng tượng và thực tế theo nghĩa tích cực, yêu nhau chân thành qua con tim chứ không vì vẻ đẹp bề ngoài, cái đẹp trong tâm hồn mới đáng trân trọng chứ nét đẹp bên ngoài rốt cuộc chỉ là phù phiếm mà thôi, đó cũng là điều làm nên một tình yêu bền vững.

“Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới” (Dostoievky) đó là câu nói nổi tiếng của nhà văn người Nga được mọi người tâm đắc. Hình

tượng nhân vật trí thức trong các truyện ngắn đương đại Trung Quốc đã phần nào một lần nữa chứng minh hùng hồn cho câu nói ấy. Họ luôn khát khao tìm tòi cái đẹp phục vụ nghệ thuật và thanh lọc tâm hồn con người, cái đẹp của tình người của sự yêu thương lẫn nhau. Dù là hình tượng nhân vật nhà giáo dục hay hình tượng nhân vật văn nghệ sĩ thì tất cả họ đều có lòng tin vào cái đẹp do chính con người tạo ra để cải tại thế giới và dĩ nhiên phải xuất phát từ cái đẹp bên trong thì con người mới có ý thức bải vệ cái đẹp tự nhiên bên ngoài. Nhạy cảm với hơi thở cuộc sống cùng đức tin vào cái đẹp sẽ cứu rỗi con người thì những người trí thức ấy sẽ nhiệt tình dấn thân hành động và tạo được niềm tin mạnh mẽ ở sức mạnh con người, ở tình yêu thương con người. Thế thì ở đây chúng ta cũng có thể nói rằng: tình yêu thương sẽ cứu rỗi con người trên thế giới này.

Một phần của tài liệu tìm hiểu hình tượng nhân vật trong một số truyện ngắn đương đại trung quốc (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(90 trang)
w